TIN TỨC

CHUYÊN MỤC

Thành phố Pleiku trong công tác xây dựng và phát triển văn hóa cơ sở

Ngày đăng bài: 19/10/2019
Nguyễn Xuân Hà
                                   Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin thành phố
 
Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về  Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước đã khẳng định: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội”. Xuất phát từ quan điểm này, nhiều năm qua thành phố Pleiku luôn quan tâm đến công tác xây dựng và phát triển văn hóa, làm cho văn hóa thấm sâu vào đời sống của đại bộ phận nhân dân trong cộng đồng dân cư...

Cấp ủy và chính quyền địa phương đã triển khai và tổ chức thực hiện đạt được nhiều kết quả đáng trân trọng, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhiệm vụ chính trị và đời sống xã hội ở địa bàn dân cư. Nổi bật là phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được đẩy mạnh và phát triển trở thành phong trào quần chúng rộng rãi, được sự đồng tình hưởng ứng của quần chúng nhân dân, đã từng bước góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân từng bước được nâng cao. Các phong trào thi đua xóa đói giảm nghèo, nhân đạo từ thiện, xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, xây dựng nông thôn mới ngày càng phát triển.
 
bai-vh3-(1).jpg

Thông qua phong trào, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức thành viên tiếp tục tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện tốt pháp lệnh thực hiện quy chế dân chủ cơ sở. Năm 2018 có 254/254 thôn, làng, tổ dân phố (đến nay có 175/175 thôn, làng, tổ dân phố) có hương ước, quy ước đã được UBND thành phố công nhận. Quy ước, hương ước đã có tác dụng tích cực trong việc phát huy vai trò làm chủ của nhân dân, giúp cho nhân dân thực hiện tốt những điều dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra … nhờ đó bầu không khí dân chủ được khơi dậy, ý thức tham gia xây dựng Đảng, Chính quyền, xây dựng cộng đồng dân cư được nâng lên, tạo sự đồng thuận và hạn chế những hành vi vi phạm pháp luật, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ngay ở địa bàn khu dân cư.

Nét nổi bật trong thời gian gần đây là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, được nhân dân đồng tình hưởng ứng. Nhờ vậy năm 2018,  có 234/254 khu dân cư đạt danh hiệu khu dân cư văn hóa, chiếm 92,1%; có 48.991/50.970 gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa, đạt tỷ lệ 96,1%.

Phong trào xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa đã tạo nên những chuyển biến tích cực trong đời sống văn hóa tinh thần của cán bộ công nhân viên chức và người lao động. Nhiều mô hình được các cơ quan, đơn vị xây dựng như: Mô hình cơ quan đơn vị xanh - sạch - đẹp; mô hình: Cải cách thủ tục hành chính; mô hình “An toàn vệ sinh lao động”… Năm 2018, có 156/157 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa, đạt tỷ lệ 99,3%.

Xây dựng văn hóa cơ sở còn góp phần tích cực bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa độc đáo của dân tộc. Ngoài di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã được UNESCO vinh danh là Cồng chiêng Tây nguyên, trên địa bàn còn rất nhiều giá trị văn hóa tiêu biểu  được bảo tồn và phát huy. Các hoạt động giao lưu văn hóa mang tính cộng đồng với  quy mô, cấp độ khác nhau thường xuyên được tổ chức vừa góp phần làm lành mạnh môi trường văn hóa, cải thiện đời sống văn hóa tinh thần tạo điều kiện để đồng bào các dân tộc được giao lưu, trao đổi hiểu biết nhau hơn. Từ đó tạo sự đoàn kết, gắn bó, góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Xây dựng bản làng, quê hương đất nước giàu đẹp, văn minh.

Về cơ sở vật chất, các làng đồng bào dân tộc thiểu số có 19 nhà rông, 8 nhà sinh hoạt cộng đồng, 16 phòng họp của làng. Các nhà rông hầu hết được trang bị phương tiện hoạt động văn hóa thông tin như loa, âm ly, ti vi xem truyền hình…Các nhà sinh hoạt cộng đồng, phòng họp khu dân cư trên địa bàn thành phố hầu hết đều được xây dựng đạt tỷ lệ 96%. Phòng họp khu dân cư được xây dựng theo phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm. Nhiều khu dân cư đã huy động các nguồn lực của nhân dân, của các tổ chức, cá nhân ủng hộ xây dựng nên nhiều phòng họp của tổ dân phố, thôn, làng có quy mô lớn. Các phòng họp của khu dân cư ngoài phục vụ hội họp của cán bộ, nhân dân địa phương còn là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa thể thao của nhân dân ở khu dân cư như sinh hoạt văn hóa văn nghệ, câu lạc bộ, tập thể thao bóng chuyền, bóng bàn…

Biểu diễn nghệ thuật cồng chiêng, múa xoang và hát dân ca vẫn được nhân dân các làng bảo tồn gìn giữ và tổ chức sinh hoạt trong các lễ hội của dân làng và các hoạt động của thành phố. Hiện nay tại các làng đồng bào dân tộc còn lưu giữ 84 bộ cồng chiêng và 25 đội cồng chiêng thường xuyên hoạt động.

Cơ sở vật chất hoạt động thể thao ở các khu dân cư  gồm có hơn 40 sân tập luyện bóng đá, trên 30 sân cỏ mini nhân tạo, trên 60 sân tập luyện bóng chuyền, 39 sân quần vợt, 12 nhà tập thể dục, 10 điểm sinh hoạt bóng bàn, 6 điểm có hồ bơi, 20 điểm tập võ thuật; thành phố đã đầu tư lắp đặt gần 200 dụng cụ thể dục thể thao tại các hoa viên, công viên trên địa bàn…

Tuy nhiên, công tác xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở nổi lên một số hạn chế là: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý của các cấp uỷ đảng và chính quyền địa phương chưa quyết liệt. Những kết quả đã đạt được trong lĩnh vực đời sống văn hoá ở cơ sở còn chưa vững chắc, chất lượng chưa cao, đôi khi còn mang tính hình thức và mắc bệnh thành tích. Cơ sở vật chất và hệ thống thiết chế văn hoá xã hội ở các đơn vị cơ sở tuy đã được đầu tư xây dựng nhưng còn thiếu thiết bị và chưa đạt chuẩn. Đội ngũ cán bộ quản lý hoạt động văn hoá ở cơ sở còn thiếu. Các tiêu cực xã hội và tệ nạn xã hội ở cơ sở còn diễn biến phức tạp, chưa được ngăn chặn và xử lý kịp thời…

Để xây dựng và phát huy vai trò của văn hóa cơ sở, đòi hỏi các cấp, các ngành cần tăng cường công tác xây dựng quy hoạch, đầu tư phát triển hệ thống văn hóa từ cơ sở, tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, đẩy mạnh hoạt động và khơi dậy tiềm năng văn hóa văn nghệ trong nhân dân; thông qua đó để văn hóa từng bước là hạt nhân nòng cốt trong mọi hoạt động của đời sống xã hội bằng các giải pháp trọng tâm cụ thể như sau:
 
baivh4.jpg

1- Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, quán triệt và vận dụng có hiệu quả Nghị quyết số 33 -NQ/TW của Hội nghị lần thứ 9 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước". Hoàn thiện các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người Việt Nam, tạo môi trường và điều kiện để phát triển về nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật; đề cao tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân mình, với gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước.

Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Xây dựng văn hóa trong hệ thống chính trị, trong từng cộng đồng làng, bản, khu phố, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và mỗi gia đình. Phát huy vai trò của gia đình cộng đồng, xã hội trong việc xây dựng môi trường văn hóa, làm cho văn hóa trở thành nhân tố thúc đẩy con người Việt Nam hoàn thiện nhân cách. Hoàn thiện thể chế, chế định pháp lý và thiết chế văn hóa bảo đảm xây dựng và phát triển văn hóa, con người trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh, đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa, tăng cường quảng bá văn hóa Việt Nam. Từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng miền và các giai tầng xã hội. Ngăn chặn và đẩy lùi sự xuống cấp về đạo đức xã hội.

2- Tổ chức thực hiện tốt phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", trọng tâm là xây dựng gia đình văn hóa; thôn, bản, tổ dân phố văn hóa; cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa, tạo nên sự phát triển cả về bề rộng lẫn chiều sâu của phong trào này ở cơ sở. Coi phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” là một trong những nội dung thi đua rộng lớn trên các lĩnh vực, có tác dụng sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, tăng cường và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

3- Tiếp tục đầu tư xây dựng và hoàn thiện các thiết chế văn hóa thông tin ở cơ sở; khai thác và phát huy có hiệu quả các thiết chế văn hóa để phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa của cộng đồng dân cư. Bởi vì hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở đáp ứng nhu cầu sáng tạo, học tập, trao đổi, hưởng thụ, gìn giữ văn hóa, luyện tập thể dục thể thao của các tầng lớp nhân dân. Cơ sở vật chất của hệ thống thiết chế văn hóa tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân thường xuyên đến sinh hoạt, trao đổi thông tin, rèn luyện thân thể để có sức khỏe làm việc, lao động, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, học hỏi lẫn nhau và thắt chặt thêm tình đoàn kết.

Hệ thống thiết chế văn hóa giữ vai trò quan trọng trong tổ chức các hoạt động tuyên truyền nhiệm vụ chính trị, xã hội ở địa phương. Là cơ sở vật chất, công cụ trực tiếp và đắc lực của cấp ủy, chính quyền trong lãnh đạo quần chúng thực hiện các nhiệm vụ chính trị.

4- Quan tâm, chú trọng công tác đào tạo, tập huấn và xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên môn, nghiệp vụ, nhiệt tình, tâm huyết, đáp ứng nhu cầu công việc. Đội ngũ cán bộ văn hóa cơ sở có vai trò quan trọng trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phong trào xây dựng đời sống văn hóa; gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa ở các địa phương.

5- Tăng cường vai trò tự quản của cộng đồng dân cư; phát huy vai trò của các tổ chức kinh tế, xã hội trong và ngoài nước, hỗ trợ phát triển văn hóa, khuyến khích các tổ chức xã hội tham gia vào xây dựng và phát triển văn hóa cơ sở.

Nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở. Tập trung đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; gắn hoạt động của Trung tâm Văn hóa - Thể thao với thực tiễn đời sống và nhu cầu của người dân. Tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao phù hợp với đặc điểm dân tộc, vùng, miền, các nhóm đối tượng và lứa tuổi; thu hút các tài năng nghệ thuật, cộng tác viên trong hoạt động của thiết chế văn hóa.

6- Nâng cao vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc ở các cấp trong việc phối hợp lãnh đạo, tổ chức, vận động quần chúng nhân dân tích cực tham gia xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Thường xuyên tổng kết thực tiễn, rút kinh nghiệm, biểu dương, khen thưởng kịp thời những tập thể và cá nhân điển hình tiên tiến, khắc phục những mặt yếu kém trong các hoạt động và phong trào liên quan đến công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở./.

 
customer-service.png THÔNG TIN LIÊN HỆ:

1478004194_map-icon.png Địa chỉ: 58 Tăng Bạt Hổ - T
hành phố Pleiku - Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269).3830 155
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269).3828414
1478004004_Mail.png  Email: ubndpleiku@gialai.gov.vn
 
contract-(4).png THÔNG TIN BẢN QUYỀN:

Bản quyền thuộc về UBND thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Hữu Sung - UVBTV Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Pleiku.
Giấy phép số: 01/GP-TTĐT ngày 24/02/2015 của Sở Thông tin và Truyền thông

Chung nhan Tin Nhiem Mang
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN

   Copyright © 2018 
Trang chủ | Tin tức Liên hệ | Mobile | Site map icontop.png