TIN TỨC

CHUYÊN MỤC

Rượu cần Tây nguyên

Ngày đăng bài: 13/02/2015
Ở Tây Nguyên tất cả các lễ hội không bao giờ thiếu vắng rượu cần. Ngoài giá trị vật chất, rượu cần còn biểu hiện cho văn hóa giao tiếp Rượu cần là đồ uống thường xuyên, phổ biến và bất biến của các cư dân bản địa Tây Nguyên. Uống rượu cần trở thành phong tục, có nguồn gốc khá lâu đời, trở thành nét văn hóa đặc trưng trong đời sống.

Để làm được một hũ rượu cần phải có gạo hoặc ngô, khoai, sắn, y dĩ, chuối, dứa, củ mài và một số loại cây, củ, quả khác cùng men rượu. Vỏ trấu và chum đựng, cách làm phổ thông và đơn giản nhất là dùng gạo tẻ hoặc nếp) đãi sạch, ngâm nước lã hoặc nước ấm 3-54 giờ đồng hồ. Đổ ra rá, dội nước lạnh cho sạch, trộn đều vỏ trấu, đồ chín kỹ rồi đổ ra mẹt sạch, để nguội, trộn đều men, theo tỷ lệ một gạo hai trấu (1 kg gạo, 2 kg trấu) 1/2 lạng men (không kể một số loại men mạnh bằng lá tươi). Ủ kỹ bằng lá (hoặc ni lông thật kín) từ 5-7 ngày đến khi dậy mùi thơm, đem đổ vào chum (hoặc hũ) bịt thật kín (dùng tro bếp sạch, hoà nước đặc sền sệt đắp kín, chặt miệng chum) để ở nơi khô ráo, sạch sẽ mười ngày sau thì đem uống.

Nguyên liệu làm rượu cũng chỉ là những loại ngũ cốc thông thường… Song bí quyết chính là ở chất gây men. Chất gây men được làm từ lá rừng và thường được giữ kín, không tiết lộ cho người ngoài sắc tộc. Về cách chế biến thật đơn giản nhưng độc đáo: men và tinh bột được trộn đều, cho vào ché, bên trong phủ lớp trấu dùng để ủ. Sau đó, thay vì mang đi chưng cất bằng nhiệt như các loại rượu thường, người ta đem chóe chôn sâu xuống đất đúng 100 ngày. Dĩ nhiên, thời gian chôn càng lâu rượu càng thơm ngon, quyến rũ. Ðiểm nữa, trước khi uống phải đổ đầy nước suối vào ché với mục đích hòa tan chất  cồn trong nước đầu tiên này gọi là nước cốt. Nước cốt màu vàng sánh, có mùi hương lan tỏa tuyệt vời hết sức đặc trưng.

Rượu càng nhiều ngày, càng già, uống càng bốc và ngon. Loại men ngọt uống thấy vị ngọt (như đường, như mật). Loại men đậm, đắng uống rất bốc, mạnh hơn các loại bia gọi là "lẩu phủ trai" (rượu đàn ông). Rượu cần uống bằng nước lạnh đun sôi để nguội (hoặc để trong tủ lạnh càng tốt). Nếu dùng nước nóng (kể cả hơi ấm) uống sẽ không ra gì, rượu coi như bị hỏng. Khi uống ta bật bỏ nắp bịt ra, đổ nước ngâm một phút cho ngấm, cắm cần vào và đổ nước uống liên tục đến lúc nhạt thì thôi (hoặc hút ra chai uống qua cốc, chén như bia và rượu).

Ảnh minh họa.

Rượu cần là một nét sinh hoạt văn hóa đẹp – văn hoá rượu cần. Từ "đặc sản" ở đây, ngoài ý nghĩa là sản phẩm đặc biệt về nội dung, chất lượng mà còn bao hàm cả sự độc đáo có một không hai về cách tiêu dùng. Trong hàng chục, hàng trăm loại rượu, có lẽ đây là loại duy nhất không uống bằng ly, bằng chén mà uống bằng một dụng cụ đặc biệt được gọi là cần. Bởi thế, việc sử dụng thứ đặc sản này có thêm "công đoạn" hút, trước khi uống chúng vào người. Hơn nữa, đối với rượu cần, người ta không uống một mình với mục đích giải sầu mà chỉ uống tập thể vào những dịp lễ Tết, hội hè… khi tiếp đãi bạn bè, khách quý phương xa. Vào những ngày trọng đại đó, chóe rượu được đặt trang trọng giữa nhà, bên bếp lửa bập bùng; còn khách và chủ cùng quây quần xung quanh, ngất ngây trong tiếng cồng chiêng trầm bổng. Mọi người ngồi xếp chân vòng tròn, vít cong cây cần làm bằng ống trúc và hút say sưa.

Với cách thức tạo ra rượu cần. Uống rượu cần thật là một sinh hoạt văn hoá mang tính cộng đồng rõ nét. Khi đã vào cuộc vui rượu cần, con người xích lại gần nhau, xua tan mọi nỗi u buòn thậm chí sẵn sàng tha thứ cho nhau những điều chưa vừa ý, vừa lòng. Trước đây chưa có kỹ thuật trưng cất rượu. Sau này cũng loại men ấy họ đã biết trưng cất từ rượu cần thành "rượu siêu" chất lượng tinh khiết hơn. Nhưng dẫu sao uống rượu cần vẫn là thú vui không thể thiếu được bởi nó đã đi vào cuộc sống của cộng đồng đã từ lâu, trở thành một nét bản sắc văn hoá đáng trân trọng. Nó còn là cầu nối giao lưu văn hoá, tình cảm giữa các dân tộc thậm chí đối với khách quốc tế cũng trở thành một nhu cầu giao tiếp.
                                                                                        
       Thanh Trúc
customer-service.png THÔNG TIN LIÊN HỆ:

1478004194_map-icon.png Địa chỉ: 58 Tăng Bạt Hổ - T
hành phố Pleiku - Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269).3830 155
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269).3828414
1478004004_Mail.png  Email: ubndpleiku@gialai.gov.vn
 
contract-(4).png THÔNG TIN BẢN QUYỀN:

Bản quyền thuộc về UBND thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Hữu Sung - UVBTV Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Pleiku.
Giấy phép số: 01/GP-TTĐT ngày 24/02/2015 của Sở Thông tin và Truyền thông

Chung nhan Tin Nhiem Mang
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN

   Copyright © 2018 
Trang chủ | Tin tức Liên hệ | Mobile | Site map icontop.png