TIN TỨC

CHUYÊN MỤC

Kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống Đảng bộ Thành phố Pleiku: (15/9/1954 – 15/9/2019): Ký ức về trận chiến đấu của C90 anh hùng

Ngày đăng bài: 15/09/2019
Lịch sử Đảng bộ Thành phố Pleiku còn khắc ghi về trận đánh lịch sử xuân Mậu Thân 1968 của Đại đội đặc công 90 (C90) - khu 9 (nay là thành phố Pleiku). C90 đã đánh thọc sâu vào sào huyệt của địch tại trung tâm Pleiku và đã chiến đấu anh dũng “cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Nhân kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống Đảng bộ Thành phố Pleiku, chúng tôi xin ghi lại chuyện kể của cựu chiến binh Nguyễn Thế Lương - một nhân chứng của trận chiến đấu ấy.

bai-1.jpg
Cựu chiến binh Nguyễn Thế Lương bồi hồi nhớ về trận đánh xuân Mậu Thân.
 
Ông Nguyễn Thế Lương, người cựu chiến binh trực tiếp tham gia trận chiến đấu Tết Mậu Thân 1968 tại Pleiku cho biết: “Đại đội đặc công 90 (C90) được thành lập tháng 12-1967, tách ra từ Tiểu đoàn Đặc công 408 tỉnh Gia Lai, giao Đại đội đặc công 90 về khu 9. Từ đó C90 chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Thị ủy khu 9 (nay là Thành ủy Pleiku), Đại đội bí mật đóng quân khu vực xã Gào, với nhiệm vụ củng cố xây dựng địa bàn, làm bàn đạp cho các lực lượng của ta triển khai các cuộc đấu tranh chính trị, chiến đấu vũ trang, để tiêu diệt các căn cứ của địch... Tổng số quân biên chế tại thời điểm này là 54 đồng chí, trong đó 1/3 là anh em người Jrai và Bahnar, 1/3 là anh em người kinh từ miền Bắc vào, 1/3 là anh em người kinh các tỉnh Trung bộ và Tây Nguyên”.

Chiến công đầu năm mới

Tiếp chuyện với chúng tôi, cựu chiến binh Nguyễn Thế Lương nhớ lại: Đầu năm 1968, Đại đội hành quân trở về xã Gào nhận nhiệm vụ mới. Ban đêm, các tổ trinh sát được lãnh đạo đơn vị phân công đi chuẩn bị mục tiêu để đánh chính thức. Các tổ trinh sát khéo léo vào khu vực căn cứ của địch ở trung tâm Pleiku vẽ sơ đồ các mục tiêu, để đơn vị lên phương án tác chiến…

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của các đồng chí Đại đội trưởng Lê Văn Kim và Chính trị viên Nguyễn Văn Thu, vào thời điểm khi trời gần tối 30 Tết Mậu Thân 1968, trừ số anh em bị bệnh không ra trận và những anh em giữ nhiệm vụ tại chốt của đơn vị, số còn lại là 47 cán bộ chiến sĩ C90 rời điểm đóng quân tại làng Osơr xã Gào bắt đầu âm thầm lặng lẽ tiến vào trung tâm Pleiku để tham gia trận đánh đầu xuân. Khi triển khai nhiệm vụ cho đơn vị, Đại đội trưởng Lê Văn Kim nhận định đây sẽ là một trận đánh lớn. Đêm 30 trời se lạnh, hơn 4 tiếng đồng hồ nữa là đến giao thừa, hướng trung tâm Pleiku tiếng pháo xuân thỉnh thoảng vọng về.

Sau hơn 3 giờ hành quân, Đại đội 90 chia làm nhiều mũi, nhanh chóng tiếp cận các mục tiêu, ém quân chuẩn bị tác chiến, nhưng địch không hề hay biết. Đúng 0 giờ đêm 30 Tết, tiếng bộc phá phát lệnh nổ rung chuyển mặt đất. Thời khắc lịch sử đã tới, các mũi chiến đấu đồng loạt xông lên, đánh vào Tòa hành chính, Ty Ngân khố, Tiểu đoàn bảo an, khu đại đội thám báo biệt kích, nhà lao Pleiku, Ty cảnh sát. Các khu vực này ngập chìm trong khói lửa. Bị đòn bất ngờ, nhưng địch hoàn toàn không biết lực lượng và hướng đánh của ta thế nào, nên chống cự yếu ớt và bỏ chạy tán loạn…

Chỉ trong vài giờ, C90 đã tiêu diệt và làm chủ các mục tiêu theo kế hoạch được phân công, đồng thời đã giải thoát cho hơn 200 chiến sĩ cách mạng bị địch giam tại Nhà Lao Pleiku… Lúc này, tiếng súng AK cũng vang lên giòn giã, từng vệt đạn bay sáng rực từ nhiều hướng. Đơn vị dự đoán đây là tín hiệu các hướng quân ta hiệp đồng tác chiến cũng sắp tiến vào trung tâm Pleiku. Tập hợp quân lại, anh em trong đơn vị rất vui vì C90 lúc này chỉ hy sinh một, không ai bị thương…

Tuy nhiên khi trời rạng sáng,  C90 không thể bắt được liên lạc với các đơn vị bạn. Đại đội trưởng sau đó quyết định cho đơn vị chốt lại vị trí có khá nhiều hầm và bao cát, nhiều cây cối (bây giờ là Trường THPT Chuyên Hùng Vương),  để tiếp tục chiến đấu. C90 khẩn trương củng cố công sự và vũ khí. Đại đội trưởng, Chính trị viên đến từng vị trí kiểm tra, nhắc nhở: “Địch chắc sẽ phản kích mạnh. Cuộc chiến đấu sáng nay sẽ vô cùng ác liệt. Các đồng chí không ai được rời vị trí nếu không có lệnh. Có hy sinh thì hy sinh tại đây”.

Như chỉ huy đã nhận định trước với toàn đơn vị, ngay từ sáng sớm tiếng trực thăng địch từ các nơi dồn dập vào khu vực ta chốt quân. Đầu buổi sáng, địch cho máy bay do thám địa bàn và đã phát hiện quân ta. Chúng dùng trực thăng bắn xối xả và dùng xe tăng nã pháo xuống trận địa. C90 dùng AK bắn trả nên trực thăng không dám bay thấp. Khoảng gần trưa, bộ binh Sư đoàn 4 Mỹ có xe tăng xe bọc thép đi cùng, hai hướng (theo hướng đường Sư Vạn Hạnh - Hùng Vương và hướng đường Lý Thái Tổ) kéo vào, chúng vừa tiến vừa nã pháo, hình thành hai gọng kìm về hướng quân ta. Anh em tại trận địa ai cũng ù tai vì tiếng nổ, cay mắt do khói bom và bụi đất trùm phủ toàn thân…

C90 tiếp tục bám trụ và đánh lui nhiều đợt phản kích của địch. Sau những trận mưa đạn pháo vẫn không thấy tiếng súng của ta đáp trả, bọn chúng nghĩ rằng quân ta đã bị tiêu diệt, nên các xe tăng cùng lính bộ binh của địch nghênh ngang tiến vào. Đợi chúng đến thật gần, quân ta dùng B40 và AK bắn đồng loạt. Chiếc đi đầu bốc cháy, chúng hốt hoảng… C90 đã tiếp tục bắn cháy nhiều xe tăng và đẩy lui nhiều đợt phản kích của địch. Địch cay cú phản kích mạnh vào vị trí C90 đang chốt đánh. Lúc ấy, Đại đội trưởng Lê Văn Kim bị thương nặng không qua khỏi, trước khi tắt thở đã động viên bộ đội giữ vững tinh thần chiến đấu. Đồng chí Lê Đình Sen - Chính trị viên Phó cũng hy sinh trong thời khắc này...

Bùi ngùi nhớ lại, ông Lương kể tiếp: “Đến gần tối, cuộc oanh kích điên cuồng của địch mới ngừng. Tôi tỉnh lại trong căn hầm tối mịt, cố hết sức mới cựa mình và nhận thấy anh em cùng tổ đã hy sinh, xác đè lên người tôi. Cơn đau buốt toàn thân. Căn hầm bị sập lại không còn lối ra, tôi dùng tay bới một lúc mới  có ánh sáng le lói và trườn lên, mùi khói đạn còn nồng sặc. Có tiếng người khe khẽ gọi, trong chập choạng, tôi nhận ra Chính trị viên Nguyễn Văn Thu, cùng Trung đội trưởng Châm và một vài đồng chí khác. Chính trị viên bảo anh em còn lại đi từng hầm kiểm tra kỹ và xác định đồng đội đã hy sinh hết. Chính trị viên định cho chôn cất anh em xong mới rút quân, nhưng xét lại thấy rằng nếu chôn anh em tại đây, ngày mai thế nào địch cũng đến bới xác lên.

Trong khi Đại đội chỉ còn 7 người sống, nhưng 4 đồng chí bị thương,  tất cả anh em đều đã kiệt sức. Không còn cách nào khác, chúng tôi đành gạt nước mắt để đồng đội nằm lại mà đi. Lần dò xuống hướng bờ suối thì trời sáng, chúng tôi phải nằm bò theo bờ suối, dưới những lùm cây, kể cả sau khu vực hố xí nhà dân, chịu cái đói và đau buốt toàn thân. Sau đó cứ ban ngày thì ẩn nấp, đêm chúng tôi lại di chuyển. Ròng rã 7 ngày đêm, chúng tôi mới về được nơi đơn vị xuất phát là làng O Sơr, xã Gào. Quan sát khung cảnh vắng tanh và xơ xác để lại cho thấy, địch mới vào càn quét tại đây, đập phá đồ dùng, lương thực, thực phẩm, đốt quân tư trang…

Qua nguồn tin nội bộ chúng tôi được biết, sáng mùng 2 Tết, địch mới vào khu vực nơi tử chiến. Chúng đưa xác bộ đội C90 về tập trung tại sân vận động Pleiku, sau đó xúc lên xe tải chở về hướng Hội Phú chôn lấp tập thể. Đây chính là khu vực sau này ta đã lập Đền tưởng niệm liệt sỹ Hội Phú hiện nay.
 
bai-3-(1).jpg
Ông Nguyễn Thế Lương (hàng đầu, thứ 3 từ phải sang) chụp hình lưu niệm với các Cựu chiến binh trong hoạt động về nguồn và giao lưu truyền thống.
 
Ông Nguyễn Thế Lương còn cho hay: “Bảy anh em còn lại trong Đại đội 90 sau đó người còn, người mất - như trường hợp đồng chí Kri bị thương nặng không qua khỏi, đồng chí Châm về làng rồi mất, đồng chí Bồi và đồng chí Yun hy sinh trong các trận đánh tiếp theo. Đồng chí Nguyễn Văn Thu - Chính trị viên quê ở Nghệ An, bị thương, sau đó ra Bắc điều trị và nhiều năm qua tôi không thể nào liên lạc. Đồng chí Trần Văn Độ sau giải phóng về sinh sống ở Bình Định. Đồng chí Nguyễn Văn Xuân - Đại đội phó nay đang ở tỉnh Hà Nam, cũng là người mà thỉnh thoảng hiện nay tôi vẫn đang giữ liên lạc qua điện thoại…”.

Vài nét về “người trong cuộc”

Trong trận đánh này, ông Nguyễn Thế Lương là Tiểu đội phó, trực tiếp tham gia mũi tiến công đánh vào Nhà lao Pleiku và đã góp phần giải thoát cho hơn 200 chiến sĩ cách mạng bị địch giam tại Nhà Lao.

Về quá trình bản thân, cựu chiến binh Nguyễn Thế Lương sinh năm 1947, quê ở Hải Phòng. Ông vào bộ đội và từng học Trường Hạ sĩ quan Hòa Bình, sau đó được phiên bậc Hạ sĩ Tiểu đội phó vào năm 1966. Hành quân từ miền Bắc vào Nam chiến đấu, được cấp trên phân công về Đại đội đặc công 90 về khu 9.

Sau trận đánh Tết Mậu Thân 1968, ông tiếp tục được phân công về một số đơn vị trực thuộc Tỉnh đội Gia Lai. Sau ngày miền Nam giải phóng đất nước thống nhất, ông về công tác tại Trường Quân sự tỉnh Gia Lai, rồi tiếp tục về Ban Tài vụ Tỉnh Đội Gia Lai. Đến năm 1991, ông nghỉ hưu với cấp bậc Đại úy, về cư trú tại phường Yên Đỗ cho đến nay.

Tiếp tục phát huy tinh thần của bộ đội cụ Hồ, từ năm 1999 đến nay, ông Nguyễn Thế Lương đã tích cực tham gia nhiều mặt công tác tại địa phương. Trong đó, ông được tín nhiệm làm Đại biểu HĐND phường Yên Đỗ khóa IX, Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh phường khóa IV và V. Đồng thời, là Ủy viên Thường vụ Đảng ủy phường khóa VIII, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Phường khóa IX và X. Đặc biệt từ năm 1999 đến nay, ông cũng là Bí thư Chi bộ Tổ dân phố 3 phường Yên Đỗ. Quá trình tham gia cách mạng, bản thân ông đã được Nhà nước tặng thưởng nhiều huân chương, bằng khen... Riêng thời gian tham gia công tác địa phương từ năm 1999 đến nay, ông cũng đã liên tục nhiều năm được cấp ủy, chính quyền, MTTQ, ban ngành của thành phố Pleiku và phường Yên Đỗ khen thưởng…
 
bai-2.jpg
Trụ sở HĐND-UBND Thành phố Pleiku nơi diễn ra trận đánh của C90.
 
Thay lời kết

Nhìn lại quãng thời gian hơn 50 năm, nhưng ký ức về trận đánh xuân Mậu Thân 1968 như vẫn còn in đậm trong tâm trí ông Nguyễn Thế Lương, người cựu chiến binh trong cuộc. Với chiến công trong lòng địch đêm giao thừa và sáng mùng 1 Tết Mậu Thân 1968, Đại đội 90 đã bắn cháy nhiều xe, tiêu diệt nhiều sinh lực của địch và giải thoát cho hơn 200 chiến sĩ cách mạng bị địch cầm tù…

Nhưng trong trấn chiến đấu ấy, C90 cũng đã tổn thất rất nặng nề. 40 cán bộ chiến sĩ của Đại đội 90 đã chiến đấu anh dũng hy sinh với tinh thần “cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Đó là những tấm gương xả thân vì nước, đấu tranh đến hơi thở cuối cùng vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, quê hương đất nước…

Qua bài viết này, tác giả cũng xin nhắc lại niềm mong ước của cựu chiến binh Nguyễn Thế Lương - rằng: “Cán bộ chiến sĩ Đại đội đặc công 90 khu 9 đã yên nghỉ lại trên mảnh đất Pleiku thân yêu và sống mãi trong lòng nhân dân Pleiku. Với những chiến công của Đại đội đặc công 90, tôi và những anh em còn sống rất  mong ban, ngành và cấp thẩm quyền Thành phố Pleiku sớm thống nhất quyết định cho xây dựng bia tưởng niệm tại Trường THPT chuyên Hùng Vương, để các thế hệ hôm nay và mai sau biết đến chiến công oanh liệt, cùng sự hy sinh anh dũng của 40 liệt sỹ trong trận đánh Xuân Mậu Thân 1968. Đồng thời, rất mong các cơ quan chức năng quan tâm lập hồ sơ, thủ tục đề nghị Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ nhân dân cho C90, để góp phần tưởng nhớ, ghi công và tôn vinh các liệt sỹ, tri ân những người đã ngã xuống…”.
 
Bài và ảnh:  THANH NHẬT

                          
customer-service.png THÔNG TIN LIÊN HỆ:

1478004194_map-icon.png Địa chỉ: 58 Tăng Bạt Hổ - T
hành phố Pleiku - Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269).3830 155
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269).3828414
1478004004_Mail.png  Email: ubndpleiku@gialai.gov.vn
 
contract-(4).png THÔNG TIN BẢN QUYỀN:

Bản quyền thuộc về UBND thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Hữu Sung - UVBTV Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Pleiku.
Giấy phép số: 01/GP-TTĐT ngày 24/02/2015 của Sở Thông tin và Truyền thông

Chung nhan Tin Nhiem Mang
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN

   Copyright © 2018 
Trang chủ | Tin tức Liên hệ | Mobile | Site map icontop.png