TIN TỨC

CHUYÊN MỤC

“Da cam- Lương tri và công lý”: Triển lãm mang đậm tính nhân văn sâu sắc

Ngày đăng bài: 17/07/2019
Trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, quân đội Mỹ không chỉ sử dụng các loại vũ khí gây sát thương hàng loạt mà còn sử dụng cả vũ khí chất độc hoá học, vào mục đích quân sự. Nhằm phá huỷ những khu rừng được xem là nơi đóng quân của lực lượng cách mạng, ngăn chặn sự tiếp tế từ miền Bắc vào miền Nam trên đường Hồ Chí Minh, phá huỷ mùa màng và môi trường sinh thái. Thực tế chứng minh cuộc chiến tranh hóa học do Mỹ tiến hành ở Việt Nam là cuộc chiến tranh có quy mô lớn nhất, dài ngày nhất và gây hậu quả thảm khôc nhất trong lịch sử loài người.

Kỷ niệm 72 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2019), thiết thực kỷ niệm 58 năm thảm họa da cam ở Việt Nam (10/8/1961-10/8/2019), và hưởng ứng Ngày vì nạn nhân chất độc da cam (10/8); Được sự đồng ý cùa Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai, sự phối hợp chỉ đạo của của Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin, Bộ Tư lệnh Binh chủng Hóa học Việt Nam; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo Bảo tàng tỉnh phối hợp với Bảo tàng Binh Chủng Hóa học Việt Nam và Bảo tàng chiến tích chiến tranh tổ chức triển lãm “Da cam – Lương tri và công lý” Pleiku 2019.
 
da-cam-1.jpg
Hình ảnh các nạn nhân tại triển lãm.

Với gần 200 hình ảnh, hiện vật triển lãm được bố cục gồm 5 phần:

Phần thứ nhất: Thảm họa da cam, nỗi đau da cam;

Phần hai: Việt Nam khắc phục hậu quả chiến tranh hóa học;

Phần ba: Hoạt động của Hội nạn nhân chất độc da cam và hành trình đòi công lý;

Phần bốn: Những tấm gương vượt khó vươn lên, những tấm lòng vàng vì nạn nhân chất độc da cam;

Phần năm: Tỉnh Gia Lai khắc phục thảm họa da cam và hoạt động của Tỉnh hội Gia Lai.

Triển lãm sẽ giúp người xem thấy được tổng quan quá trình quân đội mỹ tiến hành cuộc chiến tranh hóa học tại Việt Nam, thông qua các hình ảnh, hiện vật như: Bản đồ các vùng bị phun rải chất khai quang, Những thùng chứa chất khai quang được đưa lên máy bay tại sân bay quân sự Đà Nẵng…hay các tư liệu quý như: Chương trình kế hoạch thực hiện chiến lược khai quang ở miền Nam Việt Nam…cho người xem thấy được lượng chất hóa học mà quân đội  Mỹ đã sử dụng trong vòng 10 năm từ năm 1961-1971 với hơn 80 triệu lít chất độc hóa học, 61% trong đó là chất da cam, chứa 366 kg dioxin - xuống ¼ tổng diện tích miền Nam Việt Nam. Gây hậu quả nghiêm trọng, tàn phá thảm khốc tới thiên nhiên và con người Việt Nam.
 
da-cam-2-(1).jpg
Hình ảnh trưng bày tại triển lãm.

Qua những hình ảnh về những thế hệ bị di chứng của chất độc da cam người xem sẽ không cầm lòng trước những nỗi đau mà chất mà nhân dân Việt Nam đã phải gáng chịu. Chất độc “Dioxin tác động trực tiếp đến các cơ quan cấu tạo máu, tế bào gan và đặc biệt là nhiễm sắc thể… Những người trực tiếp tiếp xúc với loại chất độc hoá học này có tỉ lệ ung thư gan gia tăng và con cháu của họ có tỉ lệ tai biến thai sản cao như: sảy thai, thai trứng, dị tật bẩm sinh…”

Đối với những gia đình có nạn nhân bị nhiễm chất độc Dacam/dioxin đó là một sự mất mát thiệt thòi, nhưng sự mất mát thiệt thòi còn lớn hơn rất nhiều đối với những gia đình có từ 2, 3 nạn nhân trở lên. Hình ảnh “Bốn anh em Phong, Thảo, Hương, Hà (hàng trước) ở xã Phú Phong, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang đều bị ảnh hưởng bởi chất độc hoá học” khiến chúng ta càng thêm bùi ngùi thương xót.

Cũng qua những hình ảnh tại triển lãm người xem sẽ thấy được quá trình chung tay của cả cộng đồng trong nước và thế giới hướng tới nạn nhân da cam, góp phần xoa dịu nỗi đau cả về thể xác và tinh thần của họ. Đồng thời, thấy được sự nỗi lực của Việt Nam trong việc xử những vùng đất bị ôi nhiễm chất độc hóa học sau chiến tranh, bằng những nguồn lực trong nước và sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, giúp đỡ Việt Nam khắc phục hậu quả sau chiến tranh.

Cũng tại triển lãm “Da cam – Lương tri và công lý” người xem thấy được quá trình đấu tranh đòi công lý cho những nạn nhân chịu ảnh hưởng của chât độc hóa học mà Mỹ mang đến cho nhân dân Việt Nam, của Hội Nạn nhân chất đốc da cam.
Chiến tranh kết thúc, đất nước hòa bình nhưng những nạn nhân chất độc da cam phải gánh chịu hậu quả từ cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ để lại trên đất nước Việt Nam. Trong muôn vàn những khó khăn do trong cuộc sống, các nạn nhân chất độc da cam không khuất phục trước những khó khăn của bệnh tật đã cố gắng vươn lên sống, học tập và lao động, cống hiến cho cho xã hội bài học về nghị lực vươn lên dù trong hoàn cảnh khắc nghiệt nhất. Đó chính là nội dung phần 4 của triển lãm “Những tấm gương vượt khó vươn lên, những tấm lòng vàng vì nạn nhân chất độc da cam”.

Đó là tấm gương của anh: Anh Nguyễn Minh Phú, sinh năm 1990 tại huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, tuy bị thương tật song Phú luôn cố gắng, chăm chỉ để học tập. Anh từng đạt giải nhất vở sạch chữ đẹp cấp huyện, là thành viên đội tuyển học sinh giỏi cấp huyện. Năm 2011, anh là sinh viên của trường Đại học Công nghệ Thông tin – Đại học Quốc gia TP. HCM. Anh Phạm Văn Hoàng; sinh năm 1979, địa chỉ 34/174 đường Hạ Lý, quận Hồng Bàng, TP.Hải Phòng. Hiện anh là huấn luyện viên ở Câu lạc bộ Bóng bàn người khuyết tật quận Tân Bình, TP.Hồ Chí Minh. Anh được tặng Huân chương Lao động hạng Ba, 25 huy chương Vàng trong nước và 10 huy chương Vàng quốc tế. Anh được mệnh danh là một “Nguyễn Ngọc Ký của bóng bàn” .Anh Chu Quang Đức (giữa), sinh năm 1984, ở xã Đại Thịnh, huyện Mê Linh, TP.Hà Nội bị khuyết tật chân tay. Anh đã đạt nhiều thành tích trong học tập, nhận học bổng khoa Tin học của hãng SYNYNO, tốt nghiệp ngành tin học Đại học Sư phạm Hà Nội…và vô vàn các tấm gương sáng khác.
 
Triển lãm giành một thời lượng khá giới thiệu với nhân dân trong tỉnh nói riêng và nhân dân cả nước nói chung về công tác chăm sóc nạn nhân chất nhiễm chất độc da cam tại tỉnh Gia Lai.
 
Trong chiến tranh, Gia Lai có vị trí quan trọng, nằm trên tuyến đường trong yếu của đường mòn Hồ Chí Minh giúp quân giải phóng vận chuyển người và hàng hóa từ hậu phương miền Bắc vào chiến trường miền Nam. Do đó, nơi đây cũng là mục tiêu bị phun rải chất độc hóa học ở miền Nam Việt Nam. Việc phun rải chất độc hóa học đã kết thúc gần 50 năm, nhưng hiện nay nó vẫn còn ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều người dân ở tỉnh Gia Lai nói riêng và ở Việt Nam nói chung. Cùng với nhân dân cả nước, Đảng, chính quyền và nhân dân tỉnh Gia Lai đã kịp thời quan tâm, chia sẽ, tiếp sức cho nạn nhân chất độc da cam/ dioxin tỉnh nhà vươn lên học tập, lao động hòa nhập với cộng đồng. Hiện nay chính quyền địa phương, Hội nạn nhân chất độc Da cam/ Dioxin tỉnh Gia Lai và các doanh nghiệp cũng có nhiều hoạt động thiết thực để giúp đỡ các nạn nhân chất độc Da cam/ Dioxin. Đó chính là nội dung phần 5: “Tỉnh Gia Lai khắc phục thảm họa da cam và hoạt động của Tỉnh hội Gia Lai” tại triển lãm.

Triển lãm sẽ được diễn ra từ ngày 18/7 đến ngày 20/8/2019 tại Bảo tàng Gia Lai, số 21 Trần Hưng Đạo, thành phố Pleiku, Gia Lai.

Những hình ảnh, tư liệu trong triển lãm đã phần nào cho thấy sự hủy diệt tàn khốc của chất độc da cam/ dioxin mà quân đội Mỹ đã sử dụng trong chiến tranh xâm lược Việt Nam, sự hủy diệt nặng nề không chỉ với thiên nhiên mà còn cả với con người,không chỉ ảnh hưởng một thế hệ mà là nhiều thế hệ. Qua đó, công chúng thấy được hậu quả của một cuộc chiến tranh phi nghĩa, từ đó cùng đoàn kết xây dựng và bảo vệ nền hòa bình không chỉ của Việt Nam mà còn trên toàn thế giới. Thông qua triển lãm, đẩy mạnh phong trào “Hành động vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam” do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động. Góp phần giáo dục các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ về đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, truyền thống “Thương người như thể thương than của dân tộc ta, động viên mỗi người chung tay xoa dịu nỗi đau da cam, ủng hộ cuộc đấu tranh đòi công lý của nạn nhân chất độc da cam Việt Nam.

Nguyễn Thị An – Bảo tàng tỉnh
customer-service.png THÔNG TIN LIÊN HỆ:

1478004194_map-icon.png Địa chỉ: 58 Tăng Bạt Hổ - T
hành phố Pleiku - Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269).3830 155
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269).3828414
1478004004_Mail.png  Email: ubndpleiku@gialai.gov.vn
 
contract-(4).png THÔNG TIN BẢN QUYỀN:

Bản quyền thuộc về UBND thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Hữu Sung - UVBTV Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Pleiku.
Giấy phép số: 01/GP-TTĐT ngày 24/02/2015 của Sở Thông tin và Truyền thông

Chung nhan Tin Nhiem Mang
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN

   Copyright © 2018 
Trang chủ | Tin tức Liên hệ | Mobile | Site map icontop.png