TIN TỨC

CHUYÊN MỤC

Phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số trong quá trình cải cách hành chính nhà nước

Ngày đăng bài: 27/02/2022
ThS. Ngô Thị Thu Hồng
Trường Chính trị tỉnh Gia Lai
 
Ngày 15/7/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 76/NQ-CP Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030. Nghị quyết số 76/NQ-CP đề ra 06 nội dung trọng tâm đó là: Cải cách thể chế; Cải cách thủ tục hành chính; Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; Cải cách chế độ công vụ; Cải cách tài chính công và Xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số.

Việc xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình CCHC Nhà nước giai đoạn 2021-2030 một cách toàn diện, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả, lấy người dân làm trung tâm, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo đánh giá chất lượng hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước.

Trong những nội dung của Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước thì công tác hiện đại hóa nền hành chính, thực hiện chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số là điểm sáng thúc đẩy thay đổi lề lối, phương thức làm việc của các cơ quan nhà nước là một trong những nội dung quan trọng nhất.
 
anh-minh-hoa-(1).jpg
(Ảnh minh họa)


Đầu tiên, chúng ta phân biệt thế nào là chính phủ điện tử và chính phủ số:

Chính phủ điện tử là tin học hoá các quy trình đã có, còn Chính phủ số là cung cấp các dịch vụ mới theo nhu cầu của người dân và doanh nghiệp, đặc biệt chú ý dịch vụ mới.

Chính phủ điện tử tập trung vào dịch vụ công trực tuyến, Chính phủ số chuyển mọi hoạt động của Chính phủ lên môi trường số, hoạt động dựa trên dữ liệu và cung cấp thêm các dịch vụ mới. Chính phủ điện tử chủ yếu dùng công nghệ thông tin (CNTT), còn Chính phủ số là dùng công nghệ số, nhất là công nghệ của cách mạng Công nghiệp 4.0.

Khác biệt cốt lõi của Chính phủ số là sử dụng dữ liệu để ra quyết định, coi dữ liệu là một tài nguyên mới, đó là chuyển đổi về cách thức, ra quyết định của cơ quan chính quyền dựa trên báo cáo bản giấy sang dữ liệu phân tích định lượng và tổng hợp từ nhiều nguồn dữ liệu khác nhau. Đó là sự kết nối và chia sẻ dữ liệu của các cơ quan nhà nước để người dân chỉ cần cung cấp thông tin 1 lần cho cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp có thể sử dụng dữ liệu này để cung cấp thêm các dịch vụ mới.

Tại Đại hội lần thứ XIII đã nhận thấy tầm quan trọng của Chính phủ điện tử, chính phủ số và Văn kiện Đại hội lần thứ XIII đã khẳng định: “Thực hiện chuyển đổi số quốc gia một cách toàn diện để phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số. Phấn đấu đến năm 2030, hoàn thành xây dựng chính phủ số.”

Trên cơ sở đó, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27- 9-2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó nhấn mạnh yêu cầu cấp bách để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Đồng thời, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 01/CT-TTg ngày 14-1-2020 về “Thúc đẩy phát triển công nghệ số Việt Nam”, Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3-6-2020 phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Ngày 15/6/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 942/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030. Nếu thực hiện tốt các giải pháp để phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ trong thời gian tới thì người dân, doanh nghiệp có thể sử dụng dịch vụ số theo nhu cầu cá thể hóa, theo suốt cuộc đời, khi cần, theo cách thuận tiện, trực tuyến hoặc trực tiếp, dễ dàng, đơn giản, nhanh chóng, không giấy tờ, không cần sự hiện diện nếu pháp luật không yêu cầu.

Mỗi người dân có danh tính số kèm theo QR code, tiến tới đều có điện thoại thông minh. Mỗi hộ gia đình có địa chỉ số, có khả năng truy cập Internet cáp quang băng rộng.

Mỗi người dân đều có hồ sơ số về sức khỏe cá nhân. Mỗi trạm y tế xã đều triển khai hoạt động quản lý trạm y tế xã trên môi trường số. Mỗi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đều triển khai tư vấn khám, chữa bệnh từ xa dựa trên nhu cầu thực tế. Mỗi bệnh viện, trung tâm y tế công đều triển khai hồ sơ bệnh án điện tử, thanh toán viện phí không dùng tiền mặt, đơn thuốc điện tử. Công khai giá thuốc, giá trang thiết bị y tế, giá khám chữa bệnh.
Mỗi học sinh, sinh viên đều có hồ sơ số về việc học tập cá nhân. Mỗi cơ sở đào tạo đều triển khai hoạt động quản lý dạy và học trên môi trường số. Triển khai thanh toán học phí không dùng tiền mặt, học liệu số. Triển khai đại học số là quốc gia số thu nhỏ, thay đổi mô hình dạy và học để tối ưu hóa vận hành các cơ sở đào tạo đại học, tối ưu hóa trải nghiệm học tập của sinh viên và khuyến khích các mô hình đào tạo mới.

Cơ quan Nhà nước thiết kế mô hình tổ chức, cách thức vận hành dựa trên  dữ liệu và công nghệ số, tạo ra môi trường làm việc và công cụ làm việc để cán bộ, công chức, viên chức có thể thực hiện tốt nhất nhiệm vụ của mình, kết nối và hợp tác với nhau dễ dàng hơn, đưa ra quyết định kịp thời hơn, ban hành chính sách tốt hơn, sử dụng nguồn lực tối ưu hơn. Do đó, đây là một nội dung quan trọng.

 Thực tế, hiện nay trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã có 100% cơ quan, đơn vị, địa phương và một số cơ quan nhà nước khác đã sử dụng Hệ thống quản lý văn bản và điều hành (Văn phòng điện tử). Tính tới ngày 26/5/2020, trên địa bàn tỉnh đã thực hiện gửi, nhận hơn 2.978.600 lượt trao đổi văn bản điện tử; 100% văn bản được trao đổi dưới dạng điện tử giữa các cơ quan nhà trong đó hoàn toàn dưới dạng điện tử là 95%; tất cả các văn bản đều được ký chữ ký số theo quy định của Bộ Nội vụ.

Cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp, đặc biệt là cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4.

Hiện nay, toàn tỉnh có 1.972 TTHC, tất cả đều được cung cấp ở mức độ 2, trong đó có 325 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 150 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được tích hợp tại Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh. Từ năm 2015 đến ngày 31/3/2020, tỷ lệ TTHC cung cấp trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 có phát sinh hồ sơ là 57,86%. Tỷ lệ hồ sơ TTHC được xử lý trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4 là 100%. Cổng dịch vụ công của tỉnh Gia Lai đã tích hợp, chia sẻ toàn bộ dữ liệu tiếp nhận, xử lý hồ sơ giải quyết TTHC từ dữ liệu của hệ thống một cửa điện tử từ cấp tỉnh - huyện - xã và theo đánh giá công khai trên hệ thống, có trên 80% cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, UBND cấp huyện, UBND cấp xã đạt điểm đánh giá từ tốt trở lên.

Số đơn vị xây dựng, sử dụng phần mềm một cửa điện tử, tỷ lệ hồ sơ giải quyết qua hệ thống một cửa điện tử: 100% sở, ban, ngành của tỉnh, UBND cấp huyện, UBND cấp xã trên địa bàn tỉnh đã triển khai mô hình “Một cửa điện tử”. Đến ngày 26/05/2020, hệ thống đã tiếp nhận 155.835 hồ sơ, trong đó: hồ sơ đã  giải quyết đúng hạn: 153.705 hồ sơ; hồ sơ trễ (đã xử lý) là 890 (chiếm 0,57% trên tổng số hồ sơ đã xử lý); hồ sơ trễ (đang xử lý) là 1.240 (chiếm 0,8% trên tổng số hồ sơ đang xử lý); tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn đạt 98,63% trên tổng số hồ sơ đã tiếp nhận trên hệ thống.

Như vậy, qua những kết quả trên có thể thấy tỉnh Gia Lai đã quan tâm tới xây dựng Chính quyền điện tử, chính quyền số. Tại Quyết định số 602/QĐ-UBND ngày 17 tháng 9 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chình nhà nước giai đoạn 2021-2030 và định hướng đến năm 2030 của tỉnh Gia Lai trong đó cũng tập trung nội dung xây dựng và phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số về Hoàn thiện môi trường pháp lý; Phát triển hạ tầng số; Phát triển nền tảng và hệ thống số; Phát triển dữ liệu số: - Phát triển ứng dụng, dịch vụ nội bộ; Phát triển ứng dụng, dịch vụ phục vụ người dân, doanh nghiệp; Xây dựng, phát triển đô thị thông minh như triển khai các dịch vụ trên nền tảng đô thị thông minh tại thành phố Pleiku; kịp thời sơ kết đánh giá và nhân rộng các mô hình hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tiễn.
Có thể nói, coi trọng phát triển ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, xác định đây là động lực quan trọng góp phần thúc đẩy công cuộc đổi mới tạo khả năng đi tắt, đón đầu để thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Do đó, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số tại Việt Nam được xác định gắn liền với giải quyết các vấn đề lớn để từ đó, phục vụ người dân và doanh nghiệp được tốt hơn. Phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số cũng chính là hướng tới phát triển kinh tế số, xã hội số làm cho người dân giàu hơn, hạnh phúc hơn. Do đó, trong giai đoạn tới, để nâng cao năng lực cạnh tranh trong khu vực, Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa trong việc nâng cao hiệu quả Chính phủ điện tử, Chính phủ số đồng thời tập trung vào các lĩnh vực nhiều tiềm năng như Đô thị thông minh, thương mại điện tử - hai lĩnh vực được kỳ vọng sẽ góp phần thiết thực trong việc ổn định tình hình kinh tế, xã hội giai đoạn hậu COVID-19 hiện nay./.
customer-service.png THÔNG TIN LIÊN HỆ:

1478004194_map-icon.png Địa chỉ: 58 Tăng Bạt Hổ - T
hành phố Pleiku - Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269).3830 155
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269).3828414
1478004004_Mail.png  Email: ubndpleiku@gialai.gov.vn
 
contract-(4).png THÔNG TIN BẢN QUYỀN:

Bản quyền thuộc về UBND thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Hữu Sung - UVBTV Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Pleiku.
Giấy phép số: 01/GP-TTĐT ngày 24/02/2015 của Sở Thông tin và Truyền thông

Chung nhan Tin Nhiem Mang
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN

   Copyright © 2018 
Trang chủ | Tin tức Liên hệ | Mobile | Site map icontop.png