Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước- Giải pháp nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thi hành công vụ

19/08/2014

Trước khi có Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước thì đã có một số văn bản quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cán bộ, công chức khi có hành vi xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, trong đó phải kể đến Nghị định số 47/NĐ-CP ngày 03/05/1997 của Chính phủ về việc giải quyết bồi thường thiệt hại do công chức, viên chức nhà nước, người có thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng gây ra và Nghị quyết số 388/2003/NQ-UBTVQH11 ngày 17/3/2003 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về bồi thường thiệt hại cho người bị oan do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra.

Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước ra đời đã đáp ứng được nhu cầu của thực tế cuộc sống, đáp ứng được tâm tư, nguyên vọng của nhân dân, tạo niềm tin trong nhân dân đối với Đảng, Nhà nước,nâng cao trách nhiệm công vụ của người thi hành công vụ, nâng cao hiệu quả hoạt động của Nhà nước. Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước ra đời là sự quy định cụ thể của Nhà nước đối với tổ chức, cá nhân trước những  thiệt hại xuất phát từ những việc làm sai trái, từ tinh thần thiếu trách nhiệm, từ những cách hành xử thiếu tính khách quan của một số cán bộ, công chức gây ra dẫn đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân bị vi phạm theo đó trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đối với cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp bị thiệt hại do các cán bộ, công chức Nhà nước gây ra trong các hoạt động quản lý hành chính, hoạt động tố tụng và hoạt động thi hành án được quy định cụ thể, chặt chẽ hơn.

Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước quy định rõ ràng phạm vi trách nhiệm bồi thường trên cả 3 lĩnh vực: hoạt động quản lý hành chính; hoạt động tố tụng; hoạt động thi hành án.  Luật xác định rõ quyền được yêu cầu bồi thường của tổ chức, cá nhân - những người bị thiệt hại về cả vật chất và tinh thần; các thiệt hại cụ thể được bồi thường; xác định rõ cơ quan có trách nhiệm bồi thường là cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ có hành vi trái pháp luật gây ra thiệt hại; thủ tục yêu cầu bồi thường thiệt hại và cả trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ có hành vi hoặc quyết định sai trái tùy theo mức độ hành vi, hậu quả thiệt hại, do vô tình hay cố ý và có chiếu cố hoàn cảnh cụ thể của cán bộ, công chức vi phạm.

Những bất cập trong công tác triển khai luật ở thành phố Pleiku

Thực tế cho thấy trong quá trình thực thi mặc dù có những quy định cụ thể  để  triển khai thực hiện Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước nhưng vẫn có những bất cập, vướng mắc khi triển khai trên thực tế ở địa phương.

Trên địa bàn thành phố Pleiku cho đến nay mặc dù chưa phải áp dụng việc bồi thường theo luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, tuy nhiên đã có một  số kiến nghị yêu cầu UBND thành phố thực hiện việc bồi thường. Hiện UBND thành phố đang xem xét, giải quyết theo quy định.

Hiện tại việc tập huấn, tuyên truyền, phổ biến Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước còn chưa được phổ biến rộng rãi dẫn tới việc công dân, tổ chức không xác định được đơn vị phải bồi thường nên gửi đơn vượt cấp, tới nhiều cơ quan đơn vị.

Cũng theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, người bị thiệt hại còn gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện quyền yêu cầu bồi thường do các quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước chồng chéo với luật khác. Cụ thể như Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước quy định người bị thiệt hại chỉ có quyền yêu cầu bồi thường khi có văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ. Tuy nhiên việc xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ không phải là vấn đề đơn giản. Ví dụ:  việc xác định thời điểm có hiệu lực của việc chuyển quyền sử dụng đất để xác định có hành vi trái pháp luật hay không cũng rất phức tạp, còn có sự mâu thuẫn.

Một bất cập nữa trong Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đó là việc  chưa quy định các hình thức chế tài áp dụng trong trường hợp cơ quan có trách nhiệm bồi thường cố tình kéo dài thời gian, gây chậm trễ trong việc giải quyết bồi thường. Đây cũng là vấn đề đáng quan tâm bởi trên thực tế đã có không ít các vụ việc liên quan đến giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra vì nhiều lý do bị kéo dài, dẫn đến quyền và lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hại không được bảo đảm.

Tuy vẫn còn một số bất cập trong việc thi hành luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước nhưng nhìn chung việc thi hành luật trên thực tế đã tăng cường niềm tin vào thực tế vào sự điều hành theo pháp luật của nhà nước đồng thời tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính và nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thi hành công vụ. 
 
Khánh Toàn