TIN TỨC

CHUYÊN MỤC

Tăng cường công tác quản lý chợ trên địa bàn thành phố

Ngày đăng bài: 24/06/2016
Chợ truyền thống có vai trò hết sức quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội, là nơi trao đổi cung cầu hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thiết yếu cho đại bộ phận dân cư trên địa bàn, góp phần thúc đẩy sản xuất trên các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và thương mại, dịch vụ.

Tính đến nay, trên địa bàn thành phố có 19 chợ, gồm 14 chợ thuộc phường và 05 chợ thuộc xã. Quy mô, cơ sở vật chất của các chợ gồm có 09 chợ được đầu tư kiên cố, 07 chợ bán kiến cố, 01 chợ có cơ sở vật chất tạm bợ, 01 chợ tạm (chợ đêm) và 01 chợ tự phát (chợ Bà Định). Hiện có 03 chợ thuộc UBND thành phố quản lý (TTTM Pleiku, chợ Hoa Lư và chợ Phù Đổng), 02 chợ hoạt động theo mô hình doanh nghiệp (chợ Chi Lăng và chợ Thống Nhất), 02 chợ hoạt động theo mô hình hợp tác xã (chợ An Phú và chợ An Mỹ) và các chợ còn lại thuộc UBND các xã, phường quản lý.

 Theo Quyết định số 1257/QĐ-UBND ngày 14/8/2007 của UBND tỉnh về quy hoạch hệ thống chợ thì mỗi xã, phường của thành phố được quy hoạch 01 chợ; hầu hết các chợ trên địa bàn được xây dựng trước thời điểm có quy hoạch chợ; từ năm 2007 đến nay, chợ Hoa Lư và chợ Phù Đổng được xây dựng mới vì phải chuyển vị trí hoạt động, riêng chợ Chi Lăng được xây dựng mới theo tiêu chí của quy hoạch.

(Ảnh: baogialai.com.vn)

Qua quá trình hoạt động, hệ thống chợ đã phát huy vai trò của chợ trong việc mở rộng giao lưu hàng hóa, phát triển thị trường, đáp ứng tốt nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội và phục vụ đời sống nhân dân trên địa bàn. Ngoài ra chợ đã giải quyết được một số lượng lớn việc làm cho người lao động và góp phần thu ngân sách Nhà nước.

Cùng với tốc độ tăng dân số, tăng trưởng kinh tế, nhu cầu mua sắm hàng hóa của dân cư qua hệ thống chợ có xu hướng ngày càng tăng lên. Tuy nhiên từ thực trạng quản lý phát triển chợ trong thời gian qua cho thấy hầu hết các chợ được đầu tư xây dựng đã lâu nên tiêu chuẩn thiết kế xây dựng không đảm bảo so với tiêu chuẩn quy định hiện hành; bên cạnh các chợ đã được đầu tư, cải tạo, nâng cấp đảm bảo phục vụ nhu cầu mua bán của dân cư, vẫn còn có chợ được hình thành tự phát, xây dựng tạm; số lượng chợ phân bố không đều theo quy mô dân cư, vì vậy ở một số khu vực, hiện tượng mua bán, lấn chiếm lòng lề đường tiếp tục hình thành một số “chợ cóc”, gây mất an toàn giao thông và ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị.

Vệ sinh môi trường tại một số chợ chưa được đảm bảo, ý thức giữ gìn vệ sinh của bà con trong chợ chưa cao. Trong công tác phòng cháy chữa cháy, ngoài Trung tâm thương mại Pleiku được đầu tư hệ thống phòng cháy chữa cháy khá đồng bộ, đảm bảo theo quy định, các chợ còn lại tuy được trang bị các thiết bị phòng cháy chữa cháy nhưng vẫn chưa đảm bảo yêu cầu. Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, chống bán hàng cấm, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, nói thách, văn minh trong giao tiếp,... có triển khai thực hiện nhưng chưa hiệu quả.

Vì vậy, việc tăng cường công tác quản lý chợ trên địa bàn là yêu cầu tất yếu của quá trình phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển thương mại nói riêng, đồng thời còn là bước cụ thể hóa thực hiện mục tiêu tổ chức lại hoạt động thương mại trên địa bàn theo hướng văn minh, hiện đại, rà soát, điều chỉnh chợ theo đúng quy hoạch, củng cố tổ chức bộ máy quản lý chợ và hoạt động giao thương mua bán tại chợ.

Nhằm tăng cường công tác quản lý chợ trên địa bàn thành phố, Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Thông tri yêu cầu các cấp ủy Đảng, các cơ quan, ban ngành, đoàn thể thành phố tổ chức triển khai thực hiện tốt quy hoạch mạng lưới chợ đến năm 2020 đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1257/QĐ-UBND ngày 14/8/2007. Tiếp tục rà soát, đề xuất điều chỉnh, bổ sung quy hoạch cho phù hợp với thực tiễn; đồng thời, tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát, thực hiện có hiệu quả công tác phát triển hệ thống chợ trên địa bàn thành phố theo quy hoạch. Đảm bảo ổn định hoạt động kinh doanh lâu dài đối với những chợ thuộc quy hoạch và đang hoạt động có hiệu quả.

 Kiện toàn lại Ban quản lý chợ hoặc tổ quản lý theo đúng thẩm quyền. Ban quản lý chợ thực hiện chức năng quản lý các hoạt động của chợ và tổ chức kinh doanh các dịch vụ tại chợ theo Thông tư 06/2003/TT-BTM ngày 15/8/2003 của Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương); thực hiện nghiêm nội quy, quy chế hoạt động chợ đã được phê duyệt. Tổ chức đánh giá hiện trạng chợ hiện có để tiến hành phân hạng lại các loại chợ trên địa bàn thành phố đảm bảo đúng quy trình quy định theo Nghị định 02/2003/NĐ-CP ngày 14/01/2003 và Nghị định 114/2009/NĐ-CP ngày 23/12/2009 của Chính phủ về quản lý và phát triển chợ.
 Đẩy mạnh chủ trương xã hội hóa nhằm huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp, phát triển mạng lưới chợ theo quy hoạch. Đối với chợ nông thôn, có kế hoạch đầu tư nâng cấp các chợ cho phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa bàn dân cư nhằm đảm bảo hoàn thành tiêu chí xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, phát hiện và xử lý các vi phạm về kinh doanh hàng cấm, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng tại chợ; chú trọng kiểm tra việc thực hiện các quy định về giá, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết; xử lý kịp thời các trường hợp đầu cơ, ép giá, găm hàng, đưa tin thất thiệt đẩy giá bán lên cao, gây bất ổn thị trường.

 Kiên quyết dẹp bỏ các chợ “cóc”, các sạp buôn bán tự phát trên các tuyến đường gây cản trở giao thông, ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến trật tự, mỹ quan đô thị; chỉ đạo kiểm tra, chấn chỉnh các chợ trong việc tổ chức, bố trí, sắp xếp các ngành hàng, hộ kinh doanh đảm bảo an ninh trật tự, an toàn phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị.  Thực hiện tốt công tác tuyên truyền để thương nhân và người tiêu dùng hiểu rõ và chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về địa điểm kinh doanh, mua bán; về chủ trương xây dựng chợ mới, di dời chợ, sắp xếp lại các chợ... Trước mắt, tập trung chỉ đạo việc chuyển chợ Phù Đổng, chợ Hoa Lư, chợ Chi Lăng vào địa điểm mới, xử lý nghiêm minh các trường hợp cản trở, không chấp hành các quy định của Nhà nước. Chuẩn bị tốt các điều kiện để thực hiện chủ tương của tỉnh về đầu tư xây dựng Trung tâm thương mại Pleiku; sắp xếp ổn định hoạt động của chợ đầu mối, kêu gọi đầu tư xây dựng chợ Đêm trên địa bàn thành phố; lập phương án sáp xếp lại chợ Bà Định (tục danh) cho phù hợp, không để chợ tiếp tục mở rộng một cách tự phát như thời gian qua./.
Bích Vân
customer-service.png THÔNG TIN LIÊN HỆ:

1478004194_map-icon.png Địa chỉ: 58 Tăng Bạt Hổ - T
hành phố Pleiku - Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269).3830 155
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269).3828414
1478004004_Mail.png  Email: ubndpleiku@gialai.gov.vn
 
contract-(4).png THÔNG TIN BẢN QUYỀN:

Bản quyền thuộc về UBND thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Hữu Sung - UVBTV Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Pleiku.
Giấy phép số: 01/GP-TTĐT ngày 24/02/2015 của Sở Thông tin và Truyền thông

Chung nhan Tin Nhiem Mang
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN

   Copyright © 2018 
Trang chủ | Tin tức Liên hệ | Mobile | Site map icontop.png