TIN TỨC

CHUYÊN MỤC

TP. Pleiku: Hướng dẫn tái đàn sau khi công bố hết bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn thành phố

Ngày đăng bài: 07/10/2019
Ngày 02/10/2019, UBND thành phố ban hành Công văn số 2265/UBND- KT về việc hướng dẫn tái đàn sau khi công bố hết bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn thành phố.

Theo đó, trọng tâm trong Công văn 2265/UBND- KT,  UBND thành phố yêu cầu phòng Kinh tế, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp, UBND các xã, phường trên địa bàn theo chức năng, nhiệm vụ triển khai hướng dẫn các hộ chăn nuôi thực hiện việc tái đàn đối với những địa bàn sau khi hết dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phi như sau:

Thời gian thực hiện tái đàn: Đối với đàn lợn, thời điểm tái đàn sau dịch là 30 ngày kể từ khi tiêu hủy lợn hoặc sản phẩm lợn bị nhiễm bệnh và đã thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo quy định, cơ sở từng bước nuôi tái đàn với số lượng khoảng 10% tổng số lợn có thể nuôi tại cơ sở. Sau khi nuôi tái đàn được 30 ngày, thực hiện việc lấy mẫu xét nghiệm, nếu tất cả các mẫu xét nghiệm đều âm tính với bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, khi đó mới nuôi tái đàn với số lượng có thể lên đến 100% tổng số lợn có thể nuôi tại cơ sở; Đối với các loại động vật khác, trong điều kiện không thực hiện tái đàn lợn có thể chuyển sang nuôi các loại động vật khác thay thế lợn như bò, dê, gà,...

Chuồng trại chăn nuôi: Đối với chăn nuôi nhỏ lẻ hộ gia đình, chuồng nuôi cần được đặt ở vị trí cao, đảm bảo ấm áp về mùa đông, thoáng mát về mùa hè; thực hiện nuôi nhốt, không nuôi thả rông, không nuôi nhốt dưới nhà sàn, phải tách biệt với khu vực sinh hoạt của gia đình và dân cư xung quanh; thuận tiện cho việc chăm sóc, đi lại, vận chuyển, thu gom xử lý chất thải, vệ sinh khu vực chăn nuôi; Đối với chăn nuôi quy mô gia trại, trang trại, có tường, hàng rào ngăn cách với các khu vực khác, không bố trí nhiều loài vật nuôi vào cùng một nơi; tại lối ra vào chuồng nuôi phải có hố khử trùng, thay bảo hộ cho người ra, vào khu vực chăn nuôi; Kiểm soát chặt chẽ người và động vật ra vào khu vực chăn nuôi; chuồng nuôi phải dễ thực hiện các biện pháp vệ sinh, tiêu độc; có biện pháp ngăn chặn côn trùng, vật chủ trung gian khác truyền bệnh; bố trí chuồng nuôi cách ly; có khu vực thu gom và xử lý chất thải; Không sử dụng chung dụng cụ chăn nuôi giữa các chuồng; đường thoát nước thải riêng biệt cho mỗi ô chuồng ra đường thoát nước chung và từ chuồng nuôi đến khu xử lý chất thải đảm bảo kín.

Nguồn gốc con giống: Con giống trong tái đàn có thể nuôi phát triển giống lợn địa phương (lợn sóc); con lai giữa lợn địa phương với lợn đực giống Thái Lan (tại Trung tâm Giống vật nuôi tỉnh) hoặc sử dụng các giống lợn lai Yorkshire, Landrace, Duroc,... tùy theo điều kiện, quy mô chăn nuôi. Động vật nhập về nuôi phải có nguồn gốc rõ ràng, khỏe mạnh; có kết quả xét nghiệm âm tính với bệnh Dich tả lợn Châu Phi (trường hợp lợn xuất phát từ vùng dịch). Trường hợp lợn nhập về có nguồn gốc từ địa bàn tỉnh khác, ngoài yêu cầu kiểm tra âm tính với mầm bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, lợn phải được kiểm dịch và có Giấy chứng nhận kiểm dịch theo quy định tại Thông tư số 25/2016/TT- BNNPTNT ngày 30/6/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn. Trước khi nhập đàn, nuôi cách ly ít nhất 02 tuần.

Phương thức chăn nuôi: Có quy trình chăn nuôi phù hợp với từng loại lợn theo các giai đoạn sinh trưởng, phát triển; áp dụng phương thức quản lý “cùng vào – cùng ra” theo thứ tự ưu tiên: Dãy chuồng, ô chuồng. Nên áp dụng phương thức nuôi khô, không sử dụng nước tắm cho lợn. Sử dụng các chế phẩm sinh học trong nước uống, độn chuồng và định kỳ phun sương trong chuồng nuôi theo hướng dẫn của nhà sản xuất để tăng cường phòng, chống dịch; Thức ăn và nước uống: Sử dụng thức ăn có nguồn gốc rõ ràng đảm bảo chất lượng và an toàn. Trường hợp sử dụng thức ăn tận dụng phải được xử lý nhiệt trước khi cho ăn; không sử dụng thức ăn thừa; bổ sung chế phẩm sinh học trong thức ăn tăng sức đề kháng cho lợn như chế phẩm probiotic, enzyme,...Nguồn nước cho chăn nuôi lợn phải đảm bảo an toàn.

Vệ sinh chăn nuôi và kiểm soát người, phương tiện ra, vào chuồng nuôi:Hạn chế tối đa người, phương tiện ra, vào khu vực chuồng nuôi; trước và sau khi vào, ra khu vực chăn nuôi phải được khử trùng.

Thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng: Cần quét dọn rửa chuồng hàng ngày. Sau khi vệ sinh cơ giới xong phun thuốc sát trùng; định kỳ phát quang bụi rậm, khơi thông và vệ sinh cống rãnh ngoài chuồng nuôi ít nhất 2 lần/ tháng; Định kỳ phun thuốc sát trùng xung quanh khu chăn nuôi, chuồng nuôi ít nhất nhất 2 lần/ tuần; ít nhất 2 lần/ tuần khi có dịch bệnh bằng các loại hóa chất thích hợp theo hướng dẫn của nhà sản xuất; Sau mỗi đợt nuôi phải làm vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng, dụng cụ chăn nuôi và để trống chuồng ít nhất 7 ngày trước khi đưa lợn vào nuôi. Trong trường hợp chuồng bị dịch, nếu tái đàn nên để trống chuồng ít nhất 30 ngày.

Xử lý chất thải chăn nuôi: Chất thải phải được thu gom hàng ngày, chuyển đến nơi tập trung và xử lý đảm bảo vệ sinh theo quy định hiện hành.

Quản lý dịch bệnh: Kiểm soát, khống chế nguồn bệnh: Thường xuyên theo dõi sức khỏe đàn vật nuôi, khi phát hiện con vật nghi bệnh, bị bệnh phải được cách ly ngay để tránh phát tán bệnh trong chuồng nuôi, ngăn chặn không cho mầm bệnh phát tán ra ngoài và truyền đi nơi khác bằng cách không buôn bán, vận chuyển, giết mổ,...; hạn chế người, phương tiện ra vào khu vực có lợn mắc bệnh; Phòng bệnh bằng vắc xin: Chủ động tiêm phòng các loại vắc xin cho lợn như Tụ huyết trùng, Dịch tả, LMLM.. theo quy trình chăn nuôi; thời gian, liều lượng, đường đưa vắc xin vào cơ thể theo hướng dẫn của nhà sản xuất vắc xin; hoặc tiêm phòng cho đàn vật nuôi theo các kế hoạch tiêm phòng của địa phương.

Xử lý dịch bệnh:Trong trường hợp có dịch bệnh, phải khai báo ngay với chính quyền địa phương và thực hiện phòng, chống dịch bệnh theo đúng quy định./.
Đinh Hoa
 
 
customer-service.png THÔNG TIN LIÊN HỆ:

1478004194_map-icon.png Địa chỉ: 58 Tăng Bạt Hổ - T
hành phố Pleiku - Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269).3830 155
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269).3828414
1478004004_Mail.png  Email: ubndpleiku@gialai.gov.vn
 
contract-(4).png THÔNG TIN BẢN QUYỀN:

Bản quyền thuộc về UBND thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Hữu Sung - UVBTV Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Pleiku.
Giấy phép số: 01/GP-TTĐT ngày 24/02/2015 của Sở Thông tin và Truyền thông

Chung nhan Tin Nhiem Mang
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN

   Copyright © 2018 
Trang chủ | Tin tức Liên hệ | Mobile | Site map icontop.png