TP. Pleiku: Nâng cao chất lượng hệ thống chính trị xã, phường

TP. Pleiku: Nâng cao chất lượng hệ thống chính trị xã, phường

Hệ thống chính trị ở cơ sở có vai trò quan trọng trong tổ chức triển khai và vận động nhân dân đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống có hiệu quả, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương; trong những năm qua, thành phố Pleiku đã đặc biệt quan tâm đến công tác đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị xã, phường trên địa bàn thành phố và đạt được nhiều kết quả.

Các cấp ủy đảng, các tổ chức trong hệ thống chính trị và cán bộ, đảng viên đã nâng cao nhận thức, tích cực xây dựng hệ thống chính trị xã, phường theo yêu cầu thời kỳ mới; chất lượng hoạt động của cấp ủy, tổ chức đảng được nâng cao, giữ vững và làm tốt vai trò hạt nhân chính trị ở cơ sở, từng bước làm việc đảm bảo nguyên tắc, chức năng nhiệm vụ, quy chế, kế hoạch công tác. Phương thức lãnh đạo, chất lượng sinh hoạt cấp ủy, chi bộ có nhiều cải tiến, hiệu quả làm việc ngày càng cao. Hoạt động của HĐND chuyển biến tích cực theo hướng làm tốt vai trò cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, cụ thể hóa nghị quyết của Đảng, quyết định các chủ trương phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; giữ vững an ninh - quốc phòng; giám sát các cơ quan hành chính, đại diện quyền làm chủ cho cử tri. UBND thực hiện tốt hơn chức năng quản lý hành chính Nhà nước theo đúng đường lối, chủ trương của Đảng, các quy định pháp luật, cải cách nhiều thủ tục hành chính, bộ máy từng bước tinh thông, giảm được phiền hà cho nhân dân. Mặt trận và các đoàn thể tăng cường bám dân, bám cơ sở, cải tiến phương thức và nội dung hoạt động, đẩy mạnh các cuộc vận động lớn, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, phát triển đoàn, hội viên vào tổ chức. Công tác kết nghĩa với các làng đồng bào dân tộc thiểu số thường xuyên được chú trọng và đi vào chiều sâu.

Tập trung đầu tư phát triển nhiều mặt cho cơ sở, xây dựng tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ. Chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở được nâng lên đáng kể, ngày càng trẻ hóa, có kiến thức chuyên môn, năng lực thực tiễn, có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức tốt, nhiệt tình công tác. Công tác cán bộ ngày càng đi vào nề nếp, bảo đảm sự lãnh đạo của cấp ủy đảng theo phân cấp. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đồng thời tuyển dụng nguồn nhân lực mới, trẻ, có trình độ được chú trọng, có nhiều chính sách khuyến khích cán bộ, công chức xã, phường tham gia học tập, nâng cao trình độ năng lực, chuyên môn nghiệp vụ, hướng đúng mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức xã, phường của thành phố có tính chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác của địa phương trong tình hình mới.

Theo đó, nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, từ năm 2010 đến nay, đảng bộ các xã, phường đã chia tách, thành lập mới 16 chi bộ địa bàn khu dân cư, đưa số thôn, làng, tổ dân phố có chi bộ độc lập lên 254/254, đạt 100%; hoàn thành chỉ tiêu nghị quyết về xóa thôn, làng, tổ dân phố chưa có chi bộ độc lập vào năm 2011. Công tác tạo nguồn, bồi dưỡng phát triển đảng viên ngày càng được chú trọng, từ năm 2010 đến nay, đảng ủy các xã, phường đã kết nạp được 836 đảng viên, trong đó kết nạp tại khu dân cư 381 đảng viên, đạt 45,6%. Chất lượng đội ngũ cán bộ cấp ủy xã, phường ngày càng được nâng lên. Công tác đánh giá chất lượng tổ chức đảng hàng năm theo hướng dẫn của Trung ương gắn với việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) được các cấp ủy đảng chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm túc, ngày càng đi vào chiều sâu và thực chất. Quy chế làm việc cấp ủy đảng thường xuyên được rà soát, bổ sung, hoàn thiện và thực hiện theo các Quy định số 94, 95 của Ban Bí thư (khóa IX). 

Số đại biểu HĐND các xã, phường nhiệm kỳ 2016- 2021 có 605 đại biểu, tăng 03 đại biểu so với nhiệm kỳ 2011-2016. Các nghị quyết của HĐND được ban hành đều bảo đảm yêu cầu thực tiễn và nguyện vọng của nhân dân. Hoạt động giám sát của HĐND đảm bảo đúng luật định, ngày càng có hiệu quả và thiết thực. Các vấn đề quan trọng của địa phương được đưa ra thảo luận công khai, dân chủ và quyết định tại kỳ họp. HĐND các xã, phường đã xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể để thực hiện tốt nhiệm vụ giám sát. Trình độ chuyên môn nghiệp vụ và lý luận chính trị của đại biểu HĐND được nâng lên, cơ cấu thành phần đại biểu nhìn chung đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, HĐND và UBND thành phố, UBND các xã, phường trong những năm gần đây có nhiều chuyển biến tích cực, việc triển khai chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, văn bản của cơ quan cấp trên được kịp thời nhanh chóng. Hiệu lực, hiệu quả quản lý điều hành của UBND ở các xã, phường có nhiều tiến bộ, các bộ phận chuyên môn của UBND được chuẩn hóa theo quy định. Ý thức trách nhiệm và lề lối làm việc của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt ngày càng được nâng lên.

Tổng số thành viên UBND cấp xã của thành phố hiện có 94 đồng chí, giảm 06 đồng chí so với năm 2009, hiện đang khuyết 02 đồng chí. Cơ cấu thành phần đảm bảo theo quy định của Luật Chính quyền địa phương và phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương. Tính đến nay, 23/23 xã, phường đã bố trí cơ bản đủ các chức danh theo quy định. Hiện nay, có 241 cán bộ công chức xã, phường, thiếu 17 công chức theo quy định. 

Việc thực hiện quy chế dân chủ được chú trọng, các xã, phường đều thành lập ban chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ; các thôn, làng, tổ dân phố đều xây dựng quy ước, hương ước. Qua đánh giá phân loại chất lượng chính quyền, trung bình hàng năm có 98,3% xã, phường được xếp loại khá trở lên (trong đó, 74% xã, phường được xếp loại ở mức cao nhất), tăng 28,3 % so với kế hoạch đề ra; có 98,6% thôn, làng, tổ dân phố đạt loại khá trở lên, tăng 33,6% so với kế hoạch; có 90,9% khu dân cư văn hóa, tăng 25,9% so với kế hoạch; tỷ lệ gia đình văn hóa hàng năm đạt trên 90%.

Tổng số cán bộ là trưởng, phó khối mặt trận, đoàn thể các xã, phường hiện có 228 người, trong đó, đảng viên 184 người (chiếm 80,7%), nữ 93 người (chiếm 40,8%), dân tộc thiểu số 10 người (chiếm 4,4%). Qua đánh giá phân loại chất lượng hàng năm, trung bình có trên 96% mặt trận, đoàn thể các xã, phường xếp loại khá trở lên (trong đó, trên 75% đạt vững mạnh); đội ngũ cán bộ là trưởng, phó mặt trận và các đoàn thể xã, phường có trên 90% xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ. Bộ máy tổ chức của mặt trận và các đoàn thể ngoài các chức danh chuyên trách 113 đồng chí, khuyết 01 đồng chí, các xã, phường đều bố trí đủ các chức danh không chuyên trách theo quy định.

Công tác tuyên truyền, vận động tại làng Kép của Hội Phụ nữ phường Đống Đa, TP.Pleiku.

Đối với công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý ở xã, phường đã có nhiều chuyển biến tích cực, thực hiện đúng quy trình, chặt chẽ, bảo đảm khách quan, dân chủ, coi trọng tiêu chuẩn và năng lực thực tiễn, lấy hiệu quả thực hiện nhiệm vụ và tín nhiệm làm thước đo phẩm chất, năng lực cán bộ. Việc đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí, bổ nhiệm và giới thiệu bầu cử đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý các xã, phường đều căn cứ vào quy hoạch cán bộ đã được thành phố phê duyệt. Do đó, công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý của các xã, phường trong thời gian qua đã từng bước đưa cán bộ trong quy hoạch vào các vị trí phù hợp, phục vụ kịp thời cho công tác nhân sự đại hội đảng, bầu cử HĐND-UBND, mặt trận và các đoàn thể và đào tạo bồi dưỡng sắp xếp, bố trí cán bộ trong hệ thống chính trị.

Thời gian qua, thành phố Pleiku triển khai và thực hiện tốt Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 26/3/2002 của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố (khóa VIII) về “Công tác cán bộ và tạo nguồn cán bộ”, Đề án số 02-ĐA/TU ngày 31/5/2013 của Ban Thường vụ Thành uỷ về “Đào tạo, bồi dưỡng và tạo nguồn cán bộ là người đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2013- 2015 và đến năm 2020”. Cán bộ được hợp đồng theo Nghị quyết 04, Đề án số 02 đã phát huy được năng lực chuyên môn, có tinh thần cầu thị, phấn đấu trong công tác. Sau khi được tuyển dụng đã trưởng thành về mọi mặt, được giới thiệu bổ nhiệm giữ các chức vụ lãnh đạo như: Phó bí thư đảng ủy, chủ tịch UBND xã, phường; phó chủ tịch HĐND-UBND xã, phường; bí thư đoàn phường, chủ tịch hội nông dân xã... 

Xác định công tác đào tạo, bồi dưỡng là giải pháp cơ bản nhất để nâng cao trình độ và tính chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ, công chức, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Từ năm 2011 đến nay, thành phố đã cử 190 cán bộ xã, phường đi học các lớp trung cấp, cao đẳng, đại học và trên đại học để nâng cao trình độ chuyên môn; cử 100 cán bộ đi học các lớp bồi dưỡng quản lý nhà nước, tổ chức mở và cử gần 232 cán bộ đi học các lớp sơ cấp, trung cấp và cao cấp chính trị nhằm nâng cao nhận thức chính trị, kiến thức lãnh đạo quản lý cho cán bộ, đảng viên.

Từ năm 2010 đến nay, thành phố đã điều động, luân chuyển từ thành phố về xã, phường 18 đồng chí; điều động, luân chuyển từ xã, phường về cơ quan thành phố 20 đồng chí; điều động, luân chuyển giữa các xã, phường 22 đồng chí. Một số cán bộ sau thời gian luân chuyển đã trưởng thành về nhiều mặt, nhất là cán bộ được luân chuyển về xã, phường đã hình thành phong cách làm việc bao quát toàn diện, sâu sát thực tiễn, có trách nhiệm với dân, kỹ năng xử lý năng động, phù hợp...đội ngũ cán bộ, công chức ở xã, phường thường xuyên được củng cố, kiện toàn về nhiều mặt. Phẩm chất chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, năng lực quản lý, điều hành được nâng lên. Cán bộ, công chức đảm bảo số lượng và chất lượng, các vị trí công chức đã được chuẩn hóa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của địa phương./.
Bài, ảnh: Thanh Thúy
 

Quay lại