TIN TỨC

CHUYÊN MỤC

Đến Gia Lai trải nghiệm nhiều lễ hội bản địa đặc sắc

Ngày đăng bài: 19/06/2018
Một trong những sản phẩm du lịch đặc trưng của Gia Lai là du lịch thăm làng, vì vậy các lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc bản địa được tổ chức hằng năm đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển sản phẩm du lịch này. Mời bạn một lần đến với các bản làng để được sống, được trải nghiệm những điều giản đơn nhất từ làng.

Giọt nước đối với đồng bào dân tộc Bahnar, Jrai ở Tây Nguyên là một biểu tượng văn hóa hết sức độc đáo, nó gắn liền với đời sống văn hóa, tinh thần, tâm linh của bà con trong từng buôn làng. Thường thì mỗi buôn làng đồng bào dân tộc đều có một giọt nước, mọi người cũng đều có trách nhiệm giữ sạch nguồn nước, bảo vệ cây cối quanh giọt nước và bảo vệ môi trường sinh thái tự nhiên. Hàng năm, các làng đồng bào dân tộc thiểu số tổ chức lễ cúng giọt nước, một sinh hoạt cộng đồng mang đậm chất văn hóa của người Tây Nguyên, lễ thường được tiến hành vào sau khi thu hoạch vụ mùa lễ mừng lúa mới. Trong lễ cúng đó, bà con cầu mong cho mưa thuận gió hòa, mong cho mọi người có sức khỏe dồi dào, làm ăn gặp điều may mắn, cầu mong mọi người đều làm việc tốt và đoàn kết thương yêu nhau.

vh1.jpg
 
Lễ cầu mưa là nét văn hóa dân gian đặc trưng của đồng bào dân tộc Jrai với mục đích cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, mong cho dân làng có sức khỏe tốt, cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc. Lễ cầu mưa tại thôn Plei Rbai, xã Ia Piar, huyện Phú Thiện được duy trì thường xuyên hàng năm vào cuối tháng 4 Dương lịch, đây cũng là một trong những sản phẩm du lịch thế mạnh của huyện nhà.

Nếu may mắn được một lần đến tham dự lễ hội đám cưới của đồng bào dân tộc Bahnar làng Tờ Nùng, huyện Kông Chro, bạn sẽ cảm nhận được một không gian ấm áp, thiêng liêng và trọn vẹn giữa tình thân, tình yêu đôi lứa, tình người, tình cảm cộng đồng chứa chan. Lễ cưới kéo dài trong hai ngày: Ngày thứ nhất được tổ chức tại nhà Rông, tất cả đều mặc trang phục truyền thống trang trọng của đồng bào dân tộc Bahnar. Còn ngày thứ hai tổ chức tại gia đình, mọi người có thể mặc trang phục bình thường, đơn giản hơn.

vh2.jpg
Lễ cầu mưa tại huyện Phú Thiện.

Mừng lúa mới là một phong tục lâu đời của đồng bào Jrai, Bahnar trên địa bàn tỉnh Gia Lai, có ý nghĩa tôn vinh hạt thóc của Yàng ban cho dân làng và tập tục cúng Yàng, cúng các vị thần trời đất, các thần sông suối, thần núi, thần mưa, thần sấm, thần mùa màng với mong ước mang lại cuộc sống ấm no cho cộng đồng. Năm nào cũng vậy, vào tháng 1 - 2 dương lịch, khi toàn bộ lúa chín ngoài đồng đã được thu hoạch hết, cũng là lúc người dân các làng chuẩn bị lễ vật để mừng lúa mới. Lễ mừng lúa mới là lễ hội mang đậm tín ngưỡng vạn vật hữu linh.

Lễ đón năm mới của người Bahnar thường được tổ chức vào khoảng tháng 2 dương lịch. Đây là lễ hội lớn nhất, quan trọng nhất có ý nghĩa khởi đầu cho một năm mới, một mùa rẫy mới, một tuổi mới đối với người Bahnar. Lễ hội kéo dài suốt một ngày đêm, cầu xin thần linh ban cho mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, con người khỏe mạnh, loài vật sinh sôi. Đàn lễ được tổ chức rất long trọng. Lễ vật hiến tế các vị thần linh là trâu, bò, rượu cần, cơm lam. Phần lễ do các già làng đảm nhận. Sau phần lễ là tiệc ăn uống kéo dài suốt đêm.

Với người Jrai, Bahnar ở Tây Nguyên, nhà Rông được coi là linh hồn của làng, là nơi khí thiêng của đất trời, sông núi hội tụ để bảo trợ dân làng. Chính vì vậy, lễ hội cúng thần nhà Rông được xem là một trong những lễ hội quan trọng nhất nơi đây. Tục lệ của người Jrai quy định việc cúng nhà rông mới, hay cách gọi thông  thường hiện nay là lễ khánh thành nhà rông chỉ được tiến hành một năm sau khi ngôi nhà xây dựng xong. Bên cạnh giá trị vật chất, nhà Rông còn là nơi ẩn chứa mạch nguồn văn hóa tâm linh bền vững của cư dân Tây Nguyên, nơi diễn ra các lễ hội tâm linh cộng đồng, nơi các nghệ nhân truyền đạt lại cho thế hệ trẻ những giá trị văn hóa truyền thống từ ngàn đời.

Lễ Bỏ mả hay còn gọi là lễ pơ thi của người Bahnar và Jrai ở Gia Lai là lễ hội lớn nhất và tinh túy nhất của văn hóa lễ hội Tây Nguyên. Đây là một trong những lễ hội truyền thống và thiêng liêng, có ý nghĩa đưa tiễn linh hồn người chết về với tổ tiên. Lễ hội bỏ mả hàng năm thường diễn ra trong 3 ngày, khi mùa mưa vừa chấm dứt và luôn phải trải qua ba bước: Dựng nhà mồ, lễ bỏ và lễ rửa nồi (giải phóng linh hồn). Có thể nói lễ bỏ mả là một lễ hội không chỉ mang tính nghệ thuật cao mà còn đầy chất nhân văn: Tái sinh cho người chết và giải phóng cho người sống khỏi những ràng buộc với người chết.

Ngày nay, cuộc sống của các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên đã dần văn minh hóa, tiếp cận với nền văn hóa hiện đại, những lễ hội tuy đã không còn nguyên bản như ngày xưa song nhiều phong tục tập quán vẫn được đồng bào các dân tộc lưu giữ cho thế hệ mai sau.
Võ Thanh Thảo
customer-service.png THÔNG TIN LIÊN HỆ:

1478004194_map-icon.png Địa chỉ: 58 Tăng Bạt Hổ - T
hành phố Pleiku - Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269).3830 155
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269).3828414
1478004004_Mail.png  Email: ubndpleiku@gialai.gov.vn
 
contract-(4).png THÔNG TIN BẢN QUYỀN:

Bản quyền thuộc về UBND thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Hữu Sung - UVBTV Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Pleiku.
Giấy phép số: 01/GP-TTĐT ngày 24/02/2015 của Sở Thông tin và Truyền thông

Chung nhan Tin Nhiem Mang
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN

   Copyright © 2018 
Trang chủ | Tin tức Liên hệ | Mobile | Site map icontop.png