TIN TỨC

CHUYÊN MỤC

Nghề dệt thổ cẩm ở Tây Nguyên

Ngày đăng bài: 24/10/2020
Mỗi dân tộc đều có một nền văn hóa mang bản sắc riêng, đó là thực tế của lịch sử phát triển các dân tộc, và bản sắc ấy không chỉ thể hiện trong sự tồn tại của các giá trị vật chất - tinh thần mà còn thể hiện trong quá trình sản xuất sản phẩm.
 

Và với nghề dệt thổ cẩm của người phụ nữ Tây Nguyên, bản sắc văn hóa ấy như đã ở trong "máu thịt", từ thế hệ này sang thế hệ khác, những bà mẹ đã truyền dạy cho cháu con và cứ thế, nối tiếp theo thời gian. Ngày nay, nghề dệt thổ cẩm ở Tây Nguyên đã có một số biến đổi để phù hợp với yêu cầu của cuộc sống mới, nhưng dù thế nào thì người phụ nữ Tây Nguyên vẫn luôn tự hào về nghề truyền thống của mình... Tây Nguyên, một dải Trường Sơn xanh thẳm với những cánh rừng đại ngàn nguyên sinh, trắng xóa bao dòng thác bạc với một nền văn hóa độc đáo và phong phú. Mỗi bước chân ta đi đều có thể bắt gặp ở mọi nơi, mọi lúc cái đẹp hiển hiện nguyên sơ mà kỳ bí của núi, của sông,…Từ những căn nhà “dài hơn một tiếng chiêng ngân” của người Ê Đê đến những mái nhà rông cao vút tựa dáng lưỡi rìu tạc vào bầu trời xanh thăm thẳm của cao nguyên của người Bana, Xê Đăng hay nét uyển chuyển trong điệu múa xoang của những chàng trai, cô gái Ba Na và có lẽ trên hết là những sắc màu quyến rũ của thổ cẩm Tây Nguyên…
 
det1-(1).jpg
Phụ nữ Làng Phung 2- Xã Biển Hồ.

Đã thành truyền thống, bất cứ cô gái Tây Nguyên nào khi lớn lên đều được người mẹ bày cho cách dệt vải để không chỉ dệt cho mình những bộ váy đẹp mà cho cả gia đình sau này. Những bộ váy đẹp nhất được dành cho những ngày lễ hội, cưới xin khi dân làng tụ họp vui vẻ trong tiếng cồng chiêng, cô gái nào có bộ váy đẹp cũng được coi là người chăm chỉ giỏi giang.

Để có những tấm vải thổ cẩm đẹp với những đường nét, hoa văn độc đáo là cả một quá trình lao động khá công phu và mệt nhọc từ trồng bông, cán bông, kéo sợi, nhuộm màu và dệt. Khung dệt của đồng bào Tây Nguyên tuy đơn giản nhưng rất đa dạng, có loại chuyên dành cho việc dệt váy, dệt chăn, lại có loại chuyên dệt những tấm vải có kích thước nhỏ hơn như là túi thổ cẩm, là khăn địu, là khố...

Dưới đôi bàn tay uyển chuyển của người thiếu nữ, những họa tiết đều mang tính cách điệu cao và thường thể hiện bằng các hoa văn chấm dải, gồm các mô típ: bông hoa, con chim, con ba ba, chiêng, ché, ngà voi...dần được hiện lên với nhiều sự phối trộn màu sắc tinh tế khác nhau. Theo quan niệm của các dân tộc Tây Nguyên: nền vải màu đen đặc trưng cho đất đai mà cả cuộc đời họ gắn bó - lúc sống cũng như lúc chết; màu đỏ biểu tượng cho sự đam mê, cho sự vươn lên, cho khát vọng, tình yêu; màu xanh là màu của đất trời, cây lá; màu vàng là màu của ánh sáng, là sự kết hợp hài hòa giữa con người và thiên nhiên. Với người Êđê, màu đen và đỏ là 2 màu được ưa chuộng nhất, còn đối với người Thượng là sự kết hợp các sợi màu đỏ, vàng rực rỡ ở "gam màu" nóng tương phản rõ nét với nền đen. Cũng có màu trắng nhưng dường như nó xuất hiện đột khởi nhắc nhở sự tiềm ẩn như đã mờ phai theo thời gian năm tháng để phù hợp với hoàn cảnh sống, canh tác, nơi núi rừng. Dày và thô - rất "rừng", là hàng người Kơ Ho, người Lạch còn vải dệt của một số dân tộc phía Nam Cao Nguyên hay ven biển như những dân tộc Chàm, Châu Ro, người Stiêng lại lấy màu nền trắng làm chủ đạo, tựa như để hòa lẫn với sóng biển bạc đầu…Công phu, ấn tượng, hoa văn tỉ mỉ và có độ dày đáng "nể". được ngoại khách chuộng nhất có lẽ là hàng của người Mạ. Nếu người Anh, Đức, Bỉ thích thổ cẩm dân tộc Mạ, Kơ Ho thì người Hà Lan, Nhật lại chuộng hàng người Chàm.

Lưu giữ, phát triển nghề truyền thống đối với phụ nữ Tây Nguyên là một niềm say mê, ai cũng biết nghề, và được lưu truyền đến ngày nay. Nhưng trước sự phát triển của cuộc sống hiện đại, niềm say mê ấy có khả năng sẽ suy giảm nếu không được sự động viên, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển. Chính vì thế, thiết nghĩ, đây không chỉ là câu chuyện thuộc về vai trò của phụ nữ, mà phải có sự quan tâm đầu tư, giúp đỡ của các cấp, các ngành để những nghành nghề truyền thống, như nghề dệt thổ cẩm chẳng hạn, vừa được lưu giữ, vừa giúp mang lại hiệu quả thiết thực cho cuộc sống.
 
                                                                                                                   Thanh Trúc

 
customer-service.png THÔNG TIN LIÊN HỆ:

1478004194_map-icon.png Địa chỉ: 58 Tăng Bạt Hổ - T
hành phố Pleiku - Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269).3830 155
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269).3828414
1478004004_Mail.png  Email: ubndpleiku@gialai.gov.vn
 
contract-(4).png THÔNG TIN BẢN QUYỀN:

Bản quyền thuộc về UBND thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Hữu Sung - UVBTV Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Pleiku.
Giấy phép số: 01/GP-TTĐT ngày 24/02/2015 của Sở Thông tin và Truyền thông

Chung nhan Tin Nhiem Mang
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN

   Copyright © 2018 
Trang chủ | Tin tức Liên hệ | Mobile | Site map icontop.png