TIN TỨC

CHUYÊN MỤC

Công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ và phân luồng học sinh trên địa bàn thành phố Pleiku

Ngày đăng bài: 07/03/2017
Phổ cập, xóa mù chữ và phân luồng học sinh là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước hướng tới mục tiêu “Nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Nhận thức rõ vai trò, ý nghĩa quan trọng đó, ngay sau khi Bộ Chính trị khóa XI ban hành Chỉ thị số 10 - CT/TW ngày 05/12/2011 về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, củng cố kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở, tăng cường phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và xóa mù chữ cho người lớn. Ban Thường vụ Thành ủy đã xây dựng và ban hành kế hoạch triển khai đến các tổ chức cơ sở đảng trực thuộc và tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên, các đoàn thể, nhân dân trên địa bàn thành phố, góp phần nâng cao nhận thức về vị trí, tầm quan trọng của công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 05 tuổi, công tác phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở, phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và xóa mù chữ cho người lớn, xem đây là một trong những nền tảng vững chắc để phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của thành phố.

Bên cạnh đó, chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, phát huy vai trò của mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội từ thành phố đến cơ sở huy động nguồn nhân lực phục vụ phát triển giáo dục và tăng cường giám sát việc tổ chức thực hiện; tích cực vận động hội viên còn mù chữ đến lớp; vận động đưa con em trong độ tuổi đến trường, tạo điều kiện cho học sinh được đi học liên tục; đào tạo nghề cho lao động nông thôn; mở các lớp tập huấn ngắn hạn và tư vấn học nghề, việc làm miễn phí; tích cực vận động các đoàn viên, hội viên tham gia đăng ký học nghề theo quy định; phát huy vai trò của thôn trưởng, già làng và gia đình để vận động, duy trì sĩ số học sinh trong các trường phổ thông, học viên các lớp bổ túc văn hóa ở các trung tâm học tập cộng đồng của các xã, phường, thực hiện các mục tiêu xây dựng xã hội học tập tại cơ sở.


Công tác phổ cập giáo dục

Thực hiện chương trình giáo dục mầm non theo Bộ chuẩn phát triển trẻ 05 tuổi của Bộ Giáo dục và Đào tạo. 100% trẻ mầm non được khám sức khỏe định kỳ và theo dõi sức khỏe bằng biểu đồ tăng trưởng. Trẻ em dưới 03 tuổi đi học ở các nhóm trẻ trong trường và nhóm trẻ gia đình đạt tỷ lệ 19,2%; trẻ em từ 03-05 tuổi đi học mẫu giáo đạt tỷ lệ 90,8%. 100% trẻ mầm non được chăm sóc, giáo dục 02 buổi/ngày (trong đó, trẻ em ở bán trú đạt 86,8%). Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng nhẹ cân chiếm 1,68%, suy dinh dưỡng thấp còi 1,5%. Đội ngũ giáo viên đạt chuẩn 100% và trên chuẩn đạt 39,7%. Tổng số phòng học là 457 (phòng kiên cố 278, phòng bán kiên cố 179); 327 công trình vệ sinh và 142 bếp ăn. Năm 2012, thành phố đạt phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 05 tuổi.

Công tác phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi được thành phố quan tâm chỉ đạo. Đã duy trì bền vững 100% các xã, phường đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi; trong đó, 21 xã, phường đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 1 và 01 xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 2. Tỷ lệ huy động trẻ 06 tuổi vào lớp 1 bình quân hàng năm đạt 98,8%. Trẻ 11 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học bình quân hàng năm đạt 96,5%, số còn lại đang học tiểu học.

Công tác phổ cập giáo dục THCS và phổ cập THPT đạt được nhiều kết quả quan trọng. Trẻ em 06 tuổi vào lớp 1 đạt 99,6%, trẻ em ở độ tuổi từ 11 đến 14 tuổi tốt nghiệp tiểu học đạt 97,12%, học sinh hoàn thành chương trình bậc tiểu học vào học lớp 6 đạt 99,69 %; học sinh lớp 9 tốt nghiệp THCS đạt 98,87%, học sinh trong độ tuổi từ 15 đến 18 có bằng tốt nghiệp THCS đạt 91,47%. Duy trì tổ chức mở các lớp phổ cập trung học cơ sở và xét đề nghị công nhận tốt nghiệp bổ túc THCS; 85% tốt nghiệp THPT và trên 80% học sinh trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp.

Công tác phân luồng học sinh, đầu tư cho giáo dục và củng cố, kiện toàn, đổi mới các cơ sở giáo dục

Hầu hết học sinh sau khi học tốt nghiệp THCS đều vào học ở các trường THPT trên địa bàn thành phố. Công tác xóa mù chữ cho người lớn đạt kết quả tốt thông qua các lớp bổ túc THCS. Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 11 trường đào tạo nghề trên nhiều lĩnh vực từ trung cấp đến đại học, góp phần tích cực cho công tác phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp THCS. Ngoài ra, các đoàn thể chính trị - xã hội từ thành phố đến cơ sở cũng tham gia tích cực công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động ở nông thôn thông qua các lớp tập huấn, hội thảo khuyến nông… cho đoàn viên, hội viên.

Mức đầu tư ngân sách cho giáo dục ngày càng tăng; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học của các trường được đầu tư và từng bước hiện đại, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu giảng dạy và học tập. Trong 05 năm, thành phố đã đầu tư hơn 176 tỷ đồng để xây dựng 226 phòng học, 04 khu hiệu bộ, 09 phòng chức năng, nhà để xe, tường rào, sân bê tông, khu vui chơi học sinh có mái che, nhà vệ sinh giáo viên, học sinh… Đến nay, trên địa bàn thành phố có 35 trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 31 trường thuộc Phòng Giáo dục - Đào tạo và 04 trường THPT được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Đội ngũ giáo viên được tăng cường cả về số lượng, đạt chuẩn về chất lượng.

Nhiều tổ chức, cá nhân đầu tư hàng trăm tỷ đồng để xây dựng, phát triển trường lớp; nâng cấp, cải tạo, mua sắm trang thiết bị phục vụ cho giảng dạy và học tập đã góp phần đa dạng hóa các loại hình trong sự nghiệp giáo dục, nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập trên địa bàn thành phố.


Để tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng công tác phổ cập giáo dục, phân luồng học sinh và xóa mù chữ, trong thời gian tới thành phố cần làm tốt một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền đối với công tác phổ cập giáo dục. Hàng năm, đảng ủy các xã, phường đưa chỉ tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 05 tuổi vào Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương để triển khai thực hiện. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị - xã hội của thành phố trong việc huy động nguồn nhân lực phục vụ phát triển giáo dục và tăng cường giám sát việc tổ chức thực hiện; tích cực vận động hội viên còn mù chữ đến lớp; vận động đưa con em trong độ tuổi đến trường, tạo điều kiện cho học sinh được đi học liên tục.

Thứ hai, nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục đối với các lớp mẫu giáo 05 tuổi, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng; phấn đấu đến năm 2020 có 100% trẻ em tại các cơ sở giáo dục mầm non được học chương trình giáo dục mầm non mới, chuẩn bị tốt tâm thế cho trẻ vào lớp 1. Đầu tư kinh phí xây dựng phòng học, nhà ăn, nhà bếp, khu vệ sinh và khu hiệu bộ các trường mầm non theo lộ trình. Khuyến khích, huy động và tạo điều kiện để các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư phát triển trường, lớp ở tất cả các cấp học, bậc học, nhất là hệ thống các trường mầm non ngoài công lập và thành lập mới các cơ sở dạy nghề trên địa bàn thành phố.

Thứ ba, tiếp tục củng cố vững chắc những kết quả công tác phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và trung học cơ sở. Triển khai các bước để phổ cập giáo dục trung học. Chú trọng việc giúp đỡ học sinh học lực yếu, kém và khắc phục tình trạng học sinh lưu ban, bỏ học. Nâng cao chất lượng dạy và học ở tất cả các cấp học, bậc học. Củng cố, mở rộng mạng lưới trường, lớp, tăng cường cơ sở vật chất, tạo dựng cảnh quan, môi trường sư phạm, xây dựng nền nếp trường lớp học. Đẩy mạnh xây dựng trường chuẩn quốc gia.

Thứ tư, tăng cường tổ chức điều tra, khảo sát nắm chắc nhu cầu học nghề của người lao động để thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Đồng thời, có kế hoạch xóa mù chữ, giảm tỷ lệ tái mù chữ ở người lớn, nhất là người đồng bào dân tộc thiểu số.

Tăng cường phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và xóa mù chữ cho người lớn vào học ở các trường trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề, học bổ túc văn hóa trung học phổ thông tại các trung tâm giáo dục thường xuyên gắn với học nghề trên địa bàn thành phố. Coi trọng hoạt động giáo dục hướng nghiệp trong các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông để học sinh có thái độ đúng đắn về học nghề lập nghiệp và chủ động lựa chọn hình thức học nghề phù hợp để tạo việc làm. Khuyến khích các cơ sở tuyển dụng lao động từ các cơ sở đào tạo nghề tại chỗ. Đồng thời, phát huy tốt nhiệm vụ bồi dưỡng, đào tạo nghề tại các trung tâm học tập cộng đồng ở các xã, phường.
                                                           
     Bảo Ngọc
customer-service.png THÔNG TIN LIÊN HỆ:

1478004194_map-icon.png Địa chỉ: 58 Tăng Bạt Hổ - T
hành phố Pleiku - Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269).3830 155
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269).3828414
1478004004_Mail.png  Email: ubndpleiku@gialai.gov.vn
 
contract-(4).png THÔNG TIN BẢN QUYỀN:

Bản quyền thuộc về UBND thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Hữu Sung - UVBTV Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Pleiku.
Giấy phép số: 01/GP-TTĐT ngày 24/02/2015 của Sở Thông tin và Truyền thông

Chung nhan Tin Nhiem Mang
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN

   Copyright © 2018 
Trang chủ | Tin tức Liên hệ | Mobile | Site map icontop.png