TIN TỨC

CHUYÊN MỤC

Thành phố Pleiku chú trọng công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch

Ngày đăng bài: 23/07/2019
Cùng với thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, Đảng bộ thành phố chú trọng lãnh đạo, tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên về văn hóa; nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân thông qua hoạt động của hệ thống chính trị, trong từng cộng đồng thôn, làng, tổ dân phố, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và mỗi gia đình, gắn với việc thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Các giá trị truyền thống tốt đẹp, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh tiếp tục được phát huy. Việc chăm lo xây dựng con người phát triển toàn diện, trọng tâm là bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống và nhân cách. Tỷ lệ gia đình, khu dân cư, cơ quan đạt danh hiệu văn hóa hàng năm tăng lên. Danh hiệu gia đình văn hóa, năm 2014 có 45.543/48.236 hộ (đạt 94,4%) đến năm 2018 có 48.991/50.907 hộ (đạt 96,1%), tăng 1,7%;  danh hiệu Khu dân cư văn hóa, năm 2014 có 222/254 khu dân cư (đạt 87,4%) đến năm 2018 có 234/254 khu dân cư (đạt 92,1 %); tăng 4,7 %; danh hiệu cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa, năm 2014 có 127/147 cơ quan (đạt 86%) đến năm 2018 có 156/157 cơ quan (đạt 99,3%), tăng 13,3%.

Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 02 di tích lịch sử cấp quốc gia (Di tích lịch sử Nhà Lao Pleiku và Di tích thắng cảnh Biển Hồ); 02 di tích lịch sử cấp tỉnh (Đền tưởng niệm Liệt sỹ Hội Phú, Khu căn cứ địa cách mạng Khu 9 – xã Gào). Thành phố Pleiku chú trọng đầu tư xây dựng sửa chữa các hạng mục tại Đền tưởng niệm Liệt sỹ Hội Phú, Di tích thắng cảnh Biển Hồ; đầu tư, sửa chữa nhà rông, nhà dài, xây dựng khu vườn tượng, giọt nước tại làng Ốp, phường Hoa Lư; xây dựng khu tiểu cảnh tại làng Brel, xã Biển Hồ. Thường xuyên tổ chức giao lưu cồng chiêng, múa xoang cùng du khách tại  cộng đồng khu dân cư, tại các hoạt động lễ hội, hội nghị... và tại Quảng trường Đại đoàn kết nhằm bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của các đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố. Tổ chức các lớp truyền dạy cồng chiêng tại làng Ốp, phường Hoa Lư và làng Chăm Nẻh, xã Chư HDrông; thành lập Đội cồng chiêng và tiến hành tập luyện để phục vụ du khách khi có yêu cầu. Ngoài ra, hàng năm thành phố thành lập các đoàn nghệ nhân tham gia và tổ chức các hội diễn, hội thao giành cho đồng bào các dân tộc thiểu số như Liên hoan cồng chiêng, thi hát dân ca và các trò chơi dân gian… Các lễ hội truyền thống có giá trị văn hóa tinh thần của người đồng bào dân tộc thiểu số như: Lễ Bỏ mả, Lễ Đâm trâu... được duy trì, bảo tồn và phát huy.
 
bai-vh-(1).png

Đầu tư hơn kinh phí để duy trì và phát triển làng nghề truyền thống tại làng Phung I, xã Biển Hồ; phát triển cơ sở sản xuất nhạc cụ dân tộc tại phường Thắng Lợi… góp phần lưu giữ và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương, tạo việc làm cho người lao động, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống kinh tế.

Lực lượng tham gia sáng tác văn học nghệ thuật ngày càng phát triển và phong phú như văn thơ, hội họa, điêu khắc, nhiếp ảnh, tạc tượng nhà mồ… Hiện trên địa bàn thành phố có khoảng trên 150 hội viên tham gia các hoạt động sáng tác văn học nghệ thuật. Các cơ quan, ban, ngành đoàn thể, ủy ban nhân dân các xã, phường trên địa bàn thành phố, các trường học cũng đã thành lập các câu lạc bộ thơ ca, tập hợp được đông đảo mọi người, mọi thành phần tham gia, tạo nên một sân chơi, nơi sinh hoạt văn hóa bổ ích như Câu lạc bộ thơ phường Hoa Lư, câu lạc bộ thơ phường Tây Sơn, câu lạc bộ thơ Người cao tuổi tỉnh Gia Lai, câu lạc bộ UNESCO thơ Đường Việt Nam chi nhánh tại thành phố…

Hàng năm, thành phố đầu tư hàng chục tỷ đồng để đầu tư cho sự nghiệp văn hóa, du lịch, trong đó chú trọng đến việc xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở, riêng năm 2018, thành phố phân bổ kinh phí phát triển văn hóa, du lịch năm 2018 với số tiền 13.629.000.000 đồng. Công tác xã hội hóa lĩnh vực văn hóa được quan tâm triển khai và đã có nhiều tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư hàng trăm tỷ đồng vào phát triển các thiết chế văn hóa ở cơ sở. Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 31 đội cồng chiêng, 18 nhà rông, 01 nhà văn hóa cấp huyện, 23 nhà văn hóa cấp xã, 248 nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng cấp thôn,... đáp ứng nhu cầu và thu hút Nhân dân tham gia các hoạt động sáng tạo và hưởng thụ các giá trị văn hóa, cải thiện đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân.

Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, phong trào thể dục thể thao quần chúng tiếp tục phát triển rộng khắp; số lượng người luyện tập thể dục thể thao thường xuyên tăng nhanh (hiện nay thành phố có khoảng 35% số người và 25% gia đình luyện tập thể thao thường xuyên); các loại hình tập luyện, hội thi, hội thao, các câu lạc bộ thể dục thể thao phát triển phù hợp và thu hút nhiều đối tượng tham gia như: Đại hội thể dục thể thao, Hội khoẻ Phù Đổng, các giải thể thao quần chúng… Hằng năm, thành phố tổ chức từ 12 đến 15 giải thi đấu thể thao như: điền kinh, chạy việt dã, bóng đá, bóng chuyền, bóng bàn, cầu lông, cờ tướng; các bộ môn thể thao truyền thống đồng bào dân tộc thiểu số như: Bắn nỏ, kéo co, đi cà kheo…
 
bai-vh2.jpg

Cơ sở vật chất phục vụ thể dục thể thao trên địa bàn thành phố không ngừng được quan tâm đầu tư theo hình thức xã hội hóa, đáp ứng nhu cầu và sở thích tập luyện của nhân dân; hình thành nhiều sân tập thể dục, thể thao, sân bóng đá, bóng chuyền, bể bơi, các sân quần vợt, với tổng kinh phí đầu tư hàng trăm tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước và nguồn vốn đầu tư của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp. Hiện nay, thành phố có gần 100 sân bóng đá, 99 sân bóng chuyền, 39 sân quần vợt, 12 nhà tập thể dục, 10 điểm sinh hoạt bóng bàn, 6 hồ bơi mi ni, 12 cơ sở tập luyện thẩm mỹ, 20 điểm tập võ thuật, 127 dụng cụ thể dục thể thao ngoài trời. Một số cơ quan, đơn vị đã đầu tư xây dựng nhà tập luyện thể dục thể thao đa năng như: Quân đoàn 3, Binh đoàn 15, Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn, Ngân hàng Đầu tư và phát triển… Một số mô hình thể dục thể thao mang tính điển hình được mọi người quan tâm như: Câu lạc bộ bóng đá Hoàng Anh Gia Lai, Học viện bóng đá Hoàng Anh - Asernal JMG; sân vận động Hoàng Anh Gia Lai có quy mô 17.000 chỗ ngồi với kinh phí đầu tư 50 tỷ đồng; Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai đã đầu tư kinh phí thành lập đội bóng chuyền nam Đức Long Gia Lai với mức chi cho hoạt động lên đến 2 tỷ đồng/năm… Bên cạnh đó, việc hình thành và phát triển nhanh các câu lạc bộ, các hội, nhóm thể dục thể hình, thể dục thẩm mỹ, cầu lông, bóng bàn, bóng đá, tennis,… đã góp phần thúc đẩy các hoạt động thể dục thể thao phát triển rộng khắp, tăng cường sức khỏe, hoàn thiện thể chất, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân thành phố.

Thực hiện xã hội hoá trong lĩnh vực du lịch, thành phố Pleiku đã chú trọng khai thác tiềm năng và lợi thế của địa phương. Đẩy mạnh công tác quảng bá du lịch của thành phố gắn với tham gia các sự kiện văn hoá, thể thao, du lịch như tham gia lễ hội Âm vang đại ngàn tại tỉnh Đắk Lắk; liên hoan nghệ thuật dân gian Tây Nguyên gắn với Tuần văn hóa – du lịch tỉnh Kon Tum lần thứ III năm 2016...

Cùng với việc khuyến khích các tổ chức, cá nhân phát triển và kinh doanh các hoạt động văn hóa, thể thao, thành phố Pleiku cũng thu hút, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh dịch vụ du lịch. Các công trình được xã hội hoá bằng nguồn ủng hộ tài trợ như phục dựng Tượng Quán thế âm bồ tát tại Khu vực Đồi Vọng cảnh (Biển Hồ) do Công ty kinh doanh hàng xuất khẩu Quang Đức; Đền tưởng niệm – Mộ liệt sĩ tại phường Hội Phú được xây dựng từ nguồn vận động quyên góp và tài trợ gần 4 tỷ đồng của các tổ chức, cá nhân nhân và nhân dân, là địa chỉ thu hút khách tham quan du lịch, là nơi giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ... Tạo điều kiện Hiệp hội du lịch Gia Lai xây dựng những tour du lịch cộng đồng (homestay) đưa du khách trải nghiệm cuộc sống văn hóa, phong tục của người đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố Pleiku; 11 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành trên địa bàn thành phố (Du lịch Pleiku, Sinh Thái Gia Lai, Thiên Lộc Tourist,  Phố Núi, Pleiku Việt, Phú Cường Gia Lai, Công ty cổ phần Dịch vụ lữ hành Gia Lai...) xây dựng các tour, tuyến du lịch tạo thuận lợi cho du khách khi muốn tham quan, du lịch thành phố. Bên cạnh các địa điểm vui chơi, giải trí, các cơ sở vật chất phục vụ cho dịch vụ du lịch cũng ngày càng phát triển và nâng cao, nhiều khách sạn, nhà hàng đã được đầu tư xây dựng hiện đại và quy mô như Khách sạn Tre Xanh, khách sạn Hùng Vương, khách sạn Sê San, khách sạn Hoàng Anh Gia Lai… Đến nay, trên địa bàn thành phố có gần 70 khách sạn, nhà nghỉ, nhà khách; trong đó có 01 khách sạn 4 sao, 01 khách sạn 3 sao, 11 khách sạn 2 sao… với tổng số trên 1.800 phòng và gần 3.000 giường. Tổng lượt khách năm 2017 đạt 480.000 lượt, lượng khách quốc tế đạt 9.650 lượt; trong 6 tháng đầu năm 2019, thành phố Pleiku đón trên 395.000 lượt khách, trong đó khách quốc tế ước đạt 7.800 lượt; doanh thu ước đạt trên 154 tỷ đồng tăng 13,2% so với cùng kỳ năm 2018.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thể thao trên địa bàn thành phố còn một số hạn chế là: chính sách hỗ trợ, khuyến khích cho những người làm công tác văn hóa, nhất là các nghệ nhân, văn nghệ sỹ tham gia sáng tác, làm ra các sản phẩm văn hóa cho xã hội còn thấp. Công tác sưu tầm, bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể đã được triển khai nhưng mang lại hiệu quả chưa cao. Việc đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa ở cơ sở chưa nhiều, các  thiết chế văn hóa còn ở quy mô nhỏ. Các cơ sở dịch vụ văn hóa, các hoạt động biểu diễn chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu hưởng thụ văn hóa và đời sống tinh thần của các tầng lớp Nhân dân. Hoạt động sáng tác văn hóa, nghệ thuật, bảo tồn các di sản văn hóa chưa tương xứng với yêu cầu phát triển. Nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực văn hóa còn hạn chế. Ngân sách đầu tư hằng năm cho sự nghiệp văn hóa còn ít, chưa đảm bảo thực hiện công tác tuyên truyền, cũng như tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí, hưởng thụ văn hóa tinh thần của Nhân dân. Một số nơi phong trào thể dục thể thao quần chúng phát triển còn chậm; việc huy động các nguồn lực xã hội hóa để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ thể dục thể thao chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Sản phẩm du lịch còn đơn điệu, nghèo nàn, chủ yếu khai thác các sản phẩm du lịch tự nhiên, sẵn có, chưa phát huy hết tiềm năng sản phẩm du lịch mang đặc thù của địa phương. Chưa đầu tư mở rộng các dịch vụ trong các điểm du lịch.

Nhằm thực hiện tốt công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, trong thời gian tới thành phố Pleiku cần thực hiện các nhiệm vụ sau:

Thứ nhất, tiếp tục chú trọng lãnh đạo xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương. Lãnh đạo xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh gắn với thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) nhằm phòng, chống các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống. Đẩy mạnh tuyên truyền nêu gương người tốt- việc tốt; lấy cái đẹp dẹp cái xấu, cái tiêu cực trong xã hội; xây dựng, củng cố niềm tin trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân.

Thứ hai, tiếp tục triển khai có hiệu quả phong trào“Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; sửa chữa, bổ sung một số điều trong hương ước, quy ước thôn, làng, tổ dân phố văn hóa phù hợp với điều kiện thực tế, xây dựng văn hóa trong xây dựng nông thôn mới.

Thứ ba, tiếp tục đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa ở cơ sở: Âm thanh, ánh sáng, cồng chiêng, trang thiết bị thể thao, đầu tư xây dựng các hạng mục công trình tại các nhà văn hóa thôn, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của Nhân dân, góp phần vào việc phát triển văn hóa, thể thao trên địa bàn.

Thứ tư, tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao bổ ích, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, nâng cao nhận thức của các tầng lớp Nhân dân về hưởng thụ văn hóa, hòa nhập với cộng đồng và bảo vệ bản sắc văn hóa vốn có của địa phương mình. Thường xuyên tổ chức liên hoan nghệ thuật quần chúng, liên hoan cồng chiêng, các trò chơi dân gian, các giải thể thao truyền thống trong những ngày lễ lớn, những sự kiện trọng đại của đất nước, của tỉnh và của thành phố.

Thứ năm, quan tâm xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế, góp phần vào sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước cùng với việc ổn định chính trị và phát triển kinh tế. Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ văn hóa, thể thao, du lịch phát triển, thu hút vốn đầu tư, các nguồn lực xã hội hóa để nâng cao chất lượng sản phẩm văn hóa, nghệ thuật; quảng bá sản phẩm văn hóa. Có những chính sách đãi ngộ đối với những nghệ nhân, nghệ sĩ, những tài năng trẻ trên lĩnh vực văn hóa - thể thao.

Bảo Ngọc
customer-service.png THÔNG TIN LIÊN HỆ:

1478004194_map-icon.png Địa chỉ: 58 Tăng Bạt Hổ - T
hành phố Pleiku - Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269).3830 155
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269).3828414
1478004004_Mail.png  Email: ubndpleiku@gialai.gov.vn
 
contract-(4).png THÔNG TIN BẢN QUYỀN:

Bản quyền thuộc về UBND thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Hữu Sung - UVBTV Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Pleiku.
Giấy phép số: 01/GP-TTĐT ngày 24/02/2015 của Sở Thông tin và Truyền thông

Chung nhan Tin Nhiem Mang
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN

   Copyright © 2018 
Trang chủ | Tin tức Liên hệ | Mobile | Site map icontop.png