TIN TỨC

CHUYÊN MỤC

Hào hùng ký ức Điện Biên về người chiến sỹ đốt than phục vụ thương binh!

Ngày đăng bài: 10/03/2014
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Hoàng Châu, Hoàng Hóa (Thanh Hóa), ông là Lê Minh Tường, năm nay 84 tuổi, gần 55 năm tuổi Đảng, hiện trú tại tổ 4, thôn 2, xã Biển Hồ, Thành phố Pleiku. Cuộc đời của người chiến sỹ Điện Biên năm xưa đã từng niếm trải một quãng thời gian cơ cực.

Ngày ấy, các cụ thân sinh ra ông Lê Minh Tường sinh ra được 10 người con. Nạn đói giai đoạn 1945 đã cướp đi sinh mạng của gia đình ông đến 8 người, trong đó có cả những người thân sinh ra ông, chỉ còn lại ông và cô em gái. Hai anh em đã phải trải qua quãng đường cơ cực như ăn xin, mò cua bắt ốc, làm thuê… để có cái qua ngày dưới ách thống trị của thực dân Pháp. Điều may mắn lúc bấy giờ đến với hai em nhà ông Tường đó là được gia đình ông Nguyễn Văn Mẹo (giáo viên thời bấy giờ) cho đến ở và hàng ngày ngoài làm việc nhà, ông Tường còn vào rừng  kiếm củi, đốt than để bán kiếm tiền. Cuộc đời ông bắt đầu thay đổi từ đây, đi ở cho gia đình nhà ông thầy giáo có cái ăn và đến tháng 4-1945 ông Tường đã đi theo người con trai của ông giáo Mẹo (là ông Nguyễn Văn Bổn - hy sinh trong chiến dịch Hoàng Hoa Thám) làm liên lạc “Tự vệ thành”. Sau khi Cách mạng Tháng 8 thành công đánh đổ thực dân phong kiến giành độc lập dân tộc và ruộng đất cho dân cày, như bao thanh niên, ông để người em gái (Lê Thị Minh Tuyên, sau này cũng tham gia cách mạng và là đảng viên) của mình lại nhà ông giáo Mẹo rồi gia nhập quân đội (tháng 02-1950) và được chuyển về Đội đều trị 4- thuộc Trung đoàn 9 - Sư đoàn 304 (đây là một trong hai Sư đoàn đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, lúc bấy giờ). Và đến tháng 11-1959 ông Vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Khi nói về cuộc đời của mình, ông Lê Minh Tường nghẹn ngào kể lại: Thời bấy giờ gia đình tôi thuộc vào diện bần cố nông sống dưới chế độ thực dân; nhờ ơn Đảng và Bác Hồ mới có được ngày hôm nay! Là người chiến sỹ y tá chuyên làm công tác cứu thương ở Đội điều trị 4 - thuộc Trung đoàn 9 - Sư đoàn 304 tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Bẩm sinh tôi đã từng nếm trải một cuộc sống cơ cực bần cùng và từ đó tạo hóa đã giúp cho tôi có được kế sinh nhai, từ lợi thế này tôi đảm nhiệm luôn việc trong Đội điều trị là hàng ngày đi chặt cây, kiếm củi để đốt lò và ủ lấy than, không những phục vụ sưởi ấm cho thương binh mà còn phải đáp ứng yêu cầu mổ, những chiếc mũ áo bẩn, săng gạc thường được dân công đem ra suối giặt sạch, sau đó luộc rồi mới đem ra phơi; nhiệm vụ của tôi là phải đốt một đống than lớn, sấy khô các dụng cụ rồi chuyển sang tiệt trùng ở các bộ phận có nồi hấp Autolava. Nếu tính từ công đoạn giặt, sấy, tiệt trùng các dụng cụ trên đến khi quay trở lại buồng mổ thời gian khoảng 2 giờ. Trong điều kiện hết sức khó khăn như vậy, nhưng chúng tôi vẫn vượt qua để hoàn thành tốt nhiệm vụ với bất cứ hoàn cảnh.

Ông Lê Minh Tường- Tổ 4, thôn 2, xã Biển Hồ, thành phố Pleiku.

Vậy, ông làm thế nào để đốt củi để lấy than nếu vào mùa Thu - Đông, khí hậu ẩm ướt mà không bị địch phát hiện? Tôi hỏi.

Ông Tường trả lời - Như đã nói ở trên, tôi được trời ban cho cái nghề để kiếm kế sinh nhai từ nhỏ là đốt than, cho nên cũng có chút ít kinh nghiệm. Muốn lấy than tốt là phải chọn loại cây gỗ chắc, không quá to và quá nhỏ thì mới cháy đều. Khi đốt, đào lỗ theo phương pháp lò Hoàng Cầm, hệ thống lò có ống khói dài và các nhánh tỏa ra, lúc này khói thoát ra và trải đều trên mặt đất hòa lẫn với sương mù cho nên địch không thể phát hiện được. Khi củi đốt đã bén đến mức độ nhất định thì lấy đất đắp kíp để lửa cháy om trong lò, từ đó than sẽ không bị cháy rạc thành tro; đến khi xác than đã đủ chín thì dỡ lò ra và làm nguội, sau đó chuyển than về đơn vị phục vụ sưởi ấm cho thương binh và sấy các trang thiết bị phòng mổ. Nói chung còn tùy thuộc vào số lượng thương binh và các bộ phận chuẩn bị mổ cho thương binh, nhiều khi thiếu than, tôi phải cấp tốc đi chặt cây, kiếm củi, đốt lò để ủ lấy than và mỗi đợt om than như vậy cũng phải mất vài ngày; tất nhiên để hoàn thành được việc đó còn có sự hỗ trợ của anh chị em dân công cùng trận tuyến trong việc tìm củi đốt than.

Động cơ nào đã thúc đẩy ông tích cực tham gia công tác công tác địa phương sau khi nghỉ hưu đến vậy? Tôi hỏi tiếp.

Ông Tường thản nhiên nói: Tuy đã nghỉ hưu, đơn giản chỉ là người đảng viên và những lời Bác Hồ dạy đối với cán bộ, đảng viên luôn khắc sâu trong lòng tôi - đó là: “… vào Đảng là để phục vụ nhân dân, phục vụ giai cấp, phục vụ cách mạng (…) mình vào Đảng làm đầy tớ cho nhân dân chứ không phải là “quan” nhân dân”. Chính vì thế, người đảng viên nói phải đi đôi với làm, tôi luôn xác định - khi nhân dân tín nhiệm tôi sẵn sàng phục vụ cho đến bao giờ không còn sức nữa. Chỉ thế thôi!

“Chỉ thế thôi!” Được nghe cụm từ đó thì tưởng là đơn giản, nhưng ngẫm cho kỹ thì không đơn giản tý nào. Năm 1982, ông được Nhà nước cho nghỉ hưu, đến năm 1989, ông vào Tây Nguyên định cư cùng các con, và con người ấy luôn vì công việc và phát huy hết trách nhiệm của người đảng viên, không những thế mà còn làm tốt công tác vận động quần chúng; từ năm 1999 mặc dù tuổi cao, nhưng ông vẫn được bà con nơi đây (tổ 4, thôn 2, xã Biển Hồ) tín nhiệm gắn cho nhiều chức vụ như Trưởng ban Mặt Trận, Trưởng ban hòa giải, Chi hội trưởng người cao tuổi và Trưởng Ban thanh tra xã Biển Hồ. Từ năm 2013 ông mới được bà con “miễn cho” các chức vụ để nghỉ ngơi tuổi già! Về thành tích trong quá trình công tác của ông thì có lẽ trong phạm vi bài viết này tôi không thể liệt kê lên hết được! Chỉ tính riêng quá trình tham gia công tác địa phương (sau khi nghỉ hưu) hầu như năm nào ông cũng được các cấp khen thưởng.

Nhận xét về những đóng góp của ông Lê Minh Tường tại địa phương ông Phạm Phụng - Nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Biển Hồ, chia sẻ: ông Tường là một người đảng viên chân chính, luôn gần gũi với quần chúng và được bà con tín nhiệm; về công tác vận động quần chúng thì ít ai làm được như ông, điều đó được thể hiện ở chỗ - những hộ gia đình khu dân cư nơi ông ở cũng chưa lấy gì làm khá giả cho lắm; vậy nhưng năm 2003 ông đã tham gia vận động, thuyết phục được bà con tham gia đóng góp tiền và ngày công lao động (chủ trương nhà nước và nhân dân cùng làm) để hoàn thành con đường nhựa tại tổ 4, thôn 2, dài 1.881 mét...

Những công việc tưởng như bình thường, đó chỉ là người chiến sĩ đốt than, nhưng trong các chiến dịch chống bọn thực dân Pháp vào dịp Thu - Đông nói chung và chiến dịch Điện Biên Phủ nói riêng, những chậu than hồng phục vụ cho thương binh là hết sức cần thiết! Cuộc đời gian khổ cùng với sự đóng góp của một người đảng viên, chiến sỹ Điện Biên như ông Lê Minh Tường dù ở bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì đều vì lợi ích của tập thể và không hề có suy nghĩ vì vụ lợi cá nhân, những việc làm và hành động của ông đã và đang góp phần tích cực trong việc hưởng ứng thực hiện việc “Học tập và làm tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” do Đảng ta khởi xướng. Một đảng viên, người chiến sỹ Điện Biên, anh “Bộ đội Cụ Hồ” như ông Lê Minh Tường chính là tấm gương để cho thế hệ hậu sinh chúng tôi phải suy ngẫm, học tập và noi theo.
 
                                                                                       Bài và ảnh: Sỹ Nhân
customer-service.png THÔNG TIN LIÊN HỆ:

1478004194_map-icon.png Địa chỉ: 58 Tăng Bạt Hổ - T
hành phố Pleiku - Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269).3830 155
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269).3828414
1478004004_Mail.png  Email: ubndpleiku@gialai.gov.vn
 
contract-(4).png THÔNG TIN BẢN QUYỀN:

Bản quyền thuộc về UBND thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Hữu Sung - UVBTV Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Pleiku.
Giấy phép số: 01/GP-TTĐT ngày 24/02/2015 của Sở Thông tin và Truyền thông

Chung nhan Tin Nhiem Mang
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN

   Copyright © 2018 
Trang chủ | Tin tức Liên hệ | Mobile | Site map icontop.png