CHUYÊN MỤC

Cơ cấu tổ chức
Bộ Thủ tục hành chính công
Hỏi đáp - Góp ý
Lịch công tác
Quy hoạch - Kế hoạch
Phổ biến pháp luật

Xã Gào vẫn anh hùng

Ngày đăng bài: 03/11/2017
Xã Gào thuộc thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai là đơn vị được Nhà nước hai lần phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang. Đầu năm 1930, tổ chức Công hội đỏ được thành lập tại đồn điền chè Bầu Cạn, trên địa bàn xã Gào. Đây là một trong những cơ sở cách mạng sớm nhất ở Pleiku. Theo già làng Rơ Mah Yêh, sở dĩ xã Gào tham gia cách mạng sớm bởi bà con Gia Rai ở vùng này bị bọn thực dân Pháp bóc lột, sưu thuế nặng nề, đi xâu liên miên. Mỗi người một năm phải đi xâu 100 ngày. Vì đói ăn rách mặc, không có thuốc chữa bệnh, nên năm nào cũng dịch bệnh, dân làng chết hàng loạt. Tổ Công hội đỏ lãnh đạo bà con người Kinh, người Thượng cùng đứng lên đấu tranh chống ăn chặn tiền công, chống đi xâu, giảm thuế...

Khí phách anh hùng
Nằm cạnh nách thành phố Pleiku, án ngữ con đường huyết mạch đi Buôn Ma Thuột và đường đi Đức Cơ, đi Plei Me..., những chốt thép trong hệ thống phòng thủ của chính quyền Mỹ ngụy, vậy mà trong 30 năm kháng chiến chống Mỹ, bà con nơi đây đã chiến đấu hàng trăm trận bảo vệ làng xã, bảo vệ căn cứ kháng chiến của Thị ủy Pleiku an toàn, đánh hàng trăm trận tập kích vào trung tâm chỉ huy, bẻ gãy ý đồ hành quân của địch. Ông Rơ Mah Yêh kể, có đến hàng chục lần giặc ném bom hủy diệt, làng xóm cháy trụi, rồi chúng vây giáp, ép dân dồn vào ấp chiến lược nhưng bà con cương quyết không nghe. Đến bây giờ, người dân xã Gào còn nhớ mãi câu nói của người liệt sĩ Siu Lơi trong một lần dồn dân lập ấp. Đứng trước nòng súng giặc, người đảng viên Siu Lơi chém xà gạc trước cầu thang nói: “Sống chết chúng tao ở đây. Đứa nào dỡ nhà, tao chặt đầu!”. Lần ấy, địch chịu lùi trước thái độ cương quyết của dân làng.
 
Không chỉ chiến đấu dũng cảm, người xã Gào trong lao động xây dựng quê hương cũng giỏi, không kém bất cứ vùng quê nào trong cả nước. Ngay sau ngày giải phóng, bà con xã Gào bắt tay vào định canh, định cư xây dựng nông thôn mới. Một loạt chương trình như xây dựng trường học, trạm y tế, giếng nước, làm đường giao thông, thủy lợi, xây dựng cánh đồng, dựng lại nhà ở..., lập làng định cư, được bắt đầu trên nền đổ nát của chiến tranh. Trái phá, bom, mìn dầy đặc nhưng không cản được quyết tâm của bà con. Cánh đồng 70 ha, trong đó có 30 ha lúa nước, với một trạm bơm tưới được đưa vào sản xuất để giải quyết cái ăn và ổn định đời sống. Công việc khó khăn nhất của bà con là gieo cấy lúa nước và thâm canh các loại cây trồng. Một số hộ có kinh nghiệm sản xuất thâm canh giỏi ở xã An Phú và bà con kinh tế mới trong xã ở làng Ba, làng Bốn, làng Năm giúp đỡ bà con làm ruộng nước,  hướng dẫn từng người tập cày bằng bò, gieo mạ, cấy lúa và kỹ thuật chăm bón... Nhờ vậy, dân làng có cái ăn, cái mặc.
 
Muốn làm người xã anh hùng thì phải chăm nương rẫy
 
Những năm sau này, tập đoàn sản xuất Gào Ring De, một trong bảy làng của xã được tham gia câu lạc bộ 10 tấn của cả nước. Đến nay, diện tích lúa nước hai vụ của xã Gào đã lên 200 ha, cà phê 320 ha, cao su 127 ha, cộng với hàng chục hecta cây ăn quả và hồ tiêu. 100% số hộ có radio, 75% số hộ có tivi, cả xã được dùng nước sạch, 160 xe máy, xe cày hơn 40 cái, 60 máy bơm nước và 10 máy xay xát... Tất cả các tuyến đường giao thông trong các buôn, làng đều được làm mới rộng 10 mét để bà con vận chuyển tiêu thụ nông sản thuận lợi. Điều mà khách lạ dễ nhận ra là 100% số hộ đã có nhà ngói và nhà lợp tôn, trong đó có 35% số nhà xây cấp 4. Buổi tối, điện thắp sáng buôn làng. Có điện phục vụ đời sống, bây giờ, mùa khô chị em không phải gùi nước suối xa vài ba cây số. So với trước ngày giải phóng, sản xuất, đời sống tăng hơn hai chục lần. Chỉ tính từ năm 1994 đến nay, đàn trâu bò từ 70 con đã lên đến 2.700 con, sản lượng lúa từ 200 tấn lên đến 600 tấn. Hiện nay, xã Gào chỉ còn 13 hộ nghèo, không còn hộ đói. Toàn xã có 2 trường phổ thông cơ sở, 36 lớp học với 630 học sinh, 7 lớp mẫu giáo, đã được công nhận phổ cập tiểu học và xóa mù.
 
 Hôm chúng tôi đến thăm Plei Gào, già làng Rơ Mah Yêh kể với chúng tôi: “Xã mình có một gia đình nghe lời bọn xấu dụ dỗ bỏ ruộng rẫy. Mình chỉ mặt nó bảo: Muốn làm người xã anh hùng thì chăm chỉ nương rẫy. Nghe bọn xấu, không ưng ở làng mình thì ta cho con cháu dọn đỡ giúp!”. Ông cười vui: “Nói vậy thôi, chúng đâu dám làm càn. Chúng biết người Gia Rai xã Gào giặc nào cũng không ngán mà!”.
 
Không phải mình ông Rơ Mah Yêh nghĩ vậy, mà bất kỳ người Gia Rai nào ở xã Gào vẫn thường nhắc nhở nhau: “Xã mình anh hùng đấy! Hãy làm cho tốt để anh hùng mãi mãi!”.
Trang chủ     |     Tin tức     |     Liên hệ     |     Mobile     |     Site map

Copyright © 2013 Bản quyền thuộc về UBND TP Pleiku
Chịu trách nhiệm chính: ...  
Địa chỉ: 81 Hùng Vương, phường Tây Sơn, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai - Điện thoại:0593 830 155  - Fax: 059. 3828 414 - Email: vpubpleiku@gmail.com
Giấy phép số: 01/GP-TTĐT ngày 24/02/2015 của Sở Thông tin và Truyền thông Gia Lai.
Phát triển bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Gia Lai