TP.Pleiku tăng cường phòng, chống dịch tay chân miệng

08/11/2018

Trước tình hình bệnh tay chân miệng đang lây lan nhanh ở các tỉnh lân cận, các trường mầm non trên địa bàn thành phố đã triển khai các biện pháp phòng tránh bệnh cho trẻ, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất sự lây lan của bệnh.

Để phòng, chống bệnh tay chân miệng cho trẻ, trường mầm non Hoàng Mai phường Hoa Lư thành phố Pleiku hết sức quan tâm đến vấn đề giữ gìn vệ sinh, an toàn thực phẩm, cho trẻ ăn chín uống sôi, thường xuyên lau dọn, vệ sinh phòng học, đồ dùng học tập, đồ chơi của trẻ nhằm giảm thiểu mầm vi khuẩn gây bệnh. Bà Lê Khánh Phương – Nhân viên văn phòng trường mầm non Hoàng Mai – TP Pleiku. “Từ đầu năm, nhà trường cũng đã kết hợp trong các buổi họp phu huynh, tuyên truyền những biện pháp để giúp trẻ phòng chống tay chân miệng tại nhà. Về vệ sinh an toàn thực phẩm, nhà trường đã hợp đồng với các cơ sở cung cấp những nguyên, vật liệu có giấy kiểm định vệ sinh an toàn thực phẩm, huấn luyện các cô giáo cấp dưỡng về vệ sinh an toàn thực phẩm, và gần như tất cả các cô giáo đều có giấy chứng nhận về vệ sinh an toàn thực phẩm. Những cấp dưỡng có những hiểu biết về dinh dưỡng dành cho trẻ mầm non cũng như quy trình chế biến thức ăn trong bếp ăn một chiều”.

taychanmieng1.jpg
(Ảnh: Bá Bính)

Là một trong số những trường mầm non trên địa bàn thành phố, trường mầm non Hoa Hồng – phường Hội Thương cũng luôn chú trọng triển khai những buổi học trên lớp và những buổi ngoại khóa giáo dục về biện pháp phòng chống bệnh tay chân miệng, thông qua những hoạt động hướng dẫn về rửa mặt, rửa tay đúng cách với xà phòng, giữ gìn vệ sinh cá nhân, chủ động với các trường hợp mắc bệnh xảy ra trong nhà trường. Bà Trần Thị Thoa – Phó Hiệu trưởng trường mầm non Hoa Hồng TP Pleiku nói. “Từ đầu năm tới giờ, trường mầm non Hoa Hồng đã có một trường hợp cháu bị mắc bệnh chân tay miệng những được cách ly ở nhà, khi phụ huynh phát hiện, báo cáo với nhà trường đã kịp thời cách ly trẻ ở nhà và động viên phụ huynh cho cháu cách ly từ 10 đến 15 ngày ở nhà khi khỏi hẳn bệnh mới được tới trường. Còn về việc phòng tránh bệnh chân tay miệng thì nhà trường cũng có rất nhiều biện pháp, đầu tiên đó là vệ sinh môi trường trong và ngoài lớp học thường xuyên, định kỳ hàng tuần, thứ hai đó là thường xuyên cho trẻ rửa tay, chân, mặt mũi, vệ sinh các nhân hằng ngày”.

taychanmieng2-(1).jpg
(Ảnh: Bá Bính)

Trước tình hình diễn biến phức tạp của bệnh tay chân miệng ở trẻ, phòng Y tế đã phối hợp cùng Trung tâm Y tế thành phố theo dõi, khoanh vùng, tổng hợp diễn biến tình hình, triển khai có hiệu quả công tác phòng chống bệnh, không để bệnh lây lan và bùng phát thành dịch, đặc biệt là tại các trường mầm non trên địa bàn. Ông Dương Đình Sơn -Trưởng khoa kiểm soát dịch bệnh – Trung tâm y tế thành phố Pleiku nói:  “Từ đầu năm 2018 đến nay,bệnh tay chân miệng trên địa bàn thành phố Pleiku đã có 267 ca so với năm 2017 là 117 ca. Đặc biệt là vào tháng 8, tháng 9,10 bệnh tay chân miệng có tăng so với cùng kỳ năm ngoái và thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi. Trước tình hình bệnh tay chân miệng gia tăng, Trung tâm y tế đã chỉ đạo cán bộ y tế xuống các địa bàn khám sàng lọc, giám sát bệnh. Khi có ca bệnh thì hướng dẫn cách điều trị cho gia đình các cháu, cũng như là cấp Cloramin B xử lý các điểm, các trường có trẻ mắc bệnh tay chân miệng”.

Trong thời gian tới, thành phố Pleiku tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, giám sát phòng chống bệnh tay chân miệng tại các địa phương, đặc biệt là các trường mầm non, nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng trong công tác phòng, chống bệnh tay chân miệng./.
 
K. Phượng –T. Truyền