TIN TỨC

CHUYÊN MỤC

75 năm ngày truyền thống ngành văn hóa – thông tin (28/8/1945 – 28/8/2020)

Ngày đăng bài: 23/08/2020
75 năm qua, từ ngày Bác Hồ ký Sắc lệnh thành lập Nha Thông tin tuyên truyền, cơ quan tiền thân của Bộ VH, TT và DL ngày nay, là một chặng đường dài với nhiều dấu son quan trọng. Sự nghiệp xây dựng và phát triển của ngành văn hóa trong suốt thời gian qua luôn gắn chặt với lịch sử cách mạng và dân tộc. Trải qua chặng đường đầy khó khăn, thử thách, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, ngành văn hóa đã có nhiều đóng góp vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước.    

Năm 1943, Đảng ta đã công bố “Đề cương văn hóa Việt Nam”, trong đó nêu rõ: Mặt trận văn hóa là một trong ba mặt trận (kinh tế, chính trị và văn hóa). Như vậy, ngay từ đầu, Đảng Cộng sản Việt Nam đã thấy vai trò quan trọng của văn hóa, định hướng xây dựng nền văn hóa Việt Nam. Tuyên cáo ngày 28/8/1945 của Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong nội các quốc gia Bộ Thông tin, Tuyên truyền được thành lập (sau đó ngày 01/01/1946 đổi tên là Bộ Tuyên truyền và Cổ động) - tiền thân của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày nay.

Đến ngày 13/5/1945, Nha Tổng giám đốc thông tin, tuyên truyền mới được tổ chức dưới quyền chỉ huy và kiểm soát trực tiếp của Bộ Nội vụ và đến ngày 27/11/1946 đổi thành Nha thông tin. Các cơ quan phụ thuộc có Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam, thành lập ngày 07/9/1945. Ngày 24/11/1946, Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất được triệu tập tại Hà Nội. Hồ Chủ tịch khai mạc Hội nghị, Người chỉ rõ: Văn hóa phải hướng dẫn quốc dân thực hiện Độc lập, Tự cường và Tự chủ. Đây cũng chính là kim chỉ nam xuyên suốt mọi hoạt động của Ngành Văn hóa và Thông tin. Công tác thông tin, tuyên truyền lúc này chiếm vị trí hàng đầu trong năm bước công tác cách mạng với khẩu hiệu của Hồ Chủ tịch tại Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ II họp vào tháng 7/1948 và Hội nghị cán bộ văn hóa lần thứ I vào tháng 02/1949: “Kháng chiến hóa văn hóa, văn hóa hóa kháng chiến”. Ngày 10/7/1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Sắc lệnh số 38/SL sáp nhập Nha Thông tin thuộc Bộ Nội vụ vào Thủ tướng Phủ và Sắc lệnh số 83/SL hợp nhất Nha thông tin thuộc Thủ tướng Phủ và Vụ Văn học, nghệ thuật thuộc Bộ Giáo dục thành Nha Tuyên truyền và Văn nghệ thuộc Thủ tướng Phủ do đồng chí Tố Hữu phụ trách. Cuộc kháng chiến chống Pháp chín năm diễn ra ác liệt. Song ở đâu có kháng chiến, ở đó có văn hóa kháng chiến. Những “Chiến sĩ trên mặt trận văn hóa” qua các thời kỳ cách mạng đã biết cách tổ chức công tác tuyên truyền thành một nghệ thuật, đồng thời lại biết cách đưa nghệ thuật vào công tác tuyên truyền. Đây là một thành tựu lớn của nền văn hóa - nghệ thuật - thông tin - tuyên truyền của Ngành.
 
vh2-(1).jpg
Bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống.
 
Miền Bắc xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất nước nhà, Bộ Tuyên truyền được Hội đồng Chính phủ thành lập từ trung tuần tháng 8/1954 và được Quốc hội V thông qua ngày 20/5/1955 đổi tên là Bộ Văn hóa. Giai đoạn này, sự nghiệp văn hóa và thông tin được phát triển toàn diện theo định hướng rõ ràng để đi sâu vào chuyên ngành hoạt động, phát triển có bài bản về nội dung, về đào tạo cán bộ và phương thức hoạt động, tăng cường lực lượng văn hóa, thông tin để xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, tham gia chiến đấu ở miền Nam. Có thể nói đây là thời kỳ phát triển cơ bản, toàn diện nhất, xây dựng cơ sở nền văn hóa mới khắp các tỉnh, thành phố miền Bắc. Giai đoạn này, báo chí đóng vai trò hết sức quan trọng động viên toàn quân, toàn dân chiến đấu chống quân xâm lược. Đặc biệt trong thời kỳ này có hai hoạt động văn hóa, văn nghệ nổi bật đó là phong trào “Tiếng hát át tiếng bom” và “Đọc sách có hướng dẫn” đã góp phần giáo dục lòng căm thù sâu sắc của nhân dân đối với bọn xâm lược và bè lũ tay sai, cổ vũ tinh thần yêu nước, giáo dục chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Công tác thông tin trở thành “mũi nhọn” với việc thành lập Tổng cục Thông tin (Quyết định số 165-NQ/TVQH ngày 11/10/1965). Chỉ thị về công tác thông tin trong quần chúng của Ban Bí thư Trung ương Đảng số 118/CT-TW ngày 25/12/1965 đề ra cho công tác thông tin nhiệm vụ nặng nề: “Phải cổ động thường xuyên bằng các hình thức tuyên truyền nhẹ nhàng, có tính chất quần chúng rộng rãi” để “Nhà nhà đều biết, người người đều nghe”.

Ở miền Nam, mọi hoạt động phải chuyển vào bí mật, lấy tuyên truyền miệng là phương thức hoạt động chính. Sau khi Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam chính thức ra đời ngày 20/12/1960 tại tỉnh Tây Ninh, Ngành Thông tin Văn hóa ở miền Nam nhanh chóng được khôi phục. Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam thành lập ngày 06/6/1969, đồng chí Lưu Hữu Phước làm Bộ trưởng Bộ Thông tin - Văn hóa. Trải qua bao hy sinh, gian khổ, đất nước đã giành được tự do, độc lập: Đại thắng mùa xuân 1975 đi vào lịch sử như một thiên anh hùng ca bất diệt; người người nồng nhiệt xuống đường với rừng cờ, biểu ngữ, ảnh Bác Hồ, cất cao tiếng hát “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”. Giai đoạn củng cố hậu phương lớn, chống chiến tranh phá hoại ở miền Bắc và tất cả cho tiền tuyến lớn miền Nam, tiến lên “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào” là giai đoạn sôi động nhất của ngành Văn hóa và thông tin trong cả nước.
 
vh3.jpg
Xe hoa diễu hành chào mừng Kỷ niệm 90 năm thành lập Đô thị Pleiku.
 
Sau đại thắng Mùa Xuân 1975, tháng 6/1976, nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được thành lập, Chính phủ tổ chức Bộ Văn hóa do Giáo sư Nguyễn Văn Hiếu làm Bộ trưởng. Năm 1977, Ủy ban phát thanh và truyền hình Việt Nam ra đời. Xưởng phim truyền hình thuộc Tổng cục thông tin đã chuyển từ trước, nay chuyển tiếp phần truyền thanh các tỉnh sang Ủy ban phát thanh và truyền hình. Tổng cục thông tin hợp nhất với Bộ Văn hóa thành Bộ Văn hóa và Thông tin theo Nghị quyết số 99/NQ/QHK6 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, và đến ngày 04/7/1981 đổi lại là Bộ Văn hóa theo Nghị quyết kỳ họp thứ I Quốc hội khóa VII. Có thể nói thời kỳ 1975-1985, ngành Văn hóa thông tin chuyển từ chiến tranh sang hòa bình, tuy mấy năm đầu có lúng túng, bị động, khó khăn, nhưng đã vượt qua thử thách và phát triển toàn diện với một chất lượng mới trên phạm vi cả nước. Từ năm 1986, trước yêu cầu đổi mới, Bộ Thông tin được lập lại trên cơ sở giải thể Ủy ban phát thanh và truyền hình và tách các bộ phận quản lý xuất bản, báo chí, thông tin, cổ động, triển lãm của Bộ Văn hóa theo Quyết định số 34 của Bộ Chính trị và Thông cáo ngày 16/02/1986 của Hội đồng Nhà nước để thống nhất quản lý các phương tiện thông tin đại chúng. Ba năm sau (1987-1990), một tổ chức mới được hình thành, hợp nhất 04 cơ quan: Bộ Văn hóa, Bộ Thông tin, Tổng cục Thể dục thể thao, Tổng cục Du lịch thành Bộ Văn hóa - Thông tin - Thể thao và Du lịch theo Quyết định số 244-NQ/HĐNN8 ngày 31/3/1990. Vừa hợp lại xong đã thấy không hợp lý nên mỗi năm lại tách dần một bộ phận: Du lịch sáp nhập vào Bộ Thương mại và Du lịch (Nghị quyết Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 8 ngày 12/8/1991). Ngày 26/10/1992, thành lập Tổng cục Du lịch là cơ quan thuộc Chính phủ (Nghị định số 05-CP). Sau khi tách Du lịch, lại đến Thể dục thể thao, Phát thanh truyền hình thành các ngành trực thuộc Chính phủ. Năm 1993, Bộ Văn hóa - Thông tin trở lại như trước đây, với chức năng, nhiệm vụ như Nghị định số 81-CP ngày 08/4/1994 của Chính phủ quy định. Trong hai năm 1994 - 1995, ngành Văn hóa - Thông tin đã tập trung mọi cố gắng phục vụ các ngày lễ lớn của dân tộc. Đây là sự khôi phục và phát triển các hoạt động văn hóa, thông tin chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp của toàn xã hội theo phương hướng đúng đắn mà Nghị quyết Trung ương lần thứ 4 của Đảng đã đề ra. Năm 1998, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” được ban hành, mở ra một thời kỳ mới cho sự nghiệp văn hóa Việt Nam. Bám sát 5 quan điểm chỉ đạo cơ bản, 10 nhiệm vụ cụ thể và 4 giải pháp chủ yếu để tiếp tục xây dựng và phát triển văn hóa trong thời kỳ mới, toàn Ngành đã phấn đấu vượt qua nhiều khó khăn, tiếp tục khẳng định những thành tựu trong quá trình đổi mới. Ngày 31 tháng 7 năm 2007 lại đánh dấu một bước ngoặt lớn của Ngành: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được thành lập, thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực (Nghị quyết số: 01/2007/QH12) trên cơ sở sáp nhập Tổng cục Du lịch, Tổng cục Thể dục thể thao; tiếp nhận phần quản lý nhà nước về gia đình từ Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em.

Với những thành tựu to lớn đã đạt được trong 75 năm qua kể từ ngày thành lập, Ngành đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận và trao tặng Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh cao quý. Bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã góp phần không nhỏ vào việc hoàn thành các nhiệm vụ kinh tế - văn hóa - xã hội của đất nước. Nhiều nhiệm vụ đang đặt ra, đòi hỏi sự quyết tâm của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.

Trên cơ sở kế thừa và phát huy những kết quả đạt được, trong những năm qua ngành văn hóa, thông tin thành phố Pleiku đã bám sát chức năng, nhiệm vụ để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng, thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; nâng cao chất lượng Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn như Jrai, Bana... Công tác xây dựng đời sống văn hóa có nhiều chuyển biến, toàn thành phố hiện có 51.178/52.588 hộ “Gia đình văn hóa” đạt 97,3%; 166/175 thôn, làng, tổ dân phố văn hóa đạt 94,8%; 141/147 cơ quan, đơn vị, trường học đạt chuẩn văn hóa. Công tác quản lý, phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hoá được quan tâm, góp phần giáo dục truyền thống cho các tầng lớp Nhân dân nhất là thế hệ trẻ. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao thường xuyên được tổ chức góp phần đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tinh thần của nhân dân. Mạng lưới phát thanh, truyền hình, chất lượng được nâng cao, phủ sóng phát thanh - truyền hình đến toàn thể thôn, làng, tổ dân phố. Thực hiện có hiệu quả các chương trình phát thanh, truyền hình, phát sóng truyền dẫn, tuyên truyền cổ động trực quan, tuyên truyền lưu động, tuyên truyền qua các trang thông tin điện tử, hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao… phản ánh kịp thời các sự kiện chính trị, các hoạt động của thành phố và các xã, phường trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng,… tạo hiệu ứng lan tỏa và đạt hiệu quả thiết thực. Phát huy vai trò là “cầu nối" giữa Đảng, chính quyền địa phương với nhân dân các dân tộc trên địa bàn Thành phố.

Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy", đội ngũ cán bộ ngành Văn hóa - Thông tin Thành phố quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ, đóng góp công sức, tâm huyết nhằm xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, góp phần đáng kể vào sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc ta./.
 
                                                                                                  Bạch Ánh

 
 
customer-service.png THÔNG TIN LIÊN HỆ:

1478004194_map-icon.png Địa chỉ: 58 Tăng Bạt Hổ - T
hành phố Pleiku - Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269).3830 155
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269).3828414
1478004004_Mail.png  Email: ubndpleiku@gialai.gov.vn
 
contract-(4).png THÔNG TIN BẢN QUYỀN:

Bản quyền thuộc về UBND thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Hữu Sung - UVBTV Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Pleiku.
Giấy phép số: 01/GP-TTĐT ngày 24/02/2015 của Sở Thông tin và Truyền thông

Chung nhan Tin Nhiem Mang
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN

   Copyright © 2018 
Trang chủ | Tin tức Liên hệ | Mobile | Site map icontop.png