TIN TỨC

CHUYÊN MỤC

Nhìn lại hoạt động chứng thực trên địa bàn thành phố Pleiku trong những năm qua

Ngày đăng bài: 22/08/2014
Hoạt động chứng thực hiện đang được điều chỉnh bởi 2 Nghị định (NĐ 75/2000/NĐ-CP; NĐ 79/2007/NĐ-CP) và 6 Thông tư, bên cạnh đó còn có hàng loạt các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động chứng thực như Luật Đất đai năm 2003, Bộ luật Dân sự năm 2005, Luật Nhà ở năm 2005… Kể từ ngày 01/6/2010, thực hiện Quyết định số 06/2010/QĐ-UBND của UBND tỉnh Gia Lai về việc chuyển giao các hợp đồng, giao dịch cho các tổ chức hành nghề công chứng, UBND thành phố Pleiku và UBND các xã, phường không thực hiện chứng thực hợp đồng, giao dịch theo thẩm quyền quy định tại Nghị định 75/2000/NĐ-CP.

Đến thời điểm hiện tại trên địa bàn thành phố Pleiku chỉ thực hiện chứng thực theo quy định tại: Nghị định số 79/2007/NĐ-CP ngày 18/5/2007 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký; Nghị định số 04/2012/NĐ-CP ngày 25/01/2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Điều 5 Nghị định số 79/2007/NĐ-CP ngày 18/5/2007 về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký; Nghị định số 06/20112/NĐ-CP ngày 02/02/2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về hộ tịch, hôn nhân và gia đình và chứng thực; Thông tư số 03/2008/TT-BTP ngày 25/8/2008 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định 79/2007/NĐ-CP ngày 18/5/2007 về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký; Quyết định số 06/2010/QĐ-UBND ngày 03/3/2010 của UBND tỉnh Gia Lai về việc quy định thẩm quyền công chứng, chứng thực các hợp đồng, giao dịch trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

Nhận thức được tầm quan trọng của công tác chứng thực, Thành ủy, UBND thành phố luôn quan tâm, chỉ đạo sâu sát việc triển khai thực hiện công tác chứng thực. Trên cơ sở đó, UBND thành phố ban hành Chỉ thị số 06/2007/CT-UBND ngày 30/7/2007 về việc triển khai thực hiện Nghị định 79/2007/NĐ-CP để chỉ đạo triển khai đồng bộ công tác chứng thực trên địa bàn thành phố. Ngoài ra, UBND thành phố đã ban hành các văn bản chỉ đạo UBND các xã phường trong việc triển khai công tác chứng thực.

Với chức năng là cơ quan tham mưu giúp UBND thành phố thực hiện thống nhất công tác quản lý nhà nước về hoạt động chứng thực trên địa bàn thành phố Pleiku. Phòng Tư pháp thành phố đã tích cực chủ động tham mưu thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật nên họat động chứng thực trên địa bàn thành phố trong thời gian qua đã đạt được kết quả nhất định. Xác định công tác kiểm tra hoạt động chứng thực là nội dung quan trọng của công tác quản lý nhà nước về hoạt động chứng thực, hàng năm, Phòng Tư pháp chủ động xây dựng Kế hoạch công tác Tư pháp của ngành, trên cơ sở Kế hoạch, Phòng Tư pháp thành phố tiến hành xây dựng kế hoạch kiểm tra công tác tư pháp cơ sở trên địa bàn thành phố. Thông qua hoạt động kiểm tra đã giúp cho UBND các xã, phường trên địa bàn thành phố thực hiện đúng, nghiêm túc và đầy đủ quy trình, thủ tục chứng thực; đồng thời thực hiện tốt các quy định về cải cách thủ tục hành chính, niêm yết công khai thủ tục và mức thu lệ phí chứng thực, thu đúng, thu đủ mức thu lệ phí chứng thực theo quy định của pháp luật và tạo điều kiện thuận lợi cho công dân, tổ chức khi có nhu cầu giao dịch chứng thực.

Nhìn chung hoạt động chứng thực trên địa bàn thành phố Pleiku đã đi vào nề nếp và có những đóng góp tích cực trong việc đáp ứng yêu cầu chứng thực của cơ quan, tổ chức, cá nhân, góp phần phòng ngừa tranh chấp, vi phạm pháp luật, thúc đẩy sự phát triển của các giao dịch dân sự, kinh tế, thương mại.

Tuy nhiên hiện nay tình trạng lạm dụng bản sao có chứng thực đang ngày càng trở nên phổ biến, gây phiền hà cho người dân, lãng phí cho xã hội. Kết quả thống kê số liệu chứng thực từ năm 2007 đến 31/3/2014 cho thấy, Phòng Tư pháp thành phố thực hiện chứng thực: 6.388 trường hợp (bao gồm cả chứng thực bản sao tiếng nước ngoài, văn bản song ngữ), UBND các xã, phường chứng thực: 1.181.590 trường hợp. Mặc dù, tại khoản 1, Điều 3 Nghị định số 79/2007/NĐ-CP đã có quy định: “Bản sao được cấp từ sổ gốc, bản sao được chứng thực từ bản chính theo quy định tại Nghị định này có giá trị pháp lý sử dụng thay cho bản chính trong các giao dịch” nhưng vẫn có một số cơ quan, tổ chức không tiếp nhận bản sao được cấp từ sổ gốc mà đòi hỏi bản sao có chứng thực phần nào đã gây phiền hà, khó khăn cho việc đi lại của người dân.

Hoạt động chứng thực chữ ký của người dịch đều thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục tại Nghị định số 79/2007/NĐ-CP, Thông tư số 03/2008/TT-BTP. Hiện tại, Phòng Tư pháp thành phố đã ký hợp đồng dịch thuật đối với hơn 20 cộng tác viên dịch thuật với các thứ tiếng Anh, Pháp, Trung Quốc, Campuchia, Lào. Các cộng tác viên đều là những người thông thạo tiếng nước ngoài và có bằng cử nhân ngoại ngữ đảm bảo đủ tiêu chuẩn theo quy định tại Thông tư số 03/2008/TT-BTP và đáp ứng được các yêu cầu của cá nhân và tổ chức.

Ảnh: baogialai.com.vn

Thực hiện Quyết định số 1551/2013/QĐ-UBND ngày 16/10/2013 của UBND thành phố Pleiku, tại Bộ phận “Một cửa hiện đại” của thành phố, Phòng Tư pháp thành phố bố trí 02 công chức tiếp nhận, giải quyết hồ sơ chứng thực của các tổ chức, cá nhân và trả ngay kết quả trong ngày; việc thực hiện chứng thực luôn được thực hiện nhanh chóng, kịp thời, đúng quy trình thủ tục, mức thu lệ phí được niêm yết công khai tại bộ phận “Một cửa hiện đại” của thành phố. Nắm được các quy định của pháp luật nên cán bộ tiếp nhận hồ sơ tại bộ phận “Một cửa hiện đại” của thành phố không có hiện tượng gây sách nhiễu, phiền hà cho cá nhân, tổ chức đến chứng thực, việc thu lệ phí chứng thực theo đúng quy định của Nhà nước.

Hiện nay ở xã, phường trên địa bàn thành phố có 39 cán bộ Tư pháp - Hộ tịch, (trong đó có 27 cán bộ Tư pháp - Hộ tịch có trình độ đại học Luật, 11 cán bộ Tư pháp - Hộ tịch có trình độ trung cấp Luật, 01 cán bộ Tư pháp - Hộ tịch có trình độ chuyên môn khác kiêm nhiệm). Nhìn chung đội ngũ cán bộ công chức Tư pháp hộ tịch của các xã, phường cơ bản đã thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn, tham mưu kịp thời cho UBND các xã, phường trong công tác chứng thực đúng với quy định của pháp luật và đáp ứng nhu cầu của công dân và tổ chức. Phòng Tư pháp thành phố thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn về nghiệp vụ cho cán bộ Tư pháp các xã, phường.

Bên cạnh những mặt tích cực, việc triển khai công tác chứng thực còn gặp một số bất cập do các văn bản pháp luật chưa quy định rõ nên chưa góp phần cải cách hành chính, gây khó khăn, phiền hà cho cơ quan, tổ chức, cá nhân khi có nhu cầu. Điều này thể hiện cụ thể trên một số nội dung như sau:

- Tại điểm a khoản 1 Điều 5 Nghị định số 79/2007/NĐ-CP quy định thẩm quyền chứng thực của Phòng Tư pháp cấp huyện: “Chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản bằng tiếng nước ngoài”, tuy nhiên trên thực tế khi chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản bằng tiếng nước ngoài có nhiều văn bản nước ngoài không có dấu mầu đỏ (mà là dấu mầu đen, xanh, tím) gần giống dấu photo hoặc scan, hay một số văn bản chỉ có chữ ký mà không có con dấu của cơ quan có thẩm quyền (chưa được hợp pháp hoá lãnh sự) nên cán bộ tiếp nhận khó nhận biết được văn bản đó có hợp pháp hay không?

- Tại khoản 2 Điều 13 Nghị định số 79/2007/NĐ-CP quy định “người thực hiện chứng thực phải kiểm tra tính hợp pháp của bản chính” tuy nhiên đối với một số loại văn bản chữ tượng hình (như tiếng Lào, Campuchia…) công chức thụ lý hồ sơ của phòng Tư pháp thành phố nói riêng và cấp huyện nói chung chưa có có đủ trình độ để kiểm tra, thẩm định tính hợp pháp của bản chính hoặc các bản sao có đầy đủ nội dung, chính xác như bản chính hay không?

- Tại khoản 1 Điều 16 Nghị định số 79/2007/NĐ-CP quy định các trường hợp không được thực hiện chứng thực bản sao từ bản chính: “Bản chính được cấp sai thẩm quyền hoặc giả mạo”. Hiện tại có nhiều loại chứng chỉ ngoại ngữ, tin học do nhiều Trung tâm trong nước cấp, tuy nhiên hiện nay chưa thống kê được cơ sở đào tạo nào ở trong nước có thẩm quyền cấp các loại văn bằng, chứng chỉ nào nên trong quá trình tiếp nhận cán bộ làm công tác chứng thực khó xác định được chứng chỉ đó có cấp đúng thẩm quyền hay không?

- Tại khoản 2, Điều 21 Nghị định số 79/2007/NĐ-CP quy định: “Đối với việc chứng thực bản sao từ bản chính thì cơ quan chứng thực phải lưu một bản sao để làm căn cứ đối chiếu khi cần thiết. Thời hạn lưu trữ bản sao tối thiểu 02 năm. Khi hết thời hạn lưu trữ, việc tiêu hủy bản sao được thực hiện theo quy định của pháp luật về lưu trữ”, nhưng Nghị định số 79/2007/NĐ-CP không quy định về thời hạn lưu trữ và việc xử lý đối với hồ sơ chứng thực chữ ký được lưu trữ (bao gồm: chứng thực chữ ký và chứng thực chữ ký của người dịch).

- Tại Điểm 7 Thông tư số 03/2008/TT-BTP quy định Sở Tư pháp và Sở Tài chính xây dựng biểu mức thù lao dịch thuật, để tránh tình trạng người dịch đưa ra mức thù lao quá cao và để tạo điều kiện cho công tác quản lý nhà nước về dịch thuật. Tuy nhiên, đến tại thời điểm này vẫn chưa có biểu mức thù lao dịch thuật để Phòng Tư pháp niêm yết công khai tại “Một cửa hiện đại” của UBND thành phố nên việc tính thù lao dịch thuật của cộng tác viên dịch thuật là khác nhau, cùng một loại giấy tờ cần dịch với nội dung tương tự như nhau nhưng mức thù lao dịch thuật của cộng tác viên có sự chênh lệch lớn, cách tính thù lao không rõ ràng giữa những lần dịch.

Ngoài ra, số lượng đội ngũ công tác viên dịch thuật của Phòng Tư pháp còn hạn chế, hiện chỉ có cộng tác viên dịch thuật đối với các thứ tiếng nước ngoài cần dịch như tiếng Anh, Pháp, Trung Quốc, Campuchia, Lào còn một số tiếng nước ngoài khác khi người dân có yêu cầu dịch thuật văn bản, giấy tờ liên hệ với Phòng Tư pháp để dịch và chứng thực nhưng do không có cộng tác viên thứ tiếng đó nên không thể giải quyết  các yêu cầu của người dân.

Trong thời gian đến để nâng cao hiệu quả hoạt động của công tác chứng thực trên địa bàn thành phố để ngày càng đáp ứng yêu cầu của nhân dân, bên cạnh việc khắc phục một số nguyên nhân khách quan do pháp luật về chứng thực chưa hoàn thiện; về mặt chủ quan cần triển một số nhiệm vụ giải pháp như:

- Nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp uỷ đảng, chính quyền cấp cơ sở trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ chứng thực; Chỉ đạo, quán triệt thực hiện thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 20/6/2014 của Thủ tướng Chính Phủ về một số biện pháp chấn chỉnh tình trạng lạm dụng yêu cầu nộp bản sao có chứng thực đối với giấy tờ, văn bản khi thực hiện thủ tục hành chính.

- Tiếp tục bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác chứng thực thông qua các buổi giao ban chuyên đề, tổng kết rút kinh nghiệm, tập huấn nghiệp vụ; tăng cường kiểm tra, thanh tra để kịp thời chấn chỉnh, khắc phục các sai sót trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của địa phương./-
                                                                              Tường Linh – Phòng Tư pháp
 
customer-service.png THÔNG TIN LIÊN HỆ:

1478004194_map-icon.png Địa chỉ: 58 Tăng Bạt Hổ - T
hành phố Pleiku - Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269).3830 155
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269).3828414
1478004004_Mail.png  Email: ubndpleiku@gialai.gov.vn
 
contract-(4).png THÔNG TIN BẢN QUYỀN:

Bản quyền thuộc về UBND thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Hữu Sung - UVBTV Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Pleiku.
Giấy phép số: 01/GP-TTĐT ngày 24/02/2015 của Sở Thông tin và Truyền thông

Chung nhan Tin Nhiem Mang
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN

   Copyright © 2018 
Trang chủ | Tin tức Liên hệ | Mobile | Site map icontop.png