TIN TỨC

CHUYÊN MỤC

Một số đảo nhỏ thuộc quần đảo Trường Sa

Ngày đăng bài: 14/02/2017
Quần đảo Trường Sa được cha ông ta xác lập chủ quyền từ hàng trăm năm trước, là điểm tựa cho bao đời ngư dân, nay nơi đây trở thành bến ấm nơi biển xa của nhiều người con đất Việt. Quần đảo Trường Sa là một huyện đảo, thuộc tỉnh Khánh Hòa nằm ở phía Đông Nam của Việt Nam, trong khoảng vĩ độ từ 6050 đến 120 Bắc và kinh độ từ 111030đến 117020 Đông với 1 thị trấn và 2 xã đảo). Trong quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trên quần đảo Trường Sa luôn đoàn kết, đấu tranh, vượt qua mọi khó khăn, hy sinh gian khổ để có được huyện đảo Trường Sa như ngày hôm nay.

Nhằm giúp cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn thành phố hiểu thêm về Trường Sa thân yêu, sau đây tôi xin giới thiệu một số đảo nhỏ thuộc quần đảo Trường Sa.

Đảo An Bang
Đảo An Bang nắm ở 705210’’ vĩ độ Bắc, 11205442’’ kinh độ Đông, là đảo nằm tận cùng phía Nam quần đảo Trường Sa, cách đảo Thuyền Chài 22 hải lý về phía Tây Nam, cách đảo Trường Sa 72 hải lý về phía Đông Nam.

Đảo nằm trên nền bãi san hô ngập nước, cấu trúc của đảo như một cây nấm san hô khổng lồ tạo nên, do đó khi đào công sự thường gặp những chỗ võng nước, khi thủy triều lên, các hầm hào công sự rất dễ bị ngập nước. Bờ đảo được bao bọc bởi hệ thống tường chắn sóng cao 2m; ở bờ Bắc, Đông và Tây của đảo là những bãi cát hẹp, đây là đảo nhỏ chảy dài theo hướng Bắc Nam. Hàng năm từ tháng 4 tới tháng 7 gió mùa Tây Nam, bờ Nam của đảo được bồi thêm một bãi cát dài từ mép nước bãi cát này đến rìa ngoài bãi san hô ngập nước khoảng 30m.


Do cấu trúc san hô của đảo An Bang dựng đứng nên 4 mùa sóng vỗ việc ra và vào đảo gặp rất nhiều khó khăn, nguy hiểm, những chuyến tàu từ đất liền đến thăm cán bộ, chiến sỹ đảo An Bang vào đúng mùa sóng dữ sẽ không thể nào vào được đảo. Để đón các đoàn khách từ đất liền, đảo An Bang đã thành lập lực lượng đội đặc nhiệm được huấn luyện riêng biệt, chu đáo với các tình huống sóng gió phức tạp. Khi các đoàn vào đảo nếu không có sự trợ giúp đắc lực của lực lượng đặc nhiệm của đảo sẽ không vào được bên trong đảo.

Đầu tháng 3/1978 tình hình khu vực quần đảo Trường Sa xuất hiện nhiều diễn biến phức tạp: Philippin đang chiếm giữ đảo Panata, máy bay, tàu thuyền của đối phương liên tục hoạt động xâm phạm vùng trời, vùng biển trinh sát các đảo của ta. Trước tình hình đó, chấp hành Nghị quyết của Đảng ủy Quân chủng Hải Quân, đầu tháng 8/1978, Trung đoàn 146 đã cử đồng chí Cao Ánh Đăng làm Chỉ huy trưởng và đồng chí Nguyễn Mã làm Phó chỉ huy, cùng với cán bộ, chiến sỹ đặc công đoàn 126 hành trình theo Tàu HQ601. Đúng 20h ngày 10/3/1978, ta đã triển khai xong nhiệm vụ đóng giữ đảo, tháng 11/1978 Hải Quân đối phương đã cho tàu vây ép đảo An Bang trong suốt 11 ngày đêm nhưng cán bộ, chiến sỹ trên đảo đoàn kết, khắc phục khó khăn, không sợ hy sinh, kiến quyết bám trụ việc sẵn sàng chiến đấu, bình tĩnh đối phó đối với địch, buộc chúng phải rút khỏi khu vực.

Trên đảo An Bang không có giếng nước ngọt, chất đất là cát sạn, san hô nên trồng rau xanh gặp rất nhiều khó khăn. Trước sự khắc nghiệt của thiên nhiên cán bộ, chiến sỹ đảo An Bang không chùn bước, họ càng tô thắm thêm của người chiến sỹ hải quân nhân dân Việt Nam anh hùng, đoàn kết, chủ động, sáng tạo, phát huy ý chí tự lực tự cường, chắt chiu, tiết kiệm từng giọt nước ngọt để trồng rau. Vất vả gian lao là vậy, song không làm giảm đi tinh thần yêu đảo, yêu biển của cán bộ, chiến sỹ đảo An Bang, đảo đã không phụ công người, trải qua hơn 3 thập kỷ với ý chí và nghị lực của cán bộ, chiến sỹ nơi đây đã cải tạo đảo An Bang từ bãi đá san hô trở thành một hòn đảo xanh tươi, rợp bóng mát của các loại cây bàng vuông, phong ba, muống biển. Năm 2011 tổng sản lượng tăng gia của đảo đạt gần 100 triệu đồng, trong đó rau xanh các loại 3608 kg, cá các loại 1287kg và thịt gia súc các loại 802kg.

Trải qua hơn 30 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, cán bộ, chiến sỹ đảo An Bang luôn đoàn kết một lòng, vượt qua mọi khó khăn, cảnh giác sẵn sàng chiến đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ đảo. Các năm 1979, 1981, 1982, 1984, 1988, 1999 và 2000 đến 2006, 2008, 2009, 2010 đảo liên tục đạt danh hiệu đơn vị quyết thắng. Năm 2001 được Thủ tướng chính phủ tặng bằng khen; năm 2004 cán bộ, chiến sỹ đảo An Bang vinh dự được nhà nước tặng thưởng huân chương chiến công hạng 3; Tổng cục Chính trị tặng bằng khen năm 2002, 2004, 2006; Tư lệnh Hải Quân tặng bằng khen 2003, 2007. Trong các đợt kiểm tra 2005, 2007, 2008, 2009 và 2011 đảo được Bộ quốc phòng tặng bằng khen về thành tích hoàn thành xuất sắc toàn diện trên các mặt công tác. Năm 2009, đảo vinh dự được Bộ Y tế tặng bằng khen về công tác chăm sóc sức khỏe bộ đội và ngư dân, cứu hộ, cứu nạn.

Đảo Thuyền Chài

 Đảo Thuyền Chài nằm ở 8013 vĩ độ Bắc, 11302050’’ kinh độ Đông, cách đảo Trường Sa 87 hải lý về phía Đông Nam, cách đảo An Bang 22 hải lý về phía Đông Bắc.

 Đảo có chiều dài khoảng 34 hải lý, chỗ hẹp nhất khoảng 2 km, chỗ rộng nhất khoảng 6km từ Đông Bắc đảo sang Tây Nam đảo khoảng 20 km; thềm san hô bao quanh bên ngoài rộng từ 200 tới 300m. Đảo Thuyền Chài có 3 bãi cát nhô lên, giữa bãi san hô của đảo có lòng hồ, chiều dài của hồ khoảng 20km, chiều rộng trung bình 3km, hồ có độ sâu từ 3 đến 10m và có nhiều đá mồ côi lập lờ dưới nước; hồ này thích hợp với các tàu đánh cá có trọng tải nhỏ và neo đậu khi gặp sóng gió; trong lòng hồ có các loại cá, ốc nón, ốc nhảy, bào ngư, hải sâm nhiều hơn ở những nơi khác.


Thuyền Chài là cục đảo chìm 3 điểm, nguồn nước ngọt dùng cho sinh hoạt được khai thác từ nước mưa và vận chuyển từ đất liền ra. Những năm gần đây được trang bị hệ thống bể chứa nên đảo đã chủ động được 100% nhu cầu nước sinh hoạt. Để tổ chức tăng gia trồng rau xanh cán bộ, chiến sỹ đảo Thuyền Chài phải vận chuyển từ đất liền ra từng bao đất nhỏ. Mặc dù nguồn nước ngọt khan hiếm, song nhờ các biện pháp sử dụng nước ngọt tiết kiệm, khoa học và phù hợp trong sinh hoạt, cán bộ, chiến sỹ đảo Thuyền Chài đã thực hiện tốt công tác trồng rau xanh; tổng sản lượng 2011 của đảo đạt gần 80 triệu đồng, trong đó rau xanh trên 2372kg, cá các loại trên 2075kg và thịt các loại gần 464 kg.

Trong hơn 20 năm qua, các thế hệ cán bộ, chiến sỹ đã kế tiếp nhau làm nhiệm vụ giữ đảo, khó khăn gian khổ còn nhiều nhưng họ luôn gắn bó bên nhau, đồng cam cộng khổ, trụ vững nơi đầu sóng ngọn gió. Chẳng những ngày đêm bảo vệ chủ quyền quốc gia mà còn thường xuyên giúp đỡ nước ngọt, lương thực, cấp thuốc chữa bệnh cho các ngư dân miền Trung và Nam Trung bộ ra đánh bắt hải sản ở khu vực này tạo sự tin tưởng và yên bình cho ngư dân ra đánh bắt hải sản quanh khu vực đảo đảm nhiệm. Năm 2011, đảo Thuyền Chài đã cấp cứu 3 trường hợp ngư dân bị tai nạn; khám bệnh và cấp thuốc cho 33 lượt ngư dân, giúp đỡ 3000 lít nước ngọt; quyên góp, ủng hộ các quỹ vì người nghèo, nhà đồng đội với số tiền trên 11 tỷ đồng.

Ghi nhận thành tích của cán bộ, chiến sỹ đảo Thuyền Chài, trong suốt chặng đường hơn 20 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành nhà nước đã tặng thưởng 2 Huân chương chiến công hạng 3 về thành tích xây dựng đảo, sẵn sàng chiến đấu và thành tích xuất sắc trong 8 năm thời kỳ đổi mới 1986 – 1994; năm 2000, đảo được Vùng 4 Hải Quân tặng bằng khen; trong các năm 2001, 2002, 2003, 2004 và 2006, đảo được Bộ Tư lệnh quân chủng Hải Quân tặng danh hiệu đơn vị quyết thắng. Trong đợt kiểm tra 3/2003, 4/2007 được Bộ Tư lệnh Hải Quân tặng bằng khen; Tổng Cục chính trị tặng bằng khen vào năm 2004, 2006; Bộ Quốc phòng tặng bằng khen năm 2004, 2007, 2009. Và năm 2005, đảo được Thủ tướng chính phủ tặng bằng khen về thành tích 4 năm liên tục đạt đơn vị quyết thắng. 

Đảo Sinh Tồn

Xã đảo Sinh Tồn nằm ở 9045 độ vĩ Bắc; 11404040’’ độ kinh Đông; chạy dài theo hướng Đông Tây và nằm trên bãi san hô ngập nước. Nền san hô bao quanh đảo tương đối bằng phẳng, phía 2 đầu của đảo có 2 doi cát dài ôm lấy đảo, doi cát phía Đông lớn hơn doi cát phía Tây, cả 2 doi cát này di chuyển vị trí theo từng mùa. Độ cao trung bình của đảo so với mực nước của biển lúc thấp nhất từ 2,5 đến 3m, trên đảo không có giếng nước ngọt nhưng vẫn trồng được cây xanh.

 Từ nơi đất đai cằn cỗi với mồ hôi và công sức của bao lớp thế hệ cán bộ, chiến sỹ nơi đây, cây cối đã xanh tươi và sinh sôi nảy nở. Những năm gần đây, nhờ ý chí tự lực, tự cường tinh thần chiến đấu đoàn kết khắc phục khó khăn; quân và dân xã đảo Sinh Tồn đã tích cực tăng gia sản xuất tự đảm bảo 100% nhu cầu rau xanh và một phần lớn thực phẩm. Chỉ tính riêng năm 2011 sản lượng rau xanh các loại đạt trên 9 tấn, cá các loại gần 1,5 tấn và thịt gia súc trên 2,3 tấn; Tổng sản phẩm tăng gia đạt trên 20 triệu đồng.


Trong chiến dịch tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 lịch sử, ngày 29/3/1975 đội đặc công Đoàn 126 được tăng cường 3 tàu vận tải, Lữ đoàn 125 và một số vũ khí trang bị do đồng chí Mai Năng trực tiếp chỉ huy được giao nhiệm vụ giải phóng quần đảo Trường Sa. Sau khi giải phóng đảo Song Tử Tây, ngày 14/4/1975, đảo Sơn Ca ngày 12/4/1975, đảo Nam Yết ngày 27/4/1975; quân địch trên đảo Sinh Tồn hoang mang, giao động đã rút chạy từ sáng ngày 27/4/1975, do đó lực lượng của ta đổ bộ thuận lợi và đúng 10h30 ngày 28/4/1975 ta đã làm chủ đảo hoàn toàn.

Trải qua gần 40 năm xây dựng và chiến đấu, trưởng thành nhiều thế hệ cán bộ, chiến sỹ trên khắp mọi miền đất nước đã kế tiếp nhau thực hiện nhiệm vụ giữ đảo với tinh thần đảo là nhà, biển cả là quê hương. Quân và dân trên đảo đoàn kết một lòng, vượt qua mọi khó khăn gian khổ, luôn cảnh giác sẵn sàng chiến đấu cao, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ với những thành tích, kết quả đạt được. Quân và dân xã đảo Sinh Tồn vinh dự được Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng trao tặng phần thưởng cao quý. Năm 1988, đảo vinh dự được Nhà nước tặng thưởng huân chương chiến công hạng 3 và năm 2004 được tặng thưởng huân chương bảo vệ Tổ Quốc hạng nhất. Các năm 1976, 1977, 1980, 1981, 1986 và từ năm 2006 - 2008 đảo đều được Bộ tư lệnh Hải Quân tặng danh hiệu đơn vị quyết thắng. Từ năm 2004 đến nay, đảo được tặng 8 bằng khen của Bộ tư lệnh Hải Quân, Bộ quốc phòng, Bộ Y tế, Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa và Thủ tướng Chính phủ ghi nhận những thành tích xuất sắc trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và các nhiệm vụ đột xuất khác.

Đảo Trường Sa Đông

Đảo Trường Sa Đông nắm ở 8055 vĩ độ Bắc, 122021 kinh độ Đông, nằm cách đảo Đá Tây 8,5 hải lý về phía Bắc, cách đảo Đá Đông 12 hải lý về phía Tây Bắc.

 Đảo nằm ở phía Đông của bãi san hô ngập nước, dài khoảng 1 hải lý, đảo chạy dài theo hướng Đông Tây. Trên đảo không có giếng nước ngọt, do đó công tác tăng gia trồng rau và cây xanh cũng gặp nhiều khó khăn. Để trồng cây, tăng gia rau xanh cán bộ, chiến sỹ đã vận chuyển từng bao đất nhỏ trong đất liền ra, tận dụng vật liệu xây dựng che chắn, bồn rau, chắt chiu, tiết kiệm từng giọt nước ngọt, ươm mầm cây xanh.


Trải qua hơn 3 thập kỷ, tích cực lao động với ý chí và nghị lực cán bộ, chiến sỹ nơi đây đã cải tạo đảo Trường Sa Đông từ bãi đá san hô cằn cỗi trở thành một hòn đảo xanh tươi, rợp bóng mát của các loại cây như bàng vuông, phong ba, muống biển. Cũng từ những khó khăn trong công tác tăng gia với nghị lực tự cường, óc thông minh sáng tạo của người lính canh giữ biển cán bộ, chiến sỹ đảo Trường Sa Đông đã thiết kế thành công lò ấp trứng gia cầm, thủy cầm đầu tiên trên quần đảo Trường Sa. Vì vậy, đến nay cán bộ, chiến sỹ đảo Trường Sa Đông là một trong những đơn vị dẫn đầu trong phong trào tăng gia, chăn nuôi của lực lượng Lữ đoàn 146. Năm 2011, tổng sản lượng tăng gia đạt trên 64 triệu đồng, trong đó rau xanh 5760kg, cá các loại 650kg và thịt gia súc, gia cầm trên 419kg. Hiện đàn gia cầm khoảng 400 con trong độ sinh trưởng.

Tháng 3/1978 tình hình khu vực quần đảo Trường Sa có nhiều diễn biến phức tạp, các nước trong khu vực tăng cường hoạt động thăm dò bằng máy bay, tàu thuyền, xâm phạm các đảo của ta đang đóng giữ, trước tình hình đó Đảng ủy quân chủng Hải Quân đã ra Nghị quyết chỉ rõ, tập trung, khẩn trương mọi nổ lực cao nhất của toàn quân chủng và việc chuẩn bị chiến đấu, sẵn sàng đánh thắng kẻ thù xâm lược; dành cho được thắng lợi từ trận đầu, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ Quốc. Chấp hành mệnh lệnh của quân chủng Hải Quân ngày 4/4/1978 Tàu 681 thuộc Đoàn 125, đưa 19 cán bộ, chiến sỹ do đồng chí Nguyễn Trung Cang - Tham mưu trưởng Trung đoàn 146 chỉ huy một lực lượng ra đóng giữ đảo. Ngày 19/4/1978 một lực lượng khác gồm 17 đồng chí ra thay cho bộ phận của đồng chí Nguyễn Trung Cang, chỉ huy trưởng lúc này là đồng chí Bùi Xuân Nhã. Do làm tốt công tác quán triệt và xác định tốt nhiệm vụ, sau gần 1 tháng khẩn trương xây dựng, trận địa, công sự chiến đấu hoàn tất; cán bộ, chiến sỹ ổn định, khắc phục khó khăn, quyết tâm bám trụ, bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo của Tổ Quốc.

 Hơn 30 năm chiến đấu, xây dựng, bảo vệ và trưởng thành cán bộ, chiến sỹ đảo Trường Sa Đông đã lập được thành tích xuất sắc, nhiều năm được khen thưởng; đặc biệt, năm 1982 đảo được Chủ tịch nước tặng huân chương lao động hạng nhất. Các năm 1979, 1982, 1986. 2005, 2009, 2009, 2010 và 2011 đảo được Bộ Tư lệnh quân chủng Hải Quân tặng danh hiệu đơn vị quyết thắng. Qua đợt kiểm tra của quân chủng Hải Quân vào tháng 3/2001 đảo được Bộ Tư lệnh Hải Quân tặng bằng khen; trong đợt kiểm tra đầu năm 2007, 2008, 2009 và 2010 đảo được Bộ Quốc phòng tặng bằng khen. Và cũng trong năm 2009, đảo vinh dự được Bộ Y tế tặng bằng khen về công tác chăm sóc sức khỏe của bộ đội và ngư dân cứu hộ, cứu nạn.

Đảo Phan Vinh

Đảo Phan Vinh tên gọi cũ là đảo Hòn Sập; đảo nằm ở 8058 vĩ độ Bắc, 11804130’’ kinh độ Đông, cách đảo Tốc Tan khoảng 12 hải lý về phía Tây, cách bãi đá Châu Viên do Trung Quốc chiếm giữ khoảng 47 hải lý về phía Đông, đảo nằm trên một nền san hô hình vành khuyên dài 5 hải lý theo hướng Đông Bắc, Tây Nam.

Đảo Phan Vinh có dạng vành tròn và nằm gần cuối phía Đông Bắc vành đai san hô. Khi  nước thủy triều xuống thấp ở giữa hướng Bắc và Đông Bắc, cách đảo khoảng 500m nổi lên một bãi san hô. Hiện nay ta đã xây dựng trên nền san hô đó một nhà lâu bền còn gọi là đảo Phan Vinh B.


Trên đảo không có giếng nước ngọt, do đó công tác tăng gia, trồng rau và cây xanh cũng gặp rất nhiều khó khăn; cán bộ, chiến sỹ của đảo đã chắt chiu, chia sẽ từng giọt để trồng cây. Trải qua hơn 3 thập kỷ sau ngày giải phóng, với ý chí và nghị lực cán bộ, chiến sỹ nơi đây đã cải tạo đảo Phan Vinh từ bãi đá san hô trở thành một hòn đảo xanh tươi, rợp bóng mát với các loại cây như bàng vuông, phong ba, muống biển và trồng được cây xanh cải thiện đời sống. Năm 2011, sản lượng tăng gia của đảo ước đạt trên 115 triệu đồng, trong đó rau xanh 4800kg, cá 1408kg, thịt các loại 1.024kg.

Đầu tháng 3/1978 tình hình khu vực Trường Sa xuất hiện nhiều diễn biến phức tạp: Philipin đã chiếm giữ đảo Panata, máy bay, tàu thuyền của đối phương liên tục hoạt động xâm phạm vùng trời, vùng biển trinh sát các đảo của ta. Chấp hành Nghị quyết của Đảng ủy Quân chủng Hải Quân, đầu 3/1978 đồng chí Cao Ánh Đăng chỉ huy trưởng Trung đoàn 146 và đồng chí đại úy Vũ Xuân Hà cùng 31 hạ sỹ quan, chiến sỹ trên Tàu 680 thuộc Trung đoàn 128 ra đóng tại đảo Phan Vinh. Đến ngày 29/3/1978, ta cơ bản hoàn thành tốt nhiệm vụ đóng giữ đảo; cán bộ, chiến sỹ đảo Phan Vinh rất vinh dự tự hào khi mang tên người anh hùng liệt sỹ Nguyễn Phan Vinh - Thuyền trưởng của con tàu không số, anh đã hy sinh anh dũng trên con đường Hồ Chí Minh huyền thoại trên biển khi thực hiện nhiệm vụ vận chuyển vũ khí, trang bị tiếp sức cho chiến trường miền Nam ruột thịt. Tấm gương hy sinh của Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh mãi để lại tuổi thanh xuân, thắm sắc biển xanh; ngời sáng chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tô thắm truyền thống cách mạng của hải quân nhân dân Việt Nam anh hùng.

Trải qua hơn 30 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành cán bộ, chiến sỹ đảo Phan Vinh đã lập được nhiều thành tích xuất sắc được Nhà nước tặng thưởng huân chương chiến công hạng nhất năm 1985. Bộ Tư lệnh Hải Quân tặng danh hiệu đơn vị quyết thắng trong các năm 1980, 1981, 1984, 1994, 1993, 2003, 2004 và 2006. Nhiều cá nhân được tặng thưởng huân chương các loại. Năm 2004 và 2006 được Tổng cục Chính trị tặng bằng khen; năm 1997, 1999, 2000 được Vùng 4 Hải Quân tặng bằng khen. Trong đợt kiểm tra đầu các năm 2007, 2008, 2009 và 2010 đảo được Bộ quốc phòng tặng bằng khen và Bộ Y tế tặng bằng khen vào năm 2009.
 
                                                                          Bảo Ngọc
customer-service.png THÔNG TIN LIÊN HỆ:

1478004194_map-icon.png Địa chỉ: 58 Tăng Bạt Hổ - T
hành phố Pleiku - Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269).3830 155
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269).3828414
1478004004_Mail.png  Email: ubndpleiku@gialai.gov.vn
 
contract-(4).png THÔNG TIN BẢN QUYỀN:

Bản quyền thuộc về UBND thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Hữu Sung - UVBTV Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Pleiku.
Giấy phép số: 01/GP-TTĐT ngày 24/02/2015 của Sở Thông tin và Truyền thông

Chung nhan Tin Nhiem Mang
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN

   Copyright © 2018 
Trang chủ | Tin tức Liên hệ | Mobile | Site map icontop.png