Phường Phù Đổng tổ chức Hội nghị học tập nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 6 khóa XII của Đảng

Phường Phù Đổng tổ chức Hội nghị học tập nghiên cứu, quán triệt  Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 6 khóa XII của Đảng

Trong thời gian từ ngày 15/01 đến ngày 19/01/2018, Đảng bộ phường Phù Đổng tổ chức quán triệt Nghị quyết cho hơn 350 đảng viên và cán bộ quân dân chính là quần chúng trong toàn Đảng bộ phường với các nội dung về 4 Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 6 khóa XII của Đảng gồm: Nghị quyết số 18 – NQ/TW  “Một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Nghị quyết số 19 – NQ/TW  “Về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”. Nghị quyết số 20 – NQ/TW  “Về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới”. Nghị quyết số 21 – NQ/TW  “Về công tác dân số trong tình hình mới”.

Đồng chí Nguyễn Xanh- Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường và các đồng chí thường trực Đảng ủy phường báo cáo 4 nội dung trên.
 
Về Nghị quyết “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Đây là đột phá tại Hội nghị Trung ương 6 với việc rà soát, sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn đầu mối bên trong các tổ chức trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở xã, phường, thị trấn. Quan điểm chỉ đạo của Đảng: trong thời gian tới, toàn hệ thống chính trị phải chủ động, tích cực, có quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn và hành động quyết liệt, coi đó là nhiệm vụ cơ bản, quan trọng để đổi mới hệ thống chính trị đồng bộ với đổi mới kinh tế, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước; Giữ vững các nguyên tắc tổ chức, hoạt động và đề cao kỷ luật, kỷ cương của Đảng, pháp luật của Nhà nước; nghiêm túc thực hiện nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo việc đổi mới, sắp xếp và quản lý tổ chức bộ máy, biên chế của hệ thống chính trị. Bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung thống nhất của Trung ương, đồng thời phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của từng cấp, từng ngành, từng địa phương; xác định rõ trách nhiệm của tập thể và cá nhân, nhất là người đứng đầu; Bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, liên thông; kết hợp hài hoà giữa kế thừa, ổn định với đổi mới, phát triển; gắn đổi mới tổ chức bộ máy với đổi mới phương thức lãnh đạo, tinh giản biên chế và cải cách chế độ tiền lương; cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; thu hút người có đức, có tài; bố trí đủ nguồn lực cần thiết và có cơ chế, chính sách phù hợp đối với những người chịu tác động trực tiếp trong quá trình sắp xếp… Nhiệm vụ và giải pháp đối với chính quyền địa phương Nghị quyết nêu rõ: Tiếp tục sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện thể chế xây dựng chính quyền địa phương theo hướng phân định rõ hơn tổ chức bộ máy chính quyền đô thị, nông thôn, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; chủ động thí điểm ở những nơi có đủ điều kiện. Nghiên cứu, thực hiện giảm hợp lý số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp và giảm đại biểu Hội đồng nhân dân công tác ở các cơ quan quản lý nhà nước; giảm số lượng phó chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, gắn với nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động để thực hiện từ nhiệm kỳ 2021 - 2026…

nq-pd1-(1).jpg

Về Nghị quyết “Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả các đơn vị sự nghiệp công lập”. Cùng với việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Quan điểm chỉ đạo của Đảng về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập là một trong những nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên hàng đầu, là nhiệm vụ chính trị vừa cấp bách, vừa lâu dài của tất cả các cấp uỷ đảng, chính quyền và toàn hệ thống chính trị. Nhà nước phải chăm lo bảo đảm cung cấp dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu; nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ sự nghiệp công cho mọi tầng lớp nhân dân trên cơ sở tăng cường đầu tư từ ngân sách nhà nước; giữ vững, phát huy tốt hơn nữa vai trò chủ đạo, vị trí then chốt, bản chất tốt đẹp của các đơn vị sự nghiệp công lập. Đẩy mạnh xã hội hoá, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển lành mạnh thị trường dịch vụ sự nghiệp công trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm toàn diện về thực hiện nhiệm vụ, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập…

Về Nghị quyết “tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới”. Với quan điểm chỉ đạo: Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ là nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi người dân, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, đòi hỏi sự tham gia tích cực của các cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, các ngành, trong đó Y tế là lực lượng nòng cốt hàng đầu. Nhà nước ưu tiên đầu tư ngân sách và có cơ chế, chính sách huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực để bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân; tổ chức cung cấp dịch vụ công, bảo đảm các dịch vụ cơ bản, đồng thời khuyến khích hợp tác công - tư, đầu tư tư nhân, cung cấp các dịch vụ theo yêu cầu. Hệ thống mạng lưới y tế phải rộng khắp, gần dân; được chỉ đạo thống nhất, xuyên suốt về chuyên môn, nghiệp vụ theo ngành từ Trung ương tới địa phương trong phạm vi cả nước, đồng thời bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền địa phương. Không ngừng phấn đấu nâng cao sức khoẻ, tầm vóc, tuổi thọ, chất lượng cuộc sống của người Việt Nam; bảo đảm mọi người dân đều được bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khoẻ; bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong việc tham gia và hưởng thụ bảo hiểm y tế và các dịch vụ có liên quan.

- Về Nghị quyết “Công tác dân số trong tình hình mới”. Nước ta bắt đầu bước vào thời kỳ dân số vàng từ năm 2007 và dự kiến đạt đỉnh cao vào khoảng thời gian năm 2020 - 2030 với số người trong độ tuổi lao động chiếm khoảng 70% dân số; tuổi thọ trung bình từ 65,3 tuổi lên 73,4 tuổi; dịch vụ dân số - kế hoạch hoá gia đình ngày càng có chất lượng. Tuy nhiên, dưới tác động của quá trình toàn cầu hoá, công nghiệp hoá, biến đổi khí hậu và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và một số thay đổi về điều kiện, môi trường sinh thái, môi trường sống và làm việc đã tác động đến sự thay đổi trong lĩnh vực dân số. Với quan điểm chỉ đạo Công tác dân số là nhiệm vụ chiến lược, vừa cấp thiết vừa lâu dài; là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân. Tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển. Công tác dân số phải chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo đảm phát triển nhanh, bền vững. Chính sách dân số phải bảo đảm cân bằng, hài hòa giữa quyền và nghĩa vụ của mọi người dân; giữa việc tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi với thực thi nghiêm kỷ cương pháp luật; giữa việc mở rộng, ứng dụng các kỹ thuật mới với việc nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân. Đầu tư cho công tác dân số là đầu tư cho phát triển. Nhà nước ưu tiên bố trí ngân sách, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa; tranh thủ sự hỗ trợ của quốc tế để bảo đảm nguồn lực cho công tác dân số. Tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với trọng tâm công tác dân số trong từng thời kỳ, bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất của cấp ủy, chính quyền các cấp và sự quản lý chuyên môn nghiệp vụ.

Qua 6 buổi truyền đạt, đảng viên và cán bộ quân dân chính trong phường Phù Đổng sẽ tiếp tục nghiên cứu và thực hiện đồng bộ với các nghị quyết, các văn bản chỉ đạo của các cấp và của phường Phù Đổng để góp phần hoàn thành nhiệm vụ chung của phường trong thời gian đến./.
 
                                                                                Tin, ảnh: Duy Lâm

Quay lại