TIN TỨC

CHUYÊN MỤC

“Cách viết”- Kim chỉ nam của người làm báo Cách mạng Việt Nam

Ngày đăng bài: 11/06/2014
Chủ tịch Hồ Chí Minh – Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, đồng thời là một nhà báo lỗi lạc. Trong cuộc đời hoạt động của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết rất nhiều bài báo, có những quan điểm rõ ràng, cụ thể về làm báo, viết báo. Đọc nội dung bài giảng của Người tại lớp chỉnh Đảng Trung ương ngày 17 tháng 8 năm 1953 nói về “Cách viết”, chúng ta - những người làm công tác tư tưởng nói chung, viết báo nói riêng cần nghiên cứu, học tập nét độc đáo trong phong cách báo chí của Người.

Bằng toàn bộ kinh nghiệm hoạt động cách mạng và nghề báo của mình, Bác Hồ đã truyền lại cho thế hệ những người làm báo Việt Nam nhiều chỉ dẫn, kinh nghiệm, bài học quí giá. Bác thường nói, báo chí là một nghề. Do đó người làm báo cách mạng cần phải bồi dưỡng, rèn luyện đạo đức, lập trường cách mạng vững vàng, tinh thông nghề nghiệp.

Quan điểm của Hồ Chí Minh, báo chí là vũ khí tuyên truyền cách mạng sắc bén. Nhiệm vụ của báo chí: “Để giáo dục, giải thích, cổ động, phê bình”. Đối tượng của báo chí: Công – Nông – Binh, tức là cho đại đa số quần chúng. Báo chí phải mang tính đại chúng. Chính vì thế, Người đặt vấn đề: “Viết cái gì?”, để xác định được nội dung viết, vấn đề cốt lõi là phải xác định mình là ai, từ đó mới biết được đâu là bạn, đâu là kẻ thù, tức là “phải có lập trường vững vàng”; có tâm hồn trong sáng để phân biệt rõ thiện – ác, bạn – thù, với mục đích cao cả là phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân  thì việc đặt bút viết mới rõ và trôi chảy. Về nội dung viết về bạn (dân ta, bộ đội ta, cán bộ ta, bạn ta) Người khuyên, viết để nêu, đồng thời để phê bình những khuyết điểm. Vì theo Người: “Không nên chỉ viết cái tốt giấu cái xấu”, nhưng tất cả đều “phải có chừng mực, chớ phóng đại. Có thế nào nói thế ấy”. Với nội dung phê bình, phải xuất phát từ động cơ phê bình để bạn nhận thấy khuyết điểm từ đó có hướng khắc phục sửa chữa. Vì thế: “Phê bình thì phải phê bình một cách thật thà, chân thành, đúng đắn”, nếu thái quá sẽ mất tác dụng, gây mâu thuẫn, thậm chí còn phản tác dụng; kẻ địch sẽ lợi dụng vào đó mà phản tuyên truyền, lấy đó làm cớ để chia rẽ nội bộ.


Trả lời cho vấn đề: “Lấy tài liệu đâu mà viết?”, Người dạy, phải: Nghe – Hỏi – Thấy – Xem – Ghi chép. Tất cả những nguồn đó muốn có, sử dụng được đều phải dày công nghiên cứu, xử lý, vận dụng linh hoạt và có khi phải sử dụng tổng hợp các phương pháp cho một bài báo. Theo Người, “Tìm tài liệu cũng như công tác khác, phải chịu khó.

Người còn dạy cách “giữ bí mật” trong lúc viết bài: “Chớ có nêu rõ địa điểm, tên người, cho địch biết”. Trong thực tế, nhiều bài báo chưa khéo léo trong việc xử lý thông tin, đã nêu ra chẳng hạn như là cách che giấu cán bộ của nhân dân ta, cách nguỵ trang để đi vào sào huyệt địch của cán bộ ta... vô tình cho địch biết cách mà phòng ngừa, mà chống trả trong khi đó ý đồ của tác giả là muốn ca ngợi, muốn nêu gương điển hình người thật, việc thật.

Về cách viết, Người luôn căn dặn phải viết đúng sự thật, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ làm theo và chính Người nêu gương sáng về những điều đó. Đọc những bài báo của Hồ Chí Minh thấy rõ một vốn sống giàu có, một trí tuệ bác học, một bề dày văn hoá hiếm thấy mang đậm tinh hoa của cả Đông, Tây với một văn phong giản dị, súc tích, ngôn từ gần gũi với cuộc sống. Người khuyến khích “Viết ngắn chừng nào hay chừng ấy”, viết thật dễ hiểu, dễ nhớ, vì vậy, những bài báo của Hồ Chí Minh cho đối tượng đồng bào, cán bộ thường rất ngắn, dùng nhiều thí dụ cụ thể, hay chọn cách tự đặt câu hỏi để trả lời, dùng nhiều câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ, điển tích nhiều người biết để chuyên chở những ý tưởng sâu sắc. Ngay cả khi phê phán cách viết dài, Người dùng hình ảnh “viết dài như là rau muống kéo dây”. Hình ảnh đó, người nghe, dù ở tầm nhận thức nào cũng hình dung được, bởi đã là người Việt Nam ai lại không biết thế nào là “rau muống kéo dây”! Người cũng phê phán những bài viết với cách dùng từ không mang tính phổ biến, hoặc “kêu quá”, hoặc không chính xác làm rối người đọc, vì, suy cho cùng mục đích của báo chí là làm sao “cho người xem hiểu được, nhớ được, làm được”, vậy: “Viết phải thiết thực,“nói có sách, mách có chứng””. Tất cả những sai sót trong cách viết mà Người chỉ ra đều có dẫn chứng minh hoạ, qua đó, người nghe hình dung được để hiểu ra, để không mắc phải. Ngoài ra, Người còn dạy cách xử lý bài sau khi viết không chỉ ở thể loại báo chí mà còn ở cách viết truyền đơn, báo cáo,…

Cuối bài nói chuyện, Bác kể kinh nghiệm viết của mình: từ việc viết mẩu tin ngắn đến bài viết dài; từ nội dung của tin ngắn cho tài liệu thành bài, rồi từ bài viết dài rút ngắn lại,… Người còn tâm sự về cảm xúc của mình khi có tin, bài được đăng: “Lần đầu tiên bài mình được đăng báo, có thể nói là sung sướng nhất trong đời người.”, “…viết bài Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Đó là lần thứ ba mình thấy sung sướng.”. Cuối cùng, Người kết luận: “Viết cũng như mọi việc khác, phải có chí, chớ dấu dốt, nhờ tự phê bình và phê bình mà tiến bộ”.

Trong giai đoạn mới của cách mạng nước ta, có thể khẳng định báo chí cả nước nói chung, báo chí ở Gia Lai nói riêng đã phản ánh trung thực, khách quan, sâu sắc những thành tựu đã đạt được qua gần 30 năm đổi mới đất nước, của tỉnh nhà. Các diễn đàn về xây dựng Đảng, về an ninh - chính trị - kinh tế - văn hoá – xã hội – pháp luật; chuyên mục “Người tốt, việc tốt”; …trên cả hai mặt xây và chống thật sự xứng đáng là vũ khí sắc bén trên lĩnh vực tư tưởng. Học tập phong cách báo chí Hồ Chí Minh qua bài “Cách viết” là học tập nét độc đáo vừa riêng biệt, vừa mang tính phổ quát mà mọi người làm báo cách mạng Việt Nam nên coi đó là “kim chỉ nam” cho nghề nghiệp của mình.   
                                                                                                                                                           
Nguyễn Đình Phê                                      
 
Nguồn: Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, H, 1996, tập 7, tr 117 – 124.
customer-service.png THÔNG TIN LIÊN HỆ:

1478004194_map-icon.png Địa chỉ: 58 Tăng Bạt Hổ - T
hành phố Pleiku - Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269).3830 155
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269).3828414
1478004004_Mail.png  Email: ubndpleiku@gialai.gov.vn
 
contract-(4).png THÔNG TIN BẢN QUYỀN:

Bản quyền thuộc về UBND thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Hữu Sung - UVBTV Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Pleiku.
Giấy phép số: 01/GP-TTĐT ngày 24/02/2015 của Sở Thông tin và Truyền thông

Chung nhan Tin Nhiem Mang
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN

   Copyright © 2018 
Trang chủ | Tin tức Liên hệ | Mobile | Site map icontop.png