TIN TỨC

CHUYÊN MỤC

Một số khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn thành phố Pleiku

Ngày đăng bài: 27/03/2021
Xử lý vi phạm hành chính là công cụ rất quan trọng trong hoạt động quản lý nhà nước nhằm duy trì trật tự, kỷ cương hành chính trong đời sống kinh tế - xã hội, thực hiện tốt công tác xử lý vi phạm hành chính góp phần nâng cao hiệu quả trong quản lý nhà nước, quản lý xã hội, bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của của cá nhân, tổ chức. 

Để triển khai thực hiện hiệu quả Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC), Nghị định số 81/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 97/2017/NĐ-CP, hàng năm, trên cơ sở Kế hoạch theo dõi thi hành pháp luật và quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính do UBND thành phố ban hành, các cơ quan, ban ngành thành phố, UBND các xã, phường thường xuyên tuyên truyền, quán triệt Luật Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định 81/2013/NĐ-CP, Nghị định 97/2017/NĐ-CP và các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực cụ thể cho cán bộ, công chức và nhân dân trên địa bàn thành phố. Trong hoạt động xử phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính xảy ra trên địa bàn thành phố, các cơ quan chuyên môn thuộc thành phố thường xuyên phối hợp với các xã, phường thực hiện tốt các quy định của pháp luật về XLVPHC, đảm bảo công tác xử phạt vi phạm hành chính đúng đối tượng, trình tự, thủ tục lập biên bản vi phạm, ban hành quyết định xử phạt đúng quy định của pháp luật.
 
tu-phap-(1).jpg

Trong thời gian qua, thực hiện công tác xử phạt vi phạm hành chính trên địa bàn thành phố đã phát hiện 12.376 vụ vi phạm với 12.635 đối tượng vi phạm, đã ban hành 12.613 quyết định xử phạt vi phạm hành chính và đã có 12.487 quyết định xử phạt vi phạm hành chính được thi hành với tổng số tiền phạt thu được là 11.014.773.850 đồng, đối tượng xử phạt vi phạm hành chính được xác định chính xác, trình tự thủ tục xử phạt, thi hành quyết định xử phạt được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định. Về áp dụng biện pháp xử lý hành chính, từ năm 2013 đến năm 2021, trên địa bàn thành phố có 795 đối tượng bị lập hồ sơ đề nghị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính. Trong đó, có 382 đối tượng bị lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; 12 đối tượng bị lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng; 08 đối tượng bị lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc; 393 đối tượng bị lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Việc thông báo việc lập hồ sơ và kiểm tra tính pháp lý của hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đã được cơ quan lập hồ sơ thực hiện đầy đủ, đảm đúng quy định, đồng thời việc kiểm tra tính pháp lý của hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính cũng được Phòng Tư pháp thành phố kiểm tra đầy đủ, kịp thời, chặt chẽ các nội dung theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp.

Dưới sự lãnh đạo chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền thành phố, việc triển khai thi hành các quy định của pháp luật về XLVPHC được các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố và các xã phường thực hiện nghiêm túc, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm hành chính, nhằm đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện các quy định của pháp luật liên quan đến XLVPHC cũng có những khó khăn, vướng mắc nhất định là:

Một là, về xác định thẩm quyền xử phạt: thẩm quyền xử phạt của mỗi chức danh được quy định cụ thể trong Nghị định xử phạt hành chính và được áp dụng đúng thẩm quyền xử phạt theo quy định cụ thể trong Nghị định. Tuy nhiên, quy định tại khoản 5 Điều 5 Nghị định 81/2013/NĐ-CP: “Người được giao nhiệm vụ đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xử phạt, thì có thẩm quyền xử phạt và được giao quyền như cấp trưởng” nội dung quy định chung chung nên dẫn đến việc áp dụng còn khó khăn do không thống nhất về cách hiểu “người được giao nhiệm vụ đứng đầu cơ quan đơn vị” là cấp phó được giao quyền hay phó được giao phụ trách, cấp phó được cấp trưởng ủy quyền khi đi vắng thì có phải là người được giao nhiệm vụ đứng đầu cơ quan không. Trong trường hợp hiểu người được giao nhiệm vụ đứng đầu cơ quan, đơn vị là cấp phó được giao phụ trách, cấp phó được giao quyền, cấp phó được cấp trưởng ủy quyền khi đi vắng thì có đương nhiên có thẩm quyền xử phạt và ký văn bản giao quyền xử phạt vi phạm hành chính cho cấp phó khác không.

Thêm vào đó, quy định về văn bản giao quyền, nội dung chỉ quy định yêu cầu phải “xác định rõ phạm vi, nội dung, phạm vi thời hạn giao quyền, phải đánh số, ghi rõ ngày, tháng, năm, trích yếu, ký và đóng dấu” nhưng không quy định hình thức văn bản nên việc áp dụng còn chưa thống nhất có nơi ban hành quyết định có nơi ban hành công văn.

Hai là, về lập biên bản vi phạm hành chính và ra quyết định xử phạt hành chính đều do các chức danh có thẩm quyền thực hiện theo đúng quy định. Tuy nhiên, tại khoản 4, Điều 6 Nghị định 81/2013/NĐ-CP quy định trường hợp cá nhân, tổ chức thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính trong cùng một vụ vi phạm thì biên bản phải ghi rõ từng hành vi vi phạm, nhưng không quy định rõ trường hợp nhiều người có hành vi vi phạm hành chính giống nhau trong cùng một vụ vi phạm hành chính thì có được  lập chung biên bản không hay phải lập biên bản riêng cho từng người nên dẫn đến việc áp dụng không thống nhất, có nơi lập biên bản cho từng người, có nơi lập 1 biên bản cho tất cả những người vi phạm vào cùng một biên bản.

Ba là, Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản có liên quan quy định về thời điểm phát hiện hành vi vi phạm, là cơ sở để xác định thời hiệu xử lý vi phạm hành chính chưa cụ thể nên việc xác định thời hiệu xử lý vi phạm hành chính còn chưa thống nhất, dẫn đến khó khăn trong xử lý vụ việc vi phạm.

Theo quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 6, Luật xử lý vi phạm hành chính thời điểm để tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính được quy định như sau:

“Đối với vi phạm hành chính đã kết thúc thì thời hiệu được tính từ thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm.
Đối với vi phạm hành chính đang được thực hiện thì thời hiệu được tính từ thời điểm phát hiện hành vi vi phạm;”

Trong trường hợp vi phạm hành chính đang được thực hiện thì Luật xử lý vi phạm hành chính và các nghị định có liên quan không quy định cụ thể “thời điểm phát hiện ra hành vi vi phạm” là thời điểm nào, là thời điểm mà người vi phạm bắt đầu thực hiện hành vi hay là thời điểm mà người có thẩm quyền thi hành công vụ phát hiện ra, biết được hành vi của người vi phạm là hành vi vi phạm hành chính.

Theo quy định của Luật XLVPHC, người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm chứng minh vi phạm hành chính, theo đó người có thẩm quyền thi hành công vụ khi phát hiện hành vi vi phạm hành chính phải kịp thời lập biên bản vi phạm hành chính. Như vậy, người có thẩm quyền thi hành công vụ phải có cơ sở để chứng minh hành vi của một người nào đó là hành vi vi phạm hành chính thì mới kịp thời lập biên bản vi phạm hành chính. Trong quá trình chứng minh hành vi vi phạm hành chính, có một số trường hợp xác định được người vi phạm thực hiện hành vi từ trước, sau đó người thi hành công vụ mới biết có hành vi đó xảy ra và trên cơ sở xác minh đối chiếu với quay định mới xác định được hành vi đó là hành vi vi phạm hành chính. Như vậy, “thời điểm phát hiện hành vi vi phạm” là ngày mà người vi phạm thực hiện hành vi hay là ngày mà người thi hành công vụ biết được có hành vi của đối tượng và hành vi đó là hành vi vi phạm hành chính. Việc xác định đúng “thời điểm phát hiện hành vi vi phạm” có ý nghĩa rất quan trong trong việc xác định thời hiệu của vụ việc vi phạm hành chính, tuy nhiên quy định cảu Luật XLVPHC và các Nghị định hướng dẫn không rõ ràng dẫn đến việc áp dụng pháp luật trong XLVPHC còn nhiều vướng mắc, khó khăn.

Để thực hiện tốt công tác xử lý vi phạm hành chính, góp phần nâng cao hiệu quả trong quản lý nhà nước, quản lý xã hội thì cần phải hoàn thiện các quy định về thẩm quyền xử phạt, hình thức văn bản giao quyền, lập biên bản vi phạm hành chính và xác định thời điểm phát hiện hành vi vi phạm theo hướng cụ thể rõ ràng, tạo điều kiện thuận lợi áp dụng thống nhất các quy định của pháp luật.
 
Xử lý vi phạm hành chính là hoạt động nhạy cảm, phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người cá nhân, cơ quan, tổ chức vì vậy trong hoạt động thi hành pháp luật cần phải chính xác, thận trọng từ việc xác định hành vi vi phạm cho đến thu thập chứng cứ chứng minh hành vi vi phạm, ban hành quyết định xử phạt kịp thời, đúng quy định…Mặt khác, để công tác xử lý vi phạm hành chính được thực hiện kịp thời, đúng pháp luật, nhằm quản lý nhà nước bằng pháp luật, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa thì cần phải hoàn thiện các quy định của pháp luật, tạo điều kiện để các cơ quan quản lý nhà nước áp dụng thống nhất các quy định về xử lý vi phạm hành chính.

Ngọc Huyền
Phòng Tư pháp thành phố Pleiku
customer-service.png THÔNG TIN LIÊN HỆ:

1478004194_map-icon.png Địa chỉ: 58 Tăng Bạt Hổ - T
hành phố Pleiku - Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269).3830 155
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269).3828414
1478004004_Mail.png  Email: ubndpleiku@gialai.gov.vn
 
contract-(4).png THÔNG TIN BẢN QUYỀN:

Bản quyền thuộc về UBND thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Hữu Sung - UVBTV Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Pleiku.
Giấy phép số: 01/GP-TTĐT ngày 24/02/2015 của Sở Thông tin và Truyền thông

Chung nhan Tin Nhiem Mang
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN

   Copyright © 2018 
Trang chủ | Tin tức Liên hệ | Mobile | Site map icontop.png