TIN TỨC

CHUYÊN MỤC

Kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh những giá trị lý luận và thực tiễn bền vững

Ngày đăng bài: 02/09/2020
Bản tuyên ngôn lịch sử khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa là kết quả tuyệt vời của trí tuệ, điểm hội tụ tư tưởng thời đại, tư tưởng nhân văn truyền thống phương Đông, tư tưởng nhân văn cách mạng tư sản cận đại Âu Mỹ, và tư tưởng cách mạng của V.I Lênin hiện đại. Hồ Chí Minh hiểu sâu sắc về Đông Á nhưng rất nhạy bén tiếp thu tinh hoa của châu Âu, một người làm hãnh diện cho dân tộc mình, cho lịch sử và nền văn minh đã tạo ra mình.

Những dòng đầu của bản Tuyên ngôn độc lập của Việt Nam đã trích lời Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ năm 1776, Hồ Chí Minh đã diễn giải: Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Lời bất hủ ấy trong bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có nghĩa là: Tất cả các dân tộc trên thế giới sinh ra đều có quyền bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do.
 
chu_tich_ho_chi_minh_1_bvii_ylkw.jpg
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản tuyên ngôn độc lập. (Ảnh đồ họa: Quang Huy, theo VOV.vn)

Có lẽ bất kỳ ai, kể cả người thuộc về phe đối lập, bạn bè, và nhất là chúng ta người Việt Nam khi đọc những dòng này đều không khỏi ngạc nhiên, vì Hồ Chí Minh là một người cộng sản, người Mácxit, một nhà văn hóa lại không dẫn từ vạn ngàn lời hay của các nhà kinh điển như Mác-Lênin để minh chứng khẳng định kết quả cuộc đấu tranh vĩ đại của dân tộc ta giành độc lập dân tộc. Có lẽ đây cũng là điều dễ hiểu bởi tại đã nhiều thập kỷ qua, chúng ta hầu như quen với nếp nghĩ đúng định đề kinh điển Mácxít, làm cho chúng ta khó mà dám nghĩ tới một cách suy nghĩ khoa học khác và sử dụng nó như một vũ khí tư tưởng lịch sử có sức mạnh vô cùng.

Bản Tuyên ngôn độc lập Người đọc ở quảng trường Ba Đình ngày 02/9/1945 đánh dấu mốc vàng lịch sử, hoàn thành về cơ bản nhiệm vụ cách mạng dân tộc, độc lập và dân chủ, tự do cho nhân dân. Như chúng ta biết, tự do cho con người, bác ái và bình đẳng, đó là từ ngữ đẹp chứa đựng một nội dung nhân văn lớn mà loài người hằng mơ ước. Đó cũng chính là nội dung lớn của triết học thời đại. Nhân loại với ánh sáng tư tưởng mới bước ra khỏi đêm trường trung cổ. Đó cũng là mục tiêu đấu tranh lâu dài gian khổ mà dân tộc Việt Nam vươn tới.

Nắm vũng tư tưởng cách mạng không ngừng nhưng không thể phủ định một cách sạch trơn. Người ta đã thấy rõ cuộc cách mạng dân tộc dân chủ tháng 8 năm 1945 của Việt Nam có nét giống với cuộc chiến tranh giành độc lập của 13 bang thuộc đại Bắc Mỹ. Và do đó, chúng ta có thể hiểu vì sao Người đánh giá cao cuộc cách mạng dân tộc dân chủ tư sản Mỹ. Thừa nhận nguyên lý nhân văn giải phóng dân tộc, giải phóng con người của cách mạng Mỹ. Sự gặp gỡ của cuộc cách mạng Mỹ thế kỉ XVIII và cuộc cách mạng Việt Nam giữa thế kỷ XX là sự gặp gỡ từ bản chất một cuộc ách mạng có tính tương đồng, giành độc lập, tự do thật sự cho dân tộc. Cũng giống như cách mạng Mỹ, cuộc cách mạng Việt Nam mang tính chất cuộc chiến tranh vĩ đại, chiến tranh thực sự giải phóng, thực sự cách mạng.

Ngọn đuốc độc lập tự do của cách mạng dân chủ tư sản Mỹ đã hấp dẫn Hồ Chí Minh. Phải chăng điều này giúp chúng ta có thể hiểu thêm vì sao Hồ Chí Minh lại lựa chọn những dòng ngời đuốc trí tuệ của Tuyên ngôn độc lập Mỹ để mở đầu Tuyên ngôn độc lập của Việt Nam năm 1945. Nhân dân Mỹ có thể qua Tuyên ngôn của Việt Nam năm 1945 mà thấy rõ sự nghiệp chính nghĩa của dân tộc Việt Nam.

Bản Tuyên ngôn bắt đầu bằng một định đề triết học nhân văn không thể chối cãi, sau đó bằng những liệt kê tóm lược về tội phạm ăn cướp, tước đoạt của thực dân Pháp mà bất kỳ ai có lương tri đều thấy sự phi lý của nó. Bản Tuyên ngôn độc lập như lời tuyên án chế độc thực dân trong ngày phán xử cuối cùng. Trước vành móng ngựa, trước nhân dân tiến bộ thế giới, chủ nghĩa thực dân Pháp trước tòa án lý tính đã bị tuyên án tử hình. Từ việc cướp bóc xâm lược Việt Nam, lập nhà tù nhiều hơn trường học, dùng thuốc phiện, rượu cồn để đàn áp, bóc lột và làm suy yếu dân tộc Việt Nam, Bản Tuyên ngôn như những lời kết tội đanh thép tuyên bố chế độ thực dân Pháp không thể có lý do tồn tại và trên thực tế đã phải kết thúc.

Một mặt khác, Bản Tuyên ngôn như lời tố cáo trước nhân dân Pháp; ngọn cờ bình đẳng bác ái tự do đẹp đẽ của cách mạng Pháp đã bị chính những tên xâm lược thực dân Pháp bôi nhọ. Người Việt Nam muốn gì? Đó chẳng qua là những quyền được ghi nhận trong Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ năm 1776 và trong tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của cách mạng Pháp 1789. Đó là những điều nhân dân Mỹ và nhân dân Pháp đã đấu tranh thắng lợi ghi lên ngọn cờ cách mạng của mình.

Hồ Chí Minh tinh hoa của dân tộc Việt Nam tiếp thu triết lý nhân văn, tinh hoa trí tuệ của nhân dân Pháp, nhân dân Mỹ. Những tội ác của thực dân Pháp và tất nhiên sau này của đế quốc Mỹ đã gây ra đối với nhân dân Việt Nam là điều không thể chấp nhận được.

Bản Tuyên ngôn độc lập từ bản chất như toát lên sự gặp gỡ của dòng triết học nhân văn phương Đông và phương Tây. Vốn gia tài văn hóa lấp lánh sau những dòng tuyên ngôn độc lập là điều chúng ta có thể thấy được cho đến ngày nay. Bản tuyên ngôn độc lập đó vẫn còn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn cho đến ngày hôm nay và mãi mãi về sau  cho các thế hệ người Việt Nam.

75 năm đã trôi qua, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Tuyên ngôn Độc lập ngày  2/9/1945 đã trở thành sức mạnh to lớn của toàn dân tộc Việt Nam vượt qua mọi khó khăn thách thức, thực hiện lời thề với Người trong ngày lễ độc lập “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập.”. Với tinh thần đó, cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của đảng đã giành được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử trong suốt 75 năm qua. Hiện nay, toàn Đảng, toàn dân ta đã và đang tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới toàn diện trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực còn nhiều diễn biến rất phức tạp, tác động trực tiếp đến nước ta, tạo ra cả thời cơ và thách thức. Để tận dụng, phát huy tốt nhất thời cơ, thuận lợi, vượt qua khó khăn, thách thức, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta cần đoàn kết một lòng với một quyết tâm cao, phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, nâng cao đời sống của nhân dân.Kiên quyết,kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập,chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng các cấp tiến tới đại hội lần thứ XIII của Đảng thành công tốt đẹp. Tuyên ngôn Độc lập đã và đang khơi nguồn sáng tạo, soi sáng con đường cách mạng Việt Nam hướng lên tầm cao mới của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ phát triển mới. Vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng văn minh./.
(Tài liệu tham khảo
Cách mạng Mỹ 1776
Cách mạng Pháp 1789
Tuyên ngôn độc lập 2/9/1945)
 
 
Lê Văn Hòa
 Phó Trưởng khoa Nhà nước và pháp luật
Trường Chính trị tỉnh Gia Lai



 
customer-service.png THÔNG TIN LIÊN HỆ:

1478004194_map-icon.png Địa chỉ: 58 Tăng Bạt Hổ - T
hành phố Pleiku - Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269).3830 155
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269).3828414
1478004004_Mail.png  Email: ubndpleiku@gialai.gov.vn
 
contract-(4).png THÔNG TIN BẢN QUYỀN:

Bản quyền thuộc về UBND thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Hữu Sung - UVBTV Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Pleiku.
Giấy phép số: 01/GP-TTĐT ngày 24/02/2015 của Sở Thông tin và Truyền thông

Chung nhan Tin Nhiem Mang
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN

   Copyright © 2018 
Trang chủ | Tin tức Liên hệ | Mobile | Site map icontop.png