Ghi nhận tại buổi lễ kết nạp đoàn viên của Trường THPT chuyên Hùng Vương tại Nhà lao Pleiku

19/03/2014

Sáng ngày 15/3/2014, hướng tới kỷ niệm 100 năm ngày sinh của anh Lý Tự Trọng (20/10/1914 - 20/10/2014), Ban chấp hành Đoàn trường THPT chuyên Hùng Vương, phối hợp với Ban quản lý Nhà lao Pleiku tổ chức kết nạp lớp đoàn viên Lý Tự Trọng cho 100 thanh niên ưu tú và tổ chức giao lưu với nhân chứng sống từng bị giam giữ tại Nhà lao Pleiku trong giai đoạn chống Mỹ.

Đúng 7giờ 30phút, tại Nhà lao Pleiku đã có mặt đầy đủ đại diện Ban Giám hiệu, cán bộ, đoàn viên và 100 thanh niên ưu tú được kết nạp vào Đoàn của Trường THPT chuyên Hùng Vương. Buổi lễ nhanh chóng được diễn ra hết sức trang nghiêm và đầy ý nghĩa sau lễ dâng hương các Anh hùng liệt sỹ tại Nhà lao Pleiku; 100 thanh niên ưu tú được vinh dự đúng vào hàng ngũ của Đoàn, được treo trên ngực chiếc huy hiệu Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, vinh dự hơn lại là lớp đoàn viên mang tên Lý Tự Trọng và được tổ chức kết nạp tại Di tích lịch sử Nhà lao Pleiku.
Quang cảnh buổi lễ tại Nhà lao Pleiku.
Em Nguyễn Ngọc Hân- lớp 10C1, thay mặt cho 100 thanh niên được kết nạp vào Đoàn lớp đoàn viên Lý Tự Trọng - xin hứa quyết tâm phấn đấu vì lý tưởng của Đảng và Bác Hồ; tích cực học tập, lao động rèn luyện, tham gia các hoạt động xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; nghiêm chỉnh chấp hành tốt Điều lệ Đoàn và xứng đáng là người Đoàn viên TNCS Hồ Chí Minh; luôn có ý thức giúp đỡ mọi người…
 
Buổi giao lưu với nhân chứng sống đã từng bị giam giữ tại Nhà lao Pleiku trong giai đoạn chống Mỹ, ông là Võ Ngọc Bửu - nguyên Phó Bí Thư Thành ủy Peiku và là cựu tù chính trị chia sẻ với các đoàn viên mới được đứng vào lớp đoàn viên Lý Tự Trọng về cuộc sống gian khổ, với những hình thức tra tấn dã man của bọn tay sai đế quốc được áp dụng tại Nhà lao Pleiku; mặc dù vậy, với khí phách kiên cường của các chiến sỹ cộng sản bị giam giữ tại Nhà lao Pleiku vẫn giữ vững phẩm chất cách mạng, không bao giờ khuất phục trước các hình thức tra tấn của bọn cai tù và còn tham gia tích cực các phong trào đấu tranh trong Nhà lao Pleiku.
Các đoàn viên nhận thẻ Đoàn tại buổi lễ.

Nhà lao Pleiku là nơi giam giữ tù chính trị dưới thời thực dân Pháp và đế quốc Mỹ giai đoạn trước năm 1975. Ngày 12/12/1994, Nhà lao Pleiku được Bộ Văn hóa - Thông tin ra Quyết định số 321/QĐ-BT công nhận Di tích lịch sử Quốc gia. Nhà lao Pleiku được người Pháp xây dựng năm vào 1925, và đây là nơi được thực dân Pháp dùng làm nơi giam giữ những tù nhân thường phạm, chủ yếu là người dân tộc sinh sống tại Tây Nguyên. Đến năm 1940, thực dân Pháp dùng nơi này để giam giữ những người cách mạng và những người cộng sản mà thực dân Pháp bắt được; tháng 9/1943, Chi bộ nhà lao Pleiku được thành lập. Trong kháng chiến chống Mỹ, đế quốc Mỹ đã sử dụng Nhà lao Pleiku làm nơi giam giữ tù chính trị. Vào lúc 17 giờ, ngày 15/3/1975, trong chiến dịch Tây Nguyên của quân và dân ta, những phạm nhân là những chiến sỹ cộng sản trong Nhà lao Pleiku đã phá ra ngoài và tổ chức một bộ phận ra vùng ven, đón một cánh quân cách mạng từ ngã ba Trà Bá vào cùng với quân và dân địa phương giải phóng Thị xã Pleiku.

Theo sự chỉ đạo của Thành Đoàn Pleiku về việc các tổ chức Đoàn triển khai việc kết nạp Đoàn viên, lớp đoàn viên Lý Tự Trọng trên địa bàn Thành phố Pleiku sẽ được tổ chức tại các Di tích lịch sử và Trường THPT chuyên Hùng Vương đã tổ chức lễ kết nạp lớp Đoàn viên Lý Tự Trọng năm 2014 tại Nhà lao Pleiku, đây còn là một trong số chuỗi hoạt động thực hiện “Năm thanh niên tình nguyện” 2014 của tuổi trẻ Thành phố Pleiku. Buổi lễ kết nạp lớp đoàn viên Lý Tự Trọng của Trường THPT chuyên Hùng Vương như là buổi sinh hoạt ngoại khóa cho học sinh thực sự bổ ích và đầy ý nghĩa. Bởi vì, sau đó các em học sinh còn được tham quan Nhà lao Pleiku và được chứng kiến những hình ảnh tra tấn hết sức dã man của bạn cai tù nơi đây. Có thể thấy rằng, những hình thức lồng ghép ngoại khóa như thế này thực sự đã giúp cho các em học sinh phát triển rất tốt về kỹ năng cũng như việc giúp cho các em mở rộng tầm nhìn và nhận thức sâu hơn về Di tích lịch sử.
 
                                                                                                  Bài và ảnh: Sỹ Nhân