TIN TỨC

CHUYÊN MỤC

Vướng mắc trong thủ tục kiểm tra tính pháp lý của hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc trên địa bàn thành phố Pleiku

Ngày đăng bài: 14/10/2017
Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) năm 2012 đã có những sửa đổi đối với việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính và để triển khai thực hiện các quy định này, Chính phủ và các Bộ, ngành đã ban hành một số Nghị định, Thông tư hướng dẫn để kịp thời áp dụng các quy định của Luật XLVPHC vào thực tiễn. Trong thời gian qua, trên địa bàn thành phố Pleiku tình hình tội phạm, vi phạm hành chính về ma túy có những diễn biến phức tạp, vì vậy biện pháp xử lý hành chính được áp dụng nhiều nhất là biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Một trong các điểm mới về thủ tục lập hồ sơ, xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc của Luật XLVPHC là quy định Phòng Tư pháp có trách nhiệm kiểm tra tính pháp lý của hồ sơ đề nghị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, từ đó phát sinh những vướng mắc khi áp dụng các văn bản để thực hiện nhiệm vụ này.

Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) năm 2012 đã có những sửa đổi đối với việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính. Cụ thể, Luật XLVPHC quy định thẩm quyền xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính hạn chế trực tiếp quyền tự do của công dân gồm biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc và đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là Tòa án nhân dân. Theo đó, Luật XLVPHC cũng đã quy định về thủ tục lập hồ sơ, xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính nhằm bảo đảm sự tham gia của người bị đề nghị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính, các quy định cụ thể về trình tự, thủ tục lập hồ sơ đề nghị và thủ tục xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính…

Để triển khai thực hiện việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính, Chính phủ và các Bộ, ngành đã ban hành một số Nghị định, Thông tư hướng dẫn để kịp thời áp dụng các quy định của Luật XLVPHC vào thực tiễn. Trong thời gian qua, trên địa bàn thành phố Pleiku tình hình tội phạm, vi phạm hành chính về ma túy có những diễn biến phức tạp, vì vậy biện pháp xử lý hành chính được áp dụng nhiều nhất là biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Một trong các điểm mới về thủ tục lập hồ sơ, xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc của Luật XLVPHC là quy định Phòng Tư pháp có trách nhiệm kiểm tra tính pháp lý của hồ sơ đề nghị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Luật XLVPHC năm 2012 có hiệu lực từ ngày 01/7/2013, các quy định liên quan đến việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính do Tòa án nhân dân xem xét quyết định có hiệu lực từ ngày 01/01/2014, Nghị định 221/2013/NĐ-CP ngày 30/12/2013 của Chính phủ quy định về chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc có hiệu lực từ ngày 15/2/2014 đáp ứng kịp thời cho việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính theo Luật XLVPHC 2012, tuy nhiên Thông tư 19/2015/TT-BTP ngày 28/12/2015 của Bộ Tư pháp quy định về việc kiểm tra tính pháp lý của Trưởng Phòng Tư pháp cấp huyện đối với hồ sơ đề nghị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc và đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc thì đến ngày 15/02/2016 mới có hiệu lực thi hành. Trong khi đó, ngày 09/9/2016 Chính phủ ban hành Nghị định 136/2016/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 221/2013/NĐ-CP quy định về chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Vì vậy, nội dung của Thông tư số 19/2015/TT-BTP còn nhiều nội dung bất cập chưa thống nhất, đồng bộ với Nghị định số 136/2016/NĐ-CP đối với quy định về thủ tục kiểm tra tính pháp lý của hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

 Về đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sơ cai nghiện bắt buộc

Thông tư số 19/2015/TT-BTP chỉ quy định về việc kiểm tra tính pháp lý của hồ sơ đề nghị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc của 2 nhóm đối tượng:

+ Người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên có nơi cư trú ổn định, đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn do nghiện ma túy mà vẫn còn nghiện.

+ Người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên chưa bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn do nghiện ma túy nhưng không có nơi cư trú ổn định.

Theo đó, hồ sơ kiểm tra tính pháp lý có sự phân biệt giữa đối tượng có nơi cư trú ổn định (Khoản 2, khoản 5 Điều 16) và đối tượng không có nơi cư trú ổn định; phân biệt giữa trường hợp người vi phạm không cư trú tại nơi vi phạm pháp luật  nhưng xác định được nơi cư trú (khoản 3 Điều 16) và trường hợp người vi phạm không cư trú tại nơi vi phạm pháp luật nhưng không xác định được nơi cư trú (khoản 4 Điều 16) mà hồ sơ bắt buộc phải có đối với trường hợp người vi phạm có nơi cư trú ổn định hoặc có thể có (nếu có) đối với những trường hợp còn lại là: Tài liệu về biện pháp giáo dục đã áp dụng là Giấy chứng nhận đã chấp hành xong quyết định giáo dục tại xã, phường, thị trấn (điểm c,khoản 2, điều 6 Thông tư số 19/2015/TT-BTP).

 Trong khi đó, Nghị định số 136/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 221/2013/NĐ-CP, trong đó sửa đổi, bổ sung Điều 3 Nghị định 221/2013/NĐ-CP về đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cụ thể Nghị định số 136/2016/NĐ-CP quy định thêm một nhóm đối tượng là: Người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên, có nơi cư trú ổn định, bị chấm dứt thi hành quyết định giáo dục tại xã, phường, thị trấn do nghiện ma túy” và mở rộng nhóm đối tượngNgười nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên, không có nơi cư trú ổn địnhkhông phân biệt “đã bị” hay “chưa bị” áp dụng biện pháp giáo dục tại xã phường như khoản 2, Điều 3 Nghị định 221/2013/NĐ-CP.

Khi Nghị định 136/2016/NĐ-CP bổ sung đối tượng áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc, các quy định về kiểm tra tính pháp lý của hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc theo Thông tư số 19/2015/TT-BTP trở nên không tương thích, cụ thể là quy định về hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Điều 16, Thông tư số 19/2015/TT-BTP không quy định về hồ sơ đối với 2 nhóm đối tượng mới bổ sung ở Nghị định 136/2016/NĐ-CP:

Người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên, có nơi cư trú ổn định, bị chấm dứt thi hành quyết định giáo dục tại xã, phường, thị trấn do nghiện ma túy: hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính của đối tượng này sẽ không áp dụng khoản 2và khoản 5 Điều 16 Thông tư số 19/2015/TT-BTP được vì sẽ không có Giấy chứng nhận đã chấp hành xong quyết định giáo dục tại xã, phường, thị trấn (điểm c,khoản 2, điều 6 Thông tư số 19/2015/TT-BTP) vì đang chấp hành biện pháp giáo dục tại xã phường chưa hết thời gian thì đã vi phạm.

Người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên, không có nơi cư trú ổn định, người nghiện không cư trú tại nơi vi phạm nhưng xác định được nơi cư trú và chưa bị áp dụng Biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Trong trường hợp này không thể áp dụng khoản 3 Điều 16 Thông tư 19/2015/TT-BTP vì không có Giấy chứng nhận đã chấp hành xong quyết định giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo quy định tại khoản 2 Điều 16, nhưng cũng không thể áp dụng khoản 4 Điều 16 Thông tư này vì khoản 4 Điều 16 là quy định cho trường hợp “ không xác định được nơi cư trú” của người vi phạm.

Về thành phần hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc:

 Tại khoản 2, khoản  3, khoản 4, khoản 5, khoản 6 Điều 16 Thông tư số 19/2015/TT-BTP thành phần hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính có một số điểm khác nhau nhưng luôn bao gồm các tài liệu, giấy tờ theo quy định tại điểm a, b,c,d khoản 2 Điều 16 Thông tư này:

a) Bản tóm tắt lý lịch của người bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính;

b) Tài liệu chứng minh tình trạng nghiện ma túy hiện tại của người bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc gồm: Phiếu trả lời kết quả xác định tình trạng nghiện ma túy, các chất dạng thuốc phiện của người có thẩm quyền;

c) Bản tường trình của người vi phạm hoặc của người đại diện hợp pháp của họ d) Biên bản vi phạm hành chính về hành vi sử dụng ma túy trái phép;

Tuy nhiên, theo quy định tại Nghị định 136/1016/NĐ-CP, hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc (sửa đổi Điều 9 Nghị định 221/2013/NĐ-CP) thì:

 “1. Đối với người nghiện ma túy có nơi cư trú ổn định:

a) Bản tóm tắt lý lịch của người bị đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;

b) Bản tường trình của người bị đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc hoặc người đại diện hợp pháp của họ;

c) Biên bản vi phạm hành chính về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy hoặc phiếu xét nghiệm có kết quả dương tính với chất ma túy tại thời điểm lập hồ sơ;

d) Bản sao giấy chứng nhận đã chấp hành xong quyết định giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 3 Nghị định này hoặc bản sao Quyết định chấm dứt thi hành quyết định giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 3 Nghị định này.

2. Đối với người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định:

a) Tài liệu quy định tại Điểm a, Điểm b, Điểm c Khoản 1 Điều này;

b) Phiếu trả lời kết quả của người có thẩm quyền quy định tại Khoản 1 Điều 10 Nghị định này về tình trạng nghiện ma túy hiện tại của người bị đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;

c) Tài liệu xác định người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định.”

Như vậy, theo Nghị định 136/2016/NĐ-CP đối với người nghiện có nơi cư trú ổn định thì không phải lúc nào hồ sơ cũng phải có Biên bản vi phạm hành chính về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy như Điều 16 Thông tư số 19/2015/TT-BTP  quy định mà có thể thay bằng Phiếu xét nghiệm có kết quả dương tính với chất ma túy tại thời điểm lập hồ sơ.

Đối với người nghiện không có nơi cư trú ổn định thì tại Điều 16 Thông tư số 19/2015/TT-BTP không quy định giấy tờ, tài liệu để xác định người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định.

Những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các quy định về kiểm tra tính pháp lý của hồ sơ đề nghị áp dụng đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc

 Khái niệm nơi cư trú và nơi cư trú ổn định

Theo quy định tại khoản 1, Điều 103, Luật XLVPHC về việc lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được chia làm 2 trường hợp: Đối với người nghiện ma túy có nơi cư trú ổn định thì Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc (điểm a, khoản 1 Điều 103); trường hợp người nghiện ma túy không cư trú tại nơi người đó có hành vi vi phạm pháp luật thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã phải xác minh; trường hợp xác định được nơi cư trú thì có trách nhiệm chuyển người đó kèm theo biên bản vi phạm về địa phương để xử lý; trường hợp không xác định được nơi cư trú của người đó thì lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc (điểm b, khoản 1 Điều 103).

Vì vậy, việc xác định người nghiện ma túy có nơi cư trú ổn định và không có nơi cư trú ổn định sẽ quyết định áp dụng điểm a hay điểm b khoản 1 Điều 103 Luật XLVPHC để lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Khác nhau giữa quy định tại điểm a và điểm b khoản 1, Điều 103 Luật này là sự khác biệt giữa khái niệm “nơi cư trú” và “nơi cư trú ổn định”.

Nếu khái niệm “nơi cư trú ổn định” đã được quy định cụ thể tại khoản 1, Điều 2 Nghị định 221/2013/NĐ-CP: “nơi cư trú ổn định là nơi người vi phạm thường trú hoặc tạm trú nhưng phải là nơi người đó hiện đang thường xuyên sinh sống”.

Tuy nhiên “nơi cư trú” được hiểu như thế nào thì hiện nay Luật Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định 221/2013/NĐ-CP và Nghị định 136/2016/NĐ-CP, Thông tư 19/2015/TT-BTP cũng không quy định cụ thể.

Tại khoản 1 Điều 40 của Bộ luật dân sự 2015 quy định “Nơi cư trú của cá nhân là nơi người đó thường xuyên sinh sống”. Luật cư trú quy định “Cư trú là việc công dân sinh sống tại một địa điểm thuộc xã, phường, thị trấn dưới hình thức thường trú hoặc tạm trú”. Nghị định 56/2010/NĐ-CP ngày 24/5/2010 của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 107/2007/NĐ-CP ngày 25/6/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật cư trú quy định: “Nơi cư trú của công dân là chỗ ở hợp pháp mà người đó thường xuyên sinh sống. Nơi cư trú của công dân là nơi thường trú hoặc nơi tạm trú”. Trường hợp không xác định được nơi cư trú của công dân theo quy định này, thì nơi cư trú của công dân là nơi người đó đang sinh sống và có xác nhận của Công an xã, phường, thị trấn.

Có thể thấy rằng nếu khái niệm “nơi cư trú ổn định” được Nghị định 221/2013/NĐ-CP quy định cụ thể 2 điều kiện “thường xuyên sinh sống” và phải đăng ký “thường trú hoặc tạm trú”, thì khái niệm “nơi cư trú” trong Bộ Luật dân sự chỉ quy định là nơi “thường xuyên sinh sống” không đề cập đến hình thức quản lý là có đăng ký thường trú hoặc tạm trú hay không, còn Luật Cư trú thì chỉ quy định là có sinh sống tại một địa điểm và có đăng ký thường trú hoặc tạm trú, không đề cập đến có sinh sống thường xuyên hay không. Không có quy định nào để làm rõ “sinh sống” và “sinh sống thường xuyên” khác biệt như thế nào để làm cơ sở cho việc phân biệt trường hợp có “nơi cư trú ổn định” và “có sinh sống tại nơi đăng ký thường trú hoặc tạm trú”. Tuy nhiên, khi đối chiếu với quy định về “nơi cư trú” tại Nghị định 56/2010/NĐ-CP thì gần như tương thích với quy định về “nơi cư trú ổn định” theo Nghị định 221/2013/NĐ-CP, trừ trường hợp không xác định được nơi cư trú là nơi thường xuyên sinh sống và có đăng ký thường trú hoặc nơi tạm trú thì mới xác định là nơi người đó đang sinh sống và có xác nhận của Công an xã, phường, thị trấn.

Việc nhập nhằng giữa “ nơi cư trú” và “nơi cư trú ổn định” làm ảnh hưởng đến sự thống nhất trong việc áp dụng quy định tại điểm a hay điểm b khoản 1, Điều 103 Luật XLVPHC để lập hồ sơ đề nghị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Về thời hiệu áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc

Tại Điều 17 Thông tư 19/2015/TT-BTP quy định thống nhất với Điều 4 Nghị định 221/2013/NĐ-CP: Thời hiệu áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là 03 tháng, kể từ ngày cá nhân thực hiện hành vi sử dụng ma túy trái phép lần cuối bị phát hiện và lập biên bản theo quy định tại Điều 8, Nghị định 221/2013/NĐ-CP.

Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 9 của Nghị định 221/2013/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bằng Nghị định 136/2016/NĐ-CP thì quy định trong hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là: “Biên bản vi phạm hành chính về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy hoặc phiếu xét nghiệm có kết quả dương tính với chất ma túy tại thời điểm lập hồ sơ”.

Vì vậy, không phải hồ sơ nào cũng bắt buộc phải có Biên bản vi phạm hành chính mà có thể thay thế bằng Phiếu xét nghiệm có kết quả dương tính với chất ma túy tại thời điểm lập hồ sơ. Vì vậy, trong trường hợp hồ sơ không có biên bản vi phạm hành chính thì không thể xác định thời hiệu áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo Điều 17 của Thông tư 19/2015/TT-BTP được xác định từ ngày nào.
 
Những quy định chưa cụ thể tại Nghị định 221/2013/NĐ-CP và những quy định chưa tương thích giữa Thông tư 19/2015/TT-BTP và Nghị định 136/2016/NĐ-CP đã gây ảnh hưởng đến việc áp dụng các quy định của pháp luật trong công tác phối hợp giữa các cơ quan thuộc thành phố và UBND các xã phường trong quá trình lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc trên địa bàn thành phố Pleiku.
 
Ngọc Huyền
Phòng Tư pháp TP Pleiku
customer-service.png THÔNG TIN LIÊN HỆ:

1478004194_map-icon.png Địa chỉ: 58 Tăng Bạt Hổ - T
hành phố Pleiku - Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269).3830 155
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269).3828414
1478004004_Mail.png  Email: ubndpleiku@gialai.gov.vn
 
contract-(4).png THÔNG TIN BẢN QUYỀN:

Bản quyền thuộc về UBND thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Hữu Sung - UVBTV Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Pleiku.
Giấy phép số: 01/GP-TTĐT ngày 24/02/2015 của Sở Thông tin và Truyền thông

Chung nhan Tin Nhiem Mang
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN

   Copyright © 2018 
Trang chủ | Tin tức Liên hệ | Mobile | Site map icontop.png