TIN TỨC

CHUYÊN MỤC

Kết quả phong trào thi đua “Gia Lai chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2011-2020 trên địa bàn thành phố Pleiku

Ngày đăng bài: 10/10/2019
Thành phố Pleiku là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội của tỉnh Gia Lai. Tổng diện tích đất tự nhiên là 26.076,8 ha (trong đó đất nông nghiệp 18.879,62 ha; đất phi nông nghiệp 6.861,88 ha; đất chưa sử dụng 335,36 ha). Thành phố có 23 đơn vị hành chính, gồm 14 phường và 9 xã. Tổng dân số của thành phố trên 234.181 người, trong đó dân cư vùng nông thôn 52.501 người, chiếm 22,42% dân số.

Phong trào thi đua “Gia Lai chung sức xây dựng nông thôn mới” được  triển khai sâu rộng và tạo được sự chuyển biến sâu sắc trong toàn thể hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và  các tổ  chức, cá nhân, đặc biệt là sự  hưởng ứng nhiệt tình, đồng lòng của người dân trên địa bàn thành phố, qua đó phát huy được vai  trò chủ thể của người  dân trong việc tham gia xây dựng  nông thôn mới. Diện mạo nông thôn, đặc biệt là ở các xã đạt chuẩn nông thôn mới có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không  ngừng được nâng cao. Đã tạo được bước chuyển  quan trọng  về nhận thức,  trách nhiệm của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và của người dân trong việc tham gia xây dựng nông thôn mới. Không khí thi đua xây dựng nông thôn mới tại các xã, thôn, làng đã thực sự trở thành phong trào rộng khắp và có sức lan tỏa lớn trong cộng đồng.

Phong trào thi đua đã được các cấp uỷ Đảng, chính quyền quan tâm chỉ đạo, tổ chức triển khai đồng bộ, quyết liệt. UBND thành phố, Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG thành phố thực hiện đổi mới phương thức lãnh đạo, tập trung công tác hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc và tuyên truyền, tập huấn, phổ biến các điển hình trong xây dựng nông thôn mới. Trong quá trình triển khai thực hiện đã xuất hiện nhiều điểm sáng, cách làm hay, hiệu quả trong xây dựng nông thôn mới, được các địa phương đánh giá, đúc kết thành kinh nghiệm để nhân rộng trên địa bàn thành phố.

Thực hiện Chương trình hành động số 21-CTr/TU ngày 15/2/2012 của Thành ủy Pleiku về việc thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 19/7/2011 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Gia Lai về “Xây dựng nông thôn mới tỉnh Gia Lai đến năm 2020”, UBND thành phố đã ban hành các Quyết định số 3421/QĐ- UBND ngày 05/12/2011 phê duyệt Đề án về xây dựng nông thôn mới thành phố Pleiku giai đoạn 2011-2020; số 2084/QĐ-UBND ngày 15/12/2017 phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Đề án xây dựng nông thôn mới thành phố Pleiku giai đoạn 2016-2020. Thực hiện Quyết định số 196/QĐ-UBND ngày 10/5/2012 của UBND tỉnh ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện Phong trào thi đua “Gia Lai chung sức xây dựng nông thôn mới”; UBND thành phố đã phát động Phong trào thi đua  “Pleiku chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2011-2020 (tại Kế hoạch số 892/KH-UBND ngày 30/5/2012 của UBND thành phố). Phong trào thi đua được gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của các cơ quan, đơn vị, phát  huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, khơi dậy tinh thần thi đua yêu nước của các tầng lớp nhân dân và huy động các nguồn lực tham gia xây dựng nông thôn mới. Chỉ đạo kiện toàn bộ máy thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới các cấp theo đúng quy định và hướng dẫn của các Sở, ngành tỉnh và thường xuyên kiểm tra, bổ sung, kiện toàn thành viên Ban Chỉ đạo, Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới, đồng thời giao cho các phòng, ban, ngành, đoàn thể thành phố xây dựng kế hoạch hỗ trợ các xã về xây dựng nông thôn mới.

Hưởng ứng phong trào thi đua “Pleiku chung sức xây dựng nông thôn mới”, các đơn vị trong cụm thi đua của thành phố đã tổ chức phát động phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, nội dung phát động phù hợp với nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị, tiêu biểu như: Liên đoàn Lao động thành phố phát động Phong trào thi đua gắn với các Phong trào thi đua của tổ chức công đoàn “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Xanh - sạch - đẹp, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động”; Hội Nông dân thành phố với Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”; Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố tham gia xây dựng nông thôn mới với cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh thành phố phát động Phong trào “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới” kết hợp với Phong trào “5 xung kích phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc” và “4 đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp”... Nhằm động viên các xã phấn đấu về đích sớm trong xây dựng chuẩn nông thôn mới, UBND thành phố kịp thời khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua Pleiku chung sức xây dựng nông thôn mới như tặng Cờ Thi đua, tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND thành phố nhân dịp sơ kết, tổng kết hàng năm. Thường trực Thành ủy, Thường trực Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho  cơ sở; tổ chức rà soát, tổng hợp các xã còn yếu trong xây dựng nông thôn mới để có điều chỉnh, phân công các đồng chí Thành ủy viên, lãnh đạo các phòng, ban, ngành phụ trách, trực tiếp theo dõi, phối hợp chỉ đạo các xã trong việc triển khai xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Phong trào thi đua “Pleiku chung sức xây dựng nông thôn mới” tiếp tục được cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp, các đơn vị quân đội, doanh nghiệp và người nông dân trên địa bàn thành phố tích cực hưởng ứng tham gia và đạt được nhiều kết quả thiết thực, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM đạt mục tiêu đề ra.
Ủy ban MTTQVN thành phố đã triển khai sâu rộng Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Tập trung tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân nhằm phát huy vai trò chủ thể của người dân và cộng đồng trong xây dựng NTM. Ủy ban MTTQVN các cấp đã triển khai được 1.515 cuộc tuyền truyền, vận động; truyên truyền trên 67.000 lượt người dân vùng nông thôn của thành phố về nội dung xây dựng NTM và Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”. Ủy ban MTTQVN thành phố đã tổ chức lấy ý kiến sự hài lòng của người dân về kết quả xây dựng NTM ở các xã theo đúng quy trình, phản ánh được sự hài lòng của người dân về kết quả xây dựng NTM. Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp tích cực phát động Phong trào “Phụ nữ thành phố Pleiku chung sức xây dựng NTM” gắn với đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, duy trì và xây dựng các cụm pano tuyên truyền, tranh cổ động phụ nữ tham gia xây dựng NTM ở các thôn, làng. Tuyên truyền vận động hội liên hiệp phụ nữ tích cực tham gia bảo vệ môi trường; phát triển sản xuất; xây dựng 13 mô hình “Hàng rào xanh” với chiều dài 9.800m; 14 mô hình “Con đường hoa” với chiều dài 7.600m; 22 mô hình “Phân loại rác”. Tuyên truyền các hộ gia đình đào hố rác tự hoại trong vườn nhà và trồng mới hơn 10.000 cây xanh các loại, góp phần làm thay đổi diện mạo NTM. Hội Nông dân các cấp tích cực tuyên truyền, vận động hội viên tham gia hưởng ứng xây dựng NTM như: Vận động hội viên tham gia đóng góp trên 71.422 triệu đồng, 4.690 ngày công, hiến 18.550m2 đất để thực hiện xây dựng, chỉnh trang cơ sở hạ tầng nông thôn. Ngoài ra còn vận động hội viên tham gia làm mới, sửa chữa 217 km đường giao thông nông thôn, kiên cố hóa 5,2 km kênh mương, sửa chữa 108 nhà văn hóa xã, thôn, làng, phòng học, trạm y tế,…Ban Thường vụ Thành đoàn đã tích cực tuyên truyền đoàn viên, thanh niên tham gia Phong trào “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới” bằng những nội dung, phần việc cụ thể đã góp phần xây dựng nông thôn mới như: Tổ chức 175 cuộc tuyên truyền với hơn 85.000 lượt tham gia, tham gia bảo vệ môi trường, xây dựng tổ chức đoàn cơ sở vững mạnh, tích cực hỗ trợ các làng đồng bào dân tộc thiểu số xây dựng NTM. Các phòng, ban đã tích cực tham gia công tác tuyên truyền xây dựng nông thôn mới, cụ thể: Phòng Văn hóa - Thông tin tuyên truyền bằng xe loa với số lượng 437 buổi, thực hiện 780 băng rôn (1.560 khẩu hiệu); thay đổi nội dung 70 panô lớn, 82 panô nhỏ, 120 panô bướm; tổ chức 310 buổi đi cơ sở tuyên truyền các chủ trương xây dựng NTM kết hợp biểu diễn các hoạt động văn hóa, văn nghệ ở các xã; thực hiện 689 bài và 2.430 tin, phóng sự tuyên truyền, biểu dương những cách làm hay, những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trong phong trào xây dựng NTM. Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội đã gắn kết Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững với xây dựng nông thôn mới, tích cực thực hiện các hoạt động tuyên truyền định hướng nghề, giải quyết việc làm. Phòng Kinh tế đã phối hợp với Hội đồng Thi đua - Khen thưởng thành phố đề xuất các gương điển hình trong xây dựng NTM, xây dựng 11 cụm panô lớn và phát hành 10.000 tờ rơi về 19 tiêu chí xã nông thôn mới truyên truyền trên địa bàn 9 xã.

Tại các xã, công tác tuyên truyền, vận động đã được quan tâm thực hiện đến từng hộ dân trong thôn, làng góp phần phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới. Thông qua công tác tuyên truyền của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban ngành, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể, hội quần chúng, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, các tầng lớp nhân dân đã nhận thức đầy đủ sâu sắc hơn về vị trí, vai trò, mục tiêu, nhiệm vụ và các cơ chế, chính sách trong xây dựng NTM. Tuy nhiên, kết quả công tác truyên truyền đến người dân để hiểu rõ về vai trò chủ thể của mình trong Chương trình xây dựng NTM vẫn còn hạn chế so với yêu cầu đề ra, việc tiếp cận những thông tin tuyên truyền, phổ biến về xây dựng NTM ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn và hiệu quả chưa cao.

Giai đoạn 2011 - 2015, Phong trào thi đua “Pleiku chung sức xây dựng nông thôn mới” đã đạt được nhiều thành tựu, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn được cải thiện đáng kể, từng bước đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn; các hình thức tổ chức sản xuất, các mô hình phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho dân cư nông thôn được quan tâm, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn được nâng cao, an sinh xã hội được đảm bảo, quy chế dân chủ ở cơ sở được phát huy, ở các xã điểm diện mạo nông thôn được thay đổi rõ nét. Phát huy những kết quả đạt được của giai đoạn 2011 - 2015, các cấp, các ngành, địa phương trên địa bàn thành phố tiếp tục tổ chức phát động Phong trào thi đua “Pleiku chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2016 - 2020 và đã đạt được kết quả nổi bật trên các lĩnh vực.

Đẩy mạnh các Phong trào thi đua phát huy sáng kiến, sáng tạo, đề xuất các chính sách, tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình xây dựng nông thôn mới trong từng lĩnh vực, từng địa bàn, từng khu vực dân cư để đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố. Tập trung huy động tối đa các nguồn lực và thực hiện lồng ghép các nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án hỗ trợ có mục tiêu trên địa bàn và các nguồn vốn huy động khác để thực hiện hỗ trợ xây dựng nông thôn mới. Giai đoạn 2011- 2015, số xã đạt chuẩn nông thôn mới là 5 xã; đến cuối năm 2017 thành phố có 9/9 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Phong trào thi đua phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn được các địa phương đặc biệt quan tâm với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, “Dân làm, Nhà nước hỗ trợ”, kết hợp lồng ghép và huy động các nguồn vốn để xây dựng hiệu quả, phát triển nhanh, bền vững kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn, đã đáp ứng nhu cầu cho nhân dân, cụ thể như:

Phát triển giao thông nông thôn được xác định là khâu đột phá, đáp ứng yêu cầu của người dân nên được chú trọng đầu tư, người dân đồng tình và tự nguyện thực hiện, đã đầu tư xây dựng, duy tu bảo dưỡng 253,69 km đường giao thông nông thôn. Đến nay, tỷ lệ đường trục xã, liên xã được bê tông, nhựa hóa đạt 100%; tỷ lệ đường trục thôn, làng được bê tông đạt 91,2%; tỷ lệ đường ngõ xóm cứng hóa đạt 76,6%; tỷ lệ đường trục chính nội đồng được cứng hóa, xe cơ giới đi lại thuận lợi đạt 82,9%.

Bằng các nguồn vốn đầu tư đã đầu tư, nâng cấp được 38,99 km kênh mương và cải tạo nâng cấp 2 hồ, 3 đập. Hệ thống thủy lợi của các xã phát huy được hiệu quả, đáp ứng yêu cầu tưới, tiêu cho 9.145,8/9.898,7 ha, đạt 92,4%.

Hệ thống điện được nâng cấp mở rộng, đã đầu tư cải tạo 30,8 km và xây dựng mới 117,85 km đường dây trung áp; cải tạo 14,8 km và xây dựng mới 175,41 km đường dây hạ áp; xây dựng mới 187 trạm biến áp. Mạng lưới điện nông thôn trên địa bàn thành phố hiện có 166,41 km đường dây trung thế; 275,96 km đường dây hạ thế đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, với 268 trạm biến áp và 87,8 km đường điện chiếu sáng trên các tuyến đường của các xã.

Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, hệ thống trường học từ mầm non đến Trung học cơ sở ở các xã được quan tâm đầu tư xây mới, nâng cấp, sửa chữa đảm bảo đạt chuẩn. Đến nay, tại các xã có tổng số 24 trường học (trong đó: 9 trường mầm non, 7 trường tiểu học, 4 trường THCS, 4 trường tiểu học và THCS). Số trường học đạt chuẩn Quốc gia về cơ sở vật chất và thiết bị dạy học là 6/24 trường, đạt tỷ lệ 25%, 18/24 trường học còn lại (chiếm 75%) đều có đủ cơ sở vật chất và thiết bị dạy học đạt chuẩn theo quy định, đảm bảo khá tốt cho việc dạy và học (không có trường hợp phòng học tạm, phòng bán kiên cố và tình trạng học 3 ca trong ngày).

Từ nguồn vốn ngân sách các cấp và nguồn vốn góp của nhân dân, thành phố đã xây mới 42 nhà văn hóa thôn, làng; đầu tư nâng cấp, sửa chữa 9 Trung tâm văn hóa - Thể thao xã và 39 nhà văn hóa thôn,làng; xây mới 9 trung tâm làm việc một cửa của UBND xã. Cùng với nguồn vốn do nhân dân đóng góp, đến nay hầu hết các thôn, làng đã có hội trường, nhà rông văn hóa và nhà sinh hoạt cộng đồng; các sân tập thể thao như sân bóng đá, bóng chuyền, sân quần vợt, nhà tập thể dục, điểm sinh hoạt bóng bàn, cơ sở tập luyện thẩm mỹ,… được nhân dân đầu tư xây dựng đã đưa phong trào thể dục thể thao phát triển rộng khắp.

Hiện có 5 chợ trên địa bàn 4 xã. Với nguồn kinh phí trực tiếp từ Chương trình kết hợp xã hội hóa trong đầu tư đã nâng cấp, sửa chữa 04 chợ. Đến nay 05 chợ đã được đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, xây dựng nội quy hoạt động chợ đảm bảo đúng quy định, và đạt các tiêu chuẩn về chợ NTM.

Đã thực hiện xây dựng trang thông tin điện tử thành phần của các xã trên trang thông tin điện tử của thành phố, trang bị hệ thống đài truyền thanh không dây cho các xã. Số lượng và hiện trạng các điểm bưu chính viễn thông trên địa bàn các xã được đảm bảo, 9/9 xã có điểm bưu chính đạt chuẩn, có điểm truy cập internet công cộng, có đài truyền thành và hệ thống loa đến các thôn.

 Trên địa bàn các xã không còn nhà tạm, nhà dột nát. Tổng số hộ gia đình có nhà đạt chuẩn theo quy định của Bộ Xây dựng trên địa bàn các xã là 11.183/12.744 hộ, đạt tỷ lệ 87,75% (tăng 24,98% so với năm 2011).

Đẩy mạnh chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, triển khai có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Thực hiện khuyến khích, thu hút đầu tư của doanh nghiệp, hợp tác xã, khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương và sản phẩm chủ lực. UBND thành phố tiếp tục chỉ đạo các địa phương thường xuyên rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch, đề án xây dựng nông thôn mới đảm bảo tính khả thi và phù hợp với điều kiện thực tế, quan tâm đến công tác quy hoạch phát triển các vùng sản xuất gắn với thực hiện Chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, bố trí vốn hỗ trợ phát triển sản xuất và các hình thức tổ chức sản xuất, trong đó đã hỗ trợ xây dựng 3 mô hình liên kết theo chuỗi giá trị vùng sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn VietGAP, 4C, thành lập mới được 9 hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp, nâng tổng số hợp tác xã lĩnh vực nông nghiệp lên 12 hợp tác xã. Đẩy mạnh các phong trào thi đua nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân khu vực nông thôn như nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục  và đào tạo, đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý giáo dục, nâng cao chất lượng gắn với đổi mới phương pháp đào tạo, xây dựng đội ngũ giáo viên đạt chuẩn về trình độ. Đến nay, thành phố có 9/9 xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; 100% xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, đạt chuẩn xóa mù chữ; 100% xã đạt chuẩn phổ cập trung học cơ sở; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tiếp tục học trung học phổ thông, bổ túc trung học phổ thông, học nghề đạt 95,6%. Công tác chăm sóc sức khỏe và khám chữa bệnh cho nhân dân được UBND thành phố tiếp tục quan tâm xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở, từng bước đáp ứng yêu cầu của Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã nhất là công tác điều trị tại tuyến xã; nhân lực y tế của các Trạm Y tế xã cơ bản được đảm bảo. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi chiếm 13,3%, tỷ lệ người dân tham gia Bảo hiểm y tế của 9 xã đạt 85,3%, tăng 44,4% so với năm 2011.Công tác giảm nghèo và an sinh xã hội: Năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo bình quân trên địa bàn 9 xã là 8,06%. Qua 9 năm triển khai Chương trình xây dựng NTM, bằng việc triển khai đồng bộ các giải pháp như: Hỗ trợ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững thông qua các dự án phát triển sản xuất, tạo điều kiện cho các hộ vay vốn ngân hàng và các nguồn vốn khác; tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề cho lao động nông thôn; thực hiện các chương trình an sinh xã hội (hỗ trợ mua thẻ BHYT, xây nhà cho các đối tượng chính sách,...). Bên cạnh đó, cùng với sự quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ của cộng đồng, sự nỗ lực vươn lên của các hộ nghèo đã giải quyết cơ bản những vấn đề bức xúc của hộ nghèo, cận nghèo,… Vì vậy, công tác giảm nghèo đã đạt được kết quả quan trọng, tỷ lệ hộ nghèo năm sau thấp hơn năm trước. Hiện tại, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều tại 9 xã (đã trừ các hộ nghèo thuộc diện bảo trợ xã hội) là 213 hộ/12.711 hộ, chiếm tỷ lệ 1,68%. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” không ngừng được chú trọng, nâng cao về chất lượng. Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật luôn được quan tâm triển khai thực hiện. Người dân đã tích cực tham gia thực hiện nếp sống văn minh, lành mạnh, chống các tệ nạn xã hội; tích cực hưởng ứng và thực hiện các phong trào: xây dựng “thôn văn hóa”, “gia đình văn hóa”. Đến nay 9/9 xã được công nhận “xã đạt chuẩn văn hóa NTM”, 68/73 thôn, làng được công nhận thôn, làng văn hóa chiếm tỷ lệ 93,15%. Thông qua thực hiện Chiến lược quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đến năm 2020, UBND thành phố đã chỉ đạo các cấp, các ngành chủ động lồng ghép các nguồn vốn để tập trung đầu tư các công trình nước sinh hoạt nông thôn, tiếp tục nâng tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh lên 100%; các cấp, các ngành tổ chức có hiệu quả các hoạt động “Ngày Môi trường thế giới”, “Tuần lễ nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn”, “Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn” thông qua các hoạt động ra quân thu dọn vệ sinh môi trường tại khu dân cư, tuyên truyền các văn bản pháp luật về tài nguyên và môi trường; phát động phong trào trồng cây xanh, vệ sinh đường làng, ngõ xóm, chỉnh trang nhà ở, cải tạo vườn; xây dựng các mô hình về bảo vệ môi trường có hiệu quả. Đẩy mạnh thực hiện phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” ở khu vực nông thôn, làm tốt công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự, chủ động nắm bắt và dự báo tình hình, làm tốt công tác phòng ngừa tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự nông thôn, đấu tranh, ngăn chặn và đẩy lùi các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, bảo đảm an toàn, an ninh, trật tự xã hội địa bàn nông thôn. Trên địa bàn thành phố không để phát sinh điểm nóng; an ninh chính trị được giữ vững, an toàn xã hội được đảm bảo, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội.

Ngoài việc huy động nguồn lực đóng góp xây dựng NTM trên địa bàn các xã, thành phố còn phân công các cơ quan, đơn vị, phường phụ trách giúp đỡ các xã để hoàn thành các tiêu chí chưa đạt trong xây dựng NTM. Đồng thời phân bổ kinh phí từ nguồn ngân sách thành phố hỗ trợ cho các xã đăng ký phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới. Vì vậy, các xã trên địa bàn thành phố hoàn thành xây dựng NTM trước thời hạn theo Đề án từ 2-3 năm. Điển hình ủng hộ xây dựng nông thôn mới: Ông Đoàn Tiến Quyết ủng hộ 2 tỷ đồng cải tạo nghĩa trang An Mỹ, xã An Phú. Ngoài ra, hàng năm kêu gọi con cháu đóng góp xây dựng “Quỹ khuyến học của xã” với số tiền 45 triệu đồng để hỗ trợ động viên các cháu nghèo học giỏi và xây dựng riêng “Quỹ khuyến học của Dòng họ Đoàn” trên 200 triệu đồng để tặng thưởng cho các cháu học giỏi. Gương điển hình làm kinh tế giỏi: Hộ gia đình ông Cao Xuân Văn Việt ở xã Chư Ă với mô hình nuôi thỏ quy mô trên 1.000 con cung cấp thỏ thịt, thỏ giống cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Lãi ròng mô hình mang lại 200 - 300 triệu đồng/năm; hộ ông Việt đang mở rộng quy mô, liên kết sản xuất với các hộ chăn nuôi tại địa phương để cung cấp giống và sản phẩm thỏ đạt chất lượng./.
 
Đinh Hoa
customer-service.png THÔNG TIN LIÊN HỆ:

1478004194_map-icon.png Địa chỉ: 58 Tăng Bạt Hổ - T
hành phố Pleiku - Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269).3830 155
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269).3828414
1478004004_Mail.png  Email: ubndpleiku@gialai.gov.vn
 
contract-(4).png THÔNG TIN BẢN QUYỀN:

Bản quyền thuộc về UBND thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Hữu Sung - UVBTV Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Pleiku.
Giấy phép số: 01/GP-TTĐT ngày 24/02/2015 của Sở Thông tin và Truyền thông

Chung nhan Tin Nhiem Mang
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN

   Copyright © 2018 
Trang chủ | Tin tức Liên hệ | Mobile | Site map icontop.png