TIN TỨC

CHUYÊN MỤC

An toàn cho phụ nữ và trẻ em trong gia đình, nhà trường và xã hội – trách nhiệm không của riêng ai

Ngày đăng bài: 19/03/2019
Vừa qua, nhân chào mừng kỷ niệm 1979 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng và 109 năm ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3/1910 - 8/3/2019), Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Gia Lai đã tổ chức phát động chủ đề năm 2019 “An toàn cho phụ nữ, trẻ em trong gia đình, nhà trường và xã hội”; và đây chính là nội dung hoạt động xuyên suốt của các cấp Hội LHPN tỉnh trong thời gian tới. Các hoạt động hỗ trợ của Hội LHPN các cấp sẽ hướng tới việc trang bị kiến thức, kỹ năng, đặc biệt là ý thức, khả năng tự bảo vệ chính mình của phụ nữ và trẻ em. Hội LHPN tỉnh đã mời GS.TS, NGND Nguyễn Lân Dũng, nói chuyện về các vấn đề liên quan đến phụ nữ và trẻ em nhân lễ phát động chủ đề năm 2019 “An toàn cho phụ nữ, trẻ em trong gia đình, nhà trường và xã hội”.

Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến “An toàn cho phụ nữ, trẻ em trong gia đình, nhà trường và xã hội”, điều đó được khẳng định từ Nghị quyết của các kỳ Ðại hội Ðảng đều nhấn mạnh sự quan tâm đến gia đình, từ Nghị quyết Ðại hội Ðảng lần thứ VII đã xác định gia đình với tư cách là "tế bào của xã hội, là cái nôi thân yêu nuôi dưỡng cả đời người, là môi trường quan trọng giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách", tiếp đến Ðại hội Ðảng lần thứ XII cũng nêu rõ: "Thực hiện chiến lược phát triển gia đình Việt Nam... Phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh.", "tập trung xây dựng con người về đạo đức, nhân cách, lối sống, trí tuệ và năng lực làm việc". Như vậy, gia đình có một vai trò rất quan trọng đối với việc xây dựng mỗi con người Việt Nam cũng như nguồn nhân lực cho xã hội mới.

bai-sn1-(1).jpg
GS.TS, NGND Nguyễn Lân Dũng, nói chuyện với phụ nữ thành phố Pleiku.

Các nội dung được tập trung trong năm 2019 của tổ chức Hội LHPN Việt Nam trong giai đoạn hiện nay là: An toàn cho phụ nữ và trẻ em trong gia đình - phòng chống bạo lực gia đình, xâm hại phụ nữ, trẻ em, phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; An toàn cho phụ nữ và trẻ em nơi công cộng, trong trường học, nơi làm việc, ngoài xã hội, trên môi trường mạng; An toàn trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm. Thực tế cho thấy, khi an toàn cho con người không được đảm bảovà đặc biệt là đối với phụ nữ, trẻ em thì đó sẽ là yếu tố tiềm ẩn gây bất lợi xã hội, ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.Trong khi đó, hiện nay, nhiều vấn đề xã hội đặt ra ảnh hưởng đến sự an toàn cho phụ nữ và trẻ em như: Bạo lực gia đình, bạo lực học đường, xâm hại tình dục, buôn bán phụ nữ, trẻ em, tai nạn giao thông, tệ nạn xã hội, ảnh hưởng tiêu cực từ môi trường mạng, mất an toàn vệ sinh thực phẩm...

bai-sn2.jpg
Các đại biểu nghe đại diện Nhà xuất bản phụ giới thiệu sách.

Về lý luận cũng như trong thực tiễn giáo dục, sự thống nhất tác động giáo dục từ nhà trường, gia đình và xã hội được xem là vấn đề có tính nguyên tắc đảm bảo cho mọi hoạt động giáo dục có điều kiện đạt hiệu quả tốt. Trong việc tổ chức kết hợp các lực lượng giáo dục, gia đình có vai trò và tác động vô cùng quan trọng, đó là trọng tâm của các hoạt động kết hợp. Gia đình là nơi trẻ được sinh ra, lớn lên và hình thành nhân cách của mình. Ảnh hưởng giáo dục của gia đình đến với trẻ là đầu tiên và sớm nhất. Giáo dục con cái trong gia đình không phải chỉ là việc riêng tư của cha mẹ, mà còn là trách nhiệm đạo đức và nghĩa vụ công dân của những người làm cha mẹ. Nó được xác định trong nhiều văn bản pháp luật ở nước ta hiện nay như trong Hiến pháp, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em; gắn với quan hệ máu mủ ruột thịt và tình yêu thương sâu sắc của ông bà, cha mẹ với con cái, cho nên giáo dục gia đình mang tính cảm xúc mạnh mẽ, có khả năng cảm hóa lớn nhất đối với con trẻ. Bên cạnh đó, các bậc cha mẹ cần quan tâm xây dựng một gia đình đầy đủ toàn vẹn, mọi thành viên có nghĩa vụ và trách nhiệm với nhau. Cần xây dựng một phong cách sinh hoạt có nề nếp, phù hợp nhu cầu hứng thú nhằm phát huy những mặt tích cực của trẻ. Đồng thời cha mẹ, người lớn cần phải giữ uy tín vai trò gương mẫu của mình trong gia đình và ngoài xã hội. Thường xuyên có mối liên hệ chặt chẽ với nhà trường, để nắm được mục đích giáo dục, có sự phối hợp chặt chẽ. Song, cũng cần tham gia tích cực vào hội phụ huynh của trường, tham gia đầy đủ những cuộc họp do nhà trường tổ chức, để nắm được yêu cầu giáo dục của nhà trường mà có sự kết hợp; gia đình cần xây dựng truyền thống “tôn sư trọng đạo”, bảo vệ uy tín thầy cô giáo, tuyệt đối tránh các hành vi thiếu tôn trọng thầy cô giáo trước mặt con cái.

GS.TS, NGND Nguyễn Lân Dũng, nói chuyện với phụ nữ thành phố Pleiku tại buổi giao lưu: Hội LHPN Việt Nam chọn chủ đề năm 2019 là rất hay và có tính thời sự, nhất là trong bối cảnh phụ nữ và trẻ em đang đối mặt với nguy cơ mất an toàn tiềm ẩn dưới nhiều hình thức. Vấn đề an toàn đầu tiên cần quan tâm là an toàn về sức khỏe, có sức khỏe sẽ giải quyết được mọi vấn đề khác, mọi người phải biết cách giữ gìn sức khỏe cho bản thân, gia đình và xã hội (...) Internet đã đem lại rất nhiều lợi ích, nhất là trong thời đại 4.0. Nhưng nếu không cẩn thận, những trang mạng kích động, bạo lực, chuyện người lớn ... sẽ ảnh hưởng rất lớn đến trẻ em (...) Trong việc giáo dục con cái, cần dùng lời lẽ để khuyên bảo, đánh đập con cái là hành động phản tác dụng (...) Rất nhiều thứ ảnh hưởng đến cuộc sống, vì thế chúng ta cần chung tay hành động để tránh những điều đó, từ đó sẽ bảo vệ an toàn cho phụ nữ và trẻ em. Bởi vậy, mỗi người trong chúng ta hãy tham gia thực hiện từ những việc nhỏ nhất trong cuộc sống hàng ngày để mang lại tương lai tốt đẹp.

bai-sn3.jpg
Các đại biểu tham dự Diễn đàn “An toàn cho phụ nữ, trẻ em trong gia đình, nhà trường và xã hội”. 

Thực tế trên địa bàn tỉnh và thành phố Pleiku, theo thống kê của tỉnh, trong 10 năm thực hiện Luật Bình đẳng giới (2008-2018), Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh Gia Lai và các sở, ban, ngành, huyện, thị xã, thành phố đã thành lập được 163 mô hình, 125 cơ sở tư vấn, 215 nhóm phòng - chống bạo lực gia đình và 642 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, và đây là những địa chỉ hỗ trợ chị em lánh nạn và tố giác những hành vi xâm hại, bạo lực. Điển hình những vụ việc đau lòng xảy ra trên địa bàn thành phố Pleiku trong những năm qua như: Tháng 9/2017 tại phường Yên Thế, vụ chồng giết vợ (đối tượng Nguyễn Tấn Thịnh, SN 1983) giết chị Nguyễn Thị Diễm K. (SN 1994) bằng 36 nhát dao do mê cờ bạc, cá độ bóng đá, ghen tuông vô cớ, rồi tự kết liễu đời mình bằng cách nhảy xuống giếng ở một rẫy cà phê gần đó; vụ tra tấn chị Y Nhiêu (trú tại huyện Đak Glei, tỉnh Kon Tum, sang Gia Lai làm thuê) đã bị đối tượng Nguyễn Thị Hà (tạm trú tại tổ 3, phường Thống Nhất, TP. Pleiku) tra tấn như thời trung cổ như dùng bàn ủi hơ nóng, thanh sắt hơ lửa, dao lam, kìm cắt kẽm... hành hạ tại nhiều vị trí trên cơ thể chị Y Nhiêu. Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, từ năm 2017 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 100 vụ bạo hành, xâm hại phụ nữ và 19 vụ xâm hại tình dục trẻ em. Song đây chỉ là bề nổi của “tảng băng chìm”, bởi trên thực tế con số này có thể còn nhiều hơn nữa nhưng nạn nhân không dám đứng ra tố giác tội phạm bởi nhiều lý do khác nhau.

Hội LHPN thành phố Pleiku cũng đã chủ động xác định vấn đề của địa phương, để lựa chọn nội dung phù hợp, xây dựng kế hoạch và triển khai đảm bảo hiệu quả thiết thực, góp phần tạo môi trường an toàn cho phụ nữ và trẻ em. Trong những năm qua đã có nhiều hoạt động thiết thực như: Thực hiện có hiệu quả Đề án 938 về “Tuyên truyền, vận động phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ trong tình hình mới giai đoạn 2017 - 2027”; Hội đã phối hợp với UBND thành phố ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Đề án trên địa bàn thành phố, trên cơ sở đó Hội đã tổ chức tập huấn cho 320 chị cán bộ Hội cơ sở về tổ chức tuyên truyền, vận động phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ trong tình hình mới năm 2018 và giai đoạn 2018-2027 và cử cán bộ Hội tham gia tập huấn tại tỉnh 25 chị. Đã phối hợp tổ chức thành công  buổi  đối thoại giữa Thường trực Thành ủy Pleiku với cán bộ, hội viên phụ nữ thành phố năm 2018 với 150 cán bộ, hội viên phụ nữ. Tại buổi đối thoại đã trao 23 suất quà cho hộ gia đình hội viên phụ nữ thoát nghèo tiêu biểu năm 2018 tổng trị giá số tiền 11.500.000 đồng.

Triển khai Kế hoạch về 100% cơ sở Hội để khảo sát những vấn đề nổi cộm, vấn đề mà cán bộ, hội viên, phụ nữ quan tâm như nhóm vấn đề liên quan đến công tác cán bộ nữ, cán bộ Hội cơ sở, đặc biệt cán bộ Hội người DTTS bao gồm: công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm, chế độ đóng bảo hiểm…; Nhóm vấn đề liên quan đến cơ chế, điều kiện để các cấp Hội chủ động tham gia phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, thành lập hợp tác xã, tổ liên kết do phụ nữ làm chủ…; Nhóm vấn đề liên quan đến việc thực hiện luật pháp, chính sách về quyền và nghĩa vụ của phụ nữ trong việc tham gia hạn chế tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vùng dân tộc thiểu số, hạn chế, ngăn ngừa tình trạng bạo lực gia đình. Tổ chức ra mắt 3 mô hình điểm “Chi hội phụ nữ 5 không, 3 sạch xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” tại phường Đống Đa, Biển Hồ, Thắng Lợi và lồng ghép truyền thông cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” cho các thành viên. Sau đó nhân rộng 9 mô hình tại Yên Thế, Chi Lăng, Hội Phú, Hội Thương, Chưhdrông, Trà Đa...Nâng tổng số lên 12 mô hình. Xây dựng mới 02 CLB “5 không, 3 sạch” với 51 thành viên tại Trà Đa, Chi Lăng.

Thực hiện chủ đề “Phụ nữ thực hiện an toàn thực phẩm”, Hội các cấp đã triển khai bộ sản phẩm truyền thông “Vệ sinh an toàn thực phẩm - hãy hành động ngay” gồm 09 tranh với các nội dung: thực trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm hiện nay, sự đau lòng, những hậu quả tất yếu và phụ nữ chung tay vì vệ sinh an toàn thực phẩm đến 100% Hội cơ sở. Hội cơ sở đã triển khai đến 254/254 (đạt 100%) chi hội trưởng phụ nữ về bộ tranh (thông qua các buổi trực báo, họp BCH) và đã triển khai trực tiếp bộ tranh đến 125 chi hội với 20.170 hội viên thông qua các buổi sinh hoạt chi hôi, tổ dân phố, sinh hoạt các CLB…Vận động cán bộ, hội viên phụ nữ tham gia cuộc thi “Ý tưởng truyền thông về an toàn thực phẩm”.

Tại lễ phát động "Năm an toàn cho phụ nữ và trẻ em" diễn ra ngày 6-3 tại Quảng trường tượng đài Lý Thái Tổ (Hà Nội), do Hội LHPN Việt Nam tổ chức, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các cấp, ngành, địa phương “lấy hạnh phúc và sự an toàn của phụ nữ, trẻ em là mục tiêu hành động”. Và đây là thông điệp để các cơ quan chức năng và cộng đồng xã hội chung tay khắc phục tình trạng bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em, tạo môi trường an toàn, lành mạnh cho phụ nữ, trẻ em phát triển toàn diện. Chính vì vậy, chủ đề năm 2019 “An toàn cho phụ nữ, trẻ em trong gia đình, nhà trường và xã hội” do Hội LHPN phát động là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị của địa phương và xã hội.
Bài và ảnh: Sỹ Nhân
customer-service.png THÔNG TIN LIÊN HỆ:

1478004194_map-icon.png Địa chỉ: 58 Tăng Bạt Hổ - T
hành phố Pleiku - Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269).3830 155
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269).3828414
1478004004_Mail.png  Email: ubndpleiku@gialai.gov.vn
 
contract-(4).png THÔNG TIN BẢN QUYỀN:

Bản quyền thuộc về UBND thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Hữu Sung - UVBTV Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Pleiku.
Giấy phép số: 01/GP-TTĐT ngày 24/02/2015 của Sở Thông tin và Truyền thông

Chung nhan Tin Nhiem Mang
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN

   Copyright © 2018 
Trang chủ | Tin tức Liên hệ | Mobile | Site map icontop.png