TIN TỨC

CHUYÊN MỤC

Kết quả triển khai phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” giai đoạn 2017-2022 trên địa bàn thành phố Pleiku

Ngày đăng bài: 30/10/2022
Nguyễn Thị Bích Vân
Thành ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân thành phố
 
Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững (gọi tắt là Phong trào) là phong trào thi đua trọng tâm và xuyên suốt của Hội nông dân. Trong 05 năm qua, Hội Nông dân thành phố luôn quan tâm, tập trung chỉ đạo, tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của Phong trào; gắn phong trào thi đua yêu nước của Hội với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương; tạo nên khí thế thi đua, khơi dậy khát vọng vươn lên trong sản xuất và tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ nhau trong hội viên nông dân.

Để Phong trào có sức lan tỏa trong toàn thể hội viên, các cấp Hội Nông dân thành phố đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, nội dung của Phong trào; vận động nông dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; đẩy mạnh các hoạt động tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau, trao đổi hướng dẫn cách thức làm ăn để cùng nhau vươn lên làm giàu chính đáng.
 
nd1-(1).jpg
Các cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong thực hiện Phong trào giai đoạn 2017 – 2022. Ảnh: Bá Bính

Trong triển khai Phong trào, các cấp Hội phối hợp chặt chẽ với chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, các ngân hàng thực hiện các hoạt động hỗ trợ hội viên, nông dân phát triển sản xuất và đời sống, cụ thể: Hội Nông dân thành phố đã phối hợp với các ngành tổ chức 103 lớp tập huấn chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ với 5.150 lượt người tham dự; phối hợp với phòng Kinh tế thành phố triển khai đề án Xây dựng, phát triển vườn cà phê đạt tiêu chuẩn VietGAP, hỗ trợ giống cây cà phê tái canh của Công ty trách nhiệm hữu hạn Nestlé (Văn phòng chi nhánh Tây Nguyên) cho người dân; phối hợp tổ chức 18 lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn, với 554 học viên; phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn với tổng dư nợ 94,734 tỷ đồng với 3.104 hộ vay thông qua 82 tổ tiết kiệm và vay vốn; phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn chi nhánh Gia Lai và Đông Gia Lai thực hiện cho vay qua tổ được dư nợ 86,895 tỷ đồng thông qua 26 tổ liên kết với 738 hộ vay. Hoạt động xây dựng Quỹ hỗ trợ nông dân cũng được các cấp hội chú trọng, đến nay tổng nguồn quỹ do hội đang quản lý là 4.185,9 triệu đồng; tính đến ngày 30/7/2022, tổng dư nợ nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân toàn thành phố là 4.141,9 triệu đồng cho 145 hộ vay thực hiện 12 dự án nhóm hộ và 49 hộ dân vay theo phương án sản xuất - kinh doanh theo hộ; cung ứng trên 1.000 tấn phân bón vi sinh theo hình thức trả chậm cho hội viên…
 
Trong những năm qua, Phong trào phát triển và có sức lan tỏa trên nhiều lĩnh vực, thu hút đông đảo hội viên, nông dân hưởng ứng và tích cực tham gia. Phong trào đã giúp nhiều hộ nông dân tăng mức thu nhập, giảm nghèo bền vững, làm giàu chính đáng. Hàng năm có trên 60% số hộ nông dân đăng ký phấn đấu và trên 50% số hộ đăng ký đạt danh hiệu SX-KD giỏi các cấp. Thu nhập bình quân hàng năm (đã trừ chi phí sản xuất) của hộ sản xuất, kinh doanh giỏi giai đoạn 2017 – 2022: Từ 100 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng có 17.631 hộ; từ 200 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng có 3.074 hộ; từ 300 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng có 742 hộ; từ 500 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng có 217 hộ và trên 01 tỷ đồng có 50 hộ. Qua thực hiện Phong trào đã xuất hiện nhiều gương nông dân điển hình trong sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, tiêu biểu như: Hộ hội viên Cù Quốc Hùng, thôn 6, xã Gào với tổng diện tích đất sản xuất: 23 ha (đất trồng cà phê, sầu riêng, hồ tiêu) và là cơ sở thu mua nông sản, cung cấp chồi cà phê ghép (giống Thiện Trường) cho thị trường (150.000 chồi/năm); tổng thu nhập 03 tỷ/năm. Hộ hội viên Hoàng Văn Đức, chi hội 3, phường Trà Bá, mở xưởng mộc dân dụng, trồng cà phê và cây ăn quả; thu nhập bình quân 2,5 tỷ đồng/năm…
 
nd2.jpg
Hộ hội viên Trương Văn Kỳ (tổ 12, phường Hoa Lư) thu gom trứng gà để bán cho mối buôn. Ảnh: Nhã Uyên
 
Một trong những kết quả nổi bật là Phong trào đã thúc đẩy việc ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất; mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh; từng bước thành lập các loại hình hợp tác sản xuất. Thông qua Phong trào, với sự vận động, hỗ trợ và hướng dẫn của các cấp Hội, nhiều hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi đã trở thành sáng lập viên thành lập tổ hợp tác nhằm liên kết, mở rộng quy mô, tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Trong 05 năm qua, các cấp Hội đã trực tiếp cũng như phối hợp với các ngành chức năng vận động, hướng dẫn thành lập được 12 hợp tác xã nông nghiệp, 04 tổ hợp tác, 03 chi hội nghề nghiệp với 55 thành viên, 01 chi hội nghề nghiệp trong hợp tác xã, 57 tổ hội nghề nghiệp với 733 thành viên, phối hợp thành lập 05 mô hình nông hội với 238 thành viên; các chi, tổ hội nghề nghiệp là tiền đề để hình thành tổ chức kinh tế tập thể khi đủ điều kiện.

Ngoài ra, Phong trào cũng đã phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, giúp đỡ lẫn nhau giữa các hộ sản xuất kinh doanh giỏi với các hộ hội viên nông dân khó khăn bằng cách tạo công ăn việc làm, hỗ trợ nguồn vốn, cây con giống, kinh nghiệm sản xuất…, nhiều hộ nông dân có hoàn cảnh khó khăn đã được giúp đỡ, mở ra cơ hội để mỗi người phấn đấu vượt khó vươn lên. Các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi đã và đang tạo việc làm tại chỗ cho trên 16.000 lao động, trong đó có trên 7.000 lao động có việc làm thường xuyên và trên 9.000 lao động có việc làm theo mùa vụ. Điển hình như: Hộ hội viên Hoàng Thị Xuân, chi hội 4, phường Đống Đa với mô hình nuôi và kinh doanh cá nước ngọt, thu nhập bình quân 1,2 tỷ đồng/năm, thường xuyên tạo việc làm cho 35-40 lao động; hộ hội viên Trương Văn Duy tại phường Phù Đổng, đã tạo việc làm cho 6 lao động thường xuyên và 30 lao động thời vụ; hỗ trợ vốn cho 15 hộ dân chủ yếu là người dân tộc thiểu số đầu tư sản xuất; hộ hội viên Rơ Lan Đắk tại xã Ia Kênh, trồng cà phê và có xưởng xay xát nông sản, tạo việc làm cho 05 lao động thường xuyên và 20 lao động thời vụ; hộ hội viên Hyuih - Làng Tiêng 2 xã Tân Sơn, kinh doanh quán gà nướng cơm lam, lợi nhuận trên 300 triệu đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 08 lao động…

Phong trào cũng đã khuyến khích, động viên nông dân xây dựng nếp sống văn hóa ở nông thôn; thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương. Nhiều hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi đã trở thành hạt nhân đoàn kết và nhân tố hòa giải có uy tín trong cộng đồng dân cư, tích cực tham gia công tác xã hội và tham gia giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Trong 05 năm qua, thành phố đã thành lập được 116 mô hình tự quản về an ninh, trật tự, 03 mô hình chi hội nông dân không vi phạm pháp luật; 07 câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật”; tích cực tham gia thực hiện Cuộc vận động 5 không” góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.
 
Cùng với đó, Phong trào cũng có sức thu hút và tạo sự gắn bó ngày càng chặt chẽ giữa tổ chức Hội với hội viên, nông dân, góp phần thúc đẩy xây dựng, củng cố tổ chức Hội ngày càng vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Giai đoạn 2017 - 2022, Hội đã kết nạp thêm được 1.541 hội viên, nâng tổng số hội viên toàn thành phố lên 11.778 hội viên, chiếm 88,5% số hộ nông nghiệp của thành phố. Hàng năm, 100% cơ sở Hội được xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên. Trong 5 năm qua, đã có trên 500 lượt cán bộ, hội viên được tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ công tác Hội do Trung ương, tỉnh và thành phố tổ chức.

Các cấp Hội Nông dân thường xuyên gắn việc thực hiện Phong trào với tuyên truyền, vận động hội viên nông dân tiếp tục phát huy vai trò chủ thể trong xây dựng nông thôn mới, thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Tuyên truyền, vận động hội viên nông dân chung sức xây dựng nông thôn mới bằng những việc làm thiết thực, cụ thể; tiếp tục đóng góp kinh phí, ngày công lao động tham gia tu sửa, xây dựng các công trình hạ tầng nông thôn; chỉnh trang, tu bổ nhà cửa, tạo cảnh quan môi trường nông thôn mới xanh, sạch, đẹp... Trong những năm qua, hội viên, nông dân toàn thành phố đã đóng góp xây dựng nông thôn mới trên 7,8 tỷ đồng, trên 5.000 ngày công lao động; hiến đất và di dời hàng rào, vật kiến trúc để mở rộng đường giao thông nông thôn với tổng diện tích trên 15.000 m2; sửa chữa, làm mới trên 450 km đường giao thông nông thôn; tham gia nạo vét 25,3 km kênh mương; xóa 13 nhà tạm bợ, dột nát…
 
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Phong trào vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như: Kết quả Phong trào phát triển chưa đồng đều giữa các địa phương; tỷ lệ hộ đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi cấp trung ương và cấp tỉnh còn thấp; công tác tuyên truyền về Phong trào một số nơi chưa thường xuyên, chưa làm chuyển biến nhận thức của một bộ phận hội viên, nông dân trong thay đổi nếp nghĩ, cách làm; quy mô hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi còn nhỏ, sản xuất còn phân tán nên tính cạnh tranh của sản phẩm thấp; hoạt động sản xuất, kinh doanh theo chuỗi liên kết còn hạn chế.

Để tiếp tục đẩy mạnh Phong trào, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị ở địa phương; trong thời gian tới, Hội Nông dân thành phố triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; quán triệt Chỉ thị 39-CT/TW ngày 21/5/2004 của Bộ Chính trị về việc “Tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến”; Nghị quyết Hội nghị lần thứ 12 của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (Khóa VII) về việc thực hiện ba nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt.

Hai là, phối hợp chặt chẽ với các ngành nhằm phát huy nguồn lực và khơi dậy tiềm năng trong từng hộ nông dân để thúc đẩy Phong trào phát triển trên các tất cả các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Gắn chỉ đạo Phong trào với củng cố, xây dựng tổ chức Hội. Thường xuyên tổ chức kiểm tra, sơ, tổng kết rút kinh nghiệm công tác tổ chức chỉ đạo phong trào trong các cấp Hội. Tổ chức biểu dương, khen thưởng các tập thể và cá nhân có thành tích trong thực hiện Phong trào.

Ba là, vận động nông dân liên kết nhóm hội, phát triển các mô hình trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã, tham gia liên kết với doanh nghiệp để nâng quy mô sản xuất và khối lượng sản phẩm để tạo ra vùng sản xuấ hàng hóa tập trung gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm và xây dựng thương hiệu.
 
Bốn là, phối hợp với các ngành, các ngân hàng, doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện có hiệu quả các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ hội viên, nông dân về kỹ thuật, đào tạo nghề, vốn, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản. Đẩy mạnh phát triển Quỹ Hỗ trợ nông dân theo Quyết định 673/QĐ-TTg, ngày 10/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ, chủ động đề xuất với cấp ủy và chính quyền địa phương cấp vốn cho Quỹ Hỗ trợ nông dân. Tập trung nguồn vốn quỹ để hỗ trợ vốn vay cho các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi mở rộng đầu tư sản xuất, xây dựng mô hình.
customer-service.png THÔNG TIN LIÊN HỆ:

1478004194_map-icon.png Địa chỉ: 58 Tăng Bạt Hổ - T
hành phố Pleiku - Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269).3830 155
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269).3828414
1478004004_Mail.png  Email: ubndpleiku@gialai.gov.vn
 
contract-(4).png THÔNG TIN BẢN QUYỀN:

Bản quyền thuộc về UBND thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Hữu Sung - UVBTV Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Pleiku.
Giấy phép số: 01/GP-TTĐT ngày 24/02/2015 của Sở Thông tin và Truyền thông

Chung nhan Tin Nhiem Mang
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN

   Copyright © 2018 
Trang chủ | Tin tức Liên hệ | Mobile | Site map icontop.png