TIN TỨC

CHUYÊN MỤC

Chào tháng Ba – Mùa con ong lấy mật

Ngày đăng bài: 02/03/2018
Đến với Gia Lai, mùa nào thức ấy!  Khi cái nắng tháng mười nhuộm vàng ươm những bông dã quỳ vừa qua thì tháng ba sắc hoa cà phê tinh khôi trắng muốt đã kịp chiếm lĩnh cả đất trời. Chợt vu vơ câu hát: “Tháng 3 mùa con ong đi lấy mật, mùa con voi xuống sông hút nước /Mùa em đi phát rẫy làm nương/ Mùa anh vào rừng đặt bẫy cài chông…”, với tôi tháng ba là mùa đẹp nhất của Tây Nguyên, đó là mùa giao hòa giữa bầu trời xanh xanh với màu đất đỏ Bazan kết nối bằng giọt sóng sánh của mật ong và mùi thơm nồng của phấn hoa.

Mật ong Gia Lai được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) bình chọn là một trong 10 đặc sản quà tặng du lịch nổi tiếng nhất Việt Nam năm 2017.  Nhắc đến Gia Lai – lâu đài mật của loài ong; không phải ngẫu nhiên mà tháng ba được mệnh danh là “mùa ong đi lấy mật”; đa số là mùa hoa nào thì thu mật nấy nhưng mùa mật kéo dài từ tháng 12 đến tháng 3 (âm lịch) được xem là giai đoạn chọn mật ngon nhất ở nơi đây hay còn được gọi là mùa mật hoa cà phê.

Xuân Mậu Tuất 2018, tôi gặp gỡ bạn Phạm Trí Khoa (gia đình bạn đã có kinh nghiệm 30 năm nuôi ong) – Hiện là giám đốc công ty TNHH MTV Tuân Khoa Gia Lai với thương hiệu "Mật ong Anh Khoa Gia Lai"  – Thôn Đoàn Kết – Xã Bờ Ngoong – Huyện Chư Sê – Gia Lai; là sinh viên tốt nghiệp Khoa cơ khí động lực – Ngành Động cơ – Đại học Bách Khoa Hà Nội; với lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ và mong muốn đưa đặc sản của địa phương đến với người tiêu dùng; bạn chia sẻ một số kinh nghiệm về quá trình chọn lựa mật và phân biệt một số vị mật. Gia Lai có nhiều loại hoa đặc trưng như hoa dã quỳ, hoa cà phê, hoa cộng sản (hay còn gọi là bớp bớp, cỏ Lào), và một số mật lá như cao su, tràm… nên  vào khoảng đầu tháng 12 âm lịch, khi loài ong còn trữ mật của hoa dã quỳ, hoa cộng sản và bắt đầu hút mật hoa cà phê nên vị mật đầu mùa vừa có vị ngọt thanh của các loại hoa, lại vừa ngăm ngăm đắng vị của mật từ cây mỳ (sắn), cây le (tre) và một số loại lá khác trong tự nhiên hòa quyện lẫn nhau tạo nên vị mật đặc trưng, thơm ngon. Đến cuối tháng 12 âm lịch người nuôi ong thu hoạch chủ yếu là mật hoa cà phê, mật này được người dùng ưa chuộng và tin dùng vì: ít kết tinh, chậm xuống màu, mùi thơm do lẫn nhiều phấn hoa( trên miệng chai thường xuất hiện lớp váng phấn hoa) , vị chua chua do hàm lượng vitamin C có trong mật lớn, tuy rằng màu sắc không quá đẹp (màu nâu cánh gián).

mat-ong-(Copy)-(1).jpg
 
Mật ong Gia Lai được coi là một loại thuốc quý trong Đông y, có nhiều tác dụng bồi bổ, làm ấm cơ thể, rất tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, người tiêu dùng thường thắc mắc về việc “mật đóng đường hay không đóng đường” và thường cho rằng mật đóng đường là mật giả hoặc mật bị pha đường. Theo chia sẻ của bạn Khoa, mật ong là hỗn hợp của các loại đường và một số thành phần khác. Về thành phần carbohydrat, mật ong chủ yếu là fructozo (khoảng 38,5%) và glucozo (khoảng 31,0%). Các carbohydrat khác trong mật ong gồm maltozo, saccarozo, các thành phần vi khoáng, kháng khuẩn và vitamin như B, E, C… Do thành phần tự nhiên và phản ứng tự nhiên mà các loại mật ong nguyên chất đều kết tinh (hay còn gọi là lắng đường) nhanh hay chậm. Ngoài ra, còn phụ thuộc vào những yếu tố sau:

Môi trường bảo quản, tuỳ thuộc vào nhiệt độ, nếu nhiệt độ trong khoảng từ 6-18 độ (bỏ ngăn mát tủ lạnh) thì mật ong rất dễ kết tinh ( thường thì để khoảng 15 ngày trở lên). Nói chung ngoài miền bắc mật dễ bị kết tinh hơn từ miền trung trở vào trong nam do thời  tiết khá lạnh. nếu để ngăn đá tủ lạnh thì không có hiện tượng kết tinh như vậy.

Hàm lượng đường trái cây có trong mật ong (Gluco, Fructo, Malto…). Nếu lượng đường Fructozo cao hơn thì mật ong lâu kết tinh hơn. Tỷ lệ Glucozo/Fructozo  ≥ 1 thì mật sẽ kết tinh.

Mật ong sau khi được thu hoạch và đóng gói, dưới tác động của nhiệt độ, không khí và một số yếu tốt khác…mà hàm lượng đường Glucozo tách ra khỏi các thành phần khác của mật ong, tạo thành những tinh thể đơn (nhìn giống hạt đường). Và các tinh thể này dính chặt với nhau, tạo thành 1 lớp sệt sáng hơn mật ong và phân thành 2 lớp rõ rệt – hiện tượng này được khoa học gọi là kết tinh tự nhiên.

Ngày trước, do công nghệ nuôi ong chưa được phát triển, đa số mật ong được vắt bằng tay, chưa được lọc kỹ phấn hoa, ong non, sáp ong…và có khi mật ong được thu hoạch khi chưa đủ ngày (mật ong non), là nguyên nhân chính làm mật ong bị lên men (có gas) và ít khi bị kết tinh. Nên làm cho đa số người tiêu dùng tin rằng mật ong nguyên chất không bao giờ lắng đường.  Chính vậy không nên đánh đồng việc mật bị đóng đường, chuyển hóa màu là do mật giả hay mật bị pha, điều này còn tùy thuộc vào thời gian, quá trình bảo quản mật ong. Vậy nên khi khách hàng lựa chọn mua sản phẩm nên dùng các dòng sản phẩm đã có đăng kí an toàn, kiểm định chất lượng rõ ràng của các cơ quan chức năng.
 
Tháng ba về, nắng vàng ngọt ngào cùng mật ong sóng sánh là đặc sản của phố núi pleiku, nếu ai một lần qua nơi này chắc không khỏi ấn tượng với những “cánh đồng” ong cùng muôn sắc hoa. Và đã đặt chân đến mảnh đất này, các bạn cũng đừng quên thưởng thức và mua món quà đặc sản này về để chăm sóc sức khỏe và tặng những người thân nhé.
Bài và ảnh: Y Phương
 
 
customer-service.png THÔNG TIN LIÊN HỆ:

1478004194_map-icon.png Địa chỉ: 58 Tăng Bạt Hổ - T
hành phố Pleiku - Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269).3830 155
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269).3828414
1478004004_Mail.png  Email: ubndpleiku@gialai.gov.vn
 
contract-(4).png THÔNG TIN BẢN QUYỀN:

Bản quyền thuộc về UBND thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Hữu Sung - UVBTV Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Pleiku.
Giấy phép số: 01/GP-TTĐT ngày 24/02/2015 của Sở Thông tin và Truyền thông

Chung nhan Tin Nhiem Mang
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN

   Copyright © 2018 
Trang chủ | Tin tức Liên hệ | Mobile | Site map icontop.png