TIN TỨC

CHUYÊN MỤC

Về một tiến sĩ triết học

Ngày đăng bài: 25/02/2014
Trò chuyện với học viên, đồng nghiệp Nguyễn Thái Bình thường có câu: “Vận động là phát triển” đầy chất triết lí như là một tổng kết, đúc rút làm phương châm sống, làm việc của vị tiến sĩ triết học tròn 44 tuổi (SN 1969) này.

Vượt lên gian khó
Sinh ra và lớn lên ở vùng quê bán sơn địa (xã Nhơn Mỹ, H. An Nhơn, tỉnh Bình Định) trong gia đình thuần nông có đến 7 anh chị em. Để kiếm cái chữ, cậu bé Bình hàng ngày phải đi bộ hơn 3 cây số đến với trường xã, thời học sinh trung học phổ thông đạp xe hơn chục kilomet, cả vượt qua ngọn đồi đá ong Gò Quánh. Rồi năm cuối cấp, mong có điều kiện học tốt hơn với quyết tâm vượt rào thành công kì thi tuyển sinh đại học đã khăn gói chuyển đến trường người anh trai đang dạy học để học. Tốt nghiệp thủ khoa khoa Sử-Chính trị đại học Sư phạm Qui Nhơn (khóa1989-1993), Nguyễn Thái Bình được nhận về giảng dạy ở Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai. Thời gian này, thầy giáo trẻ Bình học lấy văn bằng đại học thứ 2 chuyên ngành triết học trường đại học Tổng hợp Hà Nội (khóa 1996-1998). Thời gian không dài, năng lực chuyên môn, khả năng hoạt động xã hội của anh được “lọt vào tầm ngắm” của tổ chức, thế là điều chuyển về làm chuyên viên phòng Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh, phụ trách thêm mảng biên tập cho tạp chí Giáo dục & Đào tạo tỉnh Gia Lai định kì 01 số/quí ngày ấy. Từ đây, Nguyễn Thái Bình hoàn thành chương trình cao học trở thành thạc sỹ chuyên ngành triết học, chuyển tiếp làm nghiên cứu sinh, rồi bảo vệ thành công Luận án tiến sĩ tại Hội đồng khoa học cấp Nhà nước tổ chức tại trường đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, “đoạt” học vị tiến sĩ triết học đầu tiên của tỉnh vào năm 2010 khi ông là hiệu trưởng Trường Trung cấp văn hóa- nghệ thuật tỉnh. Bao khó khăn trong thời gian “tôi luyện” cho cuộc đời mình trên bước đường vừa học, vừa công tác và …nuôi con, vị tiến sĩ này kể: “Năm cuối chuẩn bị bảo vệ luận văn tiến sĩ cũng là thời điểm vợ tôi (cô Võ Thị Ái, giảng viên Trường cao đẳng Sư phạm Gia Lai) cũng theo học cao học ở Tp. Hồ Chí Minh. Bà nội, bà ngoại cháu đều tuổi ngoài 80- độ tuổi cháu con phải chăm sóc nên không thể cậy nhờ, chỉ có mỗi chú em trai ở gần nhưng cũng bận tít mù nên nhiều hôm lên xe trở lại trường, trời mưa như trút đành “nhốt” 2 đứa con (đứa lớn lên 10, đứa bé lên 5) lại nhà rồi gọi điện nhờ người bạn thân mua cơm hộp mang đến, ngủ lại với cháu. Trong lời cảm ơn của luận án tốt nghiệp, tôi đã cảm ơn gia đình bạn với nghĩa cử tình thâm bằng cả tấm chân tình”.
Duy vật biện chứng đã thành nếp tư duy....
“Biện chứng cuộc sống là vận động”. Thuở thiếu thời “vận động” là bản năng nhưng đến khi trưởng thành đã là nếp tư duy của vị tiến sĩ triết học này. Trong cương vị lãnh đạo Trường Trung cấp Văn hóa- Nghệ thuật tỉnh (từ năm 2007 đến 2012), ông đã góp phần quyết định trong việc chỉ đạo xây dựng qui hoạch tổng thể chiến lược phát triển nhà trường đến năm 2015, đủ điều kiện nâng cấp lên thành Trường Cao đẳng Văn hóa-Nghệ thuật và Du lịch Gia Lai, mà ở đó, ngoài yếu tố cơ sở vật chất, số lượng chuyên ngành, chất lượng và số lượng học viên; số lượng và trình độ của đội ngũ giáo viên đạt chuẩn là yếu tố tiên quyết mang đậm dấu ấn người đứng đầu. Ghi nhận công lao đóng góp vào công cuộc xây dựng đất nước của vị tiến sĩ trẻ năng động, ngày 13 tháng 10 năm 2013, ông được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng ba.
Từ tháng 01 năm 2013, tiến sĩ Nguyễn Thái Bình được điều chuyển làm hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh. Trong 3 tháng đầu, công tác tổ chức bộ máy đơn vị khoa phòng được ông kiện toàn thông qua phê duyệt của Ban Tổ chức tỉnh ủy. Đi đến quyết định như vậy, là vì thấm nhuần lời dạy của Bác: “Cách mạng chuyển biến đòi hỏi phải có một sự chuyển biến sâu sắc về tư tưởng và nhận thức, đòi hỏi phải có những chính sách, những biện pháp về công tác tổ chức phù hợp với tình hình mới.”. Và: “Phát động phải nhằm vào tổ chức. Bất cứ lực lượng nào nếu không tổ chức chặt chẽ thì không có hiệu quả.”

Tranh thủ sự quan tâm, tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Ban Thường vụ tỉnh ủy; sự phối hợp chặt chẽ các sở, ban nghành trong tỉnh công tác sửa chữa, xây dựng mới khu kí túc xá học viên được nhanh chóng tiến hành. Sân trường được phủ thảm cỏ xanh tươi điểm xuyết những cánh hồng, mẫu đơn, xuyến chi…quanh năm khoe sắc. Bếp ăn tập thể ra đời từ thời bao cấp dài dọc theo năm tháng được “lột xác” thành căng tin không chỉ phục vụ cho suất ăn cá nhân, liên hoan tập thể mà có cả giải khát các loại…phục vụ khá chuyên nghiệp, được đội Kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm liên ngành đánh giá đạt chuẩn chất lượng. Một phần khuôn viên khu vực giảng đường vốn cỏ dại, cúc quì chen mình trên đất đá lô nhô lập tức được “giải phóng” nhường chỗ cho lớp bê tông phẳng phiu làm chỗ đỗ xe máy học viên. Ngoài loại hình lớp đào tạo, bồi dưỡng vốn có, Ban giám hiệu còn hợp đồng mở lớp thêm; tiết kiệm chi đã tăng thêm thu nhập cho cán bộ, viên chức và người lao động. Loại hình lớp Bổ sung kiến thức để xác nhận trình độ lí luận tương đương trung cấp lí luận chính trị dành cho đối tượng đã tốt nghiệp đại học hệ chính qui được tổ chức dạy- học vào ngày nghỉ cuối tuần thu hút hơn 400 học viên tính đến thời điểm tháng 12 năm 2013. Chỗ ở cho học viên cũng được nâng cấp chất lượng nội thất, tiện nghi sinh hoạt có thu không hoàn toàn theo mức giá “tượng trưng”. Ban đầu nhiều ý kiến trái chiều nhưng ông vẫn quyết định xúc tiến, và lí giải: “Cũng là dịp anh em học viên người DTTS vùng sâu, vùng xa tiếp cận, hiểu thêm thực tiễn kinh tế thị trường, vận động xã hội”. Thực tế “đổi mới” ấy được người thụ hưởng tán thành trước sự ngạc nhiên của lớp người còn nặng nếp tư duy bao cấp!
 
Với quan điểm, đội ngũ giáo viên là linh hồn của nhà trường, hiệu trưởng Nguyễn Thái Bình đã cân nhắc “thu xếp” công việc, kí quyết định cho 02 giảng viên ôn thi nghiên cứu sinh ở nước ngoài và 05 giảng viên ôn thi, học cao học trong nước. Cũng từ thời điểm này, tuyển mới giảng viên chỉ chọn đối tượng có trình độ thạc sĩ đúng với chuyên ngành nhà trường đang cần thông qua sát hạch của hội đồng khoa học. Việc tổ chức thi tốt nghiệp Trung cấp Lý luận chính trị-Hành chính cho 75% số học viên không thuộc diện được làm tiểu luận tốt nghiệp ở mỗi lớp được chỉ đạo thực hiện thay cho việc viết tiểu luận tốt nghiệp như trước đây…Không chỉ say sưa với công tác quản lí, thầy giáo Nguyễn Thái Bình còn giảng dạy ở các lớp đào tạo, bồi dưỡng của trường, ở một số trường đại học trong khu vực và viết bài đăng trên các tạp chí chuyên ngành…Với chừng ấy công việc hiện ra, đủ thấy câu nói “Vận động là phát triển” không còn là lí luận thuần túy mà đã thành nếp tư duy, là hành động thực tiễn của vị tiến sĩ này.
Nguyễn Đình Phê
customer-service.png THÔNG TIN LIÊN HỆ:

1478004194_map-icon.png Địa chỉ: 58 Tăng Bạt Hổ - T
hành phố Pleiku - Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269).3830 155
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269).3828414
1478004004_Mail.png  Email: ubndpleiku@gialai.gov.vn
 
contract-(4).png THÔNG TIN BẢN QUYỀN:

Bản quyền thuộc về UBND thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Hữu Sung - UVBTV Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Pleiku.
Giấy phép số: 01/GP-TTĐT ngày 24/02/2015 của Sở Thông tin và Truyền thông

Chung nhan Tin Nhiem Mang
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN

   Copyright © 2018 
Trang chủ | Tin tức Liên hệ | Mobile | Site map icontop.png