TIN TỨC

CHUYÊN MỤC

Ngày thơ Việt Nam 2014 – Thơ đã đến gần công chúng hơn

Ngày đăng bài: 18/02/2014
Kể từ năm 2002, khi Hội Nhà văn Việt Nam chọn ngày Rằm tháng Giêng làm Ngày thơ Việt Nam để tôn vinh thơ và người làm thơ thì hơn 10 năm qua cứ đến Rằm tháng Giêng, Ngày thơ Việt Nam đã trở thành một sự kiện quan trọng, thu hút sự quan tâm của nhiều tầng lớp trong xã hội, trở thành một hoạt động tưng bừng ở khắp nơi trong cả nước.

Năm nay, Hội VHNT Gia Lai phối hợp với Trung tâm Văn hóa, Điện ảnh và Du lịch Gia Lai và Sê San Coffee Piano tổ chức 2 chương trình thơ - nhạc vào hai đêm 14,15 tháng Giêng với hai chủ đề: “Pleiku thân yêu” và “Pleiku – Xuân - Thơ ”. Những người tổ chức chương trình đã kỹ càng thiết kế, biên tập, luyện tập và trình diễn bằng cả tấm lòng với mong muốn hai hoạt động này thiết thực góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho khán giả phố Núi, góp thêm không khí vui tươi trong dịp đầu năm mới.
1. Đêm của nồng ấm và mê say:
Đêm này, ngày âm chính nguyên tiêu, ngày dương ngày lễ tình yêu nên không khí cũng thêm phần đặc biệt khi những đôi tình nhân đến dự với lỉnh kỉnh hoa hồng và quà. Thời tiết rét trở lại. Không gian quán không đủ rộng nên nhiều khách tới đã phải ngồi phòng ngoài. Chủ đề chương trình là “Pleiku thân yêu”. ‎ Ý tưởng đêm thơ nhạc này của MC Nguyễn Sơn trong một cuộc cà phê sáng tình cờ. Nhà văn Thu Loan – Phó chủ tịch Hội VHNT phụ trách mảng hoạt động phong trào hào hứng đồng ‎y ngay vì Sê San coffee Piano là nơi l‎y tưởng cho một đêm giao lưu thơ nhạc. Cấu trúc chương trình chặt chẽ hấp dẫn với đội ngũ tác giả, hội viên, cộng tác viên  “chất lượng cao” gồm: nhà thơ Lê Nhược Thủy, Thu Loan, Phạm Đức Long, Ngô Thị Thanh Vân, Nguyễn Như Bá, Đào An Duyên cùng hai nhạc sĩ Lê Xuân Hoan, Nguyễn Đức Hà mỗi người một tác phẩm phổ thơ về Pleiku và sự thể hiện chuyên nghiệp của các ca sĩ, người ngâm thơ Lan Hương, Ánh Nguyệt, Thu Hồng, Hoài Anh, Diễm Phương. Thời đại bùng nổ thông tin, ngay sau khi chương trình chính thức được duyệt, Facebook đã đầy ắp thông tin về đêm thơ nhạc, mọi người “tag”, “share” quảng cáo, mời dự, nhiều “comment” đón nhận, chia sẻ. Ai cũng hăm hở chuẩn bị cho tiết mục của mình, háo hức với đêm thơ, không một chút so đo, lăn tăn về đồng nhuận bút, thù lao biểu diễn ít ỏi. Đúng 19h30 khán phòng không còn ghế trống, có khán giả đi trước cả tiếng để đảm bảo có chỗ ngồi tốt. 13 tiết mục trong đó 6 bài thơ và 7 ca khúc phổ thơ với hai người dẫn chuyện “ngọt ngào” Nguyễn Sơn – Hoàng Thanh Hương làm cho đêm thơ nhạc có sức hút thực sự. Khán giả miên man cùng Còn chút gì để nhớ thơ Vũ Hữu Định nhạc Phạm Duy do giọng nam trầm của Nguyễn Sơn, xao động cùng “Khoảng trời lá thông” thơ Phạm Đức Long nhạc Lê Xuân Hoan qua giọng ca trong sáng của Diễm Phương, sôi động cùng “Anh cho em mùa xuân” thơ Kim Tuấn nhạc Y Vân do Thu Hồng thể hiện, tự hào hùng tráng với “Tiếng vọng đại ngàn” thơ Hồng Nguyễn nhạc Trương Đức Hà với phần biểu diễn cảm xúc của NSƯT Thúy Hà. Khán giả thêm thú vị khi giọng nữ trầm Ánh Nguyệt thể hiện rất đạt ca khúc phổ thơ “ Đường lên Pleiku” của nhà thơ Nguyễn Tiến Liêu. Đấy là phần nhạc, phần thơ các nhà thơ tự trình bày những bài thơ họ viết về Pleiku với đủ mọi cảm nhận, giãi bày vui buồn thương mến, gắn bó lưu luyến chân thành từ “Pleiku thân yêu” của nhà thơ thầy giáo Lê Nhược Thủy đến “Về với Pleiku” – Thu Loan, “Một vòng đêm” – Ngô Thị Thanh Vân, “Lãng mạn Pleiku”, “Nửa chiều Pleiku”– Nguyễn Như Bá, “Trở mùa” – Đào An Duyên... Pleiku – phố Núi trong mỗi nhà thơ hết thảy đều gắn bó yêu thương như máu thịt, chẳng thể rời bỏ và như mắc nợ từ kiếp nào dù “thương nhau tránh cái nhìn cùng quẫn” để rồi “bạn vẫn làm thơ và yêu thơ nghiệt ngã” cũng tại bởi “Pleiku chưa xa đã nhớ, bàn chân chỉ muốn quay về!”. Thế mới biết với riêng họ và có thể với cả chúng ta luôn sẵn một tình yêu Pleiku kỳ lạ. Đêm thơ nhạc khép lại bằng nhạc phẩm nổi tiếng của nhạc sĩ Văn Cao “Mùa xuân đầu tiên” qua phần thể hiện say đắm, dịu dàng của giảng viên thanh nhạc, ca sĩ Hoài Anh từ Sài Gòn về ăn tết với gia đình. Hai người dẫn chuyện đã thay BTC nói lời cảm ơn và chia tay nhưng khán giả vẫn ngồi nán lại, lên sân khấu bắt tay khen ngợi, cám ơn những người làm chương trình và đèn flash chớp sáng liên tục. “Chỉ có một Pleiku thôi mà chẳng bao giờ cũ, chẳng bao giờ nhàm chán và có thể viết hoài, hát hoài, nhớ hoài, yêu hoài”. Mượn lời của một khán giả từng sống đất này 50 năm cuộc đời để khép lại phần viết cho đêm thơ thứ nhất. Như thế nghĩa là thơ đã đến gần công chúng hơn và được đón nhận thực sự cảm xúc. Nghĩa là người làm thơ đã hạnh phúc bội phần.
Ảnh: HTH
2. Đêm của Rằm xuân lồng lộng trăng soi và lãng mạn Phố:
 Ngày thơ Việt nam năm nay tại Gia Lai, BTC hướng cụ thể vào chủ đề Xuân, phố núi Pleiku – một nơi chốn từ xưa đến nay đi vào thơ nhạc đầy ám ảnh quyến rũ. Địa điểm tổ chức đêm thơ nhạc với chủ đề “ Pleiku – Xuân – Thơ” tại Quảng trường Đại đoàn kết trước bức đá khắc thư Bác Hồ. Đó là một gian đẹp để tổ chức đêm thơ. Trăng lồng lộng, gió hiu hiu, khán giả đến đông dần và chờ đợi. Cảnh đẹp như tranh vẽ. Để có đêm thơ nhạc với gần 20 tiết mục thơ và ca khúc phổ thơ chất lượng, nhà văn Thu Loan đã chủ động làm việc với lãnh đạo Trung tâm VH,ĐA&DL Gia Lai từ trước tết về nội dung, nhân sự, trang thiết bị âm thanh, ánh sáng. Là người gắn bó với ngành văn hóa lâu năm, có nhiều kinh nghiệm trong công tác tuyên truyền và khá yêu thích thơ ca ông Nguyễn Chi ủng hộ cao. Công việc được bắt đầu ngay sau tết. Từ khâu chọn bài, ráp nhạc, làm đĩa, trang trí, tập luyện, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ phận ở cả hai cơ quan. Đây là năm thứ 2 Hội phối hợp với Trung tâm tổ chức hoạt động này nên mọi việc diễn ra nhịp nhàng, ăn ‎y. Tất cả đã sẵn sàng cho đêm thơ nguyên tiêu 2014. Hai MC trẻ Nguyễn Hoàng Nam và Đào An Duyên tươi tắn, lưu loát dẫn dắt khán giả đến với từng nội dung trong chương trình từ phần lễ tôn vinh các nhà thơ, đến phần trình diễn thơ, giới thiệu hoạt động văn học nghệ thuật nổi bật, những thành tựu của Hội và hội viên trong tỉnh năm 2013, thông tin về hội viên mới kết nạp... Khán giả rất ấn tượng với bài thơ “Đất nước” – Nguyễn Đình Thi mở đầu chương trình với giọng ngâm truyền cảm của cô giáo Nhan Thị Hằng Nga - Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh. Chị ngâm xong, lời dừng nhạc dứt một lúc mà khán giả vẫn bồi hồi xúc động. Những tràng pháo tay giòn giã kéo dài bày tỏ sự ngưỡng mộ. Cũng dễ hiểu thôi vì: “Nước chúng ta/ Nước những người chưa bao giờ khuất/Ðêm đêm rì rầm trong tiếng đất/Những buổi ngày xưa vọng nói về”... Vốn trong tim máu người Việt đã sẵn nồng nàn một lòng yêu nước và kết đoàn, truyền thống ấy tiếp nối bao thế hệ nên kẻ xấu chớ nhầm thế hệ trẻ người Việt hôm nay đang phai nhạt l‎y tưởng. Các tác giả thơ: Thu Loan, Phạm Đức Long, Hoàng Thanh Hương, Ngô Thị Thanh Vân, Nguyễn Đình Phê, Nguyễn Tiến Lập, Giang Nhi mỗi người mỗi vẻ trình diễn tác phẩm của mình trên nền nhạc bổng trầm khiến giả rất thú vị đồng cảm. Các ca khúc phổ thơ của nhạc sĩ Ngọc Tường “Tìm về đêm hội làng” – thơ Phạm Đức Long, tác phẩm đạt giải C giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2012, “Tây Nguyên mùa khô” thơ Hoàng Thanh Hương nhạc Dương Toàn Thiên do các ca sĩ hội viên của Hội và anh chị em đội viên thông tin lưu động tỉnh trình bày cùng nhóm múa phụ họa khiến chương trình thêm sinh động hấp dẫn. Thời tiết gió và lạnh nhưng người biểu diễn, trình diễn và khán giả chẳng mấy quan tâm. Những “món quà tâm hồn” đang làm họ xích lại gần nhau hơn, nối gần những nhịp cảm xúc với những vần thơ, ca từ, giai điệu đẹp về đất nước, quê hương Gia Lai, phố Núi, về tình yêu, về cuộc đời thăng trầm nhưng vẫn luôn tươi đẹp đáng sống nơi vùng đất cao nguyên bazan lộng tràn nắng gió. Ca sĩ Thùy Dương thật thà bộc bạch: “Được giao nhiệm vụ phục vụ biểu diễn đêm thơ em rất hào hứng vinh hạnh, vì em đã cùng các anh chị tác giả văn học Gia Lai và đồng nghiệp đang đem thơ ca đến gần với công chúng hơn”.
Người xem phố Núi đã có hai đêm thơ nhạc với những trải nghiệm cảm xúc khác nhau song quan trọng sau mỗi chương trình dù ở khán phòng Sê San coffee Piano sang trọng, ấm cúng hay tại Quảng trường thành phố thoáng đẹp trăng thanh gió mát. Họ đều chân tình chia sẻ: Thú vị và bổ ích. Văn chương luôn góp phần hướng thiện con người vì văn học là nhân học và sáng tạo văn học là công việc thầm lặng đầy khó khăn, đòi hỏi nhiều yếu tố trong đó sự nỗ lực cá nhân là chủ yếu. Các nhà thơ Gia Lai, có người mới chỉ dấn bước như Lê Vi Thủy, Nguyễn Tiến Lập, Nguyễn Như Bá, Nguyễn Đình Phê, Đào An Duyên, Giang Nhi... có người đã đi một chặng đường dài và thành danh như Văn Công Hùng, Hương Đình, Phạm Đức Long, Thu Loan... song dù thế nào, ra sao thì những người đã chọn con đường sáng tạo văn chương để lập nghiệp, cống hiến cũng đều đáng trân trọng, tôn vinh không chỉ trong Ngày thơ Việt Nam hàng năm mà thôi.
Hoàng Thanh Hương
customer-service.png THÔNG TIN LIÊN HỆ:

1478004194_map-icon.png Địa chỉ: 58 Tăng Bạt Hổ - T
hành phố Pleiku - Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269).3830 155
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269).3828414
1478004004_Mail.png  Email: ubndpleiku@gialai.gov.vn
 
contract-(4).png THÔNG TIN BẢN QUYỀN:

Bản quyền thuộc về UBND thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Hữu Sung - UVBTV Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Pleiku.
Giấy phép số: 01/GP-TTĐT ngày 24/02/2015 của Sở Thông tin và Truyền thông

Chung nhan Tin Nhiem Mang
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN

   Copyright © 2018 
Trang chủ | Tin tức Liên hệ | Mobile | Site map icontop.png