Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm

01/08/2017

Đó là nội dung đề cập trong Kế hoạch số 2756/KH-UBND của UBND tỉnh nhằm triển khai thực hiện Chương trình số 40-CTr/TU của Tỉnh ủy Gia Lai về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2020. Kế hoạch nhấn mạnh các nhiệm vụ trọng tâm là nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về ATTP từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của chính quyền, các ngành, các cấp, các cơ quan, đơn vị về ATTP, nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân đối với việc đảm bảo ATTP. Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện. Củng cố kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh ATTP từ cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã. Tăng cường phối hợp giữa UBND với Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong triển khai các hoạt động đảm bảo ATTP, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về ATTP. Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, phương tiện cơ sở vật chất kỹ thuật cho Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm nhằm đảm bảo thực hiện nhiệm vụ...

Đồng thời, triển khai mạnh mẽ và đồng bộ các hoạt động thông tin, giáo dục và truyền thông thay đổi hành vi về ATTP. Tăng cường năng lực và hiệu quả của hệ thống giám sát, chủ động phòng ngừa ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm. Tổ chức giám sát mối nguy các sản phẩm thực phẩm có nguy cơ cao nhằm kịp thời cảnh báo về nguy cơ mất ATTP. Xây dựng các mô hình chăn nuôi, trồng trọt áp dụng chương trình quản lý chất lượng tiên tiến; nhân rộng mô hình chuỗi sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn. Bên cạnh đó, tăng cường tập huấn nâng cao năng lực về quản lý, thanh tra, kiểm nghiệm ATTP cho cán bộ làm công tác ATTP của các tuyến. Đẩy mạnh xã hội hóa một số khâu dịch vụ kỹ thuật phục vụ công tác quản lý ATTP...


Các chỉ tiêu trọng tâm là phấn đấu 100% người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm có kiến thức và thực hành đúng về ATTP và 100% người tiêu dùng có kiến thức và thực hành đúng về ATTP. 100% cơ sở thực phẩm thuộc diện và đủ điều kiện ATTP được cấp chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP; 80% chợ trong quy hoạch được kiểm soát về ATTP. 100% hộ trồng trọt, chăn nuôi, hộ kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ và 100% cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh ký cam kết đảm bảo ATTP. Các huyện, thị xã, thành phố đưa các tiêu chí về ATTP vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tăng cường triển khai công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn, chú trọng kiểm soát việc giết mổ gia súc, gia cầm; đẩy mạnh hoạt động kiểm tra ATTP tại các cơ sở dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố và các cơ sở sản xuất, kinh doanh theo phân cấp quản lý.
 
Tin, ảnh: LƯƠNG THANH