TIN TỨC

CHUYÊN MỤC

Những người thầy thuốc đặc biệt

Ngày đăng bài: 26/10/2018
Đặc biệt là bởi, tuy hành nghề y nhưng họ lại thuộc biên chế của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội. Bệnh nhân của họ không chỉ là con nghiện ma túy mà phần nhiều mắc đủ các loại bệnh xã hội, có cả nhiễm vi rút HIV, lao phổi... Trong quá trình khám chữa bệnh giai đoạn cắt cơn, bất đắc dĩ họ phải xích chân bệnh nhân. Và họ, không ít lần bị bệnh nhân đe dọa, tấn công bằng vũ lực và cả tấn công bằng nguồn máu mang căn bệnh thế kỷ…

Một sớm chớm đông se lạnh, theo chân ông Lê Thanh Truyền-Phó Trưởng phòng Phòng chống tệ nạn xã hội, chúng tôi đến thăm Cơ sở tư vấn và cai nghiện ma túy tỉnh Gia Lai. Tường bao cao vút, cửa sắt nặng nề đóng kín không có bốt bảo vệ gây ấn tượng mạnh trong tôi. Lách mình qua khe cửa sắt hẹp đóng vội, khuôn viên bên trong được bài trí hoàn toàn ngược lại: Những dãy nhà rộng rãi sạch sẽ tinh tươm, vườn cây trái thẳng hàng, luống rau xanh mơn mởn…

thay-thuoc-(1).jpg
Y sĩ Trịnh Cầm Ân thăm khám sức khỏe bệnh nhân. Ảnh: Đ.P

Chúng tôi vào khu điều trị cắt cơn nghiện được tách biệt bởi tường dày cao vút, lưới kẽm gai lùng bùng chạy dọc bên trên vây bọc 03 gian phòng rộng trống huê nằm liền kề, dãy phòng dành cho bệnh nhân điều trị và phòng làm việc của nhân viên y tế. Gặp người lạ, những bệnh nhân nam tuổi đời còn trẻ măng, nước da xanh tái, đôi mắt đờ đẫn vô hồn khoanh tay lên tiếng: - Chào thầy ạ! (bước chân vào cơ sở, việc đầu tiên họ được dạy cách chào thầy/ cô với cán bộ và khách đến thăm). Trong phòng điều trị cắt cơn, kẻ đứng người ngồi. Vài người áo ngắn tay lộ những hình xăm chằng chịt, sắt màu. Nữ y sỹ Nguyễn Nha Trang vóc người nhỏ nhắn, gương mặt đẹp phúc hậu loay hoay với việc mở khóa xích cho vài bệnh nhân, mang bữa ăn sáng đến tận từng người. Tôi chủ động lên tiếng nhận xét khi cùng cô đi dọc hành lang về phòng làm việc: “Trông họ cũng lành nhỉ?”. Trang  mỉm cười không đáp.

Cơ sở tư vấn và cai nghiện ma túy tỉnh Gia Lai thường xuyên có chừng hơn 100 bệnh nhân, cao điểm có lúc lên đến 250 người. Trong số đó, điều trị cắt cơn luôn dao động từ 15-20 bệnh nhân. Họ, ngoài căn bệnh nghiện ma túy còn mắc nhiều bệnh xã hội khác. Tỷ lệ người bệnh dương tính với virut HIV khá cao.

Biên chế đội ngũ thầy thuốc của cơ sở hiện có 4 y sĩ (3 nam, 1 nữ). Trao đổi với chúng tôi, y sĩ Trịnh Cầm Ân khái quát khó khăn trong công tác cai nghiện: “Khi bước chân vào Cơ sở tư vấn và cai nghiện ma túy, con nghiện được xem là bệnh nhân. Thực tế ngoài đời, không ít người trong số họ lại thuộc nhóm đối tượng nguy hiểm, đặc biệt nguy hiểm cho xã hội “ra tù vào tội” như cơm bữa, tính khí rất hung dữ. Chưa kể, với người nghiện các loại ma túy tổng hợp, tác động từ chất gây nghiện lên não bộ gây lệch chuẩn hành vi dù đã cắt cơn nghiện”.

Nghiện ma túy là cách gọi chung, gồm cả nghiện thuốc phiện, hêrôin, ma túy đá tổng hợp, cỏ Mỹ, cần sa, bóng cười, keo con chó,… Thuốc phiện và hêrôin là dạng ma túy đã có nhiều loại thuốc điều trị cắt cơn, có phát đồ điều trị hiệu quả, không để lại nhiều di chứng về sức khỏe tinh thần. Sau thời gian điều trị từ 5-7 ngày người nghiện được cắt cơn, trở nên tỉnh táo bình thường. Dân “đập đá” thì hoàn toàn khác. Thời gian cắt cơn kéo dài từ 20 ngày đến cả tháng hoặc lâu hơn. Ma túy đá hủy hoại não bộ, người bệnh bị ảo giác, mất khả năng phục hồi hay phục hồi rất chậm nhất là với người có tuổi đời trẻ, não bộ chưa hoàn thiện. Trong thời gian điều trị cắt cơn, từ ngày thứ 7 trở đi, bệnh nhân có triệu chứng muốn tự sát bằng mọi cách có thể. Với mỗi ca trực gồm 2 thầy thuốc, thời gian kéo dài 24 giờ, mệt mỏi vì công việc và thiếu ngủ; trong tay chẳng có bất kì công cụ hỗ trợ nào, gặp tình huống như vậy quả thật là khó khăn. Một năm qua, biên chế một chiến sĩ công an hỗ trợ nghiệp vụ ở cơ sở bị cắt giảm, khó khăn thêm chất chồng. Đấy là chưa kể, bệnh nhân sẵn sàng tấn công thầy thuốc khi bị ảo giác hoặc rơi vào tâm trạng bế tắt, dễ nổi loạn khi biết mình mang trong người căn bệnh thế kỉ, vợ con đã mất vì căn bệnh này. Thực tế họ đã từng bị tấn công.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Thanh Truyền cho biết: “Đội ngũ thầy thuốc ở cơ sở như hiện nay quá mỏng. Vì áp lực công việc, họ ít có thời gian nghỉ ngơi, học tập nâng cao trình độ chuyên môn (còn có lí do, Sở Y tế - cơ quan quản lí chuyên môn lại không quản lí nhân sự nên quên mất). Dù phải thường xuyên tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm HIV nhưng họ lại không được nhận phụ cấp độc hại đặc thù 75% mức lương cơ bản mà chỉ ở mức phụ cấp 40% như tiếp xúc với bệnh nhân thông thường, kể ra cũng thiệt thòi”.
Đình Phê
customer-service.png THÔNG TIN LIÊN HỆ:

1478004194_map-icon.png Địa chỉ: 58 Tăng Bạt Hổ - T
hành phố Pleiku - Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269).3830 155
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269).3828414
1478004004_Mail.png  Email: ubndpleiku@gialai.gov.vn
 
contract-(4).png THÔNG TIN BẢN QUYỀN:

Bản quyền thuộc về UBND thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Hữu Sung - UVBTV Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Pleiku.
Giấy phép số: 01/GP-TTĐT ngày 24/02/2015 của Sở Thông tin và Truyền thông

Chung nhan Tin Nhiem Mang
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN

   Copyright © 2018 
Trang chủ | Tin tức Liên hệ | Mobile | Site map icontop.png