TIN TỨC

CHUYÊN MỤC

Những kết quả đạt được sau 10 năm xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Pleiku

Ngày đăng bài: 03/06/2020
Xác định tầm quan trọng của việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), ngay sau khi có Nghị quyết số 03-NQ/TU, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Chương trình số 21-CTr/TU ngày 15/02/2012 về thực hiện Nghị quyết. Chỉ đạo các cấp ủy đảng, các cơ quan, ban, ngành có liên quan xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện; Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tăng cường công tác tuyên truyền, phối hợp giám sát việc tổ chức thực hiện Nghị quyết. Đồng thời, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Kế hoạch số 76-KH/TU ngày 26/4/2018 về thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TU ngày 13/02/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp về xây dựng làng NTM trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

ntm1-(1).jpg
Quang cảnh đổ đường bê tông tại làng Tiêng 2, xã Tân Sơn.
 
Thành phố đặc biệt chú trọng đến công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách và cách thức tiến hành xây dựng nông thôn mới được quan tâm triển khai, phổ biến sâu rộng đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân với nhiều hình thức đa dạng, phong phú về xây dựng NTM; xây dựng chuyên mục “Chung tay xây dựng nông thôn mới” trên Cổng thông tin điện tử thành phố; xây dựng các cụm bảng hiệu pano tuyên truyền; bằng xe loa với số lượng 417 buổi, thực hiện 750 băng rôn (1.560 khẩu hiệu); thay đổi nội dung 60 panô lớn, 72 panô nhỏ, 110 panô bướm; xây dựng 11 cụm pano lớn, 33 pano nhỏ và phát hành 10.000 tờ rơi về 19 tiêu chí xã NTM trên địa bàn các xã; tổ chức 310 buổi đi cơ sở tuyên truyền các chủ trương xây dựng NTM kết hợp biểu diễn các hoạt động văn hóa, văn nghệ ở các xã; thực hiện 610 bài và 2.130 tin, phóng sự tuyên truyền, biểu dương những cách làm hay, những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trong phong trào xây dựng NTM.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp đã triển khai 1.515 cuộc tuyền truyền, vận động cho trên 67.000 lượt người dân; tổ chức lấy ý kiến sự hài lòng của người dân về kết quả xây dựng NTM ở các xã. Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ tích cực tham gia bảo vệ môi trường, phát triển sản xuất; xây dựng 13 mô hình “Hàng rào xanh” với chiều dài 9.800m; 14 mô hình “Con đường hoa” với chiều dài 7.600m; 22 mô hình “Phân loại rác”; tuyên truyền các hộ gia đình đào hố rác tự hoại trong vườn nhà và trồng mới hơn 10.000 cây xanh các loại. Hội Nông dân các cấp tuyên truyền, vận động hội viên tham gia đóng góp trên 71.422 triệu đồng, 4.690 ngày công, hiến 18.550m2 đất để thực hiện xây dựng, chỉnh trang cơ sở hạ tầng nông thôn; tham gia làm mới, sửa chữa 217 km đường giao thông nông thôn, kiên cố hòa 5,2 km kênh mương, sửa chữa 108 nhà văn hóa xã, thôn, làng, phòng học, trạm y tế,… Đoàn thanh niên các cấp tổ chức 175 cuộc tuyên truyền với hơn 85.000 lượt người tham gia, tham gia bảo vệ môi trường, tích cực hỗ trợ các làng đồng bào dân tộc thiểu số xây dựng NTM.
 
ntm2.jpg
Những sản phẩm sạch của các tổ chức trên địa bàn thành phố.
 
Từ năm 2011 đến nay, thành phố đã đầu tư xây dựng mới, nâng cấp nhiều công trình hạ tầng thiết yếu cho khu vực nông thôn, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, tạo đà phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh và nâng số xã đạt chuẩn các tiêu chí về phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn.

Về giao thông nông thôn: thành phố đã đầu tư xây dựng, duy tu bảo dưỡng 253,69 km đường giao thông nông thôn; đến nay, tỷ lệ đường trục xã, liên xã được đường bê tông, nhựa hóa đạt 100%; tỷ lệ đường trục thôn, làng được bê tông đạt 93,3%; tỷ lệ đường ngõ xóm cứng hóa đạt 77,6%; tỷ lệ đường trục chính nội đồng được cứng hóa, xe cơ giới đi lại thuận lợi đạt 83,6%. Về thủy lợi: thành phố đã đầu tư, nâng cấp 38,99 km kênh mương và cải tạo nâng cấp 02 hồ, 03 đập. Hiện nay, hệ thống thủy lợi phục vụ tưới, tiêu cho 8.586,7/9.809,9 ha, đạt tỷ lệ 87,5%, cơ bản đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất và chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong sản xuất nông nghiệp, phục vụ dân sinh. Điện nông thôn: từ nguồn vốn ngân sách, vốn doanh nghiệp, vốn đóng góp của Nhân dân, đặc biệt là sự quan tâm đầu tư mạnh mẽ của ngành điện trong việc cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới hệ thống lưới điện, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của Nhân dân; đến nay, tỷ lệ hộ dân sử dụng điện thường xuyên và an toàn đạt 100% (12.854/12.854 hộ). Trường học: hằng năm, thành phố luôn dành một phần kinh phí đầu tư cho hạ tầng cơ sở vật chất ngành giáo dục, xây dựng nhiều phòng học theo hướng kiên cố hoá, hỗ trợ mua sắm trang thiết bị trường học, hoàn thiện hệ thống các công trình phục vụ việc chuẩn hóa về giáo dục các cấp tại các xã, phát triển mở rộng các lớp bán trú, lớp 2 buổi/ngày; đến nay, 100% trường ở các xã đạt chuẩn về cơ sở vật chất, 07/22 trường đạt chuẩn Quốc gia, tỷ lệ 31,8%; trong đó, mầm non 01/8 trường, tiểu học 05/7 trường, tiểu học và trung học cơ sở 01/4 trường, 0/3 trung học cơ sở. Cơ sở vật chất văn hóa: từ nguồn vốn ngân sách các cấp và nguồn vốn góp của Nhân dân, thành phố đã xây mới 42 nhà văn hóa thôn, làng; đầu tư nâng cấp, sửa chữa 9 trung tâm văn hóa - thể thao xã và 39 nhà văn hóa thôn, làng; xây mới 9 trung tâm làm việc một cửa của UBND xã; đến nay, hầu hết các thôn, làng đã có hội trường, nhà rông văn hóa và nhà sinh hoạt cộng đồng; các sân tập thể thao như sân bóng đá, bóng chuyền, sân quần vợt, nhà tập thể dục, điểm sinh hoạt bóng bàn, cơ sở tập luyện thẩm mỹ… Cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn: đến nay, 05/5 chợ đã được đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, xây dựng nội quy hoạt động chợ đảm bảo đúng quy định và đạt các tiêu chuẩn về chợ NTM, đáp ứng nhu cầu mua bán, giao thương hàng hóa trong Nhân dân. Thông tin và truyền thông: xây dựng trang thông tin điện tử thành phần của các xã trên cổng thông tin điện tử của thành phố; trang bị hệ thống truyền thanh không dây cho các xã; đến nay, 8/8 xã có điểm bưu chính đạt chuẩn, có điểm truy cập internet công cộng, có đài truyền thanh và hệ thống loa đến các thôn. Nhà ở dân cư: trên địa bàn các xã không còn nhà tạm, nhà dột nát; đến nay, 11.005/12.854 hộ gia đình có nhà đạt chuẩn theo quy định của Bộ Xây dựng, đạt tỷ lệ 85,6% (tăng 22,9% so với năm 2011). Trụ sở cấp xã: đến nay trụ sở làm việc của các xã đã được đầu tư xây dựng mới với quy mô và thiết kế phù hợp, đảm bảo yêu cầu công việc.
 
ntm3.jpg
Tuổi trẻ thành phố Pleiku giúp bà con xây dựng đường làng.
 
Mạng lưới y tế tiếp tục được củng cố và phát triển, hiện có 08/8 xã đạt tiêu chí Quốc gia về y tế; tỷ lệ người dân tham gia Bảo hiểm y tế đạt 85,8%, tăng 44,9% so với năm 2011; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể thấp còi chiếm 12,8%. Tập trung đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học, tạo điều kiện tốt nhất cho việc dạy và học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục; công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ đạt nhiều kết quả; tỷ lệ huy động học sinh ra lớp ở các cấp học đạt 100%; tỷ lệ đi học đúng độ tuổi ở bậc THCS đạt 100%; tỷ lệ xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non, phổ cập giáo dục TH, phổ cập giáo dục THCS đạt 100%; tỷ lệ xã đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 đạt 100%; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS được tiếp tục học THPT, bổ túc, học nghề đạt 95,6%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 46,2%.

Triển khai thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đến từng thôn, làng, hộ dân nông thôn; Nhân dân đã tích cực tham gia thực hiện nếp sống văn minh, lành mạnh, chống các tệ nạn xã hội; đến nay, 08/8 xã được công nhận “xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”, 52/54 thôn, làng được công nhận thôn, làng văn hóa chiếm tỷ lệ 96,3%; tỷ lệ hộ sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 99,9%; tỷ lệ hộ dân nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 87%; tỷ lệ trạm y tế xã có công trình cấp nước và nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 100%; tỷ lệ trường học có công trình cấp nước và nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 100%; các xã đã hình thành tổ, nhóm thu gom, xử lý rác thải; cải tạo nghĩa trang; xây dựng cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp; thống kê, rà soát các cơ sở, hộ gia đình kinh doanh thực phẩm cam kết đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Trong những năm qua, sản xuất nông nghiệp thành phố duy trì ở mức tăng trưởng ổn định; giá trị sản xuất nông nghiệp đạt từ 621.776,6 triệu đồng, năm 2010 lên 1.052.355,5 triệu đồng năm 2019 (theo giá 2010); trong đó, trồng trọt đạt từ 339.381,2 triệu đồng lên 534.917,6 triệu đồng; chăn nuôi đạt từ 280.912,4 triệu đồng lên 551.358,2 triệu đồng; dịch vụ và các hoạt động khác 1.483,0 triệu đồng lên 2.079,6 triệu đồng, tăng bình quân 4,6%/năm; cơ cấu cây trồng, vật nuôi từng bước chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường;...
 
ntm4.jpg
Khu vườn rau sạch của Công ty TNHH Một thành viên Hương đất An Phú.
 
Ngành trồng trọt bước đầu hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung theo mô hình “cánh đồng mẫu”, áp dụng khoa học kỹ thuật, liên kết sản xuất theo tiêu chuẩn mang lại hiệu quả kinh tế cao; trên địa bàn thành phố có 10 ha nhà lưới để xản xuất rau, hoa các loại; diện tích rau VietGap 15 ha, trong đó Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Hương đất An Phú 5,3 ha, Tổ sản xuất rau VietGAP An Phú 4,2 ha và Tổ sản xuất rau VietGAP thôn Tôi - xã Trà Đa 5,5 ha, năng xuất rau đạt 113 tấn/ha; xây dựng 3 mô hình liên kết theo chuỗi giá trị vùng sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn VietGap, 4C ở xã Diên Phú, xã Trà Đa, xã Gào, diện tích 362,75 ha; các hộ dân liên kết với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Hà Phát Gia Lai, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại xuất nhập khẩu Tín Đức, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Anh Thu đã hợp đồng thu mua cà phê VietGap, 4C cao hơn giá thị trường 300 đồng/kg; từ năm 2012 đến nay, thành phố đã thực hiện tái canh 966,5 ha cà phê; tổng diện tích các loại cây trồng năm 2019 đạt 9.782,29 ha, tăng 856,49 ha so với năm 2010, năng suất và sản lượng cây trồng tăng dần qua các năm; diện tích cây lương thực có hạt 2.799,7 ha với sản lượng đạt 15.861,7 tấn; diện tích rau dưa các loại 797,47 ha với sản lượng đạt 1.328,7 tấn; diện tích cây cao su 708,2 ha với sản lượng đạt 970,3 tấn; diện tích cây cà phê 3.386,25 ha với sản lượng đạt 8.364,9 tấn; diện tích hồ tiêu 143,24 ha với sản lượng đạt 294,09 tấn.

Ngành chăn nuôi phát triển ổn định, chú trọng tái cơ cấu hình thức sản xuất, cơ bản đáp ứng nhu cầu thực phẩm trong thành phố; sản lượng thịt xuất chuồng của các loại gia súc, gia cầm tăng từ 5-10%/năm; năm 2019, tổng đàn gia súc 91.381 con, gia cầm 461.090 con; hiện nay, thành phố có 44 trại chăn nuôi, trong đó 14 trang trại chăn nuôi gà, 30 trang trại chăn nuôi heo; trong đó, trang trại chăn nuôi heo tại Trà Đa với quy mô 4.400 con và trang trại tại xã Ia Kênh với quy mô 2.400 con thực hiện mô hình liên kết chăn nuôi gia công với Công ty Cổ phần Chăn nuôi Việt Nam.

Hoạt động triển khai và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp đã mang lại nhiều kết quả; hiện trên địa bàn thành phố đang triển khai thực hiện 03 dự án nông nghiệp công nghệ cao tại xã An Phú với diện tích 9,9 ha; dự án Xây dựng viện nghiên cứu giống cây trồng công nghệ cao; Dự án Khu nông nghiệp công nghệ cao; Dự án Nhà máy tách, phân loại, đóng gói, bảo quản hoa quả xuất khẩu và 02 dự án tại xã Gào với diện tích 50 ha; dự án trồng, chế biến, xuất khẩu rau củ quả ứng dụng công nghệ cao tại thôn 6, xã Gào; Dự án Trung tâm sản xuất hạt giống và rau sạch ứng dụng công nghệ cao tại làng B, xã Gào.

Thành phố đã cử trên 460 lượt cán bộ tham gia các lớp tập huấn của Trung ương và của Tỉnh về quản lý, thực hiện đề án xây dựng NTM; kiến thức về Luật hợp tác xã năm 2012; hiện thành phố có 12 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp tại các xã với 1.001 thành viên; tổng vốn điều lệ đăng ký 11,191 tỷ đồng; tổng doanh thu 685 triệu đồng; doanh thu bình quân đạt 57 triệu đồng/năm; các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn cơ bản chấp hành tốt các quy định của pháp luật về sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ, tạo việc làm và tăng thu nhập cho thành viên hợp tác xã.

Công tác an sinh xã hội, giảm nghèo, lao động việc làm luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và đạt được những kết quả tích cực; đại đa số hộ nghèo, hộ cận nghèo có ý thức nỗ lực cố gắng vươn lên để thoát nghèo; kết quả giảm nghèo hằng năm và cả giai đoạn đều đạt và vượt kế hoạch, số hộ nghèo của 8 xã (đã trừ các hộ nghèo thuộc diện bảo trợ xã hội) hiện nay còn 182 hộ/12.854 hộ, chiếm tỷ lệ 1,42%, giảm 6,64% so với năm 2011; tổng số lao động có việc làm đạt 29.511/30.649 người, chiếm tỷ lệ 96,3%; thu nhập bình quân đầu người năm 2019 đạt 38,3 triệu đồng/người/năm, tăng 3,24 lần so với năm 2011.

Đã cử 90 cán bộ, công chức tham gia các lớp đào tạo để nâng cao trình chuyên môn; cử 162 lượt cán bộ, công chức tham gia lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước; cử 376 lượt cán bộ, công chức tham gia các lớp bồi dưỡng chức danh; cử 915 cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách tham gia bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh; cử 1.578 lượt cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách tham gia các lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và cập nhật kiến thức,... Ngoài ra, thành phố còn tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng cho hơn 545 lượt cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách từ nguồn kinh phí của Trung ương, của tỉnh cấp; Trung cấp lý luận chính trị: 45 người; Sơ cấp lý luận chính trị: 30 người; bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước: 180 người; bồi dưỡng tin học văn phòng: 110 người; bồi dưỡng tiếng Jrai: 100 người; bồi dưỡng quốc phòng - an ninh: 80 cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách. Hệ thống tổ chức chính trị luôn được củng cố, kiện toàn; hiện nay, số lượng cán bộ, công chức cấp xã cơ bản đảm bảo về số lượng, đạt chuẩn theo quy định, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao; tổng số cán bộ chuyên trách, công chức cấp xã 170 người, trong đó có 76 cán bộ, 94 công chức; 100% xã có các tổ chức trong hệ thống chính trị cơ sở theo quy định; 100% xã được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo quy định; đảng bộ, chính quyền các xã đạt trong sạch vững mạnh; tổ chức đoàn thể chính trị các xã đạt danh hiệu tiên tiến trở lên... Tình hình an ninh chính trị khu vực nông thôn được giữ vững ổn định.

Kết quả huy động nguồn lực đầu tư xây dựng NTM, thành phố đã huy động có hiệu quả các nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM với tổng nguồn vốn huy động từ năm 2011 đến nay là 1.847.801,3 triệu đồng, trong đó: vốn từ ngân sách Nhà nước: 595.327,4 triệu đồng, gồm: vốn đầu tư trực tiếp: 131.820,8 triệu đồng (ngân sách Trung ương 32.452 triệu đồng, ngân sách tỉnh 6.475 triệu đồng, ngân sách địa phương 92.893,8 triệu đồng); vốn lồng ghép: 463.506,6 triệu đồng; vốn ngoài ngân sách Nhà nước: 1.252.473,9 triệu đồng, gồm: vốn vay tín dụng: 95.876,4 triệu đồng; vốn doanh nghiệp: 291.034,1 triệu đồng; vốn từ cộng đồng dân cư đóng góp: 859.991 triệu đồng; vốn khác 5.572,4 triệu đồng. Qua 10 năm triển khai thực hiện Chương trình, 100% dự án đầu tư xây dựng cơ bản được thực hiện đúng quy trình, thủ tục của Luật đầu tư công; thành phố không có nợ đọng xây dựng cơ bản của Chương trình xây dựng NTM.

Thành phố Pleiku đã chỉ đạo cả hệ thống chính trị từ thành phố đến địa bàn khu dân cư làm tốt công tác vận động quần chúng để hoàn thành các tiêu chí về xây dựng NTM. Đặc biệt là tại các làng đồng bào dân tộc thiểu số; từ đó đã phát huy được sức mạnh của cả cộng đồng vào việc tham gia xây dựng NTM và góp phần phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh ở địa phương; góp phần xây dựng thành phố Pleiku ngày càng phát triển.
Bài và ảnh: Sỹ Nhân
 
customer-service.png THÔNG TIN LIÊN HỆ:

1478004194_map-icon.png Địa chỉ: 58 Tăng Bạt Hổ - T
hành phố Pleiku - Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269).3830 155
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269).3828414
1478004004_Mail.png  Email: ubndpleiku@gialai.gov.vn
 
contract-(4).png THÔNG TIN BẢN QUYỀN:

Bản quyền thuộc về UBND thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Hữu Sung - UVBTV Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Pleiku.
Giấy phép số: 01/GP-TTĐT ngày 24/02/2015 của Sở Thông tin và Truyền thông

Chung nhan Tin Nhiem Mang
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN

   Copyright © 2018 
Trang chủ | Tin tức Liên hệ | Mobile | Site map icontop.png