TIN TỨC

CHUYÊN MỤC

Kết quả bước đầu thực hiện đổi mới đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 30/2014/BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo

Ngày đăng bài: 14/04/2015
Từ năm học 2014 - 2015, học sinh tiểu học được đánh giá kết quả học tập và rèn luyện theo Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT ngày 28/8/2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về “Ban hành quy định đánh giá học sinh tiểu học” gọi tắt là Thông tư 30. Dựa trên hoạt động quan sát, theo dõi, trao đổi, kiểm tra, nhận xét quá trình học tập, rèn luyện của học sinh; tư vấn, hướng dẫn, động viên học sinh; nhận xét định tính hoặc định lượng về kết quả học tập, rèn luyện; sự hình thành và phát triển một số năng lực, phẩm chất của học sinh tiểu học.

Thực hiện đổi mới đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 30 là cách giúp giáo viên, học sinh, gia đình và nhà trường đánh giá toàn diện sự hình thành và phát triển một số kỹ năng của học sinh tiểu học. Nội dung đánh giá được thực hiện ở ba mặt: học tập, năng lực, phẩm chất của học sinh.

Tiết mục văn nghệ của Trường Tiểu học Trần Quý Cáp đón nhận Bằng công nhận trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ I.

Hình thức cơ bản là đánh giá thường xuyên bằng nhận xét, giáo viên chủ động vận dụng một cách linh hoạt bằng lời nói trực tiếp với học sinh hoặc viết nhận xét vào vở, phiếu học tập của các em về những kết quả đã làm được hoặc chưa làm được, mức độ hiểu biết và năng lực vận dụng kiến thức; mức độ thành thạo các thao tác, kỹ năng cần thiết, phù hợp với yêu cầu của bài học. Giáo viên tiến hành một số công việc như quan sát, theo dõi, trao đổi, kiểm tra quá trình và từng kết quả thực hiện nhiệm vụ của học sinh.

Hằng tuần, giáo viên lưu ý đến những học sinh có nhiệm vụ chưa hoàn thành; giúp đỡ kịp thời để học sinh biết cách hoàn thành. Hằng tháng, giáo viên ghi nhận xét vào sổ theo dõi chất lượng giáo dục về mức độ hoàn thành nội dung học tập từng môn học, hoạt động giáo dục khác; dự kiến và áp dụng biện pháp cụ thể, riêng biệt giúp đỡ kịp thời đối với những học sinh chưa hoàn thành nội dung học tập và hoạt động giáo dục khác trong tháng. Điều quan trọng là khi nhận xét, giáo viên cần đặc biệt quan tâm động viên, khích lệ, biểu dương, khen ngợi kịp thời đối với từng thành tích, tiến bộ giúp học sinh tự tin vươn lên. Ngoài ra, còn kết hợp với đánh giá định kỳ để xác định mức độ hoàn thành hay chưa hoàn thành chương trình đối với mỗi học sinh.


Các em học sinh được rèn luyện tính tự tin trong học tập, tự đánh giá mình và được tham gia nhận xét, góp ý bạn; tham gia bình bầu các bạn đạt thành tích nổi bật. Cha mẹ học sinh tham gia vào đánh giá con em mình, phối hợp với giáo viên và nhà trường động viên, giúp đỡ học sinh học tập, rèn luyện. Không tạo áp lực cho con em học thêm, lo lắng về điểm số hàng ngày.
Mục đích của việc đổi mới đánh giá là giúp giáo viên điều chỉnh, đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức hoạt động dạy học; kịp thời phát hiện những cố gắng, tiến bộ của học sinh để động viên, khích lệ và phát hiện những khó khăn chưa thể tự vượt qua của học sinh để hướng dẫn, giúp đỡ; đưa ra nhận xét đúng những ưu điểm nổi bật và những hạn chế của mỗi học sinh để có giải pháp kịp thời nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động học tập, rèn luyện của học sinh; giúp học sinh có khả năng tự đánh giá, tham gia đánh giá; tự học, tự điều chỉnh cách học, có hứng thú học tập, giao tiếp, hợp tác và rèn luyện để tiến bộ. Việc đánh giá được thực hiện trên nguyên tắc kết hợp đánh giá của giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh, trong đó đánh giá của giáo viên là quan trọng nhất. Thực hiện đánh giá học sinh theo Thông tư 30, đánh giá sự tiến bộ của từng học sinh, nhưng không so sánh học sinh này với học sinh khác, không tạo áp lực cho học sinh và cha mẹ học sinh.

 Kết quả học tập sẽ được đánh giá với hai mức: hoàn thành hoặc chưa hoàn thành. Về hạnh kiểm, đánh giá về năng lực và phẩm chất (đạt hoặc chưa đạt) của học sinh như khả năng tự phục vụ, tự quản; giao tiếp và hợp tác; tính chăm chỉ, tự tin, tự chịu trách nhiệm... Không còn danh hiệu học sinh Giỏi, Tiên tiến... với học sinh tiểu học.

Cuối học kỳ và cuối năm học, giáo viên chủ nhiệm hướng dẫn học sinh bình bầu những học sinh đạt thành tích nổi bật, tham khảo ý kiến cha mẹ học sinh, tổng hợp và lập danh sách đề nghị Hiệu trưởng xét tặng giấy khen hoặc đề nghị cấp trên khen thưởng. Đối với việc khen thưởng, lời khen được ghi trong giấy khen, như: hoàn thành tốt nội dung học tập môn Toán; hoàn thành tốt nội dung học tập môn Khoa học và môn Âm nhạc; có tiến bộ vượt bật trong học tập môn Tiếng Việt; có sáng tạo, say mê học tập môn Mỹ thuật; có tiến bộ vượt bậc trong giao tiếp; có thành tích nổi bật khi tham gia các hoạt động của lớp, trường...  

Đến nay, việc thực hiện đổi mới đánh giá học sinh tiểu học trên địa bàn thành phố đã từng bước đi vào ổn định; những khó khăn ban đầu đã được tháo gỡ; giáo viên, cha mẹ học sinh và các em học sinh đã quen dần với việc thực hiện đánh giá theo Thông tư 30, đồng thuận với kết quả đánh giá học kỳ I của các em. Song, vẫn còn một số khó khăn mà nhà trường và giáo viên phải nỗ lực để hoàn thành nhiệm vụ trong việc thực hiện đổi mới đánh giá học sinh tiểu học trong thời gian tới, đó là:

Hiện nay, số lượng học sinh của mỗi lớp theo quy định là 35 em, nhưng thực tế tại các trường trung tâm thành phố, số học sinh đông nên giáo viên chủ nhiệm lớp phải cố gắng nhiều để có thể theo dõi một cách đầy đủ, ghi nhận xét vào sổ theo dõi chất lượng giáo dục một cách chính xác và có tác dụng động viên, khích lệ, biểu dương kịp thời đối với từng thành tích, tiến bộ giúp học sinh tự tin vươn lên.

Đối với giáo viên dạy các bộ môn như Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục, Tin học, Ngoại ngữ khó khăn trong việc đánh giá chính xác từng học sinh vì các giáo viên này phải dạy nhiều lớp.

Mối liên hệ giữa nhà trường và gia đình học sinh chưa thường xuyên, kết quả trao đổi thông tin giữa giáo viên và phụ huynh học sinh còn rất hạn chế. Vì thế, trong thời gian đến, Ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố sẽ thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp sau:

1. Tiếp tục thực hiện công tác tham mưu về việc tăng cường cơ sở vật chất trường học và bổ sung đội ngũ giáo viên để giảm sĩ số học sinh ở các lớp học tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên trong việc nhận xét, đánh giá học sinh. Cùng đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên các trường nghiên cứu việc đổi mới đánh giá học sinh theo Thông tư 30 để áp dụng một cách có hiệu quả nhất.

2. Tập trung quán triệt cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên nhà trường thực hiện tốt Thông tư 30, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, chủ động lập kế hoạch, bồi dưỡng, giúp đỡ học sinh học tập, rèn luyện hàng tháng. Tiếp tục rèn luyện cho học sinh kỹ năng tự đánh giá và tham gia đánh giá bạn trong lớp học.

3. Tăng cường mối liên hệ giữa nhà trường với phụ huynh học sinh để thực hiện tốt công tác phối hợp trong việc đánh giá học sinh thông qua phiếu nhận xét hoặc trao đổi trực tiếp để có thông tin giúp cho quá trình giáo dục, đánh giá toàn diện năng lực, phẩm chất học sinh.

Tuy vẫn còn một số khó khăn nhất định, nhưng kết quả bước đầu thực hiện Thông tư 30 trong học kỳ I sẽ tạo tiền đề thuận lợi cho việc thực hiện đổi mới đánh giá học sinh tiểu học, đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức hoạt động dạy và học, góp phần thực hiện tốt mục tiêu giáo dục tiểu học trong năm học 2014 - 2015 và các năm học tiếp theo./.

  Nguyễn Chớ
             TUV, Trưởng phòng GD-ĐT thành phố
customer-service.png THÔNG TIN LIÊN HỆ:

1478004194_map-icon.png Địa chỉ: 58 Tăng Bạt Hổ - T
hành phố Pleiku - Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269).3830 155
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269).3828414
1478004004_Mail.png  Email: ubndpleiku@gialai.gov.vn
 
contract-(4).png THÔNG TIN BẢN QUYỀN:

Bản quyền thuộc về UBND thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Hữu Sung - UVBTV Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Pleiku.
Giấy phép số: 01/GP-TTĐT ngày 24/02/2015 của Sở Thông tin và Truyền thông

Chung nhan Tin Nhiem Mang
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN

   Copyright © 2018 
Trang chủ | Tin tức Liên hệ | Mobile | Site map icontop.png