TIN TỨC

CHUYÊN MỤC

Dân làng Breng gìn giữ nghề truyền thống

Ngày đăng bài: 05/09/2019
Hình ảnh chiếc cối gỗ là một trong những vật dụng thân thuộc trong đời sống của người dân bản địa Tây Nguyên. Theo nếp sống từ ngàn xưa từ hạt gạo, bắp, lá mì, lá đu đủ đến những trái ớt, hạt tiêu... đều được giã qua miệng cối trước khi trở thành món ăn. Chính vì thế mà chiếc cối, âm thanh tiếng chày nhịp nhàng đã trở thành bản sắc, là gì đó thân thương gắn với cuộc sống của mỗi người dân sinh ra và lớn lên từ làng.

Từ những khối gỗ tròn dân làng Breng, xã Ia Pết huyện Đak Đoa với sự cẩn thận, tỉ mỉ và thạo nghề của mình đã tạo nên những chiếc cối gỗ với nhiều kích thước khác nhau không những phục vụ cho bà con dân làng mà còn tiêu thụ ra nhiều huyện khác, góp phần hồi sinh một nghề truyền thống cha ông truyền lại. Để tạo ra một chiếc gỗ hoàn chỉnh mất khá nhiều công đoạn, công việc tuy không khó nhưng đòi hỏi sự chăm chỉ và chú tâm khi làm. Người làm phải thật sự tâm huyết và thạo nghề mới có thể tạo ra sản phẩm đẹp và chất lượng. Và những người con của làng vẫn đang kiên trì bám nghề nuôi sống gia đình và đời sống kinh tế người dân đang cải thiện từng ngày.
 
coi-go-1.jpg
Du khách chụp ảnh kỷ niệm bên cối gỗ làng Breng.

Cả làng Breng có tổng cộng 160 hộ, trong đó đồng bào dân tộc Jrai chiếm đa số, hầu hết người trưởng thành trong làng đều biết làm nghề. Tiếng đục đẽo, dao cạo lúc nào cũng rộn rã cả một góc làng tạo nên bức tranh lao động đầy sắc màu nơi làng xa. Những làng, xã khác trong tỉnh cũng có người biết làm cối thế nhưng so về độ đẹp, sắc xảo, nhanh và tinh tế thì cối gỗ làng Breng mới thật sự đạt tiêu chuẩn. Vì vậy sản phẩm từ làng khi đưa ra tiêu thụ rất được ưa chuộng, qua đó nâng cao đời sống người dân.

Anh Hul sinh năm 1987 ngay từ khi còn là một thiếu niên  đã chăm chú để ý và theo dõi ông cha mình làm cối, những chiếc cối tròn trịa, nhẵn, sờ vào mịn tay đã thôi thúc anh chăm chỉ học hỏi và trở thành người thợ lành nghề, làm cối gỗ đẹp nhất làng. Anh Hul cho biết: “Từ một khối gỗ dài mang về người thợ bắt đầu cắt khúc trung bình khoảng 40 phân, bắt đầu vạt lớp vỏ ngoài cho nhẵn, sau đó dùng máy khoét cho lõm phần ruột, tiếp tục dùng dao xoay cho tròn miệng gỗ. Để chiếc cối đẹp mắt người thợ dùng chiếc rựa nhỏ tỉ mỉ vạt cho thật tinh tế và mịn cả lớp trong và ngoài, định hình dáng của cối. Tuy công việc có vất vả nhưng mang lại nguồn thu nhập đều đặn nên rất vui và cố gắng để tạo ra nhiều hơn nữa những chiếc cối đáp ứng nhu cầu người dùng”. Qua thời gian dài sử dụng, để giữ được lâu và tránh bị nứt người thợ sẽ dùng một miếng tôn mỏng bọc bên ngoài phía trên miệng cối, vừa đẹp vừa bền nên người dân đều học nhau làm theo.
 
coi-go-2.jpg
Những chiếc cối gỗ đã hoàn chỉnh giao cho du khách.
 
Ngày trước khi chưa có máy móc, người dân đều làm thủ công từ các công cụ như rìu, rựa, dao… mất nhiều thời gian hơn, trung bình để làm thành phẩm một chiếc cối phải mất gần 2 ngày. Ngày nay, do nhu cầu đưa ra tiêu thụ trên thị trường, đến tận các huyện như Ia Grai, Đức Cơ, Chư Sê, Chư Prông, Krông Pa… nên có sự hỗ trợ của máy móc từ máy cưa, máy bào. Nếu có sẵn nguyên liệu mỗi ngày có thể làm được từ 4 đến 5 chiếc cối với giá dao động từ 200.000 đến 500.000 đồng một chiếc tùy vào kích thước, loại gỗ.

Tuổi thọ cuả một chiếc cối trung bình phải sử dụng được hơn 10 năm, rất bền và lâu nứt. Loại gỗ dùng để làm cối thường là gỗ mít, gỗ cây trâm… và hiện nay nguồn nguyên liệu này cũng là cả một vấn đề khi mà nguồn gỗ ngày càng khan hiếm và làm sao định hướng tránh cho người dân tùy tiện lấy gỗ về sử dụng. Nguồn thu chính của bà con làng Breng từ xưa nay là làm nông và cạo mũ cao su, thế nhưng khi thị trường khó khăn không có nguồn thu từ công việc này nữa người dân quay trở về với nghề truyền thống của làng. Và bây giờ nghề này lại nuôi sống được cả buôn làng, góp phần gìn giữ nghề được lưu truyền từ ngàn xưa.
 
coi-go3.jpg
Anh Thin và thanh niên trong làng miệt mài tạo ra những chiếc cối gỗ.

Trưởng thôn Thin là một trong những người góp công mang những chiếc cối gỗ ra xa phạm vi làng và được nhiều người biết đến. Từng là một thợ caọ mũ cao su thế nhưng vào thời điểm khó khăn anh đã quay về làng cùng bà con mang những chiếc nia, gùi… chở ra ngoài bán. Khi có nhiều người có nhu cầu sử dụng hỏi về những những chiếc cối gỗ anh về cùng một nhóm thanh niên trong làng tụ hợp lại và cùng tạo ra những chiếc cối đẹp mắt, mang giá trị sử dụng cao và vang xa khắp các ngôi làng trong tỉnh, mang thương hiệu làng Breng như hiện nay. Anh Thin chia sẻ: “Không những mang lại thu nhập cao hơn nhiều so với trước kia, nghề làm cối gỗ đem lại ý nghĩa to lớn hơn là người làng sống được từ nghề của làng, từ giá trị to lớn ông bà truyền dạy lại và trách nhiệm của anh nói riêng và bà con là cố gắng truyền dạy, lưu giữ nghề truyền thống cho thế hệ trẻ sau này”.

Và người dân làng Breng dù có đi xa cũng sẽ chẳng bao giờ quên được tiếng chày, tiếng cối đã thân thuộc từ bao giờ.
Võ Thanh Thảo
 
customer-service.png THÔNG TIN LIÊN HỆ:

1478004194_map-icon.png Địa chỉ: 58 Tăng Bạt Hổ - T
hành phố Pleiku - Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269).3830 155
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269).3828414
1478004004_Mail.png  Email: ubndpleiku@gialai.gov.vn
 
contract-(4).png THÔNG TIN BẢN QUYỀN:

Bản quyền thuộc về UBND thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Hữu Sung - UVBTV Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Pleiku.
Giấy phép số: 01/GP-TTĐT ngày 24/02/2015 của Sở Thông tin và Truyền thông

Chung nhan Tin Nhiem Mang
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN

   Copyright © 2018 
Trang chủ | Tin tức Liên hệ | Mobile | Site map icontop.png