TIN TỨC

CHUYÊN MỤC

Một số tồn tại trong công tác hoà giải ở cơ sở hiện nay

Ngày đăng bài: 09/09/2014
Hòa giải ở cơ sở là một hoạt động mang tính xã hội tự nguyện, tự quản đã trở thành đạo lý truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Hòa giải ở cơ sở không chỉ đơn thuần góp phần hạn chế các tranh chấp dân sự và phòng ngừa tội phạm, vận động nhân dân sống và làm việc theo pháp luật, củng cố tình làng, nghĩa xóm, tăng cường đoàn kết trong cộng đồng dân cư mà còn góp phần quan trọng trong việc giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Hoạt động hòa giải ở cơ sở hiện nay được thực hiện theo Luật Hòa giải ở cơ sở đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa VIII, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 20/6/2013 và có hiệu lực ngày 01/01/2014 và Nghị định số 15/2014/NĐ-CP ngày 27/02/2014 của Chính phủ ban hành quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở.

Những năm qua, với hiệu quả thiết thực của mình công tác hoà giải ở cơ sở thực sự có vai trò quan trọng trong đời sống cộng đồng ở cơ sở:

Thứ nhất, việc hòa giải những việc vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ ở cơ sở đã góp phần giữ gìn đoàn kết trong nội bộ nhân dân, củng cố, phát huy những tình cảm và đạo lý truyền thống tốt đẹp trong gia đình và cộng đồng, phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

Thứ hai, hoạt động hoà giải ở cơ sở góp phần tích cực trong việc hạn chế đơn thư khiếu nại, tố cáo tràn lan, vượt cấp, kéo dài. Mỗi vụ việc xảy ra ở cơ sở, nếu được hoà giải, giải quyết kịp thời sẽ tiết kiệm được thời gian, công sức, tiền bạc của chính các bên tranh chấp, cũng như của các cơ quan nhà nước như chính quyền địa phương, toà án.

Thứ ba, hoạt động hoà giải ở cơ sở có ý nghĩa quan trọng đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân. Bằng việc vận dụng những quy định của pháp luật để giải thích, phân tích, thuyết phục các bên tranh chấp, tổ viên tổ hoà giải góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật và quan trọng hơn là cảm hoá, giáo dục ý thức nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật cho các bên.

Tại nhiều địa phương, thông qua công tác hòa giải ở cơ sở đã góp phần hạn chế đơn thư, khiếu kiện, mà nhiều chính sách của Ðảng, Nhà nước đã được truyền tải trực tiếp đến với người dân, nâng cao sự hiểu biết về pháp luật cho nhân dân.

Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế cũng cho thấy hoạt động hòa giải ở cơ sở trên địa bàn thành phố Pleiku hiện nay còn có những khó khăn, vướng mắc làm ảnh hưởng đến hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở. Cụ thể:

1. Ở nhiều xã, phường, các cấp ủy Ðảng, chính quyền, đoàn thể chưa thật sự quan tâm công tác hòa giải, cũng như chưa quan tâm thường xuyên kiện tòa tổ chức các tổ hòa giải; chưa tạo điều kiện về cơ sở vật chất cho các tổ hòa giải hoạt động, chưa bố trí kinh phí thanh toán các vụ việc hòa giải.

2. Phòng Tư pháp và UBND các xã, phường được giao nhiệm vụ quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho các tổ hòa giải nhưng thực hiện chưa đồng đều và thường xuyên.

3. Một số cán bộ, công chức của các xã, phường còn lúng túng, chưa nắm kỹ những quy định của pháp luật về công tác hòa giải ở cơ sở, còn nhầm lẫn giữa việc hòa giải ở các thôn, làng, tổ dân phố (thực hiện theo Luật Hòa giải ở cơ sở) với hòa giải của Tòa án (thực hiện theo Luật Hôn nhân gia đình), hòa giải lao động (thực hiện theo Bộ luật Lao động), hòa giải tại Uỷ ban nhân dân các xã, phường (như hòa giải tranh chấp đất đai thực hiện theo Luật Đất đai).

4. Một số tổ hòa giải, hòa giải viên còn thiếu nhiệt tình, còn hạn chế về kiến thức pháp luật và kinh nghiệm hòa giải nên hiệu quả hoạt động chưa cao, chưa có uy tín trong nhân dân.

5. Việc nhận thức cũng như ý thức trong nhân dân còn xem nhẹ công tác hòa giải ở cơ sở, hay còn có tư tưởng lạc hậu, bảo thủ không ủng hộ, chấp nhận để tổ hòa giải tham gia giải quyết những vụ việc liên quan đến gia đình và bản thân.

Trong thời gian đến để hoạt động hòa giải ở cơ sở phát huy hiệu quả, thực hiện tốt Luật Hòa giải ở cơ sở, góp phần phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội và trật tự an ninh ở địa phương, đòi hỏi các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể ở các xã, phường cần tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ hòa giải; cũng như thường xuyên củng cố, kiện toàn đội ngũ hòa giải viên cơ sở, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải, trang bị tài liệu cho các hòa giải viên. Bên cạnh đó UBND các xã, phường chủ động xây dựng kế hoạch, dự toán kinh phí cho hoạt động hòa giải cũng như bố trí kinh phí thanh toán các vụ việc đã được tiến hành hòa giải cho các hòa giải viên tạo động lực khuyến khích, động viên họ, qua đó góp phần nâng cao công tác hòa giải tại cơ sở.
                                                                                  
  Tường Linh – Phòng Tư pháp
customer-service.png THÔNG TIN LIÊN HỆ:

1478004194_map-icon.png Địa chỉ: 58 Tăng Bạt Hổ - T
hành phố Pleiku - Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269).3830 155
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269).3828414
1478004004_Mail.png  Email: ubndpleiku@gialai.gov.vn
 
contract-(4).png THÔNG TIN BẢN QUYỀN:

Bản quyền thuộc về UBND thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Hữu Sung - UVBTV Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Pleiku.
Giấy phép số: 01/GP-TTĐT ngày 24/02/2015 của Sở Thông tin và Truyền thông

Chung nhan Tin Nhiem Mang
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN

   Copyright © 2018 
Trang chủ | Tin tức Liên hệ | Mobile | Site map icontop.png