CHUYÊN MỤC

Bộ Thủ tục hành chính công
Cơ cấu tổ chức
Hỏi đáp - Góp ý
Quy hoạch - Kế hoạch
Phổ biến pháp luật
Thủ tục hành chính mức độ 2
TRACUU.png

HOP-THU-DIEN-TU1-(1).jpg

HOP-THU-DIEN-TU1-(1).jpg

HOP-THU-DIEN-TU1-(1).jpg

HOP-THU-DIEN-TU1-(1).jpg
 

Gia Lai: Đẩy nhanh thực hiện các mục tiêu cải cách hành chính đến năm 2020

Ngày đăng bài: 12/11/2019

Thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020 của Chính phủ, trong những năm qua, công tác CCHC luôn được Đảng bộ, chính quyền địa phương tỉnh Gia Lai quan tâm, chỉ đạo. Nhờ vậy, với mục tiêu đề ra bước đầu Gia Lai đã đạt một số kết quả khả quan:


1. Về những kết quả chủ yếu đối với sáu nhiệm vụ CCHC

Đối với cải cách thể chế:  Trong thời gian qua văn bản QPPL trên địa bàn tỉnh được ban hành đúng thẩm quyền, đáp ứng các yêu cầu về tính cần thiết, tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất theo hệ thống pháp luật. Riêng năm 2014, Sở Tư pháp đã tiến hành thẩm định, góp ý, kiểm tra, tự kiểm tra, rà soát tổng cộng 2.859 văn bản. Các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã tiến hành tổng rà soát kỳ đầu với 1.713 văn bản, tham mưu UBND tỉnh xử lý kết quả rà soát và cập nhật Hệ thống cơ sở dữ liệu làm cơ sở pháp lý phục vụ cho việc kiểm tra, xử lý văn bản tại địa phương.[1]

Về cải cách thủ tục hành chính: Trong giai đoạn 2011-2015 tỉnh đã ban hành 86 Quyết định công bố TTHC, công bố công khai 3680 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh, bao gồm: 2.755 TTHC mới, 569 TTHC sửa đổi, 356 TTHC bị bãi bỏ. Niêm yết, công khai TTHC bằng nhiều hình thức [4]. Cơ chế một cửa, một cửa liên thông tiếp tục được triển khai đồng bộ: Tính đến 30/12/2018 có 100% Sở, Ban, Ngành tỉnh UBND cấp huyện, UBND cấp xã trên đia bàn tỉnh triển khai mô hình ‘một cửa’. Có 17/20 Sở, Ban, Ngành tỉnh đạt 85%, 17/17 UBND cấp huyện (100%) và 124/222 UBND cấp xã (đạt 55,85%) đã triển khai mô hình ‘một cửa liên thông’ (một cửa hiện đại). dự kiến trong 2019 toàn tỉnh sẽ đạt 100% xã, phường, thị trấn sử dụng mô hình này.[5]

Theo đánh giá thì mức độ hài lòng của người dân đối với chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính trên địa bàn tỉnh đạt 83,3% trong năm 2014[6]. Riêng năm 2016, đánh giá qua chỉ số PAPI thì thủ tục hành chính công có chiều tướng tăng 6.96/10 điểm, so với 2015 chỉ đạt 6.9 điểm [7]
1-cua-tp.jpg
 Người dân đến giải quyết thủ tục hành chính tại Bưu điện tỉnh. Ảnh: H.T (baogialai.com.vn)

Về cải cách tổ chức bộ máy hành chính: Giai đoạn 2011-2016 tỉnh đã quy định lại chức năng nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của các Sở, ngành: Nội vụ, Tư pháp, Thanh tra, Tài nguyên môi trường, Khoa học và Công nghệ. Đề xuất thành lập mới Sở Ngoại vụ. Tổ chức lại hệ thống văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện trở thành chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai của Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh trực thuộc Sở Tài nguyên và môi trường theo quy định tại Nghị định số 43/2014/NĐ-CP. Hoàn thành quy hoạch phát triển hệ thống trường học phổ thông và mầm non từ tỉnh đến xã, sắp xếp và tổ chức lại các đơn vị trường chuyên nghiệp, các cơ sở y tế trên địa bàn phù hợp với yêu cầu của trung ương và thực tiễn địa phương.

Bên cạnh đó chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về “một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” và Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) “về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập” trên địa bàn tỉnh.

Về đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức: Đã tập trung chú trọng vào xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ CB, CC, VC. Bên cạnh đó, tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo trong thực thi hoạt động công vụ, đề cao trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức như: Văn bản số 858/UBND-NC ngày 27/3/2013 về việc nâng cao hiệu quả sử dụng thời giờ làm việc của cán bộ, công chức, viên chức nhà nước; văn bản số 805/UBND-NC ngày 17/3/2014 về quy định không uống rượu bia trong giờ làm việc nơi công sở; văn bản chỉ đạo thực hiện tốt Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 19/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh phòng, chống tiêu cực trong công tác quản lý công chức, viên chức và thi đua, khen thưởng; văn bản số 1839/UBND-NC ngày 26/5/2014 chỉ đạo thực hiện tốt văn bản của Bộ Nội vụ về việc tăng cường quản lý công tác tuyển dụng công chức, viên chức... Đến nay, 18/18 Sở, ban, ngành tỉnh; 17/17 huyện, thị xã, thành phố đã xây dựng đề án vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức trong các cơ quan hành chính, vị trí việc làm và cơ cấu chức danh nghề nghiệp viên chức trong các đơn vị sự nghiệp. Đề án cũng đã được Bộ Nội Vụ phê duyệt.

Việc tuyển dụng, bố trí, sắp xếp công việc cho công chức, viên chức đã đảm bảo đúng theo quy định, thi tuyển đã bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch và đảm bảo tính cạnh tranh. Việc đánh giá, xử lý kỷ luật đối CBCCVC có vi phạm được thực hiện kịp thời, nghiêm minh và theo quy định của pháp luật. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức các cấp của địa phương được chú trọng với việc chủ động xây dựng các kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức theo các giai đoạn 2010 – 2015, giai đoạn 2015 -2020 và kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hàng năm. Đến nay, với 100% các cơ quan hành chính ở tỉnh đã xây dựng cơ cấu cán bộ, công chức theo vị trí việc làm, tỷ lệ công chức cấp xã đạt tiêu chuẩn theo chức danh là trên 90%[4]

Về cải cách tài chính công: Đến nay, tỉnh đã thực hiện khoán biên chế và chi hành chính theo Nghị định số 130/2005/NĐ-CP cho tất cả các cơ quan hành chính trên địa bàn tỉnh gồm 42/42 đơn vị dự toán cấp tỉnh, 298/298 đơn vị dự toán cấp huyện. Thực hiện Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ,  UBND tỉnh đã quyết định giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, khoa học công nghệ, văn hóa thông tin, nông lâm nghiệp… Đến nay, số đơn vị sự nghiệp công lập cấp tỉnh được giao tự chủ là 142/169 đơn vị (trong đó, 05 đơn vị tự bảo đảm chi phí hoạt động thường xuyên, 43 đơn vị đảm bảo một phần chi phí hoạt động thường xuyên và 94 đơn vị do ngân sách nhà nước đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động). Số đơn vị sự nghiệp công lập cấp huyện được giao tự chủ là 167/528 đơn vị (trong đó, 28 đơn vị tự bảo đảm chi phí hoạt động thường xuyên, 23 đơn vị đảm bảo một phần chi phí hoạt động thường xuyên và 116 đơn vị do ngân sách nhà nước đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động).

Về hiện đại hóa nền hành chính: Đến nay, hầu hết các Sở, ngành và UBND cấp huyện đã thực hiện công khai hóa hoạt động quản lý hành chính trên trang thông tin điện tử. Hệ thống quản lý văn bản và điều hành đã triển khai cho toàn bộ 35 cơ quan chuyên môn cấp tỉnh và đơn vị hành chính cấp huyện (18/18 Sở, ngành  và 17/17 huyện, thị xã, thành phố), có hơn 18 cơ quan nhà nước có sử dụng phần mềm chuyên dụng phục vụ công tác chuyên môn; có 50 cơ quan, đơn vị cấp tỉnh và đơn vị trực thuộc khác trên địa bàn tỉnh đã đăng ký sử dụng, thực hiện việc trao đổi thông tin, tài liệu bằng hộp thư điện tử công vụ của tỉnh và hơn 6.000 cán bộ, công chức, viên chức đã được tạo lập hộp thư điện tử. Tỷ lệ cán bộ, công chức thường xuyên sử dụng thư điện tử cho công việc đạt tỷ lệ khoảng 40%. Giai đoạn 2011-2015, tỉnh tổ chức đầu tư cải tạo các cơ quan hành chính, chú trọng vào đầu tư xây dựng chính quyền cấp xã, xây dựng và đưa vào sử dụng Khu liên cơ hiện đại dành cho các cơ quan hành chính của tỉnh, đồng thời chỉ đạo tiếp tục lập quy hoạch, kế hoạch đầu tư hình thành khu hành chính tập trung ở tỉnh, cấp huyện, đáp ứng điều kiện, phương tiện làm việc theo tiêu chuẩn công sở hiện đại.

2. Tiếp tục đẩy nhanh thực hiện các mục tiêu trong CCHC đến 2020:

Thứ nhất: Tiếp tục cụ thể hóa chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011-2020 của Chính phủ, xây dựng kế hoạch triển khai các nhiệm vụ CCHC giai đoạn 2016-2020 của tỉnh; Bên cạnh đó, tăng cường công tác về chỉ đạo, điều hành, đề cao vai trò của cấp ủy và người đứng đầu các cấp, các ngành đối với thực hiện các nhiệm vụ CCHC. Thực tế cho thấy, ở các cơ quan, địa phương có sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của cấp ủy và người đứng đầu thì triển khai thực hiện công tác CCHC luôn đạt được kết quả tốt.

Thứ hai: Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về “một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” và Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) “về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập” trên địa bàn tỉnh.

Thứ ba: Rà soát các thủ tục hành chính (TTHC) còn chồng chéo, khó thực hiện để kiến nghị với cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ; thủ tục hành chính liên quan đến cá nhân, tổ chức được thực hiện theo hướng gọn nhẹ, đơn giản, tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân và tổ chức trong quá trình thực hiện TTHC; duy trì, củng cố hoàn thiện nâng cao chất lượng thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại 100% cơ quan hành chính Nhà nước của tỉnh.

Thứ tư: Tập trung xây dựng, đào tạo - bồi dưỡng đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã để đảm bảo đủ về số lượng, cơ cấu, đáp ứng tốt về năng lực và có khả năng ứng phó với những thay đổi, đáp ứng được yêu cầu CCHC ngày càng cao trong giai đoạn mới của địa phương. Phấn đấu đến 2020, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ở tỉnh cần có số lượng, cơ cấu hợp lý, đủ trình độ và năng lực thi hành công vụ chuyên nghiệp, có phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị vững vàng, tận tụy phục vụ nhân dân; 100% cơ quan hành chính ở tỉnh có cơ cấu cán bộ, công chức theo vị trí việc làm.

Thứ năm: Xây dựng tốt về quy chế phối hợp giữa các cấp, các ngành, các đơn vị trên địa bàn trong việc chủ động giải quyết những vấn đề có liên quan trong thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính, đặc biệt là trong lĩnh vực thủ tục hành chính.

Thứ sáu: Tiếp tục chú trọng vào giải quyết TTHC, xem TTHC là khâu đột phá của CCHC địa phương, tiếp tục triển khai hiệu quả mô hình “một cửa”, “một cửa liên thông”, công khai, minh bạch tất cả các loại TTHC liên quan đến người dân, tổ chức, doanh nghiệp. Đến năm 2020, mức độ hài lòng của nhân dân và doanh nghiệp về thủ tục hành chính phải đạt mức trên 80%; sự hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính đạt mức trên 80%; sự hài lòng của cá nhân đối với dịch vụ do đơn vị sự nghiệp công cung cấp trong các lĩnh vực giáo dục, y tế đạt mức trên 80%. [2]

Thứ bảy: Chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, trụ sở và trang thiết bị làm việc. Phấn đấu hoàn thành mục tiêu đến 2020 có ít nhất 80% trụ sở cấp xã đảm bảo quy định tại Quyết định số 1441/QĐ-TTg ngày 06/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ, 90% các văn bản, tài liệu chính thức trao đổi giữa các cơ quan hành chính tỉnh, huyện được thực hiện dưới dạng điện tử, có ít nhất 50% cán bộ, công chức cấp xã được cung cấp hộp thư điện tử và thường xuyên sử dụng trong công việc; tổ chức tốt thí điểm xây dựng trang thông tin điện tử cung cấp đầy đủ thông tin theo quy định tại một số phường; hầu hết các dịch vụ công được cung cấp trực tuyến trên mạng thông tin điện tử hành chính của tỉnh ở mức độ 3 và 4; có ít nhất 70% cơ quan hành chính từ cấp huyện trở lên có mạng nội bộ được trang bị hệ thống bảo mật, an ninh thông tin, việc quản lý văn bản và điều hành công việc nội bộ theo mô hình văn phòng điện tử; 50% cơ quan hành chính tỉnh, huyện thực hiện cơ chế một cửa hiện đại.

Thứ tám: Thường xuyên làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với toàn bộ hoạt động của các cơ quan nhà nước và đội ngũ cán bộ, công chức trên địa bàn. Phát huy vai trò tiếng nói của người dân, doanh nghiệp, các tổ chức trong việc thực hiện các nhiệm vụ CCHC. Quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong quản lý, điều hành và thực thi công vụ, kiên quyết và xử lý kịp thời, nghiêm minh những trường hợp tiêu cực./.   
 
Chú thích:
1. Quyết định số 04/QĐ-UBND ngày 04/01/2012 của UBND tỉnh Gia Lai về việc ban hành Chương trình cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020.

2. Gia Lai về Kế hoạch CCHC nhà nước giai đoạn 2016-2020.3.

3. Quyết định số 618/QĐ BND ngày 25 tháng 12 năm 2018 của UBND tỉnh Gia Lai về ban hành Kế hoạch cải cách hành chính năm 2019 của tỉnh Gia Lai.

4. Báo cáo số 102/BC-UBND ngày 30/7/2015 của UBND tỉnh Gia Lai về Sơ kết công tác cải cách hành chính nhà nước giai đoạn I (2011-2015) và phương hướng, nhiệm vụ cải cách hành chính nhà nước giai đoạn II (2016-2020) của tỉnh Gia Lai.

5. Báo cáo số 143/BC-UBND ngày 07 tháng 12 năm 2018 về kết quả công tác cải cách hành chính 2018.

6. Theo kết quả điều tra xã hội học của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy về công tác CCHC tại báo cáo số 329-BC/BTGTU ngày 04/12/2014

7. Báo cáo chỉ số PAPI 2017
                                                                                                                              NGUYỄN THỊ BÌNH
                                                  Trường Chính trị tỉnh Gia Lai
Trang chủ     |     Tin tức     |     Liên hệ     |     Mobile     |     Site map

Copyright © 2013 Bản quyền thuộc về UBND TP Pleiku
Chịu trách nhiệm chính: ...  
Địa chỉ: Xã Chư Á,  TP. Pleiku, Gia Lai - Điện thoại:0593 830 155  - Fax: 059. 3828 414 - Email: chua.pleiku@gialai.gov.vn
Giấy phép số: 01/GP-TTĐT ngày 24/02/2015 của Sở Thông tin và Truyền thông Gia Lai.
Phát triển bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Gia Lai