TIN TỨC

CHUYÊN MỤC

Lễ hội trong phát triển du lịch

Ngày đăng bài: 15/05/2015
Lễ hội đóng vai trò quan trọng trong quá trình khai thác và phát triển du lịch văn hóa, vốn là một thế mạnh của du lịch Gia Lai. Lễ hội được nhìn nhận như một “bảo tàng sống” về đời sống cư dân văn hóa bản địa, thế nên làm thế nào để khai thác các lễ hội vốn có để đưa du khách đến với người dân, cảm nhận được cuộc sống, nét văn hóa của địa phương, xác định phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa lễ hội truyền thống là mục tiêu, chiến lược lâu dài để phát triển bền vững ngành công nghiệp không khói tỉnh nhà.

Trong hệ thống các nguồn tài nguyên phục vụ cho phát triển du lịch văn hoá có một nguồn tài nguyên hết sức quan trọng mà dường như đã bị mai một dần, đó chính là các lễ hội văn hóa dân gian. Trong các dạng tài nguyên nhân văn, lễ hội truyền thống là tài nguyên mang lại giá trị phục vụ du lịch rất lớn. Lễ hội là một hình thức sinh hoạt tổng hợp bao gồm các mặt tinh thần và vật chất, tôn giáo tín ngưỡng và văn hoá nghệ thuật, tâm linh và đời thường… là một sinh hoạt có sức hút một số lượng lớn những hiện tượng của đời sống xã hội.  Như vậy lễ hội là một hình thức sinh hoạt tập thể của nhân dân sau những ngày lao động vất vả, hoặc là một dịp để mọi người hướng về một sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước, hoặc liên quan đến những sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân, hoặc chỉ đơn thuần là những hoạt động có tính chất giải trí. Do đó lễ hội có tính hấp dẫn cao đối với du khách.

Dệt thổ cẩm – dân tộc Jrai.

Lễ hội là một sinh hoạt văn hoá, tôn giáo, nghệ thuật truyền thống phản ánh lại chính cuộc sống vật chất và tâm linh của cộng đồng xã hội. Những giá trị về mặt văn hoá của lễ hội chỉ được xác định trong một không gian lịch sử nhất định, đối với một cộng đồng nhất định, nếu đưa ra khỏi không gian và phạm vi cộng đồng đó, lễ hội sẽ mất đi những giá trị vốn có của nó. Tài nguyên văn hoá với những đặc điểm kỳ diệu, đa dạng, độc đáo sẽ ngày càng thu hút đông đảo khách du lịch đến thăm quan nhằm thoả mãn trí tò mò cũng như phần nào đáp ứng được lòng mong muốn hiểu biết sâu rộng về cái hay, cái đẹp của mỗi vùng mỗi địa phương. Trong những nguồn tài nguyên quan trọng để phát triển du lịch văn hoá thì các lễ hội dân gian ngày càng được các du khách quan tâm và muốn tìm hiểu. Khai thác tổ chức tốt các lễ hội dân gian cũng là một trong những biện pháp để giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc và phát triển du lịch  bền vững.

Gia Lai tự hào được nằm trong “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” được UNESCO công nhận là “Kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa phi vật thể” của nhân loại. Tự hào với những làng nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, điêu khắc, tạc tượng nhà mồ và các lễ hội của đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt với nét văn hóa độc đáo của lễ hội cồng chiêng và các di sản văn hóa đồ sộ của các dân tộc Bahnar, Jrai với những bản trường ca, sử thi, các kiến trúc tiêu biểu như nhà Rông, nhà mồ, nhà ở, giọt nước… Vốn văn hóa này là tiềm năng, cơ hội để phát triển ngành du lịch, tạo nguồn thu lớn cho địa phương. Chính vì vậy, việc phát triển du lịch không thể tách rời việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa- lịch sử, lễ hội truyền thống trên địa bàn. Gia Lai với một số lễ hội gắn với cây trồng như Lễ mừng lúa mới, Lễ đưa lúa lên chòi… hay các lễ hội gắn với sự trưởng thành của con người như Lễ trưởng thành, Lễ tạ ơn cha mẹ của đồng bào dân tộc Bahnar, Lễ cưới hỏi, rồi các lễ hội sinh hoạt cộng đồng như Lễ Bỏ mã, Lễ cúng bến nước, Lễ cúng nhà rông… cũng góp phần không nhỏ vào kho tàng lễ hội của tỉnh, nếu được gìn giữ và khai thác các lợi thế này đưa vào hoạt động du lịch sẽ mang lại hiệu quả cao và mang tính đặc trưng với những tỉnh bạn với nhiều điểm tương đồng.


Thực hiện chiến lược phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa, thời gian qua, tỉnh đã quan tâm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nhiều tuyến đường giao thông đến các khu du lịch đã được đầu tư, nâng cấp, mở rộng; các danh lam, thắng cảnh, di tích văn hóa lịch sử được trùng tu, tôn tạo; một số buôn văn hóa của người bản địa, lễ hội truyền thống được khôi phục… gắn liền với hoạt động du lịch tại các khu du lịch, qua đó đã quảng bá hình ảnh vùng đất và con người Gia Lai, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của du khách đến tham quan, khám phá và nghỉ ngơi.

 Đưa một số hoạt động văn hóa, lễ hội vào gắn kết với du lịch, để qua đó vừa tạo việc làm cho người dân, vừa bảo tồn được các giá trị văn hóa địa phương và quảng bá rộng rãi với công chúng. Để nâng cao hiệu quả trong việc bảo tồn, phát huy thế mạnh vốn có của địa phương ngành văn hóa – du lịch cần tiếp tục đẩy mạnh, lồng ghép các lễ hội, giá trị văn hóa phi vật thể vào các tour du lịch như: tham quan lễ hội truyền thống của người bản địa, tái hiện hoạt động nghệ thuật trình diễn dân gian như các điệu múa, kể khan các sử thi, hát dân ca, cồng chiêng… tạo nên không khí hội trong nghi lễ truyền thống để thu hút du khách.

Võ Thanh Thảo
customer-service.png THÔNG TIN LIÊN HỆ:

1478004194_map-icon.png Địa chỉ: 58 Tăng Bạt Hổ - T
hành phố Pleiku - Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269).3830 155
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269).3828414
1478004004_Mail.png  Email: ubndpleiku@gialai.gov.vn
 
contract-(4).png THÔNG TIN BẢN QUYỀN:

Bản quyền thuộc về UBND thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Hữu Sung - UVBTV Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Pleiku.
Giấy phép số: 01/GP-TTĐT ngày 24/02/2015 của Sở Thông tin và Truyền thông

Chung nhan Tin Nhiem Mang
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN

   Copyright © 2018 
Trang chủ | Tin tức Liên hệ | Mobile | Site map icontop.png