Phòng Kinh tế TP. Pleiku: Hội nghị tập huấn chương trình OCOP thành phố Pleiku năm 2019

Phòng Kinh tế TP. Pleiku: Hội nghị tập huấn chương trình OCOP thành phố Pleiku năm 2019

Ngày 03/10/2019, phòng Kinh tế thành phố đã tổ chức Hội nghị tập huấn chương trình OCOP thành phố Pleiku năm 2019 cho hơn 200 học viên trên địa bàn thành phố.

tap-huan-(1).jpg

Tại lớp tập huấn, các học viên được ông Y Nguyên Ynuol - Phó Chi cục trưởng Phụ trách chi cục Phát triển nông thôn và bà Nguyễn Hoàng Bảo Ngân – Chuyên viên chi cục Phát triển nông thôn – Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai hướng dẫn chi tiết nội dung cơ bản của Chương trình mỗi xã một sản phẩm; Chu trình OCOP và các biểu mẫu; Hồ sơ sản phẩm đánh giá tại cấp huyện; Hội đồng đánh giá sản phẩm cấp huyện, Hướng dẫn chấm điểm một số sản phẩm của các đơn vị.

Theo đõ, chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP: OCOP tên tiếng anh là: One Commune One Product) là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn, là nhiệm vụ trọng tâm trong Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đồng thời khuyến khích thực hiện Chương trình ở cả khu vực đô thị (các phường); 01 sản phẩm có thể được sản xuất trên địa bàn nhiều xã và không nhất thiết mỗi xã phải có 01 sản phẩm. Chương trình OCOP sẽ tác động mạnh mẽ tới thương hiệu, chất lượng hàng hóa, dịch vụ nông nghiệp; đây là một Chương trình kinh tế nên phải thực hiện theo quy luật của kinh tế thị trường; Vì vậy mà chính quyền, nhà nước không thể áp đặt ý chí chủ quan, mệnh lệnh hành chính trong sản xuất các sản phẩm OCOP mà phải phát huy được tính sáng tạo của mỗi cộng đồng dân cư, mỗi người dân trong thực hiện Chương trình.

 Chủ thể thực hiện chương trình: Lấy các hợp tác xã, các doanh nghiệp nhỏ và vừa làm nòng cốt cùng với tổ hợp tác, Cơ sở, các hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh. Sản phẩm tham gia chương trình như: thực phẩm, đồ uống, dược liệu, vải may mặc, lưu niệm, nội thất, thủ công mỹ nghệ, dịch vụ du lịch nông thôn... là sản phẩm hàng hóa và sản phẩm dịch vụ có nguồn gốc từ địa phương, hoặc được thuần hóa, đặc biệt là đặc sản vùng miền, trên cơ sở khai thác lợi thế so sánh về điều kiện tự nhiên sinh thái, nguồn gen, văn hóa, tri thức và công nghệ địa phương.

Quyền lợi và trách nhiệm của chủ thể sản xuất có sản phẩm được cấp giấy Công nhận và xếp hạng sản phẩm OCOP, cụ thể:

Quyền lợi: Được xem xét hỗ trợ xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm... theo quy định để chủ thể sản xuất tiếp tục thực hiện việc hoàn thiện, nâng cấp các sản phẩm đã được cấp Giấy công nhận và xếp hạng sản phẩm; được hỗ trợ quản lý nhãn  hiệu sản phẩm bao gồm chi phí đăng ký nhãn hiệu sản phẩm, hỗ trợ chi phí thiết kế nhãn hiệu sản phẩm tham gia chu trình OCOP, in tem, giấy chứng nhận; Được sử dụng Logo của Chương trình OCOP Trung ương; Được đăng tải thông tin, giới thiệu, quảng bá sản phẩm trên các phương tiện thông tin như: Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh Gia Lai, Báo Gia Lai, Cổng thông tin điện tử tỉnh Gia Lai, Website của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai, Website của Sở Công Thương tỉnh Gia Lai...

Trách nhiệm: Tiếp tục duy trì, hoàn thiện, nâng cấp, phát triển các sản phẩm đã được cấp Giấy công nhận và xếp hạng sản phẩm nhằm đăng ký tham gia đánhgiá để được xếp hạng sao cao hơn ở cấp tỉnh, cấp Trung ương.

Hội nghị lần này có ý nghĩa quan trọng, tạo bước chuyển mới, khí thế mới trong thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, góp phần phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống nhân dân. Để phát triển chương trình cần phát triển và bảo tồn làng nghề, phát huy được giá trị văn hóa truyền thống trong các sản phẩm; tập trung các sản phẩm đã có thương hiệu, đồng thời tạo ra sản phẩm mới có sức cạnh tranh, gắn sản xuất với thị trường; phải lấy người dân, các hộ gia đình là chủ thể sản xuất, lấy doanh nghiệp, HTX làm động lực trong sản xuất, tìm kiếm thị trường, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu, tổ chức sản xuất; huy động nguồn lực phát huy kinh tế phi nông nghiệp ở nông thôn, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi nhất để phát triển sản xuất, kinh doanh./.
Đinh Hoa
 

Quay lại