Đảng ủy phường Hoa Lư tổ chức Hội nghị

CHUYÊN MỤC

Bộ Thủ tục hành chính công
Quy hoạch - kế hoạch
Thông tin tuyên truyền
Làm theo lời Bác
Góp ý cá nhân, tổ chức
Hỏi đáp
Lịch công tác

Đẩy mạnh các hoạt động bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh

Ngày đăng bài: 07/10/2019
     Từ năm 2013 đến ngày 05 tháng 01 năm 2018, trên địa bàn tỉnh phát hiện, xử lý hơn 215 vụ việc vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm; xử phạt vi phạm hành chính 108 vụ việc, với tổng số tiền xử phạt hơn 3,9 tỷ đồng.

 
     Phòng ngừa, kiểm soát việc các nguồn gây ô nhiễm môi trường, triển khai thực hiện kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg, ngày 22 tháng 4 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và Quyết định số 1788/QĐ-TTg, ngày 01 tháng 10 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đến năm 2020. Đến nay, tỷ lệ các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý đạt 22/42 cơ sở.
     Chỉ đạo các cấp, các ngành nâng cao hiệu lực, hiệu quả, phát huy vai trò của các cơ quan thẩm định, đánh giá tác động môi trường trong việc phòng ngừa, kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm môi trường, tác động xấu lên môi trường của các dự án trước khi cấp phép đầu tư, kiên quyết không chấp thuận những dự án đầu tư có công nghệ lạc hậu và tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Từ năm 2013 đến năm 2017, phê duyệt 110 dự án, nâng tổng số dự án được phê duyệt báo cáo môi trường trên địa bàn tỉnh lên 193 dự án.
Công tác quan trắc, dự báo môi trường được thực hiện hằng năm. Xây dựng 01 trạm quan trắc môi trường nước tự động trên sông Ba, hướng dẫn các cơ sở lắp đặt thiết bị quan trắc tự động liên tục nước thải, khí thải theo Nghị định số 38/2015/NĐ-CP, ngày 24 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu.
     Hằng năm, tỉnh xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất về công tác bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh nói chung, đặc biệt là các loại hình sản xuất, kinh doanh có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Qua các đợt thanh tra, kiểm tra đã xử lý kịp thời các hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật. Từ năm 2013 đến ngày 05 tháng 01 năm 2018, trên địa bàn tỉnh phát hiện, xử lý hơn 215 vụ việc vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm; xử phạt vi phạm hành chính 108 vụ việc, với tổng số tiền xử phạt hơn 3,9 tỷ đồng. Đồng thời, hướng dẫn cơ sở thực hiện đúng các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, xử lý kịp thời các vấn đề ô nhiễm môi trường phát sinh.
Tăng cường quản lý, kiểm soát các nguồn thải gây ô nhiễm môi trường trên các lưu vực sông; kiểm soát và cải thiện chất lượng không khí trong các đô thị, khu dân cư; thực hiện trồng cây phân tán, phát triển các hành lang xanh, tăng diện tích công viên cây xanh trong các đô thị và khu dân cư.
Tăng cường quản lý chất thải rắn, chất thải nguy hại; thúc đẩy việc phân loại chất thải rắn tại nguồn; xã hội hóa công tác thu gom, xử lý chất thải; chú trọng tái sử dụng, tái chế chất thải. Thúc đẩy tiêu dùng sản phẩm tái chế, sản phẩm thân thiện với môi trường.
     Công tác xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đã cơ bản được giải quyết. Phát hiện 37 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Ngoài ra, tỉnh còn có thêm 05 cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng mới phát sinh (do Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định phê duyệt danh mục cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng), trong đó 02 cơ sở đã được đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tuy nhiên do chưa có bể chứa nước thải dự phòng nên chưa được chứng nhận hoàn thành xử lý triệt để ô nhiễm môi trường, còn lại 03 cơ sở chưa được đầu tư đồng bộ hoặc chưa đầu tư hệ thống xử lý nước thải (Trung tâm Y tế huyện Chư Prông, Trung tâm Y tế huyện Đak Đoa và Trung tâm Kiểm nghiệm).
     Các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu đô thị, khu dân cư tập trung, các điểm chế biến, khai thác khoáng sản và hoạt động sản xuất nông nghiệp được tăng cường kiểm soát, không xảy ra ô nhiễm môi trường.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Gia Lai có 03 khu công nghiệp, gồm: Khu công nghiệp thuộc Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh đã cấp đất cho 02 doanh nghiệp và đang trong quá trình xây dựng. Khu công nghiệp Nam Pleiku quy mô 199,55 ha, đang hoàn thành các hồ sơ pháp lý để triển khai thực hiện dự án. Khu công nghiệp Trà Đa đến nay có 48 dự án đầu tư vào Khu công nghiệp, trong đó 36 dự án đã đi vào hoạt động và 12 dự án đang xây dựng. Khu công nghiệp đã được đầu tư cơ sở hạ tầng tương đối hoàn thiện, với hệ thống xử lý nước thải tập trung công suất thiết kế 2.000 m3/ngày đêm. Hầu hết các chủ đầu tư trong Khu công nghiệp đều chấp hành đầy đủ công tác bảo vệ môi trường, đã lập các hồ sơ pháp lý về môi trường và thực hiện các nội dung theo báo cáo đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, xác nhận. Nhìn chung, chất lượng môi trường của Khu công nghiệp Trà Đa trong các năm vừa qua tương đối ổn định, ít gây ô nhiễm môi trường.
     Đối với điểm khai thác, chế biến khoáng sản, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 59 mỏ còn hiệu lực khai thác. Các loại khoáng sản khai thác và chế biến chủ yếu là vật liệu xây dựng thông thường, như: Đá, cát xây dựng, than bùn sản xuất phân vi sinh và đá ốp lát các loại (đá granít, gabrô, bazan trụ, khối...).
Đã có 25 mỏ đã được tỉnh phê duyệt đánh giá tác động môi trường và 34 mỏ đã xác nhận cam kết bảo vệ môi trường/Kế hoạch bảo vệ môi trường. Các mỏ đã được tỉnh phê duyệt Phương án/Đề án/Dự án cải tạo, phục hồi môi trường và nộp tiền ký quỹ với số tiền 19.802 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 95,16%.
     Nhìn chung các tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác khoáng sản có ý thức chấp hành nghiêm túc pháp luật về bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, còn một số doanh nghiệp hoạt động khai thác khoáng sản chậm thực hiện ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường, chưa thực hiện giám sát môi trường định kỳ, chưa quản lý chất thải nguy hại đúng quy định...
     Đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp, hằng năm, lượng bao bì thuốc bảo vệ thực vật thải ra môi trường khoảng 39 tấn/năm, tập trung chủ yếu trên các loại cây trồng chính, như: Chè, cà phê, cao su, hồ tiêu, rau, lúa. Thành phần chủ yếu là chai lọ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng.
Thực hiện Thông tư liên tịch số 05/2016/TTLT-BNNPTNT-BTNMT, ngày 16 tháng 5 năm 2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn - Bộ Tài nguyên và Môi trường về hướng dẫn việc thu gom vận chuyển và xử lý gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụngTỉnh đã lồng ghép nội dung này vào hướng dẫn thực hiện chỉ tiêu môi trường trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Đến nay, hầu hết các huyện đã xây dựng lộ trình thực hiện, lập kế hoạch xây dựng các bể chứa và khu vực lưu chứa bao, gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng. Đã có 06/17 huyện, thị xã, thành phố xây dựng 291 bể thu gom và 100% các công ty nông nghiệp đã thực hiện thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng.
     Ngoài ra, công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát môi trường đối với hoạt động chuyển giao công nghệ, trong quá trình xét duyệt dự án đầu tư đã chú trọng đến công nghệ sản xuất và công nghệ xử lý chất thải của dự án nhằm ngăn chặn việc đưa công nghệ lạc hậu, máy móc, thiết bị, nguyên, nhiên, vật liệu không đảm bảo yêu cầu về môi trường từ bên ngoài vào trong tỉnh. Triển khai thực hiện các đề tài nghiên cứu nhằm đưa ra các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ hoạt động sản xuất.
     Công tác quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Ý thức của người nhân trong việc giữ gìn vệ sinh nơi công cộng được nâng lên. Đến nay, toàn tỉnh hiện có 01 bãi rác hợp vệ sinh tại thành phố Pleiku; 01 khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại thị xã An Khê với công nghệ đốt với công suất 30 tấn/ngày; 02 lò đốt rác thuộc Ủy ban nhân dân huyện quản lý (huyện Chư Sê, huyện Kbang). Ngoài ra, còn có 01 lò đốt rác công suất 01 tấn/giờ do doanh nghiệp tư nhân đầu tư xây dựng đưa vào hoạt động từ tháng 7 năm 2017. Các bãi rác lộ thiên, chưa được đầu tư, xử lý đúng quy trình đã và đang gây ô nhiễm môi trường xung quanh.
     Công tác quản lý chất thải nguy hại đã được tăng cường, các cơ sở đã ý thức hơn trong việc phân loại, lưu giữ, quản lý chất thải nguy hại theo đúng quy định. Hiện đã cấp 253 sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại. Các cơ sở đã chủ động hợp đồng hoặc liên kết nhiều cơ sở hợp đồng với đơn vị có chức năng thu gom, xử lý chất thải nguy hại theo quy định.
     Công tác xử lý chất thải rắn y tế nguy hại được quan tâm đầu tư. Toàn tỉnh có 06/08 bệnh viện tuyến tỉnh, 15/15 bệnh viện tuyến huyện, 01/01 bệnh viện tư nhân và 01/01 bệnh viện thuộc Cục hậu cần Quân đoàn 3 đã đầu tư hệ thống lò đốt chất thải rắn y tế nguy hại với công suất xử lý trung bình 10 - 15 kg/giờ/lò.
     Quản lý nước thải, nước thải công nghiệp: Đối với khu công nghiệp, các nhà máy sản xuất quy mô lớn đã đầu tư hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải. Trên địa bàn tỉnh có 20 đơn vị (các nhà máy, khu/cụm công nghiệp) sản xuất có nguồn thải lớn thuộc đối tượng phải lắp đặt hệ thống quan trắc tự động liên tục theo Nghị định số 38/2015/NĐ-CP, ngày 24 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu, trong đó: quan trắc đối với nước thải có 20 Nhà máy, quan trắc khí thải có 05 Nhà máy. Đến nay, có 04 Nhà máy đã lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động, cụ thể như sau: Nước thải sinh hoạt đô thị: Trên địa bàn tỉnh chưa đầu tư hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt đô thị, khu dân cư tập trung. Việc thu gom, xử lý nước thải của các hộ gia đình còn rất hạn chế, hầu hết nước thải từ các hộ gia đình đều xả trực tiếp vào cống, rãnh, sông ngòi gây ra tình trạng ô nhiễm nguồn nước.
     Nước thải y tế: Tổng số cơ sở y tế đang hoạt động trên địa bàn tỉnh là 291 cơ sở, trong đó: Tuyến tỉnh có 20 cơ sở; tuyến huyện có 17 cơ sở và 14 phòng khám đa khoa khu vực; tuyến xã có 222 trạm y tế; và 18 cơ sở thuộc các bộ, ngành khác (Bệnh viện tư nhân, trung tâm y tế cao su, Bệnh xá Công an...). Ngoài ra, còn có trên 150 các phòng khám tư nhân. Nhìn chung, thời gian qua các bệnh viện, trung tâm y tế, cơ sở y tế tư nhân đã có nhiều cố gắng khắc phục những tồn tại, thiếu sót trong công tác bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, vẫn còn những tồn tại do một số cơ sở y tế chưa được đầu tư hệ thống xử lý chất thải y tế hoặc đã được đầu tư nhưng chưa đồng bộ vì thiếu kinh phí… dẫn đến hoạt động không hiệu quả, gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.
     Việc khắc phục ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường và điều kiện sống của người dân, hạn chế tác động do ô nhiễm môi trường đến sức khỏe của nhân dân
     Những vấn đề bức xúc, điểm nóng về môi trường trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua từng bước được kiểm soát, tập trung giải quyết.
     Đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường, nhất là cho người nghèo, vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số. Đến nay, tỷ lệ dân cư được sử dụng nước hợp vệ sinh ở nông thôn đạt 90%; tỷ lệ dân cư được sử dụng nước sạch ở đô thị đạt 99%.
     Tăng cường công tác thu gom, xử lý chất thải. Đến nay, tỷ lệ chất thải rắn ở đô thị được thu gom đạt 93%; tỷ lệ chất thải rắn y tế được xử lý đạt 97%.
     Việc bảo vệ, phát triển rừng, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, thực hiện Quyết định số 57/QĐ-TTg, ngày 09 tháng 01 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 - 2020; Quyết định số 218/QĐ-TTg, ngày 07 tháng 02 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chiến lược quản lý hệ thống rừng đặc dụng, khu bảo tồn biển, khu bảo tồn vùng nước nội địa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Nghị quyết số 58/NQ-CP, ngày 04 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ về quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu (2011 - 2015) tỉnh Gia Lai, theo đó, hiện trạng rừng đặc dụng của tỉnh năm 2010 là 59.836 ha, quy hoạch đến năm 2020 là 57.737 ha.
Việc rà soát quy hoạch lại 03 loại rừng trên địa bàn tỉnh Gia Lai đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 nhằm bảo tồn và phát triển bền vững rừng đặc dụng, bảo tồn các nguồn gen động thực vật quý hiếm hiện có của Vườn quốc gia Kon Ka Kinh, Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng tạo thành hành lang liên kết giữa Vườn quốc gia Kon Ka Kinh và Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng bao gồm diện tích đất rừng đang quản lý của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp Trạm Lập, Đăk Roong trở thành Khu dự trữ sinh quyển với quy mô diện tích khoảng 83.264 ha. Thực hiện nghiêm các quy định hạn chế tối đa các trường hợp chuyển đổi đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, đất trồng lúa sang các mục đích khác. Công tác trồng và chăm sóc rừng từ năm 2014 đến nay là 11.562 ha.
     Công tác tuyên truyền, phổ biến, triển khai Luật Đa dạng sinh học được lồng ghép vào các hội nghị, hội thảo, các lớp tuyên truyền, phổ biến và nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, quản lý và bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh. Qua các buổi tuyên truyền đã cung cấp các kiến thức cơ bản về bảo vệ môi trường, về đa dạng sinh học và nâng cao nhận thức về bảo tồn thiên nhiên cho cán bộ quản lý môi trường cấp huyện, cấp xã, người dân thuộc các thôn, làng vùng đệm, học sinh các trường tiểu học, trung học cơ sở đóng trên địa bàn vùng đệm.
     Hiện nay, Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh sẽ được lồng ghép vào quy hoạch chung của tỉnh. Công tác bảo tồn đa dạng sinh học của tỉnh tập trung chủ yếu tại Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh và Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kon Chư Răng.
Theo: tinhuygialai.org.vn