TIN TỨC

CHUYÊN MỤC

Giá trị tượng gỗ dân gian trong không gian văn hóa cộng đồng

Ngày đăng bài: 23/08/2020
Đối với các dân tộc bản địa Bahnar và Jrai sinh sống lâu đời trên địa bàn tỉnh Gia Lai, tượng gỗ dân gian có giá trị quan trọng trong đời sống văn hóa tâm linh cộng đồng. Ngoài những hình tượng gỗ điêu khắc chỉ được đặt trong khu nhà mồ, được coi là hình tượng đặc trưng nhất trong các loại tượng gỗ dân gian ở Tây Nguyên trước đây, ngày nay tượng gỗ còn được tạc để trang trí trong nhà rông, nhà sàn, nhà dài, các không gian văn hóa ẩm thực hay các không gian du lịch… đưa tượng gỗ đến gần hơn với nhu cầu trải nghiệm, tìm hiểu của người dân và du khách.

Được tạo nên một cách ngẫu nhiên, tùy theo cảm hứng của người tạc, nhưng mỗi hình tượng gỗ khi được khắc họa nên đều mang ý nghĩa riêng của nó. Chủ đề được các nghệ nhân khai thác đều thể hiện hình tượng con người Tây Nguyên trong đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất cho đến chủ đề về thiên nhiên, cuộc sống gia đình, tình yêu đôi lứa... Dưới bàn tay khéo léo và sức sáng tạo phong phú, các nghệ nhân đã biến những khúc gỗ thành tượng, với rất nhiều cung bậc cảm xúc, sắc thái từ sự sâu thẳm của chia ly, nuối tiếc, sự đăm chiêu, trầm mặc với thời gian, đến hỉ nộ ái ố trong cuộc sống.
 
tuong-go1-(1).jpg

Những tác phẩm tượng được tạo nên trong các không gian văn hóa cộng đồng thường được mô tả cảnh trình diễn cồng chiêng, đánh trống, múa soang trong lễ hội; tượng mô tả đàn ông đàn bà lên rẫy trồng trọt, săn thú; tượng mô tả khi nghỉ ngơi vui chơi uống rượu cần, tượng mô tả cảnh chị em phụ nữ thực hiện những công việc hàng ngày như giã gạo, gùi nước, nấu ăn, tượng mô tả tình mẹ con, bà cháu yêu thương, bên cạnh đó là tượng chim thú, đồ vật sinh hoạt, nông cụ, nhạc cụ những vật dụng gắn liền với đời sống sinh hoạt hàng ngày của đồng bào nơi đây… đều được khắc học chân thực và rất sinh động.

Khi đã định hình trong đầu, người nghệ nhân thỏa sức sáng tạo, thả hồn vào những đứa con tinh thần của mình. Có thể nói mỗi bức tượng là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo riêng biệt, không trùng lắp và mang giá trị tinh hoa buôn làng. Bằng đôi tay khéo léo và khả năng sáng tạo của mình, các nghệ nhân đã "thổi hồn” vào gỗ để các bức tượng này trở nên sống động, gần gũi và thân thuộc. Dựa trên những nguyên tắc nhất định về ý nghĩa và quy cách, người tạc tượng thỏa sức sáng tạo theo cách của mình mà không cần qua bản vẽ hay thiết kế gì nên giá trị tượng càng trở nên đặc biệt. Nhiều người không khỏi ngạc nhiên và thán phục trước những bức tượng gỗ độc đáo bởi nó được làm ra từ bàn tay và khối óc của những người nông dân chưa từng qua trường lớp.
 
tuong-go2.jpg

Trước kia, mang giá trị tâm linh, tượng gỗ chỉ được đặt trong khu nhà mồ khi làng diễn ra lễ bỏ mả (Pơ thi) thể hiện qua cuộc chia tay cuối cùng giữa người sống và người chết, đưa tiễn những linh hồn về thế giới bên kia. Sau lễ bỏ mả, tượng nhà mồ cũng nằm lại canh giữ linh hồn người đã khuất. Ngày nay, do ảnh hưởng của nhiều yếu tố hiện đại, vượt ra phạm vi làng, bản tượng gỗ ngày càng được sưu tập, trưng bày, được trang trí trong các không gian mở để du khách dễ dàng tiếp cận với loại hình giá trị truyền thống này. Có thể kể đến những không gian mở trưng bày tượng gỗ đưa du khách đến gần hơn với giá trị văn hóa này như những quán ẩm thực gà nướng-cơm lam Ksor Hnao, Tơ nưng, Ia Gui, Ksor Bla, Plây cồng chiêng,… Từ những nét đẽo tạc thô sơ tạo nên những tuyệt phẩm khiến người xem không khỏi rung cảm trước sự tài hoa, khéo léo của người nghệ sĩ buôn làng.

Mô hình trưng bày tượng gỗ tại Làng văn hóa-du lịch Plei Ốp với nhiều hình tượng đặc sắc của tộc người Banhnar, Jrai đã mô phỏng trọn vẹn giá trị đời sống cộng đồng dân cư buôn làng Gia Lai. Bên cạnh quảng bá di sản, nâng tầm giá trị văn hóa, phục vụ du khách tham quan, tượng gỗ đã phát triển thành sản phẩm du lịch độc đáo phục vụ cho loại hình du lịch cộng đồng vốn mang nhiều ưu thế.

Để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số cần khai thác các giá trị của nó để phát triển du lịch. Có thể khuyến khích nghệ nhân dân gian tạc những tượng gỗ có kích thước vừa và nhỏ để du khách có thể mua về làm quà tặng bạn bè, trưng bày trong không gian gia đình, quán xá... hiệu quả hơn hết là công tác phối hợp cùng các công ty lữ hành kết nối đưa du khách đến trải nghiệm tại các gian hàng trưng bày sản phẩm hay nhà những nghệ nhân ưu tú trực tiếp khắc họa nên hình tượng nghệ thuật độc đáo này. Tất cả sẽ trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng, độc đáo hấp dẫn du khách, bên cạnh giúp bà con có thêm việc làm, gìn giữ nghề truyền thống còn góp phần nâng tầm giá trị di sản văn hóa địa phương.

Dù được đặt ở không gian kiến trúc nào tượng gỗ dân gian Tây Nguyên cũng đều phản ánh rõ nét đời sống văn hóa tâm linh mang tính xã hội của cộng đồng dân cư tại chỗ.

Võ Thanh Thảo
 
customer-service.png THÔNG TIN LIÊN HỆ:

1478004194_map-icon.png Địa chỉ: 58 Tăng Bạt Hổ - T
hành phố Pleiku - Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269).3830 155
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269).3828414
1478004004_Mail.png  Email: ubndpleiku@gialai.gov.vn
 
contract-(4).png THÔNG TIN BẢN QUYỀN:

Bản quyền thuộc về UBND thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Hữu Sung - UVBTV Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Pleiku.
Giấy phép số: 01/GP-TTĐT ngày 24/02/2015 của Sở Thông tin và Truyền thông

Chung nhan Tin Nhiem Mang
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN

   Copyright © 2018 
Trang chủ | Tin tức Liên hệ | Mobile | Site map icontop.png