TIN TỨC

CHUYÊN MỤC

Một số vấn đề vướng mắc trong thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 trên địa bàn thành phố Pleiku

Ngày đăng bài: 15/09/2014
Kể từ khi Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 có hiệu lực từ ngày 01/7/2013, Chủ tịch UBND thành phố Pleiku đã ban hành  663 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính và Quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội như xây dựng, đất đai, thuế, kế toán, giáo dục và đào tạo, môi trường, an ninh trật tự, giao thông đường bộ, văn hoá thông tin….,  nhìn chung các Quyết định xử phạt vi phạm hành chính được ban hành đúng thời hạn, đúng thể thức quy định tại Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 và Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật Xử lý vi phạm hành chính cũng  như các Nghị định chuyên ngành. Các cá nhân, tổ chức vi phạm đều nghiêm chỉnh chấp hành các Quyết định xử phạt bao gồm thực hiện hình thức phạt chính, hình thức xử phạt bổ sung và các biện pháp khắc phục hậu quả…. góp phần ổn định trật tự, tăng cường việc chấp hành pháp luật trong đời sống xã hội.

Tuy nhiên trong quá trình triển khai thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 và Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật Xử lý vi phạm hành chính trên thực tế cũng còn một số vướng mắc cụ thể:

Thứ nhất: Về quyền giải trình của cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm quy định tại điều 61 Luật Xử lý vi phạm hành chính:

Đối với hành vi vi phạm hành chính mà pháp luật quy định áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc áp dụng mức phạt tiền tối đa của khung tiền phạt đối với hành vi đó từ 15.000.000 đồng trở lên đối với cá nhân, từ 30.000.000 đồng trở lên đối với tổ chức thì cá nhân, tổ chức vi phạm có quyền giải trình trực tiếp hoặc bằng văn bản với người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. Người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm xem xét ý kiến giải trình của cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính trước khi ra quyết định xử phạt, trừ trường hợp cá nhân, tổ chức không có yêu cầu giải trình trong thời hạn quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.  Mặc dù quyền giải trình, cơ quan tiếp nhận giải trình phải được ghi rõ trong biên bản vi phạm hành chính, tuy nhiên hầu hết cá nhân, tổ chức có vi phạm hành chính chưa được phổ biến sâu rộng về quyền giải trình và ngại va chạm nên không thực hiện yêu cầu này dẫn tới cho đến nay thành phố vẫn chưa giải quyết một yêu cầu nào từ các Quyết định được ban hành mà pháp luật quy định có quyền giải trình.

Thứ hai: Về thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính (tại điều 66 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012) quy định:

1. Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính. Đối với vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp mà không thuộc trường hợp giải trình hoặc đối với vụ việc thuộc trường hợp giải trình theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 61 của Luật này thì thời hạn ra quyết định xử phạt tối đa là 30 ngày, kể từ ngày lập biên bản.

Trường hợp vụ việc đặc biệt nghiêm trọng, có nhiều tình tiết phức tạp và thuộc trường hợp giải trình theo quy định tại đoạn 2 khoản 2 và khoản 3 Điều 61 của Luật này mà cần có thêm thời gian để xác minh, thu thập chứng cứ thì người có thẩm quyền đang giải quyết vụ việc phải báo cáo thủ trưởng trực tiếp của mình bằng văn bản để xin gia hạn; việc gia hạn phải bằng văn bản, thời hạn gia hạn không được quá 30 ngày. Tuy nhiên  trong phần giải thích từ ngữ tại điều 2 của luật không giải thích như thế nào là vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp và vụ việc đặc biệt nghiêm trọng cũng như ai có thẩm quyền xác định các tình tiết nêu trên dẫn tới một số khó khăn để xác định thời hạn ra quyết định. Nếu xác định cụ thể như các quy định về tình tiết giảm nhẹ ( điều 9), tình tiết tăng nặng ( điều 10) sẽ cụ thể hơn để người có thẩm quyền xử phạt xác định thời hạn.

Thứ 3: Về thực hiện Quyết định xử phạt vi phạm hành chính quy định tại  khoản 2, điều 68 của luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 như sau:

Thời hạn thi hành quyết định là 10 ngày, kể từ ngày nhận quyết định xử phạt; trường hợp quyết định xử phạt có ghi thời hạn thi hành nhiều hơn 10 ngày thì thực hiện theo thời hạn đó.Theo quy định trên thì trường hợp tổ chức cá nhân vi phạm không thực hiện Quyết định sẽ bị cưỡng chế thi hành. Tuy nhiên  cũng tại điểm I, khoản 1 điều 68 của luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 ghi nhận về Quyền khiếu nại, khởi kiện đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính của cá nhân, tổ chức vi phạm.

Như vậy, những quy định này có sự mâu thuẫn với nhau, vì nếu người vi phạm không thực hiện đúng thời hạn thì bị cưỡng chế theo quy định tại luật xử lý vi phạm hành chính nhưng cũng trong thời gian đó, người vi phạm thực hiện quyền khiếu nại, khởi kiện đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì phải áp dụng thời hiệu, thời hạn theo quy định tại luật Khiếu nại 2011 hoặc Luật Tố tụng hành chính 2010, đây là một khó khăn trên thực tế mà khi tổ chức thi hành Quyết định xử phạt gặp phải.

Thứ tư:  Quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính quyb định tại điều 86, luật Xử lý vi phạm hành chính 2012.

Cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt được áp dụng trong trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt theo quy định tại Điều 73 của Luật này.

Các biện pháp cưỡng chế bao gồm:

a) Khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập, khấu trừ tiền từ tài khoản của cá nhân, tổ chức vi phạm;

b) Kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá;

c) Thu tiền, tài sản khác của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính do cá nhân, tổ chức khác đang giữ trong trường hợp cá nhân, tổ chức sau khi vi phạm cố tình tẩu tán tài sản.

d) Buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 1 Điều 28 của Luật này.

Trên thực tế một số hành vi vi phạm hành chính như lấn chiếm lòng lề đường làm nơi buôn bán nhỏ, xây dựng nhà cấp 4 trên đất nông nghiệp chưa chuyển mục đích sử dụng đất…. đa số là người nghèo, tài sản không có nên việc  cưỡng chế đểt thi hành Quyết định xử phạt gặp nhiều khó khăn, việc kê biên bán đấu giá tài sản tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá phải qua một quy trình phức tạp dẫn tới việc thực hiện Quyết định chưa đạt hiệu quả cao.

Trên đây, là một số vướng mắc trong thực tế trong việc thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 trên địa bàn thành phố trong thời gian qua. Các vướng mắc này được quan tâm, giải quyết sẽ làm cho công tác xử phạt vi phạm hành chính trở nên hiệu quả cao hơn góp phần tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong đời sống xã hội.

Khánh Toàn
 
 
customer-service.png THÔNG TIN LIÊN HỆ:

1478004194_map-icon.png Địa chỉ: 58 Tăng Bạt Hổ - T
hành phố Pleiku - Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269).3830 155
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269).3828414
1478004004_Mail.png  Email: ubndpleiku@gialai.gov.vn
 
contract-(4).png THÔNG TIN BẢN QUYỀN:

Bản quyền thuộc về UBND thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Hữu Sung - UVBTV Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Pleiku.
Giấy phép số: 01/GP-TTĐT ngày 24/02/2015 của Sở Thông tin và Truyền thông

Chung nhan Tin Nhiem Mang
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN

   Copyright © 2018 
Trang chủ | Tin tức Liên hệ | Mobile | Site map icontop.png